Một trong những yếu tố tiên quyết để đất nước ta có thể đàng hoàng tiến bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy những người làm nghề tổ chức - một lĩnh vực xây dựng Đảng liên quan đến việc đào tạo và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức - không thể đứng ngoài cuộc, tự suy ngẫm sâu sắc về bản thân và toàn Ngành trước đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp đầy cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức này.
Trước hết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục khẳng định vai trò then chốt số một của yếu tố con người, bởi rô-bốt thông minh đến mấy, được trang bị trí tuệ nhân tạo bao nhiêu thì vẫn không thể thay thế được con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận thức của những người làm nghề tổ chức luôn quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là dịp để những người làm nghề tổ chức - với tư cách “đội cận vệ đỏ” của Đảng, nghiêm túc đánh giá lại quá trình tham mưu của mình trong công tác cán bộ, qua đó xác định những trường hợp tham mưu đúng người - đúng việc - đúng lúc. Vì việc bố trí người, góp phần vào thành công của công việc và quan trọng hơn là nhận diện được những trường hợp tham mưu không đúng người - không đúng việc - không đúng lúc, vì người xếp việc, thậm chí vì người nhà xếp việc, dẫn đến thất bại của công việc...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 suy đến cùng là sự đăng quang của trí tuệ. Do đó, hơn lúc nào hết, những người làm nghề tổ chức không thể không cảm thấy ưu tư, thậm chí nhức nhối, dằn vặt khi nghĩ về một câu nói mang màu sắc dân gian nhưng thực tế: “Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”, xếp trí tuệ xuống thứ bậc cuối cùng. Công tác cán bộ mà bị chi phối vận hành theo trình tự trên là không thể chấp nhận. Bởi sẽ dẫn đến tình trạng người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được. Một khi đã bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 mà không thể ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trên thì chỉ có thể bị chính cuộc cách mạng đó chôn vùi, phủ định. Trí tuệ ở đây là hiểu biết thật sự, năng lực thật sự, sáng tạo thật sự, chứ không phải thứ “trí tuệ” thể hiện qua những bằng cấp thật mà chất lượng giả, thậm chí cả bằng cấp và chất lượng đều giả.
Một trong những thách thức lớn của nước ta khi dấn thân vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề, dẫn đến khả năng hàng chục nghìn lao động - nếu không có giải pháp đào tạo lại, tự đào tạo lại để thích nghi - sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng chính là thách thức mà những người làm nghề tổ chức nhiều năm nay đã phải đương đầu khi tham mưu thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị. Điều cốt lõi nhất để phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như để tinh giản bộ máy và biên chế là phải quán triệt các phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “một người lo hơn kho người làm”… Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp đào tạo lại, tự đào tạo lại để thích nghi, đề ra các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ những người không thể thích nghi được, người làm nghề tổ chức cần đổi mới việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sáng tạo không ngừng, đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như của hoạt động lãnh đạo, quản lý đất nước, địa phương trong thời kỳ mới. Để làm được việc đó, trước hết, người làm nghề tổ chức cần được đào tạo lại và cơ bản là tự đào tạo lại chính bản thân để trở thành người cán bộ, công chức chất lượng cao. Xác định nội dung của cuộc cách mạng trong chính Ngành của mình, công việc của mình để từ đó thấy rõ mình đứng ở đâu, còn đủ tiêu chuẩn không, cần thêm những gì trước yêu cầu của cuộc cách mạng này. Có thể nói, mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Ngành Tổ chức còn thấp, xét cả về chỉ số và công nghệ. Việc lưu trữ, xử lý và khai thác thông tin về công tác xây dựng đảng còn rất hạn chế, chưa bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác. Tính kết nối, liên thông trong Ngành từ Trung ương đến địa phương chưa tốt. Khả năng dự báo và khả năng đưa ra các quyết định tối ưu còn kém. Trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ tổ chức còn yếu kém, hạn chế...
Có lẽ sản phẩm mà những người làm nghề tổ chức cần tiếp cận cụ thể sớm nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thành tựu về khoa học dữ liệu với khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn. Người làm nghề tổ chức cần sớm làm chủ tiến bộ khoa học - công nghệ quan trọng này để tác nghiệp thuận lợi hơn, nhất là trong việc quản lý cán bộ, đảng viên và hồ sơ của họ. Hiện nay, công tác quản lý cán bộ, đảng viên và hồ sơ của họ vẫn đang là khâu yếu. Hồ sơ chủ yếu được quản lý theo kiểu thủ công rất bất tiện trong khai thác. Đương nhiên một khi đã được số hóa thì các dữ liệu về cán bộ, đảng viên khó bảo mật hơn. Nhưng suy đến cùng thì những gì liên quan đến cuộc đời của một cán bộ, công chức, viên chức - trừ người hoạt động đặc tình - đều có thể và cần công khai để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gian dối trong kê khai tài sản cá nhân, tuổi tác, bằng cấp… Và khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ có thể phát huy tác dụng khi những người làm nghề tổ chức có đủ am hiểu cần thiết để tiếp cận với khoa học dữ liệu, có đủ kỹ năng cần thiết để phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác cán bộ.
Đối với những người làm nghề tổ chức, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không quá xa lạ. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có tư duy mới trước yêu cầu mới. Ban Tổ chức Trung ương cũng như nhiều ban tổ chức tỉnh, thành ủy đã và đang chủ trì triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả đào tạo ở nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức những năm qua. Tuy nhiên, bản thân các đề án này cũng đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề, từ việc tuyển người tham gia, việc chọn nội dung đào tạo, cho đến việc sử dụng sau đào tạo… Đơn cử việc chọn nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có nơi, có lúc dường như vẫn còn tình trạng chạy theo cái mà người dạy có hoặc cái mà người học muốn, chứ chưa phải là cái mà người sử dụng cần. Cũng có trường hợp chọn nội dung đào tạo đúng cái người sử dụng cần, nhưng do dự báo nhu cầu sử dụng không tốt, không dài hơi, nên chỉ cần lúc bắt đầu đưa đi đào tạo chứ không còn cần sau khi đào tạo xong, gây lãng phí đáng kể và đáng tiếc về nhân lực lẫn tài lực… Đây là một trong những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới.
Bùi Văn Tiếng