Theo dõi mấy vụ kỷ luật cán bộ cấp cao và các đại án thấy rõ mối quan hệ một số cán bộ cơ quan công quyền liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo kê, bao che, lũng đoạn chính sách, đưa người thân cận vào tổ chức thao túng, làm trái chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, tham nhũng, vơ vét công quỹ, tài sản, tài nguyên của đất nước làm giàu bất chính cho một nhóm người và cho riêng bản thân mình.
Lợi ích nhóm ở nước ta với hàm nghĩa một nhóm người lấy lợi ích của nhóm mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của nhân dân, đất nước. Đó là chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết mình không đoái hoài đến lợi ích của những người khác. Lợi ích nhóm này liên quan đến những người có chức, có quyền ở tất cả các cấp trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, các tập đoàn, doanh nghiệp… Họ liên kết với nhau theo nhiều con đường: bằng tiền của hối lộ người có chức có quyền để tạo thành vây cánh bảo kê, che chắn hoặc được hưởng lợi từ chính sách để làm giàu. Họ bổ nhiệm người nhà, người thân, người quen, dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo. Họ luồn lót để từ doanh nghiệp kinh tế sang đứng đầu các cơ quan trong hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước.
Các nhóm lợi ích đang tập trung khai thác trên ba lĩnh vực: Bòn rút ngân sách Nhà nước; tài nguyên khoáng sản của đất nước và tiền bạc của nhân dân; tác động và làm sai lệch chính sách, đồng thời khai thác những khiếm khuyết chưa hoàn thiện trong chính sách của Nhà nước. Minh chứng là những đại án hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp của Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Huyền Như, các vụ kỷ luật cán bộ cấp cao như Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh…
Đảng ta là Đảng cầm quyền, Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng xác định: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Người đứng đầu các tổ chức công quyền từ Trung ương đến địa phương, những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đều là đảng viên, cán bộ của Đảng. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định, luật định khá toàn diện, cụ thể, nhưng qua các vụ án, những sai phạm nghiêm trọng của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý được đưa ra xét xử cho thấy nhiều cán bộ lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, mất hết ý chí lẫn đạo đức.
Khi một đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo mà đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể cũng có nghĩa không còn duy trì được nguyên tắc tổ chức của Đảng, dẫn đến sự vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, không còn vị trí tiên phong của Đảng cầm quyền. Dân giảm lòng tin với Đảng.
Khi một người đứng đầu cơ quan làm trái với quy định của Nhà nước thì không chỉ tác hại trong phạm vi đơn vị mà tùy mức độ và phạm vi của một ngành, một địa phương mà có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, thiệt hại khôn lường, không những mất tiền của mà mất cán bộ, gây ra tình trạng bức xúc trong xã hội.
Với một cán bộ đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo hoặc đứng đầu một cơ quan đã không ghép mình vào tổ chức, không chấp hành nguyên tắc tổ chức, làm trái các quyết định của tổ chức cũng có nghĩa đi ngược lại lợi ích của nhân dân là đã vi phạm đạo đức của người cộng sản, mưu lợi cá nhân, làm “mất lòng tin của nhân dân cũng có nghĩa là mất tất cả”.
Những hiện tượng trên là biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bắt nguồn từ sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời các nguyên tắc của Đảng. Từ lũng đoạn kinh tế dẫn đến lũng đoạn chính trị, phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng. Vì vậy kiểm soát quyền lực trở thành yêu cầu bức bách để ổn định và phát triển.
Kiểm soát quyền lực phải thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị, trước hết trong Đảng. Kiểm soát quyền lực trong Đảng chính là kiểm soát quyền lực cá nhân đảng viên, cán bộ có chức vụ trong các tổ chức đảng, bộ máy nhà nước bằng kiểm tra, giám sát. Việc kiểm tra, giám sát này trước hết thuộc về của tổ chức cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy. Việc kiểm tra tiến hành 3 khâu quan trọng: sự giám sát, kiểm tra của cấp ủy; kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới và của cấp dưới đối với cấp trên; giám sát của người dân đối với tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó khâu quan trọng nhất là sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng với đảng viên. Bởi trong hệ thống chính trị nước ta hầu hết cán bộ cao cấp, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, đoàn thể là đảng viên, được cấp ủy giới thiệu tham gia ứng cử vào cơ quan và tham gia cấp ủy của cơ quan đó. Nếu những người này bị tha hóa biến chất, lợi dụng quyền lực để lộng hành, thậm chí “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy đó. Và một khi người đứng đầu cấp ủy bị tha hóa, biến chất thì trách nhiệm thuộc về cấp ủy cấp trên trực tiếp. Nên sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng rất quan trọng, việc này phải làm thường xuyên, định kỳ và đột xuất khi đảng viên có dấu hiệu vi phạm.
Giám sát của người dân được xác định từ bản chất quyền lực nhà nước ta là của nhân dân. Giám sát của người dân thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ; kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân; tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để thể hiện chính kiến của những con người tham gia làm chủ đất nước.Vấn đề đặt ra không mới, bởi Đảng ta đã xác định cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân.
Quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực Nhà nước, quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan về cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, trong đó có sự phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, các nhánh ấy độc lập tương đối với nhau, giám sát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, nhằm hạn chế sai lầm, hoặc khi có sai lầm thì được phát hiện và điều chỉnh, khắc phục sớm nhất.
Trần Công Huyền