Phát triển năng lực thông tin đối với xây dựng phẩm chất đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Thuật ngữ “năng lực thông tin” (information literacy) là khái niệm mới, thường gắn liền với chất lượng nguồn nhân lực nói chung, chất lược giáo dục đại học nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khái niệm năng lực thông tin càng được quan tâm nhiều hơn.

Khái niệm NLTT được đề cập đến từ những năm 70 của thế kỷ XX. Sự xuất hiện của thuật ngữ này gắn liền với xu thế bùng nổ thông tin tại thời điểm đó. Sau này, Hiệp hội Thư viện Mỹ (American Library Association - ALA) đưa ra một định nghĩa phổ biến rằng, NLTT là một tập hợp các khả năng cho phép các cá nhân có thể nhận biết thời điểm cần thông tin và có thể định vị, thẩm định và sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu quả”.

Hiện nay, các tổ chức đang xem xét và cập nhật định nghĩa NLTT phù hợp với sự thay đổi của thời đại công nghệ thông tin. Nội hàm của NLTT liên quan đến khả năng làm chủ thế giới thông tin của mỗi cá nhân, thông qua việc: tiếp cận, xử lý thông tin; tương tác với thế giới thông tin; hiểu về các khía cạnh đạo đức, pháp luật của việc khai thác và sử dụng thông tin.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19-01-2011) với Điều 1 ghi rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”.

Như vậy, có thể hiểu phẩm chất đảng viên được hiểu như tổng hòa của năng lực và đạo đức cá nhân, vừa “chuyên” vừa “hồng” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồng là phẩm chất, là đạo đức của người cách mạng: yêu nước, trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chống chủ nghĩa cá nhân và có tinh thần quốc tế trong sáng. Chuyên là sự thể hiện trí tuệ, tài năng, năng lực của cá nhân con người gắn liền với sự khổ công học tập, rèn luyện để có tri thức, nâng cao tri thức và dùng chính những tri thức mình có được mà phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng, của đất nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc giáo dục lý tưởng cách mạng, Hồ Chí Minh còn chú trọng giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật nhằm phát triển trí tuệ cho con người Việt Nam.

Trong các kỳ đại hội Đảng, trong các văn kiện hội nghị Trung ương của thời kỳ đổi mới, vấn đề phẩm chất của cán bộ, đảng viên luôn được đề cập đến như một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, dù dưới các hình thức và các góc độ khác nhau. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII  về một số vấn đề trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, với nội dung cốt lõi bàn về phẩm chất người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng vẫn coi đạo đức của cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của mọi chủ trương, đường lối, đem lại niềm tin của dân đối với Đảng, sức mạnh và sự ổn định, phát triển của Đảng.

Về năng lực, đảng viên cần thể hiện được hiệu quả cao nhất trong lao động. Vì hiệu quả lao động là thước đo định lượng nhất cho năng lực của một cá nhân. Để có thể đạt hiệu quả cao trong lao động, đảng viên luôn không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt. Từ một nền kinh tế lạc hậu, phổ biến là sản xuất nhỏ lại chịu nhiều hậu quả chiến tranh, không nỗ lực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, chúng ta không thể tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể xây dựng được đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phẩm chất này đòi hỏi đảng viên phải từng bước, nhưng nhanh chóng, nắm bắt kiến thức khoa học hiện đại, trước hết là trong lĩnh vực hoạt động của mình, bắt kịp những thành tựu mới trong lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ giúp đảng viên không trở thành lạc hậu, mà luôn đi đầu về trí tuệ, đủ sức lãnh đạo quần chúng trong mọi công việc.

Xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức có đặc thù là các nguồn thông tin càng ngày càng trở nên đa dạng về số lương, chất lượng và hình thức biểu đạt. Điều này tất yếu dẫn đến tính phức tạp và phong phú của nguồn tin. Vấn đề đặt ra là: làm sao kiểm soát được lượng thông tin khổng lồ đang ngày càng gia tăng một cách chóng mặt, làm sao kiểm soát được tính chính xác và độ chân thực của thông tin? Hơn thế nữa, chính do thế giới thông tin đang ngày càng trở nên phức tạp, xu thế liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xuất hiện, sự xuất hiện mạnh mẽ của rất nhiều kênh thông tin đã khiến cho mỗi cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu thông tin của chính họ. Hơn lúc nào hết,  mỗi đảng viên cần có năng lực tiếp cận và làm chủ thế giới thông tin một cách hiệu quả. Vì thế, phát triển NLTT là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. NLTT - với những khả năng: nhận biết nhu cầu thông tin và tìm kiếm thông tin; đánh giá, quản lý và sử dụng thông tin - giúp đảng viên thu được lợi ích từ thế giới thông tin; buộc đảng viên tự điều chỉnh bản thân và năng lực tư duy sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, hữu ích để đảng viên tự cập nhật và tiếp nhận tri thức mới một cách dễ dàng và chủ động.

Về đạo đức, đảng viên phải trung với nước, hiếu với dân; phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hiện nay, cần, kiệm, liêm, chính là hết sức cần thiết, vì với nền kinh tế thị trường mà cơ chế quản lý của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, những gian khổ, mất mát của chiến tranh còn chưa xoá hết thì nếu không cần, kiệm, liêm, chính, sẽ dễ dàng trở nên hủ bại, tham ô, lãng phí của nhân dân. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, của thi đua ái quốc, là phẩm chất và chuẩn mực đạo đức của người “đầy tớ của nhân dân”. Đó cũng là đặc điểm văn hoá đạo đức của một đất nước, quốc gia hưng thịnh, là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc. NLTT - với nội dung về đạo đức và thực hiện văn bản pháp quy về sử dụng thông tin - giúp đảng viên bước đầu hình thành đạo đức cá nhân trong hoạt động khai thác thông tin. Mà đạo đức cá nhân trước hết được hình thành từ những biểu hiện đạo đức hành vi như thế.

Trong hệ thống phẩm chất đạo đức cách mạng hiện nay của đảng viên còn có nhiều phẩm chất khác, nhưng có thể nói, các phẩm chất trên đây là cần thiết nhất, quan trọng nhất, đòi hỏi mỗi đảng viên phải thực hiện nghiêm chỉnh. Việc thực hiện những phẩm chất cần thiết này là một quá trình với những phương châm và biện pháp khác nhau. Trong các phương châm và biện pháp đó thì phát triển NLTT cho cá nhân đảng viên là một cách thức cần thiết, nhất là trong bối cảnh của toàn cầu hóa và nền kinh tế hội nhập. Với tất cả các nỗ lực đã có, công tác xây dựng đảng mà nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng là một nội dung căn bản trong những năm truớc mắt sẽ có những chuyển biến mới mẻ hơn, sâu sắc hơn, có quy mô lớn hơn, làm trong sạch Đảng, nâng Đảng lên tầm cao mới, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. 


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất