Bài 1: Chuyện ở Phú Mỹ
Một chỉ tiêu "tụt hậu"
Thị xã Phú Mỹ thành lập ngày 12-4-2018, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có diện tích tự nhiên 333,84 km2 và 175.872 người. Nằm dọc Quốc lộ 51 và sông Thị Vải, thị xã Phú Mỹ tập trung nhiều khu công nghiệp và hệ thống cảng biển, cùng các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Đông Nam Bộ. Với nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, Phú Mỹ đã được tỉnh chọn tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020, hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đều hoàn thành và vượt. Từ một huyện có giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, đến nay Phú Mỹ đã đạt: thương mại - dịch vụ 59,7%; công nghiệp 35,5% và nông nghiệp 4,9%.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu nổi bật, có một chỉ tiêu không đạt, bị "tụt hậu", đó là chỉ tiêu phát triển đảng viên. Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ kết nạp được 806 đảng viên, đạt 90,6% chỉ tiêu Đại hội. Trong đó, công tác kết nạp đảng viên tại địa bàn dân cư chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Trong 5 năm qua, 66 chi bộ ấp, khu phố (thuộc 10 đảng bộ phường, xã) chỉ kết nạp được 90 đảng viên, chiếm 11,2% tổng số đảng viên mới kết nạp của toàn Đảng bộ thị xã (trong khi tỷ lệ đảng viên chiếm 39,5%). Trong đó, có 20/66 chi bộ ấp, khu phố, mỗi chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên. Đặc biệt, có 9/20 chi bộ, từ năm 2015 đến nay không kết nạp được đảng viên nào.
Đi tìm nguyên nhân
Chúng tôi tìm về 6 xã vùng trong của thị xã Phú Mỹ, cách khu trung tâm chừng hơn hai chục cây số. Vùng đất đỏ miền Đông bừng sáng trong nắng chiều. Mọi thứ đổi thay nhiều so với hơn 10 năm về trước. Đường nhựa lớn dọc, ngang, xe chạy tấp nập thay cho con đường độc đạo, vắng vẻ trước kia. Cũng không còn nhiều những vùng trồng khoai mỳ rộng lớn, thay vào đó là những nhà chia lô, hàng quán dịch vụ sầm uất... Xã Hắc Dịch đã chuyển thành phường.
Đồng chí Lê Văn Tĩnh (57 tuổi), Bí thư Chi bộ khu phố 2 (phường Hắc Dịch) trầm tư khi chúng tôi hỏi chuyện về công tác phát triển đảng viên của chi bộ. "Tôi làm bí thư chi bộ 10 năm chưa bao giờ thấy khó kết nạp đảng viên như bây giờ", ông Tĩnh chia sẻ. Theo ông, Chi bộ khu phố 2 có 21 đảng viên, hầu hết trên 50 tuổi. Chỉ có 2 đảng viên trẻ (dưới 30 tuổi) và đều kết nạp vào Đảng trong Quân đội, trước khi xuất ngũ về địa phương. Chi bộ đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên và phân công hai đảng viên trẻ là anh Trần Văn Phước và anh Nguyễn Mậu Vương phụ trách công tác đoàn: Anh Trần Văn Phước làm Bí thư, anh Nguyễn Mậu Vương làm Phó Bí thư chi đoàn. Chi đoàn khu phố có 31 đoàn viên trong danh sách, nhưng hơn 95% đi làm công nhân tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp. Họ đi theo ca kíp hằng ngày và không tham gia các hoạt động khi Chi đoàn tổ chức, triệu tập. Ngay cả anh Phước, anh Vương đi làm trong doanh nghiệp cũng đã xin nghỉ Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn khu phố từ đầu năm nay. "Chi đoàn không hoạt động nên chi bộ không thể phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên từ đoàn viên, thanh niên", ông Tĩnh bộc bạch.
Về "kênh" các hội đoàn thể, Chi bộ khu phố 2 đã đưa Chi hội trưởng Hội Nông dân Nguyễn Nhơn (sinh năm 1964) vào dự nguồn phát triển đảng viên. Ông Nhơn nhiệt tình với công tác hội và các phong trào của khu phố, được hội viên và nhân dân tín nhiệm. Ông cũng tích cực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đã tham gia lớp học cảm tình Đảng do Thị ủy tổ chức. Tuy nhiên, khi xét kết nạp thì ông Nhiên không đủ điều kiện, vì chưa có bằng tốt nghiệp THCS hoặc tương đương theo quy định, ông chỉ học hết lớp 7 và cũng không có chứng chỉ.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ở Đảng bộ phường Hắc Dịch có những quần chúng ưu tú phải đưa ra khỏi danh sách nguồn đảng viên của chi bộ khu dân cư vì những nguyên nhân khác. Chẳng hạn, anh Lê Minh Thiện ở Khu phố 5 là người địa phương và là công nhân trong khu công nghiệp. Tuy bận nhưng anh vẫn tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên khu phố. Anh được Chi bộ giáo dục, giúp đỡ phấn đấu trở thành đảng viên. Tuy nhiên, đã có 3 đợt học cảm tình Đảng có tên anh trong danh sách mà anh không đi học được. Lý do là Thiện không thể nghỉ việc dài ngày để tham gia lớp học cảm tình Đảng. Anh đang là "mắt xích" trong dây chuyền sản xuất của nhà máy nên lãnh đạo nhà máy không cho nghỉ. Nếu nghỉ thì sẽ bị người khác thế chỗ. Vậy là chuyện vào Đảng của anh Thiện đến nay vẫn dang dở.
Hay trường hợp quần chúng ưu tú Nguyễn Tiến Trung ở Khu phố 3. Anh Trung (sinh năm 1990) tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, là Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh, đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap. Anh được chi bộ khu phố đưa vào nguồn phát triển đảng viên, đã qua thử thách, học cảm tình Đảng. Tuy nhiên, đến nay anh Trung vẫn chưa được kết nạp vì "mắc" ở khâu lý lịch. Cha mẹ anh Trung đều đã mất, anh có nhớ quê quán của từng người nhưng họ từng sinh sống ở những đâu, làm gì trước khi về Hắc Dịch định cư năm 1985 thì anh không rõ. Đến nay, trên mảnh đất tụ hội người tứ xứ như Hắc Dịch, mọi người chỉ nhớ đến mẹ anh là bà Hai lá chuối (gánh lá chuối đi bán ngoài chợ).
Thị xã Phú Mỹ hiện có 6 khu công nghiệp lớn thu hút hàng chục ngàn lao động. Tại phường Phú Mỹ ở trung tâm thị xã, việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng công nhân ở nhà trọ cũng được một số chi bộ tính đến. Đồng chí Hoàng Văn Khoa, Bí thư Chi bộ khu phố Tân Ngọc cho biết, khu phố Tân Ngọc hiện có hơn 600 công nhân tạm trú. Trong thời gian qua, khu phố đã phát động công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự để thu hút họ tham gia, qua đó phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên. Công nhân Nguyễn Văn Dũng là quần chúng nhiệt tình tham gia các phong trào, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên từ khi doanh nghiệp điều anh đi làm việc ở phân xưởng ngoài tỉnh thì anh giảm dần rồi ngừng hẳn việc tham gia các hoạt động ở khu phố, mặc dù anh vẫn cư trú ở địa phương. Anh chia sẻ: "Em quê ngoài Bắc, gia đình căn bản. Em cũng rất muốn phấn đấu trở thành đảng viên nhưng doanh nghiệp chuyển em làm ở xa, công việc bận rộn nên em không có điều kiện phấn đấu vào Đảng nữa...".
Cùng với Dũng, trong 5 năm qua, Chi bộ khu phố Tân Ngọc còn 3 quần chúng trong nguồn phát triển đảng viên nhưng đều không thành công. Một là chi hội trưởng nông dân, một là tổ trưởng tổ dân phố, họ đều nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của khu phố nhưng cả hai cùng không có bằng THCS. Quần chúng còn lại là khó khăn mang tính đặc thù của khu dân cư có đông đồng bào có đạo. Tân Ngọc là xứ đạo toàn tòng, với hơn 80% đồng bào Công giáo. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ phường về phát triển đảng viên là người có đạo, chi bộ đã đưa quần chúng tích cực Nguyễn Văn Đại, Tổ phó Tổ dân phố 11 vào dự nguồn. Tuy nhiên, đến khi giới thiệu đi học cảm tình Đảng thì Đại nhận chức Trùm phó của giáo xứ, không phấn đấu vào Đảng nữa. "Chi bộ tôi 13 đảng viên, có 7 đảng viên thường xuyên ở khu phố nhưng đều là cán bộ hưu trí và tuổi trên 50. Hiện tại chi bộ không có đảng viên trẻ. Chúng tôi chịu khó tìm và đưa vào dự nguồn phát triển đảng viên nhiều quần chúng nhưng 7 năm qua chỉ kết nạp được 1 đảng viên", ông Khoa trăn trở.
Chia sẻ về những nguyên nhân thiếu nguồn kết nạp đảng viên, đồng chí Phan Minh Hợp, Bí thư Đảng ủy phường Hắc Dịch cho biết: "Hiện nguồn phát triển đảng viên ở ấp, khu phố rất hạn chế do người tích cực tham gia hoạt động các đoàn thể hầu hết lớn tuổi, trình độ học vấn không đạt yêu cầu. Còn số người trong đội tuổi lao động thì đi làm ăn ngoài địa phương, làm công nhân ở các khu công nghiệp. Số thanh niên sinh sống ở ấp, khu phố trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà khi được tuyên truyền, vận động nên khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng".
Đồng chí Vũ Đình Lương, Bí thư Chi bộ khu phố Trảng Lớn, phường Hắc Dịch cho biết thêm, hiện nay có một bộ phận quần chúng tích cực nhưng không thiết tha, thậm chí không muốn vào Đảng. Có người còn hỏi khi chi bộ tiếp cận, vận động: "Vào Đảng thì được gì?".
Theo Ban Tổ chức Thị ủy Phú Mỹ, tỷ lệ kết nạp đảng viên ở chi bộ ấp, khu phố đạt thấp có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là chủ quan, do các TCCSĐ chưa làm tốt công tác tạo nguồn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các chi bộ khu dân cư đã đưa 628 quần chúng vào danh sách nhưng chỉ giới thiệu được 185 quần chúng ưu tú, đạt 28,5%. Tỷ lệ quần chúng ưu tú đưa ra khỏi danh sách cũng ở mức cao, trên 32%. Về nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa thường xuyên quán triệt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phát triển đảng viên. Công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ chưa được quan tâm sát sao; chưa tạo điều kiện về môi trường làm việc, sinh hoạt để thu hút, tập hợp đối tượng; đối tượng chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi vào Đảng. Một số đảng viên ở khu dân cư chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Một số tổ chức đảng kết nạp đảng viên còn "chạy theo thành tích", "chạy theo chỉ tiêu", thiếu quan tâm đến chất lượng. Một số cán bộ làm công tác tổ chức của đảng ủy cơ sở chưa nắm vững các nguyên tắc, quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên nên có những trường hợp làm hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng công tác phát triển đảng viên.
Thị ủy Phú Mỹ đã nhận thấy, công tác phát triển đảng viên ở địa bàn ấp, khu phố đang là một vấn đề bức thiết. Đội ngũ đảng viên ở các khu dân cư và cả đội ngũ cán bộ ấp, khu phố đang "già hóa" nhanh chóng, do nguồn đảng viên bổ sung cho chi bộ chủ yếu là đảng viên về hưu. Vì vậy, cần phải có giải pháp cụ thể, thiết thực trong tổ chức thực hiện công tác phát triển đảng viên để tháo gỡ khó khăn, kịp thời bổ sung sức trẻ cho Đảng và tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận ở cơ sở...
Đinh Thành