Trong những năm qua, công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên nói chung, đảng viên nữ người dân tộc thiểu số nói riêng luôn được chú trọng. Các cấp ủy đảng khu vực miền núi đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào các dân tộc để tạo nguồn kết nạp những quần chúng nữ dân tộc thiểu số ưu tú vào Đảng.
Khó nhiều bề
Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc thời gian qua là một nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Vì vậy, công tác phát triển đảng viên nữ được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu, ở một số địa phương vẫn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Một số nơi tỷ lệ đảng viên nữ ở rất thấp, thậm chí có chi bộ không kết nạp được đảng viên nữ.
Thiếu tá Lã Quý Bằng, người từng có thời gian dài công tác tại Đồn Biên phòng Mường Nhà, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết, mặc dù xã đã có Nghị quyết về công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phát triển đảng viên nữ, nhưng việc xóa bản trắng đảng viên ở Na Tông còn gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Điện Biên kết nạp được 1.266 đảng viên, trong đó đảng viên nữ chỉ có 473 đồng chí.
Đồng chí Phàn Sành Phấu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), cũng cho hay, Đảng bộ xã có 333 đảng viên, nhưng tỷ lệ đảng viên nữ dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 20%.
Nguyên nhân của tình trạng phát triển đảng viên nữ gặp nhiều khó khăn, trước hết là do sự hạn chế về trình độ văn hóa. Có những xã, bản vùng sâu, vùng xa chị em không biết đọc, biết viết, số không nhỏ nữ dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông. Cuộc sống khó khăn, có nơi vẫn tồn tại tập tục lạc hậu (tảo hôn, sinh nhiều con,...). Tâm lý “trọng nam, khinh nữ”, “vợ không thể tiến bộ hơn chồng”cũng là rào cản khiến chị em có tâm lý không muốn phấn đấu...
Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Trung Tài, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang, một số cấp ủy Đảng chưa thấy hết tầm quan trọng của đảng viên nữ. Thêm vào đó, một số cấp ủy viên, đảng viên còn tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, chưa quan tâm, chú ý đến những quần chúng là nữ tích cực để bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng. Nhiều Đảng bộ xã mới chú ý đến phát triển đảng viên là giáo viên, cán bộ, công chức xã, mà ít quan tâm đến việc phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số ở chi bộ nông thôn, miền núi...
Làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng
Thực tế cho thấy, muốn đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp ủy Đảng phải xác định vai trò quan trọng của đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt coi trọng tạo nguồn, quy hoạch và bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên nữ. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác vận động quần chúng và xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh.
Ông Vương Đình Thuấn, Bí thư Đảng ủy xã Na Chì, huyện Xín Mần (Hà Giang) cho rằng, các tổ chức Đảng tiếp tục không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, làm tốt công tác phát triển Đảng, lấy kết quả phát triển đảng viên nữ là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng hằng năm.
Đồng chí Phan Bá Hùng, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên cho biết thời gian tới, Điện Biên chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, hội viên. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nữ thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Qua đó lựa chọn những nhân tố mới, nữ quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng.
Còn theo ông Hoàng Đình Thu, Vụ trưởng Vụ Xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp tục đôn đốc cấp ủy các địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển đội ngũ cán bộ nữ, trong đó giải pháp cơ bản là phát triển đảng viên nữ là cán bộ, công chức và lao động. Chú trọng đối tượng nữ dân tộc thiểu số khu vực nông thôn, miền núi.
Cũng theo ông Hoàng Đình Thu, ở những tỉnh địa bàn biên giới khó khăn, nên có sự phân công cán bộ quân đội, công an, bộ đội biên phòng phụ trách bám nắm cơ sở để làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, thẩm tra lý lịch, xét đề nghị kết nạp Đảng đối với nữ quần chúng ưu tú.
Lê Thu Hường