Tập hợp, đoàn kết nhân sỹ, trí thức khu Sài Gòn - Gia Định
Các đại biểu thăm nhà làm việc của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại căn cứ.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền… Đáp ứng yêu cầu của lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20-12-1960, tại ấp Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, thuộc khu rừng vùng giải phóng bắc Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch.

Tiếp đó, ngày 19-3-1961, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn-Gia Định được thành lập. Những người lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định đầu tiên có Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch và Kỹ sư Lê Văn Thả làm Phó Chủ tịch. Đây là những trí thức lớn, có uy tín trong các tầng lớp trí thức và các nhân sỹ tại Sài Gòn - Gia Định. Lễ ra mắt được tổ chức trọng thể tại vùng giải phóng của xã Phú Mỹ Hưng, hàng vạn quần chúng nông thôn, đô thị tham dự, đặc biệt có nhiều đồng bào, những trí thức, nhân sỹ, các doanh nhân yêu nước họat động từ nội thành Sài Gòn đã vượt qua bao vòng vây của lính Mỹ - ngụy, mật thám, lính bảo an đến dự lễ ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định.

Ngay sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng (DTGP) miền Nam và Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn- Gia Định ra đời, Ban Trí vận được thành lập gồm các trí thức, nhân sỹ tại Sài Gòn - Gia Định chịu trách nhiệm vận động các trí thức, tôn giáo, giáo chức, tư sản dân tộc ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam.

Từ yêu cầu của tình mới, Mặt trận DTGP miền Nam chủ trương xuất bản tờ tạp chí lấy tên là “Trí thức mới” và bản tin “Sài Gòn vùng lên” nhằm đăng tải các tin tức về cuộc kháng chiến, công cuộc xây dựng ở miền Bắc, các quan điểm của Mặt trận về các vấn đề trong nước, nhất là ở miền Nam và với bạn bè anh em quốc tế, được quan tâm nhiều vào lúc bấy giờ, để vừa thông tin, vừa là tài liệu cho các trí thức, nhân sỹ trong Ban Trí vận lấy làm cẩm nang truyên truyền nhân dân về chủ trương, chính sách Mặt trận DTGP miền Nam. Đây là những cách tuyên truyền, cổ động đầy sáng tạo của các trí thức Nam bộ, mà kẻ địch không thể ngăn cấm được.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và  ngọn cờ chính nghĩa của Mặt trận DTGP miền Nam và Mặt trận DTGP Khu Sài Gòn - Gia Định, suốt 15 năm từ khi thành lập đến ngày giải phóng, các phong trào vận động nhân dân, trí thức đã kết thành một sức mạnh rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớn nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái cùng vì một mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Các cuộc đấu tranh trong lòng địch, các vùng nông thôn, mà Mặt trận đã kết gắn trí thức, nhân sỹ, công nhân, nông dân miền Nam. Sài Gòn - Gia Định đã trở thành trung tâm trong vận động, kể cả phong trào học sinh, sinh viên, các cuộc đấu tranh qua báo chí tại Sài Gòn những năm 1968 – 1973… chống đế quốc Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn. Đây là những nền tảng đi đến thắng lợi của Xuân Mậu thân 1968 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.

ThS. Phạm Bá Nhiễu

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất