Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chú trọng giáo dục giáo dục thanh thiếu niên bằng những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, thông qua các phong trào hành động cách mạng mang lại hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, bám sát những diễn biến của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tâm lý, nhu cầu của thanh thiếu nhi. Hệ thống báo chí của Đoàn đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng các số báo và hoạt động sau mặt báo.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã trở thành hoạt động thường xuyên, rộng khắp. Trong 10 năm qua, Đoàn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và uy tín xã hội của các hình thức tuyên dương như Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, cán bộ đoàn cơ sở, đoàn viên tiêu biểu (Giải thưởng Lý Tự Trọng), thanh niên nông thôn tiêu biểu (Giải thưởng Lương Định Của), thanh niên công nhân tiêu biểu (Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi), sinh viên tiêu biểu (Giải thưởng Sao Tháng Giêng và danh hiệu Sinh viên 5 tốt), doanh nhân tiêu biểu (Giải thưởng Sao Đỏ và Sao Vàng Đất Việt), chỉ huy Đội và Tổng phụ trách Đội tiêu biểu (Giải thưởng Kim Đồng)…. Nhiều gương điển hình tiên tiến đã được giới thiệu, có ý nghĩa động viên, khích lệ thanh niên nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng đã có sự thay đổi về trọng tâm, một mặt tiếp tục phát huy sự tham gia của thanh niên vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mặt khác gia tăng tính đồng hành với thanh niên, đẩy mạnh, quan tâm, chăm lo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, đặc biệt trong học tập, tư vấn, hướng nghiệp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và các kỹ năng xã hội cần thiết đối với thanh thiếu nhi.
Phát triển nền tảng lý luận về phong trào hành động cách mạng trong những năm trước đây, để làm rõ nét hơn hai nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và lần thứ X đã xác định 2 nội dung song hành trong triển khai phong trào, đó là “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đưa phong trào hướng mạnh theo từng đối tượng thanh niên, đối với từng đối tượng có các hoạt động phong trào phù hợp với đặc trưng vùng miền, tôn giáo, tính chất công việc.
Trong công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã định hướng để Hội đồng Đội các cấp đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thiếu nhi: Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, định hướng giá trị, hình thành nhân cách cho thiếu nhi thông qua các cuộc vận động, chương trình, phong trào như Cuộc vận động“Vì đàn em thân yêu”,chương trình "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" và các phong trào "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy", phong trào "Kế hoạch nhỏ", "Nghìn việc tốt"... Quan tâm đến giáo dục kỹ năng cho thiếu niên, nhi đồng qua các mô hình như "Trại hè xanh", "Hành trình về với thiên nhiên"; nhân rộng và tuyên dương các gương điển hình thiếu nhi học tập tốt, rèn luyện tốt, chỉ huy Đội giỏi, phụ trách Sao giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ; phát triển hệ thống Cung, nhà thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện. Các cấp bộ đoàn đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp uỷ đảng, chính quyền và vận động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Từ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhận thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về công tác này có bước phát triển mới. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đã khẳng định quan điểm “Xây dựng Đội là xây dựng Đoàn trước một bước”.
Công tác tham mưu, chỉ đạo của Đoàn có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo hơn, tích cực tham mưu xây dựng chính sách mang tầm chiến lược đối với công tác thanh niên, đồng thời tập trung chỉ đạo các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo giải quyết những vấn đề bức thiết của thanh niên và công tác Đoàn. Ban chấp hành đoàn các cấp đã thực hiện tốt vai trò cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; đồng thời là cơ quan tham mưu cho cấp uỷ Đảng cùng cấp về công tác thanh niên; phối hợp với các cấp chính quyền tập trung tháo gỡ cơ chế liên quan đến công tác thanh niên; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đánh giá kết quả các chương trình, nghị quyết liên tịch, ký kết các chương trình, nghị quyết mới, góp phần tạo cơ chế, nguồn lực cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Trong chỉ đạo, các cấp bộ đoàn đã đề cao tính mục tiêu, tính hành động, tính cụ thể, tính quyết liệt; kế thừa các phương thức tổ chức phong trào đã có hiệu quả trong thực tiễn, như: Tháng Thanh niên, Năm Thanh niên, các chiến dịch cao điểm…; đồng thời sáng tạo nhiều cách làm mới, như: chỉ đạo đồng loạt, tổ chức các hoạt động tạo mẫu và hướng dẫn chuyển giao mô hình; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tổ chức Đoàn cấp dưới để vừa đổi mới công tác thi đua, khen thưởng vừa là bộ công cụ chỉ đạo, định hướng, dẫn dắt công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Về việc thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội; khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hóa, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 47-HD/TWĐTN-BKT ngày 01-7-2014 về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phối hợp với tập đoàn Viettel tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố với sự tham dự của đại các cơ quản Đảng, Nhà nước và cán bộ các cấp bộ đoàn trên toàn quốc. Hằng năm, Trung ương Đoàn đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát; thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề do các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn dẫn đầu trực tiếp đi cơ sở nắm bắt việc triển khai thực hiện Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, Tháng Thanh niên. Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thanh niên, kịp thời phản ánh ý kiến của cử tri trẻ, ý kiến của các tầng lớp thanh niên góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trung ương Đoàn đã tổ chức 12 hội nghị, tọa đàm góp ý văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong các đối tượng thanh niên, bảo đảm tập hợp các ý kiến toàn diện của nhiều tầng lớp thanh niên, bảo đảm tính chuyên sâu cho từng nội dung đặc thù.
Đoàn các cấp thường xuyên duy trì, theo dõi việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế dân chủ ở cơ quan Trung ương Đoàn; chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế dân chủ ở các đơn vị trực thuộc được phân cấp theo tinh thần Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị công lập”, Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” và các quy định mới của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan báo chí của Đoàn, Hội tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trong nước và quốc tế, những vấn đề về thanh niên, công tác đoàn, hội, đội và phong trào thanh thiếu nhi; đồng thời thực hiện phản biện xã hội. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời do báo chí của Đoàn mang lại là điều kiện để đoàn viên, thanh niên thực hiện quyền dân chủ, tính tích cực chính trị - xã hội của mình.
Tại cơ quan Trung ương Đoàn, việc thực hiện Quy chế dân chủ luôn gắn với cải cách thủ tục hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công khai dân chủ trong các hoạt động cơ quan, đơn vị. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành, quản lý công việc của cơ quan thông qua chế độ họp, giao ban, gặp mặt cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Định kỳ hằng tháng, Thủ trưởng cơ quan, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tiến hành giao ban với lãnh đạo các ban, đơn vị khối phong trào để nắm bắt tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tình hình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Hằng quý, Thủ trưởng cơ quan và Ban Bí thư Trung ương Đoàn gặp mặt cán bộ các ban, đơn vị khối phong trào để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và những phản ánh của cán bộ liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn, điều kiện công việc và những vấn đề khác. Công tác giao ban báo chí của Đoàn, giao ban khối các đơn vị trung tâm sự nghiệp, doanh nghiệp được duy trì đều đặn. Công tác cán bộ, công tác tài chính, việc xây dựng kế hoạch công tác; việc nhận xét, đánh giá thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm luôn đảm bảo công khai, minh bạch. Việc thực hiện bình xét danh hiệu thi đua dân chủ, khách quan trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân.
Trong những năm vừa qua, các cấp bộ đoàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng. Chính vì vậy, nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách, cơ chế về thanh niên và công tác thanh niên được ban hành. Tuy vậy, mức độ hiện thực hóa và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết đó ở nhiều nơi, nhiều cấp khá hạn chế, chính vì vậy đã làm giảm đi hiệu quả, hiệu lực, tính ưu việt của các nghị quyết, chủ trương, chính sách.
Trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế sau: Công tác giáo dục của Đoàn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Việc nắm bắt tư tưởng, tình hình thanh niên ở nhiều nơi chưa kịp thời, chưa thường xuyên, thiếu kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề phát sinh. Vai trò của Đoàn, Hội, Đội các cấp chưa thể hiện rõ trong việc lên tiếng, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái xã hội tác động đến thanh thiếu nhi. Một số chương trình, nội dung hoạt động có biểu hiện hình thức, dàn trải, thiếu hấp dẫn, chưa bền vững. Chất lượng sinh hoạt, hoạt động chi đoàn trên địa bàn dân cư chưa cao. Công tác quản lý đoàn viên ở nhiều nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức và đoàn kết tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, Nghị quyết trong hệ thống chính trị, còn tư tưởng giao khoán cho Đoàn thanh niên đảm nhiệm; một số cấp chính quyền chậm cụ thể hoá thành cơ chế, chính sách, nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến các chương trình, dự án Đoàn tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất... cho công tác thanh niên.
Đậu Đức Hào
Viện Kiểm sát quân sự khu vực 42 - Quân khu 4