Làm gì để giúp nhau có điều kiện thoát nghèo, khó khăn, phải đi vay lãi cao hay có cách nào để phụ nữ thiếu vốn muốn phát triển kinh tế được tiếp cận vốn vay ưu đãi? Đó là một trong những nội dung được bàn khá sôi nổi trong những buổi sinh hoạt của phụ nữ tổ 11, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, Sơn La. Thế rồi, học và làm theo lời Bác, phụ nữ nơi đây đã tìm ra hướng giúp nhau thoát nghèo hiệu quả...
Gần 3 giờ chiều, cái nắng nơi vùng biên Sông Mã không những không dịu xuống mà có phần gay gắt hơn. Mặc dù, đêm hôm trước vừa có một trận mưa khá to nhưng cái nóng đặc trưng nơi đây vẫn kiên trì bám trụ, khiến người đi đường có phần gấp gáp, vội vã hơn để tránh nắng... Đây cũng là thời điểm tôi tìm đến nhà bà Đỗ Thị Tâm, hội viên Chi hội phụ nữ tổ 11.
Tại nhà bà Tâm đang diễn ra buổi sinh hoạt quan trọng, giúp một gia đình hội viên khó khăn vay 12 triệu đồng để phát triển kinh tế. Đây là số tiền của 38 hội viên trong chi hội tiết kiệm được từ việc học và làm theo lời Bác Hồ. Tôi đến đúng lúc nhóm tiết kiệm của Chi hội phụ nữ tổ 11 đã thống nhất xong và đang chuẩn bị giao số tiền 12 triệu đồng cho chị Lê Thị Thu, gia đình hội viên khó khăn được ưu tiên vay trong đợt này. Đại diện của thị trấn, chi bộ và của tổ lần lượt phát biểu. Các ý kiến đều chung một điểm: “Số tiền phải sử dụng đúng nội dung đã được thông qua, không được sai mục đích”. “Nội dung đã được thông qua” là một nửa để gia đình chị đầu tư vào nuôi gà giống Đông Cảo, một nửa trang trải cho 2 con đang học đại học dưới Hà Nội. Run run cầm xấp tiền lớn trong tay mà hiếm khi người phụ nữ này được cầm, chị Lê Thị Thu ngẹn ngào: Cảm ơn các bác, các chị, tôi hứa sẽ thực hiện đúng mục đích số tiền đã được vay và sẽ nhanh chóng hoàn trả theo đúng quy định của nhóm.
Đây là lần thứ 2 chị Lê Thị Thu được nhóm tiết kiệm của Chi hội phụ nữ tổ 11 tạo điều kiện cho vay để phát triển kinh tế, hỗ trợ con ăn học (lần đầu vay 7 triệu đồng, năm 2011). Và chị cũng là người thứ 18 trong nhóm được tiếp cận nguồn vốn vay này, không phải lo vay ngoài với lãi suất cao mà đến lúc trả được xong thì tiền lãi cũng đã cao hơn số vốn vay ban đầu. Gia đình chị thuộc diện khó khăn, có 4 người con. Cũng nhờ từ nguồn vốn vay này mà chị đã bớt khó khăn từ nghề nuôi gà giống Đông Cảo, hỗ trợ cho 2 con đầu học xong đại học và đã đi làm. Trước đây, chưa có nhóm tiết kiệm nên những lúc cần tiền cho con ăn học hay cần vốn phát triển chăn nuôi chị lại tìm tới những người chuyên cho vay với lãi suất 5,0/tháng. Chị vay 7 triệu đồng với lãi suất 5,0/tháng và phải đến 2 năm sau gia đình chị mới hoàn trả được cả vốn lẫn lãi.
Còn đây là chuyện của chị Tòng Thị Tiến, Phó Bí thư chi bộ tổ 11. Năm 2007, chuyện buồn bỗng dưng giáng xuống đôi vai của chị khi chồng mất, 2 con ốm phải đi viện... Hoàn cảnh khó khăn nên chị phải đi vay ngoài 3 triệu đồng với lãi suất 5,0/tháng. Lãi thì cao mà thu nhập của nhà nông chẳng đáng là bao nên 3 tháng sau chị phải đi vay chỗ khác với lãi suất thấp hơn để trả... Chỉ đến khi, qua bình xét trong chi hội, chị được tiếp cận nguồn vốn vay 15 triệu đồng dành cho phụ nữ nghèo với lãi suất ưu đãi 0,6% thì việc lo lắng tìm cách để trả khoản vay với lãi suất cao mới được giải quyết ổn thoả...
Cũng như chị Tiến, chị Dương Thị Lê chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người con, thuộc diện khó khăn. Năm 2010, tôi cần tiền cho con hoàn tất cuối khóa đại học, đi vay mượn khắp nơi không được, tiếp cận nguồn vốn vay cho sinh viên nghèo thì hết suất (bởi 1 cháu đang học đại học đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này). Cái khó ló cái khó, tôi đã phải vay ngoài 3 triệu đồng để kịp gửi xuống cho con. Tuy nhiên, số tiền 3 triệu đồng này tôi đã phải chịu lãi suất ngày (8.000 đồng/1 triệu/ngày). Sau gần 1 tháng, không gánh nổi lãi suất ngày tôi lại một lần nữa vay ngoài với lãi suất “nhẹ” hơn chút để đập vào chỗ vay trước... Cũng may, tham gia vào nhóm tiết kiệm, tôi đã được vay 5 triệu đồng để trả vào chỗ vay lãi ngoài và số tiền 5 triệu đã được hoàn trả cho nhóm trong năm 2011. Thấy việc lập nhóm tiết kiệm rất thiết thực, tôi đã tự đứng ra lập được một nhóm với sự tham gia của 6 chị em tại khu chợ thị trấn. Hình thức là mỗi ngày từng người sẽ tiết kiệm vào nhóm 30 ngàn đồng. Đến giờ, tôi và nhiều chị em không phải lo đi vay ngoài nữa...
Đồng chí Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Mã, Bí thư chi bộ tổ 11 cho biết: Học và làm theo lời Bác, phụ nữ thị trấn đã làm được rất nhiều việc thiết thực. Trong đó, nổi bật là phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ giống, vốn xóa đói giảm nghèo. Mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm cũng là một nội dung thiết thực, tạo được nguồn vốn cho phụ nữ. Mô hình đã được làm điểm tại Chi hội tổ 5 và tổ 11 từ năm 2010. Đến nay, mô hình đã giúp được 2 hộ do phụ nữ làm chủ thoát được nghèo từ nguồn vốn vay này. Tới đây, Chi hội sẽ nhân rộng mô hình này và sẽ tiếp tục gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã ban hành. Qua đó, sẽ giúp các hội viên phụ nữ trong thị trấn tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi thay vì phải đi vay ngoài với lãi cao mà hầu hết vay xong chị em không có khả năng hoàn trả...
Bài, ảnh: Luyện Ngọc Tuấn
Báo Sơn La