Về việc nêu gương thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng

Chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng là việc đảng viên hỏi và được trả lời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên, cấp uỷ viên, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước. Mục đích, yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn là nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; chất vấn góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Hơn nữa, hoạt động chất vấn trong Đảng là một trong những hình thức kiểm tra, giám sát, góp phần kiểm soát quyền lực các tổ chức trong bộ máy của Đảng - Đây là vấn đề mang tính quy luật, được quy định trong Điều lệ Đảng hiện hành.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 158-QĐ/TW ngày 12-5-2008, ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng, là văn bản đầu tiên quy định về vấn đề chất vấn trong Đảng, một hoạt động mang tính tự giác, chiến đấu rất cao trong sinh hoạt nội bộ Đảng. Khoản 2, Điều 3, Quy chế chất vấn trong Đảng, quy định: “Đảng viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng viên trong phạm vi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng bộ mà mình là thành viên và phải chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình. Tổ chức đảng, đảng viên là đối tượng chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời chất vấn của mình”.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và thống nhất rất cao việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết chỉ ra ba vấn đề cấp bách: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) yêu cầu: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp BCH Trung ương và cấp ủy các cấp”.

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) thông qua Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ,  đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục yêu cầu “Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của BCH Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp”[1]. Và gần đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã chỉ ra: “… chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải “tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ”…
 
Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương quy định: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Điều này cũng đồng nghĩa phải thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình..
 
Trong sinh hoạt, một số đảng bộ đã thực hiện việc thảo luận, phát huy dân chủ, bảo đảm đúng các nguyên tắc hoạt động và sinh hoạt của Đảng. Quy chế chất vấn trong Đảng đã được một số tỉnh ủy, thành uỷ, cấp ủy triển khai và bước đầu khẳng định hiệu quả. Hằng năm, các cấp ủy, ban thường vụ cấp uỷ trong báo cáo công tác xây dựng đảng có đánh giá tình hình thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng. Có tỉnh uỷ đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của tỉnh uỷ. Nội dung chất vấn, tập trung vào một số vấn đề dư luận quan tâm như: về tình hình, kết quả thu hút đầu tư, triển khai dự án của các doanh nghiệp; thực hiện chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực; việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân; việc quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai; việc quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ… cho đến vấn đề tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Nhiều ý kiến chất vấn được những người có trách nhiệm liên quan trả lời, giải thích trong các hội nghị cấp ủy, các nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội phải giải quyết lâu dài, có nơi tỉnh uỷ đã có kết luận về chất vấn và trả lời chất vấn tại hội nghị tỉnh uỷ và giao ban cán sự đảng UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các ngành có liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo lại ban thường vụ tỉnh uỷ để trả lời tại kỳ họp tỉnh uỷ lần sau. Tuy nhiên, việc thực hiện chất vấn trong Đảng hiện nay vẫn chưa trở thành hoạt động thường xuyên, phổ biến ở các đảng bộ; nội dung chất vấn còn nghèo nàn, chưa thực sự đúng trọng tâm, trọng điểm, còn né tránh nhiều vấn đề bức xúc... Thực tế cho thấy, ở nhiều hội nghị BCH đảng bộ, trong chương trình mặc dù đã dành thời gian để các cấp uỷ viên thực hiện quyền chất vấn, song số lượt đăng ký chất vấn tại các kỳ họp này còn ít, thậm chí rất ít. Trong khi đó, hiện tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu gia trưởng, áp đặt, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết hoặc tự ý quyết định theo ý thức chủ quan của mình trong khi tập thể đang bàn bạc và còn có nhiều ý kiến khác nhau.
 
Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là Quy chế chất vấn trong Đảng chưa được nhận thức đầy đủ, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện, chưa có kế hoạch triển khai cụ thể; chưa có biện pháp, yêu cầu mang tính bắt buộc để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ từ cấp trên xuống cấp dưới. Việc tuyên truyền, học tập trong toàn Đảng để đảng viên, cấp ủy viên hiểu và có ý thức thực hiện quyền và trách nhiệm của mình trong chất vấn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều tổ chức, cấp ủy đảng chưa mạnh dạn đưa vấn đề chất vấn vào chương trình nghị sự của các kỳ họp BCH; còn có tâm lý e ngại, thậm chí có biểu hiện né tránh, không muốn triển khai trên thực tế.
 
Có thể thấy, Quy chế chất vấn trong Đảng là một trong nhiều quy định về tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhưng lại là quy định ít được quan tâm triển khai thực hiện thời gian qua.Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc sai phạm không được phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa.
 
Quy định số 08-Qđi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương đã quy định 8 điều “phải gương mẫu đi đầu thực hiện” và 8 điều “phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”. Nội dung của quy định vừa khái quát, vừa cụ thể, dễ hiểu, dễ làm theo và dễ kiểm tra, giám sát. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương và coi đây như một “khuôn mẫu” để soi vào và thực hiện. Điều dễ nhận thấy là 8 nội dung trong Điều 3 của Quy định 08/QĐi/TW cũng chính là nội dung cần thiết phải chất vấn trong Đảng hiện nay và cũng là một trong những giải pháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng. 
 
Vấn đề đặt ra hiện nay là từng cấp ủy đảng phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nêu gương chất vấn trong Đảng, coi đó là một đòi hỏi bức thiết để góp phần giữ cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Quyền được chất vấn phải gắn liền với trách nhiệm nêu gương; tự giác, gương mẫu trong chất vấn sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của người được chất vấn lẫn người chất vấn. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn phải bao hàm 8 vấn đề trong Điều 3 của Quy định 08/QĐi/TW. 
 
Từ hoạt động chất vấn trong Đảng thời gian qua cho thấy, một trong những phương thức hiệu quả nhất để tháo gỡ rào cản về sự nể nang, e ngại chất vấn chính là sự nêu gương, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy. Nếu người đứng đầu chủ động, tự giác, cởi mở, tạo dựng môi trường dân chủ, có thái độ thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm thì hoạt động chất vấn trong Đảng có hiệu lực, hiệu quả.

TS. Nguyễn Văn Hào
Khoa Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị khu vực III


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.2000.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất