Tăng cường sự tương tác giữa giảng viên ngành Chính trị học và sinh viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS,TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện trình bày tổng quan về Học viện, quá trình tự đánh giá và trả lời chất vấn trước Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục

1. Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực ngành chính trị học ở bậc đại học là một trong những lĩnh vực đào tạo quan trọng giúp cung cấp đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan đảng, nhà nước có trình độ tri thức và phẩm chất lý luận chính trị vững vàng, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, phát triển đất nước. Trong giáo dục đại học, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên nói chung, trong ngành chính trị học nói riêng là một yêu cầu, đồng thời là nhu cầu tất yếu nhằm góp phần bảo đảm chất lượng giảng dạy của giảng viên, chất lượng tiếp thu, nắm bắt bài học của sinh viên, góp phần làm nên chất lượng đào tạo nói chung. Sự tương tác này có thể diễn ra trong suốt quá trình dạy - học, được thể hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, như: thầy hỏi - trò đáp, trò hỏi - thầy trả lời, thầy nói - trò lắng nghe, trò bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng với môn học/tiết học - thầy tiếp nhận và đưa ra các biện pháp, hình thức giảng dạy thiết thực đáp ứng nguyện vọng của trò… Nhìn rộng hơn, sự tương tác còn được biểu hiện qua biểu lộ thái độ, cảm xúc, sự chăm chú lắng nghe, nhiệt tình tham gia học tập hay không của sinh viên, qua quá trình gặp gỡ, truyền đạt, trao đổi kiến thức giữa thầy và trò ở các buổi thảo luận, các tiết học ngoại khóa… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, với sự xuất hiện của khoa học - kỹ thuật hiện đại, sự tương tác còn được tăng cường hơn nữa nhờ các hình thức giao tiếp, đối thoại, truyền đạt kiến thức giữa thầy - trò với sự trợ giúp của mạng in-tơ-nét và các phương tiện kỹ thuật khi ở trên lớp và cả ngoài giờ học.  

Thực tiễn hoạt động dạy học hiện nay cho thấy, tính chất tác động trong dạy học chủ yếu mang tính xuôi chiều (từ người dạy đến người học), hiệu quả dạy học không cao do sự thụ động, kém tích cực của người học. Tăng cường tương tác tích cực đa chiều, đặc biệt là tương tác giữa người dạy với người học là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo sự tương tác bình đẳng về chức năng của các yếu tố dạy học, làm gia tăng giá trị các tương tác dạy học, thúc đẩy tính tích cực học tập của người học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học.


Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hiện nay, quan điểm sư phạm tương tác là một hướng tiếp cận dạy học mới: hướng vào người học, đặc biệt quan tâm sự gia tăng giá trị tương tác giữa người dạy, người học và môi trường, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học. Quan điểm này được sử dụng ngày càng phổ biến ở các trường đại học. Người học được xác định là người tự tổ chức hoạt động học, quyết định sự thay đổi trong nhận thức và nhân cách của chính mình. Người dạy với vai trò chủ đạo tổ chức, hướng dẫn các tương tác dạy học qua hoạt động sư phạm: từ thiết kế môn học, bài học tới thực hiện tổ chức các hoạt động dạy học. Tính chất, cường độ của các tương tác nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học phụ thuộc nhiều vào kĩ năng tổ chức, hướng dẫn tương tác của người dạy. Người dạy có ý nghĩa quyết định tạo nên môi trường học tập và mức độ tham gia của người học vào quá trình dạy học.

Chính trị học là một ngành đặc thù trong hệ thống đào tạo lý luận chính trị nói chung, là một trong những ngành “mũi nhọn”, đã khẳng định được vị trí, “thương hiệu” đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên tuyền nói riêng. Với mục tiêu đào tạo đội ngũ sinh viên ngành Chính trị học sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ trở thành các cán bộ, giáo viên, tuyên truyền viên, người làm công tác quản lý xã hội, quản lý nhà nước, tham mưu, tư vấn chính sách..., nên yêu cầu đào tạo được các thế hệ sinh viên hội đủ cả đức, tài, có phẩm chất chính trị tốt, có đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, cũng chính là góp phần đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai luôn được nhà trường chú trọng. Bảo đảm mục tiêu, chất lượng đào tạo, giảng dạy trên nền tảng không ngừng tăng cường tính lý luận chính trị, gắn với nhận thức thống nhất về tính Đảng, về sự kiên định lập trường và mục tiêu chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình đào tạo, giảng dạy ngành Chính trị học trở thành yêu cầu tiên quyết đặt ra đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây cũng đồng thời là hoạt động đào tạo, rèn luyện diễn ra thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình học tập của sinh viên.

2. Trên thực tế, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy ngành Chính trị học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thời gian qua đã được chú trọng, tăng cường, đầu tư hơn nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy về cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nếu như trước kia, hoạt động giảng dạy ngành Chính trị học và nhiều ngành khác thường dưới hình thức thầy giảng, trò nghe và ghi chép, thì nay đã có thêm nhiều hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy đa dạng. Các lớp học Phương pháp giảng dạy tích cực, Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, khóa học bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy… được Học viện mở trong những năm gần đây thu hút nhiều cán bộ, giảng viên tham gia và chủ động, tích cực áp dụng các kiến thức được học vào hoạt động giảng dạy thực tế. Ngày càng có nhiều giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, sử dụng hiệu quả những phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ quá trình giảng dạy nên tạo sự hấp dẫn, thu hút sinh viên hơn trong tiếp thu, tiếp nhận kiến thức.  

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy ngành Chính trị học ở Học viện Báo chí và tuyên truyền hiện nay vẫn còn một số tồn tại:

Về hình thức, phương thức tương tác: Một bộ phận giảng viên chưa thực sự chủ động và thường xuyên áp dụng các hình thức, phương thức tương tác với sinh viên thông qua hoạt động hỏi - đáp, thảo luận nhóm, quan sát và nắm bắt tình hình lớp học, quan sát và nắm bắt thái độ của sinh viên... Một số giảng viên chưa chú trọng sử dụng các phương pháp sư phạm “khơi nguồn” cảm hứng, phá bỏ sự rụt rè của một bộ phận sinh viên, nhằm khuyến khích sự tự tin, năng động của các em. Do đó, tiết học trở nên trầm lắng, không làm sinh viên hứng thú lắng nghe và bản thân người dạy cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, do mục tiêu đào tạo sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc trong các lĩnh vực chính trị, tuyên giáo, văn hóa, chính sách công… nên giáo viên có thể áp dụng hình thức tương tác với sinh viên thông qua việc “trao quyền”, “phân vai” cho sinh viên trong vai trò là những giáo viên, nhà chính trị, nhà tuyên giáo, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc quản lý nhà nước… để sinh viên nêu ý kiến, thảo luận một hoặc một số vấn đề được giảng viên nêu ra trong giờ dạy. Song, hình thức này chưa được áp dụng nhiều, mà mới thường chỉ dừng ở việc gọi sinh viên phát biểu, cho sinh viên thảo luận nhóm… Vô hình trung, tạo sự thụ động, ỷ lại trong sinh viên (đặc biệt ở hình thức thảo luận nhóm, vì đa phần các nhóm đều chỉ chọn một đại diện trình bày mà không có sự tham gia trực tiếp của các thành viên khác trong nhóm vào quá trình thảo luận, phát biểu đó). Hình thức tương tác do vậy chưa đa dạng, tính tương tác vì thế cũng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Về nội dung tương tác: Nội dung tương tác có thể diễn ra và được biểu hiện trong suốt quá trình giảng dạy - học tập giữa giảng viên và sinh viên thông qua các bài giảng; nhìn rộng ra còn là sự tương tác nội dung được thể hiện, thẩm thấu trong quá trình trải nghiệm, hoạt động thực tiễn của sinh viên. Tuy nhiên, tình trạng thầy giảng nội dung, trò nghe và ghi chép vẫn diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều lớp học. Các nội dung đưa ra nhằm khơi gợi sự tương tác ở sinh viên, để các em chăm chú lắng nghe, có ý kiến phát biểu, bày tỏ thái độ đồng tình hoặc phản đối… chưa nhiều. Một số nội dung giảng dạy nặng tính lý luận, chưa thực sự tạo sự hấp dẫn ở sinh viên, khiến các em có thái độ thờ ơ, không chăm chú nghe giảng; một số nội dung thảo luận chưa khơi gợi được sự hứng thú tham gia, tranh luận. Đặc biệt, đôi khi việc giảng dạy các nội dung nhằm tạo sự tương tác gắn với chuyên ngành học tập của sinh viên chưa thực sự gắn kết với điều kiện và nhu cầu thực tế, khiến các em cảm thấy các nội dung được tiếp nhận còn nặng về lý thuyết và cảm thấy lạ lẫm khi được tiếp xúc, thâm nhập thực tế… Nếu như ở các chuyên ngành Báo chí, sinh viên có cơ hội, điều kiện hoạt động, trải nghiệm thực tiễn nhiều, và có thể thể hiện sự tương tác nội dung được giảng dạy thông qua các tác phẩm báo chí, hay sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Quảng cáo có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động PR, quảng cáo nhờ quá trình liên kết, hợp tác đào tạo… thì sinh viên ở ngành Chính trị học dường như ít có những cơ hội được thể hiện và vận dụng nội dung được học nhằm tăng cường sự tương tác giữa nội dung lý thuyết được học và hoạt động thực tiễn.    

3. Để tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy ngành Chính trị học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay, ở tầm vĩ mô, cần có sự tham gia đề ra những định hướng phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của các nhà lãnh đạo, quản lý nhằm thúc đẩy việc tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy ngành Chính trị học bảo đảm chất lượng về cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả trước mắt và lâu dài, hướng đến phát triển giáo dục bền vững.  

Cần chú ý nâng cao hơn nữa chất lượng các giáo trình thông qua việc thường xuyên xây dựng, cập nhật các nội dung trong giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đào tạo cũng như sự biến đổi không ngừng của thực tiễn, của nhu cầu công việc thuộc lĩnh vực hoặc liên quan đến ngành Chính trị học.

Trong các môn học, các khoa thuộc ngành Chính trị học cần có sự điều chỉnh, nghiên cứu, xác định rõ môn học nào thiên về lý thuyết, môn học nào nên có cả lý thuyết và thực tế, tỉ lệ giữa lý thuyết và thực tế… trên cơ sở khảo sát thường xuyên nhu cầu của người học, nhu cầu tiềm năng và tham khảo ý kiến chuyên gia… để có thể đề ra phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp, đem lại hiệu quả giảng dạy cao hơn.

Cần nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo của giảng viên trong suốt quá trình giảng dạy nhằm tạo môi tường dạy học thân thiện, đồng thời tạo những điều kiện, cơ hội, đề ra các tình huống tương tác hiệu quả và đa dạng. Muốn vậy, trước hết, giảng viên phải nắm vững chuyên môn, có ý thức thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giảng dạy, truyền đạt tri thức. Cần coi người học (sinh viên) là trung tâm, giảng viên là người định hướng, hướng dẫn và tạo điều kiện cho sinh viên được thể hiện những tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu… chính đáng của mình trong suốt quá trình học tập để từ đó giúp giảng viên tìm ra những phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp, đạt hiệu quả tương tác giảng dạy cao nhất đối với mỗi lớp, mỗi chuyên ngành trong ngành Chính trị học. Giảng viên nên chủ động đổi mới nội dung bài giảng; sử dụng, vận dụng thường xuyên, phù hợp các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tạo sự hấp dẫn hơn nữa cho bài giảng. Tùy theo chuyên ngành đào tạo (Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chính trị phát triển, Quản lý xã hội, Chính sách công, Khoa học quản lý nhà nước, Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, Văn hóa phát triển…), giảng viên thuộc từng chuyên ngành nên dành thời gian thâm nhập, cọ sát thực tiễn nghề nghiệp trong lĩnh vực của mình để có thêm kinh nghiệm và tri thức thực tế, giúp bài giảng và tăng cường các hình thức tương tác trong quá trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế hơn; chủ động, tích cực viết bài đăng tạp chí chuyên ngành, tham gia các hội thảo liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành... Giảng viên cũng cần tham gia vào các khâu của hoạt động chuyên ngành mình để kịp thời cập nhật, nắm bắt và phổ biến những kiến thức, thông tin mới liên quan đến lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình giảng dạy. Ví dụ: cán bộ giảng dạy thuộc chuyên ngành Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa nên có thời gian thực tế, tham gia trực tiếp vào các khâu, các quá trình hoạt động tuyên giáo ở Ban Tuyên giáo Trung ương, hoặc ban tuyên giáo các tỉnh, thành; cán bộ giảng dạy thuộc chuyên ngành Văn hóa phát triển nên tham gia vào các hoạt động văn hóa, các khâu quản lý văn hóa… ở các đơn vị, tổ chức văn hóa - xã hội…

Đặc biệt, cần có sự kết hợp tham gia và nhập cuộc của cả giảng viên và sinh viên trong suốt quá trình giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng tương tác một cách thường xuyên, tích cực ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nếu giảng viên chỉ khơi gợi, khơi dậy sự tham gia, tương tác của sinh viên trong quá trình nghe giảng mà không bày tỏ thái độ, ý kiến, không ngừng tạo sự chú ý, tập trung và đặc biệt là khuyến khích, khơi dậy được tinh thần hứng khởi ở sinh viên thì chất lượng tương tác trong quá trình giảng dạy của giảng viên mới chỉ dừng ở nửa vời. Chỉ khi cả thầy và trò cùng thực hiện, đảm nhiệm tốt các vai trò, nhiệm vụ của mình thì mới có thể tạo chất lượng tương tác tốt. Từ đó, khơi dậy được sự hứng thú tham gia, nhập cuộc của sinh viên thông qua việc chăm chú lắng nghe, có ý thức và tư duy phản biện, chủ động phát biểu xây dựng bài, tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động thảo luận nhóm, hiểu và nhanh chóng nắm bắt được những nội dung của bài học…

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ và đặc biệt là mạng in-tơ-nét, cần nhìn nhận ở khía cạnh rộng hơn, là việc tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy không chỉ dừng ở lớp học, mà còn thông qua việc trao đổi thông tin, kiến thức, kỹ năng bài học thông qua các hình thức liên lạc như điện thoại, đặc biệt là email, mạng xã hội ngoài giờ học. Bởi vì, xu hướng tương tác thông qua mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến và đã chứng tỏ được những tiện ích nhất định trong thời đại kỷ nguyên số. Nên chăng, cả giảng viên và sinh viên đều nên sử dụng email, mạng xã hội (Facebook, hoặc Twitter,…) để có thể dễ dàng, nhanh chóng trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức về cả lý luận và thực tiễn liên quan đến bài học trên lớp. Tất nhiên, cần tỉnh táo và ý thức rõ được những mặt trái của việc sử dụng hình thức tương tác thông qua mạng xã hội để bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy, chất lượng tương tác, chứ không phải tạo ra hay vô tình đem đến những dư luận xã hội, những hệ quả không mong muốn.

Tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy ngành Chính trị học hiện nay là một trong những yêu cầu, và cũng chính là nhu cầu tự thân của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung, giảng dạy ngành Chính trị học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng nhằm cung cấp nguồn nhân lực ngành Chính trị học bảo  đảmyêu cầu, chất lượng đề ra, thiết thực đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển Đảng ta, đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Sự tăng cường tương tác cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở tâm và tầm, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy của giảng viên, ý thức cầu thị, chủ động, sáng tạo và động cơ, mục đích, thái độ học tập đúng đắn của sinh viên, cùng sự gắn kết, tạo điều kiện ở cả tầm vĩ mô và vi mô từ các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ ngày nay, cũng rất cần có sự tham khảo, học hỏi các bài học và kinh nghiệm tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng tương tác, cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Song, luôn cần bảo đảm giữ vững, kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình giảng dạy cũng như học hỏi kinh nghiệm… nhằm  vận dụng, áp dụng phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của nước ta, cũng như nhu cầu và điều kiện thực tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ đó, hướng đến việc giáo dục nói chung, giáo dục trong ngành Chính trị học nói riêng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát triển bền vững, hòa nhập nhưng không hòa tan.   

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất