Thu hồi tài sản tham nhũng – Vấn đề và giải pháp

Qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng ta rất quan tâm đề ra mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã yêu cầu phải: “Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”. Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là: “Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”. Biện pháp kinh tế là việc áp dụng hình phạt tiền, tịch thu tài sản, khuyến khích việc bồi thường, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, nhằm thu hồi cho Nhà nước những tài sản bị thất thoát do tham nhũng; hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do tham nhũng gây ra.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) đề ra là: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) yêu cầu các cơ quan chức năng: “Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”.

Các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng đã được cụ thể hóa thành các quy định tại nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước cũng như tại các văn bản của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Trong đó, đường lối, nguyên tắc chung về xử lý đối với tài sản tham nhũng và việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 70 và Điều 71 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Theo quy định của Điều 70 và Điều 71 Luật Phòng, chống tham nhũng thì các biện pháp tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng gồm có các biện pháp hình sự, hành chính, kinh tế và dân sự khác, trong đó việc thu hồi tài sản trong các vụ án có tính chất và mức độ nghiêm trọng nhất. Khảo sát cho thấy, ngoài quy định về nguyên tắc xử lý đối với tài sản tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng, chuyên biệt về tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng. Thay vào đó, các biện pháp, quy trình xử lý, thu hồi tài sản do phạm tội mà có được quy định trong các luật chuyên ngành: Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này quy định về thu hồi tài sản tham nhũng.

Nhìn rộng ra các nước, có thể thấy thu hồi tài sản tham nhũng là cả một quá trình gồm nhiều giai đoạn và liên quan đến nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau như: từ khâu phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do tham nhũng mà có (với vai trò nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức tài chính, ngân hàng); ra lệnh tịch thu tài sản (thẩm quyền thuộc tòa án); phong tỏa, tạm giữ tài sản (thẩm quyền thuộc tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra tùy theo giai đoạn tố tụng); nhận dạng, truy tìm và phong tỏa hay tạm giữ tài sản (thẩm quyền tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra tùy theo giai đoạn tố tụng); yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự, hành chính, hình sự (Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát); thực hiện thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự về tham nhũng (Bộ Tư pháp - cơ quan thi hành án dân sự)… Là một trong những nội dung của tố tụng nên về cơ bản thu hồi tài sản có sự gắn kết mật thiết với tương trợ tư pháp trong tất cả các lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ, hành chính.

Nghiên cứu cho thấy, trong 10 năm (năm 2005-2015), thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400ha đất; số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219ha đất. Năm 2016, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng và 838m2 đất, đã thu hồi 92,46 tỷ đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646,616 tỷ đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45,605 tỷ đồng. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi qua hoạt động của các cơ quan có chức năng trên phạm vi cả nước, song theo báo cáo chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, năm 2013 tỷ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi chỉ đạt chưa đến 10%; năm 2014 có khá hơn nhưng cũng chỉ đạt trên 22%. Riêng năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887m2 đất. Cơ quan chức năng đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% và thu hồi được 2.887m2 đất (đạt 29,2%). Nhìn một cách tổng thể, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua có chiều hướng tăng lên nhưng kết quả trên cũng phản ánh việc thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc:

Một là, quy định của pháp luật Việt Nam về thu hồi tài sản tham nhũng chưa hoàn thiện, chưa phù hợp với pháp luật quốc tế. Hệ thống pháp luật hiện hành còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng

Chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội; Quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự chưa tạo ra cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả; quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa phù hợp, chưa tương thích với quy định về thu hồi tài sản tham nhũng của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, giám định thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra còn kéo dài, chưa phù hợp.

Việc thu hồi tài sản chủ yếu thông qua việc kết án hình sự, trong khi chưa có quy định rõ ràng về việc thu hồi tài sản tham nhũng không qua kết án hình sự. Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng thông qua tố tụng dân sự chỉ mới là quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại. Luật Giám định tư pháp liên quan đến việc giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai... chưa cụ thể, chưa rõ ràng; việc xác định hậu quả trong những vụ án tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn do phải chờ kết luận giám định (thiệt hại về hậu quả), mà điều này lại không quy định rõ về thời gian, trong khi tố tụng lại quy định thời gian chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng vi phạm tố tụng trong những vụ án tham nhũng loại này.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn ít được thực hiện. Các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án còn với nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, thời hạn, thời điểm kết thúc kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, truy tố, xét xử, thi hành án còn kéo dài, dẫn đến việc thu hồi tài sản bị tham nhũng chậm và khó do kẻ tham nhũng đã tìm cách đối phó, hợp pháp hoá hoá đơn, chứng từ, tài liệu, chứng cứ và tẩu tán tài sản dưới nhiều hình thức tinh vi.

Hai là, các lực lượng có chức năng đấu tranh chống tham nhũng chưa thực sự quyết liệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, chưa làm hết trách nhiệm, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm

Các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng thường tập trung vào việc chứng minh hành vi vi phạm nhưng lại chưa quan tâm đến việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Không ít trường hợp, tài sản đã bị tẩu tán trước khi bản án có hiệu lực pháp luật. Khi nhận được bản án thì cơ quan thi hành án không thể thực hiện được vì không còn tài sản để thi hành án.

Nhiều vụ tham nhũng, cơ quan điều tra chưa thực hiện hết yêu cầu của Viện Kiểm sát khi trả hồ sơ. Viện Kiểm sát phải trả yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần làm cho vụ án kéo dài. Việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội nói chung và của những người có chức vụ, quyền hạn nói riêng còn nhiều bất cập và hạn chế, vì tài sản rất dễ rơi vào trạng thái không rạch ròi, của chồng cho vợ, bố cho con, anh cho em... dẫn đến tài sản ngoài thống kê và kiểm soát của cơ quan chức năng rất lớn. Việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa đúng mức và kiên quyết, còn nhiều vụ cho hưởng án treo... Việc đấu tranh chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng thông qua công tác chống rửa tiền còn rất hạn chế. Chưa xác lập được cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Để giải quyết được những vấn đề nêu trên quán triệt mục tiêu: “Thu hồi kịp thời, với mức cao nhất tài sản bị tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”, cần chú ý:

Sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình thực tế, như: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự; Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thanh tra, Luật Tố cáo; Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Tương trợ tư pháp... Ban hành mới Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ nhân chứng; Luật Chống rửa tiền; Luật Đăng ký tài sản... Xây dựng và ban hành Quy định về tặng quà và nhận quà đối với cán bộ, đảng viên cho phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam và để đảng viên không vi phạm quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, sự phối hợp công tác kiểm tra của Đảng với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan khác trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Xây dựng, bổ sung hoàn thiện quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy và UBKT trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Thực hiện Kết luận số 115-KL/TW ngày 10-8-2015, của Ban Bí thư về thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý, sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra của cấp ủy, UBKT các cấp và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, UBKT Trung ương chủ trì nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của UBKT các cấp trong phòng, chống tham nhũng; trong đó có quyền yêu cầu phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, quyền cấm xuất cảnh hoặc tạm dừng công tác đối với đảng viên có vi phạm nghiêm trọng về tham những, tạo cơ sở, nền tảng cho hoạt động chống tham nhũng của UBKT các cấp và Quy định về xử lý tiền và tài sản vi phạm thu được qua công tác kiểm tra của Đảng…

 Tiếp tục nâng cao việc thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tăng cường tiếp nhận đơn tố cáo của công dân phát hiện tài sản tham nhũng. Xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện tài sản do tham nhũng mà có. Tăng cường các biện pháp truyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, có nhiều chủ trương, hình thức khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến kế, có sáng kiến hữu ích để phòng, chống và thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng cường năng lực, hiệu lực cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, đạo đức công vụ, trình độ nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng công tác của cán bộ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tư pháp. Có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ này để họ thực sự trong sạch thì mới thực hiện công tác thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả. Cần thiết cho áp dụng một số biện pháp điều tra đặc biệt để nhanh chóng phá án tham nhũng và theo dõi, thu hồi kịp thời, với mức cao nhất được tài sản bị tham nhũng. Bảo đảm nguồn lực, phương tiện, điều kiện để các cơ quan này hoạt động chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm đầu mối chính trong việc thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng, có nguồn gốc từ tham nhũng.

Tăng cường thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng liên quan đến hỗ trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, chống rửa tiền và thu hồi tài sản bị tham nhũng. Nâng cao hiệu quả hợp tác, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm về luật pháp, cơ chế, chính sách, phương thức, hình thức, biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản với các quốc gia, tổ chức quốc tế để từng bước hoàn thiện cơ chế, pháp luật, các chủ trương, biện pháp và thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất