Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị theo Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Xin có một số ý kiến tham gia dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, như sau:
Đề nghị bổ sung Điều 6 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 cụm từ “tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội” và biên tập lại đoạn này như sau: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và thông qua các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan khác của Nhà nước”. Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo nhân dân được thực hiện quyền lực nhà nước qua các tổ chức - chính trị, xã hội hợp pháp mà họ tham gia.
Tại khoản 1 Điều 27, dự thảo Hiến pháp quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Tại khoản 2 Điều 27 lại quy định “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội". Việc thêm như vậy là không cần thiết, mâu thuẫn với khoản 1. Bởi vì, khoản 1 Điều 27 đã quy định công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt... Như vậy, có thể hiểu là nam nữ bình quyền, không phân biệt đối xử, mọi hành vi vi phạm bình đẳng sẽ bị nghiêm trị. Việc khoản 2 quy định: "... Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội" đã phủ định khoản 1 và đặt câu hỏi tại sao lại không tạo điều kiện cho nam giới. Do đó, chỉ cần quy định như khoản 1 Điều 27 là hợp lý, đầy đủ, chặt chẽ.
Tại Điều 28, dự thảo Hiến pháp: Theo chúng tôi nên thay cụm từ "đủ 18 tuổi..., đủ 21 tuổi" thành cụm từ "từ 18 tuổi..., từ 21 tuổi" là phù hợp. Bởi vì, theo xu thế phát triển của xã hội từ 18 tuổi nhận thức về trách nhiệm công dân đã hình thành đầy đủ, thông qua môi trường giáo dục của xã hội, do vậy nên xác định lại độ tuổi. Vì nếu quy định đủ 18 tuổi, có nghĩa là phải tính đủ ngày, giờ từ khi sinh cho đến ngày bầu cử thì mới chính xác. Đây là việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. Hơn nữa, độ tuổi từ 18 tuổi (17 tuổi 1 ngày) nếu là nữ thì đã có quyền lập gia đình rồi, tức là nhận thức và hiểu biết về xã hội đã hình thành một cách cơ bản, đây cũng là xu thế phát triển chung của các nước trên thế giới và khu vực.
Tại khoản 2 Điều 29, dự thảo Hiến pháp quy định: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân". Theo chúng tôi nên thay cụm từ "phản hồi ý kiến" thành cụm từ "thụ lý giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân". Nên sửa lại như sau: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân". Việc quy định như vậy thể hiện rõ trách nhiệm, tính ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với công dân trong quản lý, điều hành.
Tại Điều 30, dự thảo Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân", đề nghị bổ sung cụm từ nghĩa vụ và biên tập lại như sau: "Công dân có quyền và nghĩa vụ biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý kiến". Bởi vì, công dân không chỉ có quyền biểu quyết mà còn cần phải thấy được nghĩa vụ của công dân để tham gia ý kiến đối với nhà nước, xã hội thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân luôn có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết, nhất là trên lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Tại khoản 4 Điều 32, dự thảo Hiến pháp, có ý kiến đề nghị bổ sung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như vậy sẽ rõ hơn, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước khi người thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra thiệt hại. Theo đó, đề nghị biên tập lại như sau: "4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý và bồi thường thiệt hại theo pháp luật".
Tại Điều 45, dự thảo Hiến pháp: Đề nghị bổ sung quyền xác định lại giới tính của công dân, vì hiện nay đã xuất hiện việc xác định lại giới tính của công dân trong nước, đây là nguyện chính đáng của công dân và phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới.
Phạm Văn Chung
Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Kon Tum