Phát hiện và thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng mà có đang là vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm và được đánh giá là một trong những khâu yếu nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Trên thực tế, khi xử lý các vụ việc tham nhũng, xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người tham nhũng mà dư luận hết sức quan tâm đến việc phát hiện và thu hồi tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt hoặc bị thất thoát. Thu hồi tiền và tài sản tham nhũng không những khắc phục được hậu quả nguy hiểm của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước mà còn có ý nghĩa cảnh báo, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Nếu tiền, tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng chưa triệt để và chưa thực sự hiệu quả.
Thực tiễn ở Việt Nam cũng cho thấy, số lượng tiền và tài sản bị chiếm dụng, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất lớn và một điều nhức nhối là hầu hết vi phạm, tội phạm trong các vụ tham nhũng lớn gần đây lại là đảng viên, là cán bộ chủ chốt các đơn vị. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, các đối tượng tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức, có sự chuẩn bị chu đáo khi phạm tội, khi thực hiện xong đã hợp thức hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ và cất giấu, tẩu tán tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm dụng nên khi bị phát hiện không còn khả năng thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.
Thực tế năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng dưới 10%, năm 2014 đạt hơn 22%, năm 2015 là 55,8% tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng gây ra. Kết quả trên cho thấy, thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng chưa triệt để, gây nhiều bức xúc nhất cho xã hội hiện nay. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để vừa xử lý được vi phạm song đồng thời phải phát hiện và thu hồi lại tài sản mà đối tượng đã chiếm đoạt để trả lại cho nhà nước, cho tập thể và nhân dân.
Trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ tham nhũng được phát hiện và bị truy tố được dư luận đặc biệt quan tâm như: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Có vụ án làm thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm ở Vinashin cho thấy nếu các cơ quan tố tụng không phát hiện và kiên trì, kiên quyết đưa vụ án này ra xét xử thì xã hội sẽ không biết, không ai nghĩ một cán bộ ít tuổi, cấp trưởng phòng mà lại dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối lượng tài sản quá lớn. Vụ án Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đồng phạm ở Vinalines hay vụ án tham nhũng của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và nhiều vụ việc khác đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân… Tuy nhiên, việc phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được là rất nhỏ so với tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra của uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã được khẳng định trên thực tế. UBKT có thẩm quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng và kiểm tra tài chính, tài sản của Đảng trong thu, chi ngân sách và sản xuất kinh doanh. Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra được 55.250 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong đó kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu về tham nhũng, cố ý làm trái và kiểm tra 263 tổ chức đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đã thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm về tham nhũng và cố ý làm trái. UBKT các cấp đã giải quyết tố cáo đối với 1.303 đảng viên về tham nhũng và cố ý làm trái và 6 tổ chức đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm.
Về kiểm tra tài chính đảng, thu chi ngân sách và sản xuất kinh doanh, nhiệm kỳ XI đã kiểm tra 7.825 tổ chức đảng, trong đó nội dung vi phạm gồm thất thoát do tham ô, tham nhũng, lãng phí là 1.113 tỷ đồng, để ngoài sổ sách kế toán 1.493 tỷ đồng, chi sai chế độ 970,145 tỷ đồng và xuất toán thu hồi trên 87 tỷ đồng và các vi phạm khác là 316, 903 tỷ đồng. Đề nghị xuất toán trên 87,312 tỷ đồng, hạch toán lại 991,607 tỷ đồng và giao đơn vị xử lý 205,552 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện xuất toán và thu hồi là 4,355 tỷ đồng. Qua kiểm tra có 267 đảng viên vi phạm về tài chính, trong đó phải thi hành kỷ luật 40 và đã thi hành kỷ luật 11 đồng chí.
Điển hình trong thời gian gần đây là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016 và một số cá nhân; UBKT Trung ương đã kết luận có các vi phạm, khuyết điểm cụ thể, trong đó nổi lên vi phạm về tài chính: Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để Văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ số tiền hơn một trăm tỷ đồng. Và nhiều vụ việc tham nhũng khác được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát khi được UBKT Trung ương và UBKT các cấp kết luận đã không khỏi khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân “giật mình”, bức xúc. Và cùng với kết quả UBKT Trung ương và UBKT các cấp làm trong thời gian qua đã xây dựng được niềm tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân đối với UBKT các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Kết quả kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng cho thấy nội dung vi phạm về tài chính của tổ chức, đảng viên chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: Vi phạm về quy định quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trong xây dựng cơ bản, đền bù giải phóng mặt bằng, mua sắm tài sản công, chi chế độ đi công tác, hội nghị, tiếp khách, thăm viếng, điện thoại, chiếm 60,8% tổng số tiền phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý ngân sách Đảng trong sản xuất, kinh doanh; thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí, chế độ đi công tác, hội nghị, tiếp khách, thăm viếng, điện thoại…; chiếm 17,1% tổng số tiền phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tiền quỹ của đơn vị hoặc tiền đóng góp của tập thể, cá nhân, chiếm 4,9% tổng số tiền vi phạm phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng các nguồn tiền khác, chiếm 17,1% tổng số tiền vi phạm phải thu hồi.
Hình thức thu hồi và xử lý tiền vi phạm đã thu hồi: Sau khi kết luận kiểm tra, UBKT các cấp không ban hành quyết định riêng biệt về thu hồi tiền vi phạm mà căn cứ vào văn bản kết luận để vận dụng nhiều hình thức quyết định thu hồi tiền vi phạm khác nhau, chủ yếu là các hình thức như: Đề nghị uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi tiền vi phạm có nguồn gốc ngân sách địa phương; cơ quan có thẩm quyền cấp trên của cơ quan vi phạm ra quyết định thu hồi đối với tiền vi phạm thuộc ngân sách Trung ương. Đề nghị cấp uỷ, văn phòng cấp uỷ quyết định thu hồi tiền vi phạm có nguồn gốc từ ngân sách Đảng…
Nơi giữ tiền thu hồi: Tuỳ vào nguồn gốc của tiền vi phạm, tiền vi phạm được nộp vào nhiều nơi để tạm giữ như: Kho bạc Nhà nước, tài khoản tạm giữ của Thanh tra, tài khoản của Văn phòng cấp uỷ cùng cấp, tài khoản của cơ quan, đơn vị được kiểm tra… Một số nơi, UBKT tỉnh uỷ đã mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Xử lý tiền đã thu hồi: Tùy vào nguồn gốc của tiền vi phạm, sau khi thu hồi, tiền được trả về ngân sách Nhà nước, hoàn trả đơn vị, cá nhân được thụ hưởng ngân sách; phục vụ công tác xây dựng Đảng; nộp lại Văn phòng cấp uỷ tiền đảng phí thu thiếu, trả lại đảng viên nếu thu đảng phí thừa; trả lại quỹ cơ quan, đơn vị hoặc quỹ đóng góp của tập thể, cá nhân… để được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Có nơi, UBKT được trích tỷ lệ tiền đã thu hồi sau kiểm tra để phục vụ công tác kiểm tra của Đảng, như chế độ đối với Thanh tra Nhà nước. Có nơi, sau khi thu hồi đủ số tiền vi phạm nộp vào ngân sách Nhà nước, đã đề nghị và được Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng ý cho trích tỷ lệ tiền đã thu hồi sau kiểm tra.
Để nâng cao hiệu quả về phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát, cần tập trung vào những giải pháp sau:
Xây dựng quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT các cấp trong việc phát hiện tài sản tham nhũng. Công tác chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu được vai trò của các tổ chức đảng và cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng là UBKT các cấp. Ban Bí thư đã có Kết luận số 115-KL/TW ngày 10-8-2015 về thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý, sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra của cấp uỷ, UBKT các cấp. Trong đó, giao Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với UBKT Trung ương và các cơ quan có liên quan.
Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng có nêu: “Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra đảng các cấp trong phòng, chống tham nhũng”. Thời gian tới, cần xây dựng Quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT Trung ương trong phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu mô hình cơ quan chống tham nhũng chuyên trách tại UBKT Trung ương.
Về tổ chức bộ máy, cần thành lập Cục giám sát trực thuộc UBKT Trung ương để tham mưu giúp UBKT Trung ương giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Về thẩm quyền, UBKT Trung ương đặt bộ phận giám sát thường xuyên ở các Tập đoàn và tổng công ty nhà nước thể theo dõi, giám sát việc chấp hành việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong sản xuất kinh doanh.
Nâng cao việc phát hiện tài sản tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong những năm tới, cần có các biện pháp để nâng cao hơn nữa việc phát hiện tài sản tham ô, tham nhũng thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Cần tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập đoàn công tác liên ngành bao gồm cán bộ các cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán, công an, Viện kiểm sát để phối hợp xử lý vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Xây dựng và hoàn thiện bộ máy của Đảng và của các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện tài sản tham nhũng. Công tác kiểm tra của Đảng và của UBKT các cấp chủ yếu dựa trên tính tự giác, tự phê bình và phê bình là chính, chỉ phù hợp với những vi phạm thông thường của đảng viên nhưng lại không phù hợp với hành vi vi phạm tham nhũng trong xã hội hiện nay. Trong thời gian tới, cần có sự nghiên cứu và đề xuất nhằm nâng cao vị thế, tăng thẩm quyền, nhất là áp dụng một số biện pháp đặc thù trong thẩm tra, xác minh của UBKT các cấp nhằm tăng tính hiệu quả trong xử lý, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Bên cạnh đó, cần công khai hoá kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng. Tăng cường tiếp nhận, phát hiện tài sản tham nhũng qua đơn tố cáo của công dân. Xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc phát hiện tài sản do tham nhũng mà có. Tạo điều kiện để cơ quan báo chí và phóng viên thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình trong việc tham gia đưa tin về các vụ việc tham nhũng và xây dựng quy chế trả lời của cơ quan tổ chức đối với báo chí.
Đối với thu hồi tiền và tài sản do tham nhũng mà có, cần tập trung làm tốt những giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng. Cấp ủy các cấp lãnh đạo chỉ đạo công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, cần chú trọng hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thu hồi tài sản tham nhũng; coi tiêu chí thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo quan trọng của việc đánh giá hiệu quả công tác này.
Đồng thời, tăng cường phối hợp công tác kiểm tra của Đảng với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan khác để tăng cường việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng. UBKT Trung ương đã có quy chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng các cơ quan tư pháp ở Trung ương, tuy nhiên, sự phối hợp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin. Trong xây dựng Quy chế phối hợp, thì UBKT có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan bảo về pháp luật sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc của các tài sản đó; nếu nguồn gốc bất hợp phát thì tài sản đó thuộc về nhà nước.
Tóm lại, để tăng cường việc phát hiện và thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng mà có cần nghiên cứu thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp và vận dụng phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong phòng, chống tham nhũng trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với vấn đề phát hiện và thu hồi tài sản do tham nhũng và tăng cường sự kiểm tra của UBKT các cấp đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng.
Cấp ủy và UBKT các cấp, đặc biệt là Bộ Chính trị ban hành các quy định để điều chỉnh hoạt động của đảng viên của mình, hiện nay, quan trọng nhất là Quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng trong đó có quyền yêu cầu phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, quyền cấm xuất cảnh hoặc tạm dừng công tác đối với đảng viên có vi phạm nghiêm trọng về tham nhũng, tạo cơ sở, nền tảng cho hoạt động chống tham nhũng của UBKT các cấp và Quy định về xử lý tiền và tài sản vi phạm thu được qua công tác kiểm tra của Đảng.
Đồng thời, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật theo hướng tăng cường độc lập xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tránh sự can thiệp quá sâu hay sự “buông lỏng” của cấp ủy vào hoạt động xét xử./.
Tô Quang Thu
Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương