Tham nhũng quyền lực - “cha đẻ” của các loại tham nhũng
Hiến pháp nước ta quy định: Bản chất nhà nước ta là nhà nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng ta cũng luôn khẳng định như vậy! Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng, dù ở vị trí nào cũng đều nhận thức sâu sắc điều đó. Thế nhưng, giữa nhận thức và hành động là một khoảng cách xa vời vì nó bị chi phối bởi lòng tham. Một số cán bộ, đảng viên được giao nắm giữ chức vụ, quyền hạn nào đó, nếu không kiểm soát được lòng tham thì chức quyền đó hình thành “bệnh"quyền lực và nó chi phối hành động, thành công cụ vụ lợi cá nhân.
Quyền lực lớn mà không kiểm soát thì nhiều khả năng dẫn đến vụ lợi cá nhân. Thế nên, mới có chuyện dùng tiền “chạy chức, chạy quyền". Có thể nói, “chạy chức, chạy quyền” là nguy hiểm nhất trong các loại chạy. Khi đã nắm được chức quyền họ sẽ dùng chính thứ quyền lực đã mua để thu lại khoản tiền mà họ đã bỏ ra và còn có thêm những khoản “lợi nhuận”. Vì sao phải “chạy chức, chạy quyền”? Bởi, thông thường từ xưa đến nay, đông tây, kim cổ: “Chức sinh ra quyền, quyền sinh ra tiền và tiền lại sinh ra chức”. Nói cách khác, quyền lực sinh ra tiền; tiền làm nên quyền lực. Người xưa có câu: “Vai mang túi bạc kè kè, nói bậy, nói bạ người ta nghe ào ào”. Tiền và quyền lực luôn vận động tương hỗ, trong một vòng xoáy bất tận.
Tại diễn đàn Quốc hội có vị đại biểu đã thẳng thắn: Đầu tư chức, quyền là loại đầu tư siêu lợi nhuận. Giới học giả gọi là “canh bạc” chức quyền. Tháng 3-2016, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) khẩn thiết tại diễn đàn Quốc hội: “Cần xem lại việc chạy chức, chạy quyền, đó không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi “đẻ” ra tham nhũng, vì khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại”, điều đó khẳng định: “Tham nhũng quyền lực” là sự tha hóa quyền lực, có nguyên nhân từ suy đồi đạo đức và sự vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; là “cha đẻ” của nhiều loại tham nhũng, tiêu cực khác.
Thực tế đã hiển hiện qua những “tảng băng nổi” của hàng chục vụ đại án tham nhũng 5 năm qua (từ 2013 đến 2017), điển hình là vụ án Vinalines, vụ án tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên, vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin,… Riêng năm 2017, 12 vụ trọng án đã được điểm mặt. Điều đáng nói là những “con sâu mọt” ngày càng lộng hành, ngang nhiên thách thức dư luận và pháp luật. Chúng công khai phô trương những khối tài sản kếch sù mà đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã khẳng định: “Trăm năm không thể có được bằng đồng lương công chức”. Sự phô trương tài sản, cùng sự trả lời “ngô nghê” về nguồn gốc tài sản, cho thấy họ coi thường dư luận, xem thường khả năng xử lý của Đảng và pháp luật Nhà nước. Điển hình là chuyện biệt thự, hồ bơi sang trọng của Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đăk Lăk Nguyễn Sỹ Kỷ được làm từ tiền tích góp “chạy xe ôm”. Đình đám nhất trong thời gian gần đây là khu biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, với khối tài sản lớn được tích góp từ “bán chổi đót, làm giá đỗ”... Dư luận khá xôn xao về một cán bộ chỉ cấp trưởng phòng ở xứ Thanh với nhiều nghi vấn trên con đường thăng tiến thần tốc, cùng khối lượng tài sản khủng của hotgirl có tên Trần Vũ Quỳnh Anh. Gần đây, là những vụ án đại thua lỗ, thất thoát tài sản Nhà nước lên tới hàng ngàn tỷ đồng xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), mà người chịu trách nhiệm chính là Trịnh Xuân Thanh, nhân vật đang được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Mới đây dư luận ngỡ ngàng về khối tài sản khổng lồ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa... và rất nhiều những vụ việc tham nhũng, tiêu cực khác trên lĩnh vực quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, bố trí người nhà, loại bỏ người tài diễn ra khắp cả nước…
Vậy nên, không lạ gì khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp Việt Nam có chỉ số tham nhũng thuộc tốp cao nhất thế giới. Đồng thời cho hay 55% số người Việt Nam được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên. Dù, thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo nhưng không thể không lo ngại. Gần đây, Đảng đã chỉ đạo quyết liệt phòng, chống tham nhũng, Chính phủ cũng quyết tâm xây dựng một chính phủ “liêm chính”. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui, không ít cán bộ cấp cao đã vào vòng lao lý, nhưng dư luận chưa thật hài lòng và cho rằng chống tham nhũng khó thành công khi mà “quyền lực chính trị” vẫn còn bị lòng tham làm biến dạng, chi phối. Điều này, cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Vấn đề là cái “lồng cơ chế” đó được đan như thế nào?.
Kiểm soát quyền lực?
Một là, trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Quyền lực là của Nhân dân, Đảng và Nhà nước được nhân dân ủy quyền để thực thi quyền lực. Trong chế độ ta, Nhà nước thực thi quyền lực nhà nước còn Đảng là “kiểm soát quyền lực” nhà nước. Muốn kiểm soát quyền lực Nhà nước, trước hết và xuyên suốt, Đảng phải kiểm soát quyền lực trong Đảng. Có thể khẳng định rằng, trong điều kiện là Đảng duy nhất cầm quyền, hầu hết những kẻ tham nhũng và “tham nhũng quyền lực” đều là đảng viên của Đảng. Hơn nữa, Đảng lãnh đạo toàn diện, trong đó quan trọng nhất là lãnh đạo công tác cán bộ. Bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, công tác cán bộ đều phải tiến hành dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị. Thêm vào đó, bộ máy của Đảng (dù chuyên trách hay kiêm nhiệm) cũng luôn song hành với bộ máy nhà nước, chịu trách nhiệm lãnh đạo, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức... Đảng còn có cả ủy ban kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở, ở Trung ương và cấp tỉnh còn có thêm Ban Nội chính bảo đảm thực thi vai trò giám sát và kiểm tra - kỷ luật của Đảng trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần phải kiểm soát quyền lực trong Đảng, sao cho quyền lực đó thực thi đúng lý tưởng và bản chất cách mạng của Đảng được Nhân dân tin tưởng giao phó. Đảng không thể “vô can” đối với tình trạng tham nhũng.
Hai là, phát huy quyền lực Nhân dân để kiểm soát quyền lực trong Đảng. Phải xây dựng cơ chế, thể chế thực thi dân chủ. Nhân dân có quyền phê bình, kiểm soát, để ra các yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước trong việc thực thi quyền lực do nhân dân giao phó. Nhân dân có quyền chất vấn các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình trước nhân dân những vấn đề người dân yêu cầu; có quyền phản đối những việc mà nhân dân cho là sai trái. Thậm chí, nhân dân có quyền yêu cầu từ chức, cách chức đối với lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp khi có biểu hiện lạm quyền, vụ lợi, vi phạm pháp luật, đạo đức và lối sống. Lâu nay, chúng ta đã từng bước xác lập những quyền của người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa chuyển biến thực sự, còn hình thức. Tình trạng hành dân, ép dân, làm khó cho dân vẫn còn khá phổ biến, nhất là trong các thủ tục hành chính. Mặt khác, vấn đề công khai, minh bạch thông tin, phát huy tính tích cực của người dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thật cởi mở, nên chưa thể hiện đầy đủ sức mạnh của người chủ đất nước. Đây là một vấn đề trọng yếu, cấp thiết liên quan đến sinh mệnh chính trị của Đảng, của chế độ, cần phải được xây dựng, hoàn thiện.
Ba là, tranh cử trong công tác cán bộ. Vấn đề quy hoạch cán bộ cần phải minh bạch và công tâm, phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng ngay từ cơ sở để ai cũng được quyền thể hiện tài năng và khát khao cống hiến. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi; nếu không thực tâm thì dẫn tới tình trạng “chạy quy hoạch”. Thực tế, muốn có chức, có quyền thì trước hết phải vào được quy hoạch; muốn vào quy hoạch thì phải chạy, rồi lại chạy để giữ quy hoạch. Khi điều động hay bổ nhiệm thì tích cực chạy nữa. Từ năm 2010, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã từng cảnh báo Bộ Nội vụ tại diễn đàn Quốc hội: “Những người có phẩm chất, năng lực nhưng không chịu chạy sẽ không được đề bạt, bổ nhiệm. Còn những kẻ kém tài, kém đức nhưng khéo chạy, biết cách chạy có thể sẽ dễ dàng leo lên các thang bậc của quyền lực. Và khi có quyền họ sẽ tìm cách thao túng, phá thủng nền nếp quản lý để đặc quyền, đặc lợi, kiềm chế và triệt tiêu những người thẳng thắn, tiếp tục đưa những kẻ nịnh nọt, chạy chức, chạy quyền vào bộ máy nhà nước. Điều này làm cho bộ máy nhà nước không còn trong sạch và rất có hại cho dân, cho nước. Nếu không ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường cho Đảng và cho đất nước”. Kẽ hở ở đây là không quy định cụ thể về sự “cạnh tranh bằng năng lực” dẫn tới tình trạng nửa vời trong quy hoạch. Khác với thi tuyển cạnh tranh, người được quy hoạch không cần đầu tư chất xám, chẳng tốn thời gian xây dựng chương trình hành động; không phải trình bày, trả lời chất vấn, tranh luận về chương trình hành động của mình. Vì không “cạnh tranh bằng năng lực” nên việc đánh giá khả năng cũng như những tố chất cần có về lãnh đạo, quản lý của người được bổ nhiệm trở nên hình thức. Thế nên mới có chuyện “nợ bằng cấp” khi bổ nhiệm hay bổ nhiệm người nhà, người thân... Loại bỏ tiêu cực này, nhất định phải tạo nên sự cạnh tranh công khai ngay từ khi quy hoạch. Có thể hiểu như: Thi tuyển vào quy hoạch cán bộ. Nghĩa là, trước khi đưa vào danh sách quy hoạch, những người đạt chuẩn quy hoạch phải trình bày chương trình hành động trước tập thể, trả lời những câu hỏi do tập thể đặt ra và thậm chí phải tranh luận với tập thể. Sau đó, tập thể tiến hành bỏ phiếu kín tín nhiệm. Tiếp theo đó là thực hiện các bước trong quy trình quy hoạch cán bộ để chọn người đưa vào quy hoạch. Trong thời gian quy hoạch, người được quy hoạch phải chịu sự giám sát của tập thể. Nếu không giữ được phẩm chất đạo đức, không có thành tích cụ thể, không thể hiện được năng lực vượt trội và khả năng phát triển thì sẽ bị loại khỏi quy hoạch. Người được bổ sung quy hoạch cũng phải thực hiện đúng quy trình như những người khác, không làm tắt, đơn giản như thời gian vừa qua. Trước khi tiến hành bổ nhiệm, những người có trong quy hoạch, một lần nữa phải cạnh tranh sòng phẳng với nhau về năng lực lãnh đạo, khả năng chuyên môn và phẩm chất đạo đức thông qua chương trình hành động. Trên cơ sở đó, tập thể tiếp tục đánh giá từng người và tham gia vào 1 bước trong quy trình bổ nhiệm để được lựa chọn người lãnh đạo cho mình. Quy trình này, không ngoại lệ cho bất kỳ ai, kể cả đối tượng trong diện luân chuyển và lãnh đạo chủ chốt. Đó là cách để quần chúng lựa chọn công tâm và thực chất những người có đủ phẩm chất, năng lực, nắm giữ trọng trách mà quần chúng nhân dân giao phó. Đây cũng là cách phát huy dân chủ triệt để trong công tác cán bộ của Đảng, tối ưu hóa việc lựa chọn người hiền tài ở các cấp; bịt kín khoảng trống dẫn tới tệ nạn mua bán chức quyền và đó cũng là giải pháp để “không thể tham nhũng quyền lực”.
Bốn là, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tư tưởng hạ cánh an toàn. “Tư duy nhiệm kỳ” là kiểu tư duy ngắn hạn, vụ lợi cá nhân gắn chặt với tư duy “hạ cánh an toàn”. Dư luận phân chia: Nếu người được bổ nhiệm xác định chỉ tồn tại trong một nhiệm kỳ 5 năm, thì một vài năm đầu là thời gian tiếp cận và xây dựng quyền lực, sau đó là vận hành quyền lực cho lợi ích cá nhân. Thời gian này, người ta không dại gì kê khai trung thực những tài sản có được từ quyền lực, đợi đến trước khi về hưu, họ mới bung tiền xây biệt thự, mua sắm các phương tiện, vật dụng sinh hoạt sa hoa cho cuộc sống vương giả. Đây được gọi là thời điểm “hạ cánh an toàn”. Hình ảnh những công bộc của dân bỗng nhiên giàu có với biệt thự, xe hơi đã gây bức xúc mạnh trong dư luận. Câu hỏi tiền đâu không khó lắm để có câu trả lời: Không phải từ lương!
Phải xóa triệt để “tư duy nhiệm kỳ” và nhất định không để có vùng “hạ cánh an toàn”. Phải quyết liệt chống tham nhũng bất kể ai, đương chức hay nghỉ hưu và không có hạn định. Những tài sản bất bình thường khi về hưu phải được thẩm tra, thậm chí sự giàu lên bất thường của thân nhân người có chức, có quyền cũng phải được xác minh làm rõ. Dù 10 năm, 20 năm, thậm chí đến khi nhắm mắt xuôi tay, kẻ tham nhũng cũng phải bị xét xử và phải chịu án phạt tương xứng với những hành vi tham nhũng trong thời gian tại chức. Toàn bộ tài sản tham nhũng dù bị chuyển hóa dạng nào đi nữa cũng phải tịch thu. Như vậy sẽ không có vùng “hạ cánh an toàn” và loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, lối nghĩ tiêu cực đã bám rễ trong nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên. Để thực hiện điều này, trước tiên cần phải chỉnh sửa những bất cập trong “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng”, trong đó, thay vì quy định: “Những tài sản hình thành trước 01-02-2013 (thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực), cán bộ, công chức không phải giải trình nguồn gốc”, thì chỉnh sửa lại theo hướng cán bộ, công chức thuộc diện kê khai, phải giải trình nguồn gốc tài sản mà không nên ấn định thời gian. Nếu không chỉnh sửa nội dung này, thì đó sẽ là rào cản chống tham nhũng, kẽ hở cho hợp thức hóa tài sản tham nhũng.
Nhật Minh