Công tác phát triển đảng gắn với nâng cao chất lượng đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng đảng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh nghiêm túc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, trong đó công tác xây dựng kế hoạch, giáo dục bồi dưỡng đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng và quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng được quan tâm; góp phần giải quyết khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhất là đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghiêm túc chỉ đạo, quán triệt thực hiện trong toàn Đảng bộ
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 173-QĐ/TW ngày 11-3-2013 về “Kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo các TCCSĐ, các chi bộ quán triệt đầy đủ nội dung của Quy định đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; đồng thời phối hợp thẩm định hồ sơ của người xin vào Đảng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã có Công văn số 1004-CV/BTCTU, ngày 3-10-2013 gửi Ban Thường vụ các huyện, thị, thành và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ kết nạp đảng viên theo Quy định số 173-QĐ/TW, nhất là đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh và thuận lợi trong quá trình thẩm định. Đồng thời ban hành Công văn số 485-CV/BTCTU, ngày 19-12-2016 về việc xét, đề nghị kết nạp đảng viên theo Quy định số 173-QĐ/TW và kết nạp lại người vào Đảng; theo đó, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện bắt buộc theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương thì Ban Tổ chức Tỉnh ủy còn hướng dẫn cụ thể về thành tích theo từng nhóm đối tượng quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình được xem xét kết nạp vào Đảng và kết nạp lại đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng.
Xây dựng kế hoạch, giáo dục bồi dưỡng
Căn cứ Quy định số 173-QĐ/TW, cấp uỷ cơ sở đã chỉ đạo các chi bộ đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng, bao gồm cả người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình để xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên phù hợp. Bên cạnh đó, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu quần chúng ưu tú, các cấp uỷ, chi bộ đã giao nhiệm vụ để thử thách, đánh giá kết quả phấn đấu, rèn luyện của quần chúng. Đối với những người bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy định số 173-QĐ/TW, các chi bộ luôn quan tâm, giao nhiệm vụ, đồng thời tạo điều kiện để quần chúng phấn đấu, bảo đảm tiêu chuẩn về thành tích theo quy định của tỉnh.
Kết quả
Ở Quảng Trị, đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chiếm số lượng ít. Từ khi thực hiện Quy định số 173-QĐ/TW đến nay, chưa có trường hợp nào mà các cấp uỷ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, cho ý kiến để kết nạp lại vào Đảng. Đối với quần chúng vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình, tính đến tháng 3-2018, có 59 đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý. Đặc biệt, so với trước khi ban hành Công văn số 485-CV/BTCTU, ngày 19-12-2016, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì chất lượng của quần chúng vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình được kết nạp đảng đã cao hơn so với thời điểm trước khi ban hành văn bản.
Cụ thể, về thời gian: Năm 2013: 7 đồng chí; năm 2014: 17 đồng chí; năm 2015: 11 đồng chí; năm 2016: 10 đồng chí; năm 2017: 13 đồng chí và quý I năm 2018 có 1 đồng chí. Về tuổi đời: từ 31 - 40: 8 đồng chí; từ 41 - 50 tuổi: 27 đồng chí; trên 50 tuổi: 24 đồng chí.
Về thời điểm vi phạm sinh con thứ 3: Trước năm 1990: 1 đồng chí; từ 1991-2000: 20 đồng chí; từ 2001-2005: 17 đồng chí; từ 2006- 2010: 17 đồng chí; sau năm 2010: 4 đồng chí.
Về chức vụ, nghề nghiệp khi vào Đảng: Phó chủ tịch HĐND cấp xã: 2 đồng chí; trưởng thôn: 9 đồng chí; phó trưởng thôn: 1 đồng chí; công an viên của xã: 3 đồng chí; trưởng ban công tác mặt trận: 2 đồng chí; chi hội trưởng, phó chi hội trưởng nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh: 15 đồng chí; cán bộ đoàn: 3 đồng chí; cán bộ hội chữ thập đỏ: 2 đồng chí; nhân viên thú y thôn, bản: 3 đồng chí; viên chức, người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước: 4 đồng chí; người lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước: 1 đồng chí; giáo viên: 4 đồng chí; nghề nghiệp khác: 10 đồng chí (nhân viên các cơ quan, đơn vị, phòng ban cấp huyện và sở, ban, ngành cấp tỉnh).
Những quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sau khi được kết nạp vào Đảng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác ở địa phương, đơn vị mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm như: Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm quán triệt và chỉ đạo thực hiện Quy định số 173-QĐ/TW phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị; thực hiện còn bị động, lúng túng. Cấp uỷ một số địa phương không xem xét, đề nghị kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng. Một số ít cấp ủy còn chạy theo chỉ tiêu số lượng kết nạp đảng viên, đề nghị những quần chúng chưa bảo đảm quy định về thành tích, chưa thể hiện rõ yêu cầu thực tế của công tác xây dựng đảng ở địa phương, đơn vị; dẫn đến một số trường hợp, hồ sơ đề nghị xem xét kết nạp chưa bảo đảm thủ tục, gây khó khăn trong công tác thẩm định.
Để tiếp tục thực hiện tốt quy định về kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình và kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quy định số 173-QĐ/TW như sau:
Về tiêu chuẩn, điều kiện: Quy định cụ thể tiêu chuẩn về thành tích mà quần chúng phải đạt được tính từ sau khi vi phạm đến thời điểm chi bộ xét, đề nghị kết nạp vào Đảng, để thực hiện thống nhất chung.
Về thẩm quyền: Khi đã quy định rõ về tiêu chuẩn, điều kiện cần giao thẩm quyền cho ban thường vụ cấp huyện (hoặc tương đương) xem xét, quyết định kết nạp không phải trình ban thường vụ tỉnh, thành, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, đồng ý bằng văn bản; ban tổ chức tỉnh, thành, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định (ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện phải gửi báo cáo việc kết nạp về ban tổ chức tỉnh uỷ ngay sau khi xem xét, quyết định).
Thanh Văn
Ban Tổ chức Trung ương