Tộc người Đan Lai sống ở ba bản Co Phạt, Khe Cồn, Bản Búng có 231 hộ với gần 1.200 khẩu. Từ lâu, các hộ này đều sống ở mức nghèo khổ. Để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho họ, đầu năm 2001, huyện Con Cuông thành lập dự án di dời dân Đan Lai ra khỏi vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát và được Chính phủ phê duyệt. Huyện đã thành lập đoàn vận động di dời dân. Ban vận động đã tích cực làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động bà con, giải thích để bà con hiểu rõ chủ trương của Đảng muốn đưa bà con ra khỏi rừng sâu, núi thẳm, cải thiện đời sống và giống nòi, để con cái người Đan Lai được học hành đầy đủ. Tháng 9-2002, cuộc di dời dân được tiến hành, 36 hộ về hai bản Tân Sơn và Cửa Rào thuộc xã Môn Sơn. Nhưng do chưa quen với cách làm ăn mới, không ít người lại vào rừng đốn củi, chặt nứa, lấy măng, đào củ... Cuộc vận động gặp khó khăn.
Việc di dời dân Đan Lai là một chủ trương lớn, mặc dù được chuẩn bị công phu nhưng do thiếu vốn đầu tư và do thói quen tập quán sống du canh, du cư ăn sâu vào tộc người Đan Lai, nạn khai thác lâm sản trái phép, phương thức sản xuất “chặt - bắt - đổi” (khai thác lâm sản, đặc sản, bắt động vật hoang dã của rừng để đổi lấy lương thực, hàng hoá), sống dựa vào rừng làm cho cuộc vận động gặp khó khăn. Cuối năm 2005, dự án tái định cư Đan Lai tiếp tục bước hai, đoàn công tác kiên trì thuyết phục, vận động. Bắt đầu từ bí thư La Giang Sơn, trưởng bản La Văn Vinh, rồi già làng La Văn Tiên và nhiều hộ khác xung phong đi trước. Kết quả có 42 hộ với 193 khẩu tự giác cam kết với huyện ra nơi ở mới tại xã Thạch Ngàn. Mỗi hộ được cấp một ngôi nhà sàn theo tiêu chuẩn: hộ có 4 khẩu trở xuống được cấp ngôi nhà hai gian, hai chiếc giường đôi và chăn màn đầy đủ, hộ từ 5 khẩu trở lên được cấp ngôi nhà ba gian cùng ba chiếc giường đôi và chăn màn. Tất cả các hộ đều có thêm nhà bếp và công trình phụ (trị giá mỗi căn hộ khoảng 130 triệu đồng). Mỗi hộ được cấp từ 1.000 đến 2.000 m2 đất, ruộng để sản xuất và 2 ha rừng để khoanh nuôi, bảo vệ, mỗi hộ chuyển được hỗ trợ 500.000 đồng để di chuyển đồ đạc từ bản ra bến Pha Lài. Tổng kinh phí cấp cho dự án trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà nước chu cấp đảm bảo cuộc sống cho họ trong một năm đầu. Cuộc vận động tưởng đã thành công nhưng khi xây dựng xong nhà cửa tại nơi ở mới, bà con lại đề nghị được đền bù đất đai, hoa lợi trước khi đi, xin được cất bốc mồ mả, làm lễ cúng tổ tiên, ông bà... nếu không được đáp ứng, bà con sẽ không đi. Huyện uỷ đã thành lập Ban vận động gồm đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, cán bộ các phòng ban UBND huyện, Mặt trận, các đoàn thể, các chiến sĩ công an và bộ đội. Với phương châm dân chủ, sâu sát và trách nhiệm, đoàn công tác chia làm 3 bộ phận tiếp cận các hộ dân để thuyết phục.
Sau nhiều ngày kiên trì vận động, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, ngày 23-1-2007, 42 chiếc bè cắm cờ Tổ quốc bắt đầu rời bến Co Phạt, đưa bà con về quê mới Thạch Ngàn. Vậy là, sau nhiều đời sống trong rừng sâu, núi thẳm, 42 hộ dân Đan Lai được hưởng ánh điện sáng, có đủ lương thực, thực phẩm trong ngôi nhà khang trang rộng, đẹp. Những năm gần đây, sản xuất của bà con phát triển, mùa về gia đình nào cũng thu hoạch khá nhiều thóc, ngô, khoai sắn, đã có 10 hộ mua được xe máy làm phương tiện đi lại. Theo tiếng gọi của Đảng, cùng sự đùm bọc, sẻ chia của cán bộ, đồng bào các dân tộc ở Con Cuông, tộc người Đan Lai rời rừng sâu ra định cư ở những nơi được tạo điều kiện sinh sống tốt hơn. Tộc người Đan Lai sẽ mãi mãi tồn tại, phát triển trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Họ sẽ cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Phùng Văn Mùi
Huyện ủy Con Cuông, Nghệ An