Từ nôi gia đình yêu nước
Kiến trúc sư Mai Thế Nguyên (ảnh bên) sinh ra trong một gia đình yêu nước. Mẹ ông - bà Vương Thị Lai góa chồng từ năm 28 tuổi nhưng một mình gây dựng cửa hàng tơ lụa Lợi Quyền ở 27 phố Hàng Ngang phát đạt, giàu có, nuôi năm người con ăn học đàng hoàng. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bà đã đóng góp 109 lạng vàng trong Tuần lễ vàng đầu tiên ở Hà Nội. Vì thế, ngày 10-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Một tấm huy chương đặc biệt - quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Bác Hồ. Bác nói: “Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh của người phụ nữ Việt Nam”. Sau đó bà tiếp tục hiến vàng, tiền xây dựng nhà máy giầy Thụy Khuê, nhà máy dệt khăn mặt, mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ Thành trong những ngày vô vàn gian khó đầu năm 1946.
13 năm thơ ấu, Mai Thế Nguyên sống trên đất mẹ. Ông có 13 năm học tập tại Pa-ri về các ngành hóa học, dược học, kiến trúc. Từ 1965, ông chuyển sang sống ở Na Uy. Tại đây, ông đã thiết kế nhiều công trình, tham gia thiết kế Hoàng cung Na Uy, Thư viện Đại học Quốc gia Na Uy, Ngân hàng Quốc gia Na Uy... Ông từng giảng dạy các môn vật lý và hóa học tại một trường trung học ở Pháp, là giảng viên kiến trúc tại Đại học Tổng hợp Lund (Thụy Điển). Những năm 1970-1973, kiến trúc sư Mai Thế Nguyên là cán bộ Phòng Thông tin của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Ô-xlô (Na Uy), phục vụ và phiên dịch cho nhiều đoàn công tác Việt Nam tới Na Uy, trong đó có đoàn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tổ chức nhiều đoàn công tác của Na Uy tới Việt Nam. Hồi đó gia đình Mai Thế Nguyên ở ngay gần cung điện của nhà vua Na Uy là một địa chỉ quen thuộc của nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam. Hầu hết các đoàn ngoại giao của Việt Nam đến Na Uy thời gian ấy đều ở ngôi nhà này. Các đoàn ngoại giao của Lào, Cu-ba... cũng xem đó như một nơi thân tình ấm áp ở xứ Bắc Âu lạnh giá. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Mai Thế Nguyên sử dụng thành thạo tiếng Pháp, Anh, Na Uy và viết sách về văn hóa Việt Nam. Năm 2006 ông về sống tại Việt Nam.
... Đến tình yêu đất nước, quê hương
Năm nay kiến trúc sư Mai Thế Nguyên 75 tuổi. Tuy sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng ông dõi theo từng bước phát triển của đất nước. Hằng ngày, ông đọc 4 tờ báo Việt Nam, 6 tờ Pháp, 4 tờ Na Uy và 1 tờ Mỹ. Vài năm trở lại đây, khi về Việt Nam, ông có điều kiện tìm hiểu những đổi mới của Việt Nam. Ông đã nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và viết sách “Của ta đẹp” giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo kiến trúc sư Mai Thế Nguyên, lịch sử của ta đẹp. Điều đó thể hiện ở bản sắc văn hóa dân tộc. Ít dân tộc bị đô hộ nghìn năm liền mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình. Lịch sử Việt Nam không phải chỉ là số cộng của những cuộc đấu tranh can trường giữ độc lập non sông với nhiều anh hùng, danh nhân vẻ vang mà danh tiếng đã vượt qua thời gian và biên giới. Nó còn là cuộc đấu tranh của dân tộc giữ lấy bản sắc văn hóa Việt Nam. Lịch sử Việt Nam có đặc sắc là để lại cho con cháu những bài học về sức mạnh đoàn kết dân tộc, yêu nước, thương nòi. Ngoại giao ta giỏi. Ngoại giao Việt Nam luôn mềm dẻo về hình thức, cứng rắn về nguyên tắc, có nghĩa tình và đã thu được nhiều thành công. Tiếng nói của Việt Nam được bạn bè lắng nghe và ủng hộ. Đất nước của ta đẹp. Đi xuyên Việt nhiều lần thấy nước ta có núi non hùng vĩ, biển rộng mênh mông. Hình dáng chữ S cân đối, mềm mại, dễ thương, vẻ đẹp của thiên nhiên hòa hợp với con người. Con người Việt Nam đẹp. Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn nói đến vẻ đẹp từ trong lòng tỏa ra”. Vẻ đẹp tự nhiên, chất phác của những người bán bún, bán cơm ngoài phố. Họ nhìn mình với cái nhìn thẳng thắn, tự tin và thân thiện. Họ có sức sống mãnh liệt. Trong trường hợp của ta, khi hỏi tỉ lệ thất nghiệp là bao nhiêu phần trăm thì rất khó nói. Vì người Việt Nam không chịu bó tay, ngồi chơi xơi nước. Họ tự nắm lấy vận mệnh của mình, tự tạo cho mình trăm công ngàn việc để bảo đảm cuộc sống. Người thì đặt cái ghế ra vỉa hè bán vài điếu thuốc, cốc trà; người thì bán hàng ăn, người bán báo, đánh giày. Tự họ giải quyết một vấn đề hắc búa cho kinh tế đất nước. Sức chịu đựng của người Việt Nam giỏi, cách ứng xử của người Việt Nam đẹp. Nói chung, người Việt Nam thân thiện, gần gũi. Bạn bè quốc tế đến Việt Nam thấy an toàn.
Xa quê lâu nhưng ông Mai Thế Nguyên vẫn trọn tình yêu Hà Nội. Ông đã viết sách “Kiến trúc Hà Nội” bằng tiếng Anh giới thiệu Hà Nội với bạn bè năm châu. Cuốn sách đó được ông ví như lá thư tình gửi Hà Nội. Theo ông, kiến trúc Hà Nội cần tìm cho mình một hướng đi hợp lý, vừa hòa vào dòng chảy chung của sự đổi mới, phát triển lại vừa không làm mất đi vẻ đẹp của nét kiến trúc đặc trưng vốn có. Đó là sự giao hòa giữa người Hà Nội với kiến trúc Hà Nội, bởi phong cách kiến trúc Hà Nội đã góp phần tạo nên văn hóa của người Hà Nội. Việc quy hoạch Hà Nội - thủ đô một đất nước có lịch sử lâu đời là vấn đề khó, cần sự hợp sức từ kiến trúc sư, nhà quy hoạch, chính trị gia, nhà tâm lý học, nhà xã hội học, cho đến từng người dân. Về tính bền vững trong kiến trúc Hà Nội, ông Mai Thế Nguyên cho rằng, vật chất và tài năng có thể giúp ta tạo được một thành phố đẹp, văn minh, nhưng để duy trì được vẻ đẹp và văn minh ấy cần phải có một nếp sống văn minh. Để quy hoạch thành công Hà Nội đòi hỏi người Việt Nam phải biết cách “Việt Nam hóa”, tức là học hỏi cái hay, cái tốt ở các nước, biến nó thành của mình phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Ông bùi ngùi tâm sự: Tôi quyết định về ở Hà Nội nhiều thời gian trong năm với hy vọng sẽ đóng góp được gì đó cho công cuộc xây dựng Thủ đô. Nhưng 7 năm qua tôi vẫn chưa làm được việc gì...
Ông cảm nhận rõ đổi mới của Việt Nam. Tuy kinh tế Việt Nam còn khó khăn, dân vất vả, còn người nghèo, nhưng đa số được cải thiện rõ rệt. Nhà nước thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. Không chỉ Ngân hàng Thế giới mà nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là “một điểm sáng thành công”. Mạng lưới điện thoại di động, in-tơ-nét rất phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường là một xã hội tiêu thụ, ích kỷ, cạnh tranh. Một xã hội công nghiệp hóa phải có những con người công nghiệp hóa. Nhưng nếu không cẩn thận thì được văn minh mà mất văn hóa, quan hệ gia đình và xã hội sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Thời chiến bắt buộc phải trăm người như một để chiến thắng. Thời bình phải thay đổi tư duy toàn diện, trước hết của lãnh đạo đến từng người dân.
Ông Mai Thế Nguyên trầm ngâm: Người ta thường lý luận rằng cơ chế như hiện nay sinh ra tham nhũng, nhiều cán bộ lãnh đạo thiếu tâm, thiếu tầm. Theo tôi, trong các vị lãnh đạo đất nước nhiều người tài giỏi. Lý do là khó thay đổi tập quán chứ không phải không thể làm được. Không thay đổi, quản lý rất khó tốt lên. Thường người ta không thấy có lợi ích trực tiếp cho mình thì không chịu làm. Đây là hiện tượng trên bảo dưới không nghe, một sự tiếp nối của phép vua thua lệ làng, ưu tiên người trong gia tộc trở nên một lối sống cản trở phát triển kinh tế và văn hóa của chúng ta. Đó còn là tư duy của anh nông dân - yêu chuộng cái quen thuộc, dù là xấu vẫn không chịu thay đổi. So sánh với các nước phát triển ở châu á như Nhật, Hàn quốc, Xin-ga-po... thấy ngay là họ kỷ cương, biết hợp tác, đổi mới hơn. Thế giới, xã hội thay đổi từng giờ, từng ngày nhưng ta không thay đổi cái tư duy đã hằn sâu từ nhiều thế hệ. Thậm chí quen với cái xấu, không dám và không sẵn sàng chấp nhận hy sinh để đổi lấy tương lai tốt hơn. Ai cũng lên án tham nhũng, phong bì, học thêm... nhưng từng người lại do toan tính nào đó mà góp thêm cho nó duy trì, không ai dám bứt phá thay đổi. Việt Nam còn yếu về sự hợp tác, chưa rõ tầm nhìn xa. Muốn thay đổi xã hội, mỗi người phải tự thay đổi chính mình, cán bộ, đảng viên phải làm gương trước, cán bộ càng cao, trách nhiệm càng nặng bởi Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo xã hội và Nhà nước. Vai trò phải gắn với trách nhiệm. Vấn đề là chúng ta có muốn thay đổi hay không?
Theo ông, một trong những điều kiện góp phần phát triển đất nước là thu hút chất xám người Việt Nam ở nước ngoài (như Xin-ga-po đã làm với kết quả ta biết). Ngay sau độc lập, Bác Hồ đã kêu gọi Việt kiều về xây dựng đất nước. Anh cả của kiến trúc sư Mai Thế Nguyên là giáo sư y khoa giỏi đã trở về Việt Nam cống hiến, đào tạo nhiều lớp bác sĩ. Ông Mai Thế Nguyên về Việt Nam từ năm 1975 làm cầu nối giữa Việt Nam với Na Uy, Bắc Âu. Trong số người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ước tính có khoảng ba trăm ngàn người có kiến thức cao. Trong đó có nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty của các nước và tổ chức quốc tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ của các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng phát triển, trong đó một thế hệ trí thức mới đang hình thành, nhất là ở các nước Bắc Mỹ, châu Âu và châu Đại dương. Đội ngũ này tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán...
Nếu năm 1977, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm chính thức Na Uy chỉ có 83 Việt kiều thì nay con số đó đã hơn 2 vạn. Mặc dù sinh sống và làm việc ở các nước có trình độ phát triển cao, được nước sở tại trọng dụng, chịu ảnh hưởng của ý thức, tư duy, lối sống khác với trong nước, nhưng đại bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài luôn nặng lòng với quê hương, đất nước, đồng tình với chủ trương đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Đảng, ủng hộ công cuộc đổi mới, mong muốn đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, một số còn mong muốn về nước làm việc. Nhiều trí thức đã làm cầu nối để giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Để thu hút được chất xám, trước hết phải tạo điều kiện cho họ. Thủ tục hành chính đã thay đổi nhiều, nhưng cần đồng bộ. Chính phủ từng bước xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Có chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... mở rộng hợp tác, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy lương không cao nhưng thấy được tin cậy, giao trách nhiệm và đối xử tôn trọng, chất xám của mình tạo ra sản phẩm hữu ích, phục vụ nhân dân thì sẽ có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về - kiến trúc sư Mai Thế Nguyên nhấn mạnh. Đất nước đang vào xuân mới. Ông mong muốn chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài có thêm cơ hội, điều kiện đóng góp hơn nữa để đất nước, dân tộc mãi Mùa Xuân.
Minh Phong