Trọn đời với Đảng, với Dân
 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở Bắc Ninh, 15 tuổi đồng chí Nguyễn Văn Trân (ảnh) ra Hà Nội học nghề in. Năm 1936, đồng chí được giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng, tham gia nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi, giữ nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đến nay, 96 tuổi đời, 76 năm tuổi đảng, nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn, đồng chí thân tình chia sẻ với phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng về quá trình hoạt động cách mạng và cảm nhận về những đổi thay to lớn trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng, của dân tộc.

Con đường cách mạng

Sau khi được kết nạp vào Đảng, tôi được Đảng cử vào Đoàn đại biểu công nhân Bắc kỳ với danh nghĩa đại biểu thợ in cùng đồng chí Văn Tiến Dũng (đại biểu thợ dệt) và một số đại biểu khác lên gặp Thống sứ Bắc kỳ để đòi thành lập Nghiệp đoàn các ngành nghề theo Luật Nghiệp đoàn của Pháp. Nhưng lúc này, Pháp chỉ chấp thuận cho ta thành lập Hội ái hữu. Từ đây, phong trào công nhân khắp cả nước rầm rộ dâng cao. Tôi tham gia tổ chức nhiều cuộc mít-tinh của công nhân, trở thành Thành ủy viên Hà Nội từ năm 1938. Năm 1939, tôi được Đảng giao tổ chức việc in ấn báo Cờ giải phóng. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, tổ chức bị lộ, tôi bị bắt và bị đày lên nhà tù Sơn La. Cũng chính tại Nhà tù - trường học cách mạng này, tôi có cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc và học hỏi nhiều đồng chí của mình như Tô Hiệu, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị… Tôi được bầu vào Chi ủy Chi bộ nhà tù và cùng Chi bộ nâng cao tinh thần cách mạng, bồi dưỡng trình độ chính trị, văn hoá và kinh nghiệm vận động, tổ chức quần chúng. Nhiều đồng chí của ta đã thực sự trưởng thành từ nhà tù Sơn La. Năm 1944, tôi được tổ chức vượt ngục thành công và về tham gia chiến đấu ở Hà Nội. Tôi được Trung ương quyết định giao tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách công tác công vận. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi được Đảng, Chính phủ cử làm Phó chủ tịch ủy ban Hành chính Bắc bộ. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tôi được Trung ương và Bác Hồ điều về làm Bí thư Thủ đô kháng chiến. Thời gian đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp, Chính phủ thành lập các liên khu, sau khi quân ta rút khỏi Hà Nội, tôi được cử làm Bí thư Liên khu ủy III kiêm Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu. Năm 1951, Trung ương lại điều tôi về ATK làm Phó ban (Phó chủ nhiệm) Ủy ban Kiểm tra kiêm Phó tổng Thanh tra, rồi Tổng Thanh tra Chính phủ. Đầu năm 1953, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở chiến dịch tiêu diệt căn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, cần một lực lượng để cung cấp lương thực cho mặt trận. Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương để phối hợp với Ban Hậu cần quân đội, đảm bảo thật tốt công tác này. Tôi được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng cung cấp, giúp việc cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng lúc đó trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng. Thời gian này, cùng với những cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi cùng nhiều đồng chí đã góp phần giải quyết những căng thẳng về lương thực và các nhu cầu của Quân đội chi viện cho tiền tuyến.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tôi được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện, rồi lại chuyển sang phụ trách Bộ Công nghiệp nặng, đồng thời tham gia ủy ban Quốc phòng. Những năm 1966-1974, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc tôi trở về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi miền Nam giải phóng, tôi được Trung ương cử vào Nam, tham gia Trung ương cục miền Nam để nghiên cứu kinh tế và tiếp quản miền Nam. Năm 1978, tôi trở ra miền Bắc và được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương kiêm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý Trung ương. Năm 1989, tôi được tham gia tổ nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1989-1999 để trình Đại hội VII của Đảng. Đến năm 1991, tôi mới thực sự nghỉ hưu.

Dân làm gốc, giang sơn vững chãi

Đảng dẫn đường, đất nước phồn vinh.

                     Văn Ngọc Lễ

Luôn tận tâm, tận trí, tận lực hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao

Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, bản thân là một người thợ. Được Đảng giác ngộ và trưởng thành qua những nhiệm vụ Đảng giao trong các phong trào cách mạng. Vì thế, tôi xác định, mọi vui buồn, sướng khổ của cuộc đời tôi đều gắn với những thăng trầm của đất nước, của dân tộc. Quá trình hoạt động, tôi có hai điều tâm niệm: Nói điều gì, làm điều ấy. Hồi còn trong Hội ái hữu ngành in, tôi thường đến từng nhà anh em để tuyên truyền, bao giờ cũng phải giữ chữ tín làm đầu. Những điều dù nhỏ nhặt nhất, nhưng đã nói, đã hứa, thì có phải đánh đổi cả tính mạng vẫn phải thực hiện. Đó chính là bản lĩnh của người cách mạng. Thứ hai, đoàn thể giao nhiệm vụ, mình đã nhận nhiệm vụ là phải bằng mọi cách hoàn thành. Nếu chưa biết thì phải học hỏi, vừa làm vừa học, học trong công việc, học ở đồng nghiệp, không ngại khó, ngại khổ, không giấu dốt, tất yếu sẽ thành công. Tôi luôn giữ đúng phương châm sống và thực sự điều đó đã giúp tôi rất nhiều.

Khi tôi đang làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, tôi được giao công việc đứng ra tổ chức ủy ban Hành chính Cách mạng Bắc bộ. Thời gian đó, tôi chưa biết công việc hành chính là gì. Thêm nữa, tôi vốn xuất thân từ một công nhân, làm việc với nhân sĩ, đại trí thức (như cụ Nguyễn Xiển), tôi hoàn toàn chưa biết giao tiếp, ứng xử thế nào cho hợp lý. Nhưng tôi khiêm tốn học hỏi, thực bụng lắng nghe, chắt lọc tiếp thu, mọi người chia sẻ đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Khi được chuyển về làm Bí thư kiêm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hà Nội rồi Liên khu III, gặp những khó khăn trong vận động đồng bào tôn giáo theo Đảng, tôi cũng ứng xử như thế...

Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, tôi nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện khi chưa có những nét sơ đẳng nhất về ngành nghề mình đứng đầu. Năm 1956, thành lập ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tôi lại nhận nhiệm vụ khi chưa có hiểu biết gì về việc này. Hồi đó có một việc rất mới: Chuyên gia Liên Xô đề nghị mở một lớp ngắn hạn để các bộ trưởng học tập về phương pháp làm kế hoạch. Tôi phải báo cáo trước lớp học đó. Thực sự tôi rất lúng túng và lo lắng vì các học viên đều là đại trí thức. Nhưng được khuyến khích và có sự giúp đỡ cụ thể của các đồng nghiệp, chuyên gia, bản thân cố gắng tôi đã hoàn thành, được đánh giá tốt. Năm 1960, một lần nữa tôi chuyển sang lĩnh vực công tác mới đó là làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Công việc lúc này khác hẳn những việc tôi đã làm. Một lần nữa tôi lại xác định phải học tập bạn bè, đồng chí mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua hơn mười lần thay đổi công tác cũng có nghĩa là hơn mười lần tôi phải tận tâm, tận lực học tập, làm việc, tự rút ra những kinh nghiệm cho mình. Tôi luôn tâm niệm bất cứ việc gì Đảng giao đều là vinh dự. Mỗi lần được giao nhiệm vụ mới là một lần cách mạng cần, nên tôi càng cố gắng học hỏi từ bạn bè, anh em, đồng chí, từ thực tế, từ kiến thức có trong sách vở, phải vừa làm, vừa học. Quá trình làm việc là quá trình học tập không ngừng. Nếu có tâm và có tinh thần dũng cảm, ý thức vươn lên thì mọi việc sẽ thành công.

Những kỷ niệm không quên trong công tác đảng

Còn nhớ, năm 1966, khi làm việc ở Hà Nội, tôi đặt vấn đề mạnh dạn giảm biên chế ở các cơ quan Thành ủy xuống còn 1/2 (từ 400 người còn 200 người), đưa cán bộ xuống các cơ sở, quận, huyện. Rồi thời gian kháng chiến ở Liên khu III rất thiếu thốn, tôi có một “nhược điểm” là khắt khe về chi tiêu đối với cán bộ. Nhiều người gọi tôi là “ke”. Hay chuyện trong nhiều cuộc họp, khi cán bộ lên báo cáo, tôi đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều giả thiết và yêu cầu anh em tự sáng tạo, tìm giải pháp chứ không ỷ lại trông chờ vào chỉ thị cấp trên. Tất cả những việc này đầu tiên đều gặp phản ứng gay gắt. Nhưng từng bước tôi phân tích cho anh em hiểu, bản thân tôi sống và làm việc đúng như mình nói nên dần dần, cán bộ hiểu, tin tưởng và yêu quý mình hơn. Nhiều cán bộ được đưa xuống xã, huyện, quận đều đã thấu hiểu cơ sở hơn khi ngồi bàn giấy ở Thành uỷ, từ đó có nhiều tiến bộ trong công tác, trưởng thành, vững vàng hơn.

Có một câu chuyện về việc đổi mới bầu cử tôi nhớ mãi. Theo cách làm cũ, ban chấp hành khoá trước lựa chọn danh sách nhân sự trình đại hội. Danh sách đó định rõ cơ cấu, lý lịch thành phần giai cấp và quá trình hoạt động. Làm theo cách này lựa chọn cán bộ cơ bản là do ban tổ chức mà thực chất là do một số cán bộ chuẩn bị. Như vậy, theo tôi khó có sự sáng suốt và có phần dân chủ hình thức. Tôi đề xuất thay đổi cách làm, để cho toàn thể đại biểu dự đại hội đề cử và ứng cử. Không lấy cơ cấu là bắt buộc mà chỉ để tham khảo. Về phần lý lịch, thành phần giai cấp, quá trình hoạt động tất nhiên là phải rõ ràng nhưng cũng là tham khảo, không bắt buộc. Nhưng bắt buộc phải có 3 tiêu chuẩn là tinh thần dám nghĩ, dám làm; có cuộc sống giản dị, trong sáng và có tác phong, quan điểm quần chúng. Cách làm này đã phát huy tinh thần dân chủ, từng đại biểu thực sự cân nhắc phiếu bầu của mình. Kết quả cho thấy, qua 2 đại hội đảng bộ trong thời gian tôi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, tinh thần trách nhiệm của cán bộ được nâng lên rõ rệt, dân chủ được phát huy.

Kế đến là câu chuyện học tập nghị quyết, bồi dưỡng cán bộ. Như thường lệ, mỗi lần có nghị quyết của Trung ương, thường Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) vẫn làm nhiệm vụ báo cáo nội dung các nghị quyết đó. Tôi mạnh dạn thay đổi cách làm, triệu tập các bí thư cơ sở, chính bản thân tôi hoặc đồng chí phó bí thư đứng ra báo cáo nội dung nghị quyết và giải đáp thắc mắc. Như vậy, tôi thấy mình có nhiều cơ hội giao lưu, hiểu hơn về cán bộ cơ sở, chứ không chỉ đơn giản là thông tin nội dung của nghị quyết. Bởi nếu như thế, chỉ cần... gửi văn bản là xong (!)

Những nghĩ suy trước thềm năm mới...

Đã gần 70 năm kể từ khi được Đảng, Bác Hồ phân công nhiệm vụ, tôi đã chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước. Từ những ngày hoạt động bí mật, trường kỳ kháng chiến, rồi chống Mỹ cứu nước, xây dựng CNXH ở miền Bắc, những ngày đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh, rồi thời kỳ bao cấp, thời kỳ đổi mới... Mỗi giai đoạn cách mạng là một thử thách lịch sử nước nhà đều gắn liền với sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Thử thách của ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Người cán bộ, đảng viên hiện nay không chỉ giỏi tay súng, vững tay cày như thời chúng tôi đã đi qua, mà còn phải là am hiểu tình hình thế giới, nhận thức và hành động theo đúng quy luật của sự phát triển. Nhận thức ấy đòi hỏi Đảng phải luôn đổi mới trên cơ sở kế thừa những thành quả cách mạng đã đạt được trong chặng đường dài hào hùng của dân tộc, vững vàng bản lĩnh vượt qua những thách thức có tính toàn cầu. Đổi mới để phát triển là bài học thực tế của cách mạng Việt Nam.

Tôi xin chia sẻ câu chuyện về dân chủ. Dân chủ đã trở thành quốc hiệu nước ta ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong thời đại ngày nay, càng phải phát huy, mở rộng, nâng mức dân chủ hơn trước. Theo tôi, dân chủ là một tất yếu của xã hội hôm nay. Cần phải bỏ hẳn áp đặt. Còn áp đặt nghĩa là không lãnh đạo. Trước kia, trong kháng chiến, từ chỗ chỉ có bàn tay, khối óc mà chúng ta còn thắng được Pháp, được Mỹ xâm lược. Vì chúng ta có niềm tin, lòng tự tôn dân tộc và có nhân dân anh hùng. Vậy vì sao hiện nay không phát huy cao độ những “vốn liếng, tài sản” vô cùng quý báu đó? Tôi nghĩ, vấn đề “Đảng cử, dân bầu” cần thay đổi. Để dân lựa chọn trực tiếp, toàn dân nhất trí thì kết quả nhất định sẽ to lớn hơn nhiều.

Trong nhân dân ta có rất nhiều người vĩ đại. Hồi trước Bác Hồ đã tìm thấy và trọng dụng nhiều người tài trong dân chứ không chỉ trong Đảng. Dân chủ lựa chọn thì dù là người trong hay ngoài Đảng, nếu vì mục đích phục vụ nhân dân và đất nước đều tốt. Suốt thời gian công tác, tôi đã được sống, làm việc và chia sẻ công tác với những nhân tài ngoài Đảng như đại tri thức Nguyễn Xiển, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, cụ Phó bảng Bùi Kỷ... Tất cả những nhân tài đó đều gắn bó và tận tâm, tài, lực phụng sự Tổ quốc, bởi vì họ được khuyến khích và tin tưởng. Ngày nay cũng vậy! Nếu những nhân tài được quan tâm phát hiện, được tin tưởng, được trọng dụng chắc chắn họ sẽ tìm đến với những người lãnh đạo.

Lời nhắn gửi lớp trẻ

Bản thân là một công nhân, khi còn ít tuổi không được học hành bài bản. Tôi trưởng thành từ quá trình thực tiễn cách mạng và sự cố gắng, nỗ lực tự học. Cuộc sống hiện đại với các phương tiện khoa học - kỹ thuật trợ giúp, các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội, điều kiện để nâng cao trình độ không chỉ qua con đường trường lớp mà còn tự học suốt đời. Tôi mong chờ và tin tưởng, bằng tâm huyết và tình yêu dành cho đất nước, cho Đảng, những thanh niên, nhất là đảng viên trẻ sẽ luôn xứng đáng trở thành người như Bác Hồ mong đợi - người đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất