Vấn đề thu hút nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng và đóng góp cho đất nước



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các
khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài tại trụ sở
 Chính phủ ngày 19-8-2018.

Nguồn nhân lực, nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 400.000 người hoạt động trong các lĩnh vực về khoa học và công nghệ. Trong số đó, không ít người là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong cộng đồng khoa học và công nghệ trên thế giới như GS. Ngô Bảo Châu, GS. Đàm Thanh Sơn, GS. Vũ Hà Văn,… Bên cạnh đó, không ít kiều bào đã thành đạt và tạo được dấu ấn trong các lĩnh vực khác từ chính trị, văn hóa cho đến kinh doanh. Trung bình mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt kiều bào về thăm quê hương, hàng nghìn lượt doanh nhân Việt kiều tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức về tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Đến nay, có hàng nghìn doanh nghiệp của Việt kiều tham gia góp vốn, đầu tư nhiều tỷ USD về Việt Nam. Lượng kiều hối gửi về nước cũng liên tục tăng hàng năm, trong năm 2017 Việt Nam đã nhận 13,8 tỷ USD kiều hối, tăng 16% so với năm 2016 và là top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2017.

Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước từ lâu đã khẳng định, đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của dân tộc. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước”. Điều đó đã khẳng định Đảng và Nhà nước đã xác định được tầm quan trọng của việc thu hút các nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho đất nước, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học và các nhân tài trong nhiều lĩnh vực.

Vấn đề đặt ra.

Trong cuộc hội thảo về trí tuệ nhân tạo Việt Nam diễn ra vào ngày 21-8-2018 thuộc khuôn khổ hoạt động của chương trình kết nối hơn 100 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc và nghiêu cứu ở khắp nơi trên thế giới, GS. Vũ Hà Văn, Đại học Yale, Mỹ, người được xem là chuyên gia hàng đầu về Dữ liệu lớn (Big data) đã nêu quan điểm: “Cách đây khoảng 20 năm, Nhà nước đã luôn có một câu là “trải thảm đỏ mời nhân tài về nước” nhưng đến nay vẫn chưa ai biết thảm đỏ như thế nào.”. Phát biểu của Vũ Hà Văn cho thấy thực sự các nhà khoa học ở nước ngoài vẫn luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới tình hình phát triển của đất nước, tuy nhiên họ vẫn chưa tìm được thấy đủ động lực, mà ở đây là sự hỗ trợ từ phía Đảng, Nhà nước, các địa phương và các bộ, ngành để quay về cống hiến cho đất nước. Do đó, tình trạng chảy máu chất xám vẫn đang xảy ra trong nhiều năm gần đây.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày một sâu sắc, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia có nền tảng kinh tế vững mạnh và điều kiện làm việc tốt đã tìm đủ mọi cách để thu hút các nhân tài từ nhiều nước trên thế giới về làm việc. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh khốc liệt đó. Do đó, chúng ta phải một mặt cố gắng giữ chân được các nhân tài đang làm việc trong nước, mặt khác thu hút những hiền tài từ nước ngoài về đóng góp xây dựng đất nước, nhất là trong những lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu bằng cách xây dựng các chính sách hấp dẫn, hợp lý và cụ thể.

Một số giải pháp thu hút nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đất nước đang phát triển và gặp nhiều khó khăn, tuyển chọn nhân tài không thể thực hiện ở mức ồ ạt, thay vào đó cần có những biện pháp hợp lý, xin đề xuất mốt số giải pháp sau:

Một là, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút nhân tài.

Theo nhiều cuộc điều tra, khảo sát, phần đông các chuyên gia khi lựa chọn nơi làm việc đều đặt vấn đề môi trường lao động, cơ hội phát triển trình độ và khả năng thăng tiến lên hàng đầu. Vấn đề này có thể được xây dựng bởi các chính sách, chiến lược từ vĩ mô cấp Nhà nước tới vi mô ở các địa phương và tổ chức sử dụng nhân lực. Các chính sách, chiến lược này cần bảo đảm thái độ cầu thị và tôn trọng nhân tài, mặt khác cần đảm bảo sự ổn định, bền vững nhằm tạo sự yên tâm trong quá trình lao động. Bên cạnh chính sách, cần xây dựng cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho các nhân tài, nhằm hấp dẫn những chuyên gia từ nước ngoài về làm việc trong nước.

Trên thực tế, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thông qua các Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây đều là các Nghị quyết quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới phát triển môi trường lao động, chế độ đãi ngộ và tạo điều kiện cho nhân tài không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài trở về tham gia đóng góp công sức xây dựng đất nước.

Tại các tỉnh và thành phố, nhiều đề án phát triển nguồn lực con người đã được ban hành nhằm thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm việc trong cơ quan các cấp của địa phương. Tuy nhiên, nhiều đề án hiệu quả chưa cao, còn gây ra nhiều ý kiến trái chiều, tính hiệu quả và tính khả thi của nhiều đề án cần phải tiếp tục xem xét kĩ lưỡng và có giải pháp tốt hơn.

Hai là, đẩy mạnh giao lưu, hội nhập với nguồn nhân lực thế giới.

Liên tục tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhân tài đang làm việc trong nước hay nước ngoài tham gia giao lưu, học tập và phối hợp với các chuyên gia khác trên thế giới nhằm tận dụng cơ sở vật chất hiện đại bên ngoài và học hỏi, cập nhật các hướng phát triển mới trên thế giới.

Ba là, tăng cường công tác xây dựng và phát triển Đảng ở nước ngoài.

Bên cạnh các chuyên gia đang làm việc tại các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, còn có không ít đội ngũ các nhà khoa học trẻ đang học tập và nghiên cứu trong các chương trình đại học, thạc sỹ và nghiên cứu sinh. Đội ngũ các nhà khoa học trẻ này có tiềm năng to lớn và sẽ trở thành các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sau này. Mặt khác, tại hầu hết các nước có người Việt Nam sinh sống đều có các Đảng bộ, Chi bộ, tạo thành các cầu nối phổ biến đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đến người Việt Nam ở nước ngoài. Qua việc phổ biến, tuyên truyền này có thể tìm tòi các quần chúng ưu tú từ đội ngũ các nhà khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng, giúp họ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tăng cường xây dựng, phát triển Đảng ở nước ngoài, qua đó nâng cao trình độ của đội ngũ đảng viên để họ cống hiến được nhiều hơn cho đất nước.  

Bốn là, kêu gọi tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc.

Đa số Việt kiều đang sống, học tập và làm việc tại các nước phát triển với những điều kiện tốt hơn trong nước. Để kêu gọi nhân tài về nước, thì kêu gọi tinh thần yêu nước đóng vai trò quan trọng. Đồng bào ta ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và muốn có cơ hội quay về xây dựng quê hương. Cần kêu gọi mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc để nhân tài trở về Việt Nam cũng như giữ chân họ tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất