Đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy theo tinh thần “Thà ít mà tốt”

Trong “Những bức thư và bài báo cuối cùng của V.I. Lê-nin viết từ ngày 23 tháng chạp năm 1922 đến ngày 2 tháng ba năm 1923” thì tác phẩm “Thà ít mà tốt” có nhiều nội dung mà trong thời điểm này, người đọc lại đều có sự so sánh, liên hệ với thực trạng tổ chức, bộ máy, biên chế của nước ta. “Thà ít mà tốt” được V.I. Lê-nin đọc cho thư ký ghi lại trong nhiều ngày và hoàn thành vào ngày 2-3-1923 và được công bố lần đầu tiên trên Báo "Sự thật", số 49, ngày 4 tháng 3 năm 1923. Như vậy là đến nay đã tròn 95 năm “Thà ít mà tốt” được xuất bản và cũng là 94 năm Lê-nin qua đời.

Không phải đến bây giờ mà trong nhiều quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đều thấy đây đó những quan điểm của Lê-nin: “Thà ít mà tốt”. Trong công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay thì có thể vận dụng, tiếp thu những tinh thần của tác phẩm “Thà ít mà tốt” thể hiện như thế nào? 

Trước hết, là thái độ thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức, bộ máy. Khi nhìn nhận bộ máy chính quyền xô viết sau 5 năm xây dựng, kể từ Cách mạng Tháng Mười, Lê-nin phải thốt lên rằng: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ”; “Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động, qua năm năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác. Nhìn hoạt động phí công ấy thì tưởng là chúng ta công tác, nhưng thực tế, hoạt động đó đã làm cho những cơ quan và đầu óc của chúng ta đóng cáu lại”. (Toàn bộ trích dẫn của Lê-nin trong bài viết này đều lấy từ Lê-nin, Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006). Đọc lại những đoạn văn này, chúng ta thấy dường như sự tự phê bình đến quá nghiêm khắc, thậm chí có phần hơi thái quá của Lê-nin. Trong lúc, chính quyền xô viết non trẻ lúc bấy giờ vẫn còn nhiều “thù trong giặc ngoài” rất dễ dàng lợi dụng những ý kiến của chính người đứng đầu đất nước để bôi nhọ, phá hoại? Nhưng tinh thần đó của Lê-nin mới thể hiện sự dũng cảm của người cộng sản. Ở nước ta, chính nhờ thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, duy ý của Đảng, Nhà nước ta cách đây 32 năm là động lực để tìm ra, quyết định con đường đổi mới, giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, có được sự nghiệp ngày nay. Từ kinh nghiệm này, gần đây, Đảng ta đã chỉ thẳng ra những yếu kém, hạn chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Thứ hai, chọn đúng tổ chức, bộ máy làm khâu “đột phá”. Với nguyên tắc “Thà ít mà tốt”, lựa chọn những đảng viên ưu tú, đồng thời lựa chọn một bộ máy có vị trí, vai trò rất quan trọng nhưng thực trạng lại hoạt động rất yếu kém, không hiệu quả để làm khâu đột phá. Lê-nin đã chọn Bộ dân ủy thanh tra công nông (tương tự như cơ quan Thanh tra Chính phủ của ta hiện nay) để tiến hành cải tổ. Lê-nin viết: “Bộ dân uỷ thanh tra công nông hiện không có một chút uy tín nào cả. Mọi người đều biết rằng không có cơ quan nào mà tổ chức lại kém như những cơ quan thuộc Bộ dân uỷ thanh tra công nông của chúng ta, và trong những điều kiện hiện nay, không thể đòi hỏi gì ở Bộ dân uỷ ấy được. Chúng ta phải nhớ kỹ điều đó, nếu chúng ta thật sự muốn, trong vài năm nữa, đi đến chỗ tạo nên được một cơ quan, một là sẽ gương mẫu, hai là sẽ được mọi người tín nhiệm tuyệt đối, và ba là sẽ chỉ cho tất cả và cho từng người thấy rằng chúng ta đã thực tế cáng đáng được công tác của cái cơ quan cao cấp ấy, là Ban kiểm tra Trung ương”. Trong tình trạng đó, Lê-nin đặt vấn đề tại sao không sáp nhập Bộ dân ủy thanh tra công nông với Ủy ban Kiểm tra của Đảng?

Khác với thời Lê-nin, ở nước ta hiện nay, hệ thống tổ chức bộ máy không chỉ có các cơ quan nhà nước, các tổ chức của Đảng mà còn nhiều tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương, với số lượng biên chế như một nhà nước thu nhỏ. Do đó việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy còn nặng nề phức tạp hơn nhiều. Ngược lại với cách cải cách bộ máy của Lê-nin là bắt đầu làm từ cơ quan đầu não của Trung ương thì ở ta hiện nay lại bắt đầu từ cấp huyện, cấp cơ sở trước, với việc sáp nhập các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương tự vào với nhau. Việc tiến hành thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác đang phát huy hiệu quả rõ rệt, trong đó cơ quan thanh tra của huyện sáp nhập với ủy ban kiểm tra huyện ủy là theo đúng tinh thần “Thà ít mà tốt”. Vấn đề đặt ra hiện nay ở ta là có thể “ít” nhưng còn “tốt” thì đến mức độ nào?

Thứ ba, đổi mới tổ chức, bộ máy cần thiết phải đi liền với đẩy mạnh, phát huy vai trò của văn hóa. Đọc lại “Thà ít mà tốt” chúng ta rất thấm thía sâu sắc lời dạy của Lê-nin về vai trò của văn hóa trong công tác này. Người viết: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào; và đừng quên rằng những khuyết điểm đó bắt nguồn từ quá khứ; quá khứ này tuy đã bị lật đổ, nhưng chưa bị tiêu diệt, nó chưa phải là một giai đoạn văn hoá đã hết thời từ lâu”. “Tôi sở dĩ đặt ra đây chính ngay vấn đề văn hoá, vì về mặt này, chỉ có cái gì đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, vào phong tục, tập quán, mới có thể coi là đã được thực hiện. Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này, phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”.

Thực trạng tình hình đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của đất nước ta hiện nay bị “vướng” và bị cản trở bởi nhiều những yếu tố văn hóa, cả quá khứ và hiện tại, đặc biệt của “các thứ văn hoá tiền tư sản, nghĩa là thứ văn hoá quan liêu hay văn hoá phong kiến, v.v..”. Chẳng hạn, đó là: tư tưởng của vô sản lẫn tư tưởng tiểu nông, tiểu tư sản mang nặng yếu tố cá nhân chủ nghĩa, duy tâm chi phối nhiều trong cách nghĩ, cánh làm của không ít cán bộ hiện nay; lười học hoặc học một cách hình thức nhưng lại sính bằng cấp, thích làm “quan”; tư tưởng cục bộ địa phương “một người làm quan cả họ được nhờ”;  đạo đức giả, sĩ diện, chạy theo hình thức “làm thì láo báo cáo thì hay”, “tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có thể nói bắt nguồn từ cái gốc là sự thiếu hụt văn hóa (theo nghĩa rộng). Nói theo Lê-nin thì “những yếu tố kiến thức, học thức, giáo dục...” của chúng ta có “ít ỏi đến nực cười”. Do vậy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị của chúng ta gặp rất nhiều vật cản, trong đó một phần quan trọng là thiếu kiến thức, học thức và giáo dục.

Thứ tư, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy không thể tiến hành một cách vội vàng, không thể “ngày một ngày hai”. Nhiều người cứ nghĩ rằng, trước thực trạng đáng buồn về bộ máy nhà nước xô viết sau năm năm xây dựng, nhẽ ra Lê-nin cần đẩy nhanh quá trình cải cách nó. Tuy nhiên, Lê-nin lại đưa ra quan điểm của mình, là: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân liệu tốt”; việc hành động một cách “hấp tấp và phóng tay quá là hết sức có hại”; “ Và không được quên rằng muốn xây dựng được bộ máy ấy, chúng ta không được ngại tốn thời gian, rằng việc đó đòi hỏi nhiều, nhiều, rất nhiều năm tháng”.

Liên hệ quan điểm của Lê-nin với thực trạng tổ chức, bộ máy của nước ta hiện nay là hoàn toàn phù hơp. Nghị quyết của Trung ương Đảng ta đã khẳng định: “Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp”. Nói theo Lê-nin thì cho đến nay, chúng ta chưa có đầy đủ các yếu tố để đẩy nhanh, toàn diện công tác đổi mới tổ chức, bộ máy. Bởi vì nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên và không ít người lao động” không được học tập mấy, họ không có trình độ văn hoá cần thiết để làm việc đó”. Do vậy, “Thà ít mà tốt” còn hơn “nhanh nhẩu đoảng”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất