Cần đề cao vai trò Hội đồng Hiến pháp
Theo quy định tại Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về Hội đồng Hiến pháp, đây là quy định mới, lần đầu tiên được đề cập và ghi nhận vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp trước các hành vi vi hiến, đảm bảo việc tuân thủ và thực thi Hiến pháp một cách nghiêm túc.

Qua nghiên cứu nội dung Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về Hội đồng Hiến pháp, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:         

Thứ nhất, về tên gọi Hội đồng Hiến pháp, đề nghị nghiên cứu đặt tên gọi cho dễ hiểu, gắn với nhiệm vụ của cơ quan này trong việc bảo vệ Hiến pháp trước các hành vi vi hiến và có thể đặt tên như: "Hội đồng Bảo Hiến" hoặc "Tòa án Hiến pháp".          

Thứ hai, theo quy định tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thì Hội đồng Hiến pháp do chính Quốc hội thành lập. Do đó, quá trình thực hiện chức năng bảo vệ Hiến pháp của Hội đồng Hiến pháp sẽ bị ảnh hưởng, chi phối trong việc xem xét, xử lý các hành vi vi hiến của chính Quốc hội - cơ quan lập ra Hội đồng Hiến pháp. Vì vậy, Quốc hội không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp mà Hội đồng này phải do nhân dân trực tiếp bầu song song với việc bầu cử đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ, đồng thời, dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần trao cho Hội đồng Hiến pháp những quyền năng cơ bản trong việc bảo vệ Hiến pháp.             

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: "2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn”. Quy định này mới chỉ quy định chức năng là quyền kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc xem xét, kiểm tra và đề nghị hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật vi phạm Hiến pháp, tuy nhiên, trong trường hợp các cơ quan, cá nhân được kiến nghị nhưng không đồng ý với các yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Hiến pháp thì cơ chế xử lý tiếp theo như thế nào. Do vậy, cần phải có cơ chế giải quyết tiếp theo hoặc biện pháp thích hợp trong trường hợp các yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng Hiến pháp không được tuân thủ và thực thi nghiêm túc như: Có quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung vi phạm Hiến pháp...          

Thứ tư, nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp, ngoài việc kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, cần bổ sung các nhiệm vụ khác như: có thể kiểm tra các văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng bao chứa các quy định vi phạm Hiến pháp; hoặc các hành vi vi phạm Hiến pháp, đồng thời, Hội đồng Hiến pháp cần phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thi hành Hiến pháp...          

Có như vậy, Hội đồng Hiến pháp mới phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ Hiến pháp, đảm bảo Hiến pháp mới tuân thủ và thực thi nghiêm túc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất