Giải quyết tình trạng "dưới lạnh"
Hội nghị toàn quốc phòng, chống tham nhũng (25-6-2018).

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (PCTN) mới đây khẳng định: “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Một trong những yếu tố mang tính quyết định trong công tác PCTN cũng như sự chuyển biến trong nhận thức, sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, nhân dân, sự đánh giá cao của bạn bè thế giới, các tổ chức quốc tế là vai trò của người đứng đầu. Việc củng cố, đổi mới Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo, đã mở ra một “trang mới” về công tác PCTN ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, cũng từ bài học kinh nghiệm quý báu này mà thúc đẩy công tác PCTN ở nước ta trong thời gian tới, trong đó tập trung giải quyết tình trạng “dưới lạnh” ở không ít nơi hiện nay. Để PCTN thành công và bền vững thì phải có nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ, với nhiều lực lượng tham gia quyết liệt, trong đó, vai trò người đứng đầu, chỉ huy, tư lệnh các mặt trận đóng vai trò hết sức quan trọng.

Khái niệm “trên nóng dưới lạnh” đã được một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội... nhắc tới, phản ánh đúng thực tế trong nhiều mặt công tác nói chung và công tác PCTN nói riêng. Trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã đề ra phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau” trong tự phê bình và phê bình. Trên thực tế không phải cấp trên nào cũng gương mẫu, không phải tổ chức đảng, đảng viên nào cũng tiên phong đi trước. Các vụ án tiêu biểu được đưa ra xét xử trong mấy năm gần đây (vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Quốc Hảo; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Giang Kim Đạt; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương...) thì hầu hết các bị can đều là cấp trên, người đứng đầu cấp này hay cấp khác và trong thời kỳ thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Cuộc đấu tranh PCTN đang ở giai đoạn quyết liệt, thành một xu thế, một phong trào, khi “lò” do người đứng đầu Đảng ta “nhóm” lên đang hồng rực, cháy bất kể củi tươi, củi khô hay củi ướt. Vậy mà không phải cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên nào, ngay cả ở Trung ương, hay cán bộ lãnh đạo cấp trên nào cũng gương mẫu, hăng hái, hưởng ứng, tích cực “vào cuộc” và đồng thời cũng không phải cấp dưới nào cũng “lạnh” như nhiều người nghĩ. Tình trạng "dưới lạnh" đã bước đầu được khắc phục tại một số địa phương, điển hình như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Đăk Lăk, Cần Thơ,... 

Chính vì thế, trong cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10-4-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm".  

Dân ta thường nói “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Công tác PCTN của chúng ta thể hiện rất rõ điều này. Do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, mặc dù nhiều văn bản, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã nói rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó có cuộc đấu tranh PCTN, nhưng không ít cấp trên, người đứng đầu không muốn làm, không thể làm và không dám làm với cấp dưới của mình, bởi vì những cán bộ này tay đã “nhúng chàm” và rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai, mặc dù dấu hiệu vi phạm đã rõ ràng. Những trường hợp như thế để bản thân họ gương mẫu, tự giác khai báo, nhận khuyết điểm...là không thể. Khi cấp dưới bị bại lộ, bị khởi tố, đưa ra xét xử mà khai ra sự liên quan, bảo kê, chung chi của cấp trên với những chứng cứ rõ ràng không thể chối cãi thì mới có thể kỷ luật được họ.

Từ những kinh nghiệm rút ra trong cuộc đấu tranh PCTN, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện những biện pháp khả thi được Đảng, Nhà nước ban hành, tình trạng “dưới lạnh” hy vọng sẽ suy giảm mạnh.

1. Cùng với nhiều quy định khác về công tác cán bộ, “Luật Phòng, chống tham nhũng” sửa đổi có những quy định chặt chẽ, khả thi hơn, Đảng ta sẽ hoàn thiện các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng".

2. Thật sự dựa vào dân để PCTN. Cùng với sự phát triển của thời đại, sự bùng nổ của thông tin, truyền thông, sự mở rộng dân chủ, quyền được thông tin của người dân, nhất là thông tin, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu, vai trò của người dân vô cùng quan trọng. Như trong bài tổng kết Hội nghị toàn quốc về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Với sự tham gia tích cực của quần chúng, nhân dân thì sẽ trở thành “hàng vạn, hàng triệu con mắt của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp". Đây là một tín hiệu cảnh báo cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải vì lợi ích của dân, lắng nghe dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, cũng là sự khích lệ, động viên, khuyến khích tích cực tham gia xây dựng Đảng.

3. Trong thời gian tới, một loạt quy định có liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có công tác PCTN sẽ được hoàn thiện, ban hành như: quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Điểm mới ở đây là khi cán bộ được cho là có biểu hiện hay dấu hiệu vi phạm khuyết điểm (có dư luận; có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp...) là có thể bị thay thế, điều chuyển.

4. Cần “cánh tay nối dài” đến tận đảng bộ cấp huyện và cơ sở. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có quy định về công tác phân cấp quản lý cán bộ, hiện nay không ít hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở không được cấp ủy đảng ở đó cho phản ánh trên báo chí ở cả địa phương và Trung ương. Nhiều khi báo chí, quần chúng, người dân tâm huyết muốn phản ánh với cấp có thẩm quyền nhưng không có hiệu quả. Ủy ban Kiểm tra cấp trên lại không quản lý những cán bộ theo quy định, nên có tình trạng “trên không với tới, dưới bao che". Tới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sẽ được giao thêm chức năng, nhiệm vụ. Ngoài diện cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương “có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị”. Trong mấy năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cố gắng, tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, nhất là các vụ án tham nhũng, tiêu cực, bắt đầu từ vụ Trịnh Xuân Thanh, được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Với cánh tay nối dài đến tận đảng bộ cấp huyện và cơ sở, tình trạng  bệnh thành tích, che giấu khuyết điểm, nể nang, né tránh, thậm chí bảo kê cho nhau, lợi ích nhóm sẽ bị kiểm tra, phanh phui, đưa ra ánh sáng.

Vũ Lân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất