Sáp nhập và tinh giản

Về việc sáp nhập các cơ quan để giảm đầu mối, tăng cường tính hiệu quả, đã có nhiều ý tưởng được đặt ra nhưng bước vào thực hiện lại gặp khó khăn. Từ năm 2001, khi vận hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010, Đảng và Nhà nước đã đưa ra chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hợp lý. Đáng chú ý, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến và đề xuất Chính phủ nên hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính thành Bộ Kế hoạch-Tài chính. Tương tự, nên sáp nhập Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng, nhằm tránh tình trạng chồng chéo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tránh tình trạng cùng một việc nhưng mỗi bộ chỉ đạo một kiểu đôi khi dẫn đến việc “đá lẫn nhau” nhưng lại khó quy trách nhiệm. Câu chuyện “một mâm cơm 3 bộ quản lý”, không ai chịu trách nhiệm chính là một thực tế kéo dài. Một ví dụ khác, năm 2002 khi thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 16 đầu mối và 4 cục, chưa có tổng cục. Đến năm 2013, bộ máy được nâng lên gồm có 18 đầu mối, 4 tổng cục và 5 cục. Đầu mối bên trong của 4 tổng cục lại tăng từ 34 đầu mối năm 2011 lên 40 đầu mối vào năm 2016.

Nhưng, nhìn lại về thực hiện sắp xếp lại các bộ thành bộ đa ngành, tại Hội thảo cải cách hành chính tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước - khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện, do Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức mới đây, PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ ra, việc sắp xếp lại các bộ thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ. Việc hình thành các bộ đa ngành chưa đi cùng với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung như: Văn phòng, tổ chức cán bộ, thanh tra, pháp chế, thi đua khen thưởng, kế hoạch tài chính. Vì thế, cơ cấu bên trong các bộ lại có xu hướng phình to hơn và theo đó là tăng thêm biên chế hành chính.

Đó là chuyện của cơ cấu, còn tinh giản cũng có “kịch bản” tương tự. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đến nay đã hơn 2 năm.

Tuy nhiên, trong hơn một năm thực hiện, tổng biên chế cả nước lại tăng hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả. Chưa kể tinh giản biên chế chủ yếu áp dụng đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86,25%) chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức- Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương thì năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30-10-2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao.

Những con số nêu trên cho thấy một thực tế là, dù có Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhưng số người trong bộ máy vẫn tăng thay vì cần giảm đi. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tâm lý ngại va chạm nên các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc về quản lý biên chế và tinh giản biên chế. Nhiều cấp ủy tổ chức người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa có giải pháp đồng bộ, phù hợp đủ mạnh để thực hiện, việc bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”.

Thực tế này không chỉ dẫn đến tình trạng bộ máy tiếp tục phình to, nhu cầu biên chế không ngừng gia tăng, mà quan trọng là chất lượng, hiệu quả của nền công vụ bị ảnh hưởng rất lớn bởi “quyền anh, quyền tôi”. Nhưng cũng không phải vì thế mà thực hiện một cách cơ học, việc sáp nhập hay chia tách các sở, ngành cơ học kiểu ghép hai tấm lại với nhau, bởi cộng dồn lại không cẩn thận lợi bất cập hại. Nếu hai miếng ghép không hợp nhau còn dẫn đến xung đột lợi ích, còn nguy hiểm hơn là việc không sáp nhập.

Tinh giản biên chế phải kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý. Nhưng, hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị giảm một cách cơ học là 10% mà chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta tính toán lại cơ cấu để thay đổi bộ máy, thay đổi lại đội ngũ công chức, viên chức để nâng chất lượng. Đây là vấn đề quan trọng. Nếu không có cơ cấu lại tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thì không thực hiện tinh giản biên chế. Việc mô tả vị trí theo cơ cấu của công chức, viên chức, vấn đề đó là quan trọng nhất”.

Thực tế cho thấy, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế vẫn chưa tạo ra chuyển biến về chất, chủ yếu mới chỉ về lượng. Giảm đầu mối ở trên thì lại phình ở dưới, giảm được số lượng người trong bộ máy chủ yếu là về hưu, chuyển ngành, chuyển công tác thì chưa phải là sự thanh lọc thực sự. Thẳng thắn mà nói, cái khó nhất hiện nay khi sáp nhập các đơn vị, sở ngành là vấn đề lợi ích của các cá nhân, đơn vị.

Trong cải cách tổ chức bộ máy, giảm “quyền anh, quyền tôi” thì sẽ tăng lợi ích của Nhà nước, của nhân dân như cách mà tỉnh Quảng Ninh đã làm và đem lại hiệu quả. Sáp nhập cũng đồng nghĩa với việc một số cá nhân ở những vị trí nhất định phải chấp nhận để đạt được mục tiêu có lợi chung cho đất nước. Nhưng cũng khó có thể đòi hỏi từ sự gương mẫu mà phải bằng sự điều chỉnh của pháp luật. Đã đến lúc không thể mãi chần chừ, để ôm mãi “chiếc ghế danh vọng”. Có chức có quyền là để phục vụ nhân dân chứ không phải để thu gom cho cá nhân. Nếu không có sự cương quyết giải pháp đột phá thì cũng chỉ là tảng đá ngáng đường. Đã đến lúc cần coi sáp nhập các sở, ban, ngành cùng chức năng là bước đột phá về cải cách bộ máy hành chính nhằm thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

Chủ trương của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì dân. Muốn vậy, một trong những yếu tố đầu tiên là cơ cấu tổ chức phải gọn nhẹ, tạo điều kiện cho điều hành thông suốt trên cơ sở, phân công, phân cấp và trách nhiệm giải trình rõ ràng. Càng nhiều tầng, nhiều nấc thì người dân càng khổ. Vì vậy giảm bớt đầu mối là cần thiết, cùng đó là bộ máy phải được tinh giản, gọn nhẹ chứ không phải là lại phình ra.

Nguồn: Bản tin cải cách hành chính-Bộ Nội vụ

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất