Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Lào Cai

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, hiện có 164 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 152 hội đồng nhân dân (HĐND) xã, phường, thị trấn, (12 phường đang thí điểm không tổ chức HĐND theo Nghị quyết 725/NQ- UBTVQH, ngày 16-1-2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Sau hơn một năm đi vào hoạt động ở nhiệm kỳ mới (2011-2016), HĐND cấp xã ở Lào Cai đã có những đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều quyết định của HĐND xã được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.

Thông qua các hoạt động, nhất là công tác giám sát, HĐND xã, phường, thị trấn ở Lào Cai (sau đây gọi chung là xã) đã giúp ủy ban nhân dân (UBND) và các ngành, đoàn thể xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức được các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát tại kỳ họp của HĐND thông qua việc xem xét các báo cáo, tờ trình và thực hiện quyền chất vấn của đại biểu; tiến hành thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND, có báo cáo thẩm tra tại kỳ họp của HĐND; chuẩn bị phiếu ghi ý kiến chất vấn cho đại biểu để Thường trực HĐND tổng hợp, sau đó thống nhất với UBND và phân công các ban, ngành trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Các đại biểu đã thể hiện được vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Thường trực HĐND đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cùng cấp thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho tổ đại biểu tổ chức lựa chọn địa điểm và phân công đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, nhiều xã đã xây dựng được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo trả lời của UBND trình tại các kỳ họp của HĐND xã. Trước các kỳ họp, đã tổ chức Hội nghị liên tịch với UBND, Thường trực MTTQ và các ngành chức năng để bàn nội dung, chương trình và thời gian tiến hành kỳ họp trước 30 ngày. Nhiều địa phương đã tổ chức họp liên tịch 2 lần để xem xét công tác chuẩn bị được tốt hơn...

Tuy nhiên, trong hoạt động của HĐND xã ở Lào Cai hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đó là: ở HĐND một số xã, trình tự tổ chức kỳ họp còn chưa theo đúng nội dung quy định, các nghị quyết khi ban hành chưa đúng quy định của pháp luật về quy trình dự thảo, chưa có ý kiến thẩm tra của thường trực HĐND, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về trình tự trình bày thảo luận và thông qua Nghị quyết của HĐND. Chất lượng các nghị quyết của HĐND chưa cao, nội dung nhiều nghị quyết còn đơn giản, còn chưa đúng về tên gọi và thể thức văn bản...

Hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, nhiều xã còn lẫn giữa chức năng giám sát của HĐND với việc giám sát của Ban giám sát cộng đồng và chức năng giám sát của Uỷ ban MTTQ xã. Một số đại biểu mới tham gia vào HĐND lần đầu chưa nắm được quy định của pháp luật về quyền chất vấn của đại biểu, chưa phân biệt được như thế nào là chất vấn, kiến nghị hoặc phát biểu của đại biểu, quy trình, cách xử lý chất vấn của đại biểu... Nhiều tổ đại biểu chưa chủ động trong việc xếp lịch, phân công đại biểu tiếp xúc cử tri, công tác này chủ yếu do Thường trực HĐND và Thường trực Uỷ ban MTTQ xã thực hiện.

Công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Uỷ ban MTTQ cùng cấp phụ trách. Công tác chuẩn bị kỳ họp, nhất là văn bản, tài liệu phục vụ kỳ họp còn phụ thuộc rất nhiều vào văn phòng và UBND xã dẫn đến bị động về mặt thời gian, có xã đến sát ngày khai mạc kỳ họp mới chuẩn bị xong văn bản. Một số HĐND xã chưa chủ động được kinh phí hoạt động, còn phụ thuộc vào UBND xã. Các điều kiện đảm bảo hoạt động của Thường trực HĐND xã còn gặp khó khăn cả về cơ sở vật chất cũng như bộ máy giúp việc.

Từ thực tế nêu trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND xã trong thời gian tới, Lào Cai xác định quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của các đại biểu HĐND xã, giúp các đại biểu nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, cập nhật thông tin để có thể giải đáp và phản ánh trung thực kiến nghị của cử tri theo quy định của pháp luật. Các đại biểu và Thường trực HĐND xã cần tự nghiên cứu, học tập để năng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác trong hoạt động HĐND thông qua tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động.

Hai là, nghiên cứu và nắm vững các văn bản hướng dẫn của HĐND tỉnh, UBND huyện, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của những cán bộ HĐND các khoá trước. Thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm từ các kỳ họp trước, kịp thời đề ra giải pháp để tổ chức các kỳ họp sau có chất lượng, hiệu quả hơn.

Ba là, không ngừng củng cố mối liên hệ và tăng cường sự phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND xã với UBND và MTTQ cùng cấp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trên địa bàn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất