Để góp phần khắc phục suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong quân đội

Trước sự tác động ngày càng lớn của mặt trái nền kinh tế thị trường và những hạn chế trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện của một số tổ chức; ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân của không ít cán bộ, đảng viên yếu kém, làm cho vi phạm liên quan đến các tệ nạn xã hội của cán bộ, đảng viên ở các tổ chức đảng trong quân đội có chiều hướng tăng. Đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia cá độ bóng đá, đánh bạc, đánh bài ăn tiền, chơi hụi, chơi lô đề… dẫn đến vay tiền nặng lãi, dây dưa, dấn sâu vào nợ nần, không có khả năng hoàn trả, phải giải quyết bằng pháp luật. Một số cán bộ, đảng viên lấy tài sản của đơn vị (sổ đỏ) thế chấp, hoặc cắm thẻ đảng viên, chứng minh thư sĩ quan để vay tiền tiêu dùng xa hoa, lãng phí... Những hiện tượng trên tuy không nhiều nhưng là những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong quân đội, không chỉ ảnh hưởng tới bản chất, truyền thống của quân đội, mà còn trực tiếp làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Để khắc phục suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong quân đội cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, quản lý chặt chẽ, thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên về ý thức trách nhiệm quân nhân với giữ gìn bản chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Theo đó, cấp ủy đảng các cấp cần thường xuyên giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên về truyền thống của quân đội, có nhận thức đúng về tác hại của các tệ nạn xã hội làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng, hiệu quả công tác, học tập; gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tâm lý và dẫn đến suy thoái về phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống người cán bộ, đảng viên, người quân nhân cách mạng. Vướng vào tệ nạn xã hội làm mất vị thế, uy tín, danh dự, truyền thống tốt đẹp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, đồng thời làm giảm sút vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đối với gia đình và xã hội, tệ nạn xã hội gây thiệt hại về kinh tế, là “gánh nặng” cho gia đình; gây mất trật tự kỷ cương, an toàn xã hội.

Hai là, bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên ở các tổ chức đảng trong quân đội cũng đồng thời là người quân nhân, được bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn về đời sống vật chất và tinh thần theo quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cấp ủy đảng các cấp ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội cần phải quan tâm, chăm lo, bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn về đời sống vật chất theo quy định, chính sách hiện hành và tích cực, chủ động nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, đảng viên tùy theo điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Tổ chức tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, đảng viên phù hợp với từng lứa tuổi, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi tập thể, nhất là các hoạt động trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ tạo sự hứng thú, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên nhằm hạn chế các vi phạm. Bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần sẽ làm cho các nhu cầu thiết yếu nhất của cán bộ, đảng viên được thỏa mãn, qua đó giúp cho họ không sa vào sự “cám dỗ” của các tệ nạn xã hội.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tạo sức đề kháng,“miễn dịch” trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội. Công tác tư tưởng phải được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình nhằm định hướng và giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng của cán bộ, đảng viên nảy sinh trong tổ chức đảng. Các cấp ủy đảng, tổ chức chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp khi đánh giá phân loại tư tưởng cán bộ, đảng viên cần phải cụ thể, khách quan, chính xác và thiết thực. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý, sức khỏe của mọi cán bộ, đảng viên thông qua trực tiếp tiếp xúc, qua dư luận, các mối quan hệ. Thông qua thái độ, động cơ, hiệu quả công tác, kết quả huấn luyện, rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên để kịp thời nắm bắt tư tưởng và có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ xa, không để những vi phạm nhỏ phát sinh thành những vụ việc lớn. Quan tâm động viên và giúp đỡ những cán bộ, đảng viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ có tư tưởng, bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội. Thường xuyên chủ động định hướng nhận thức và tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những sự kiện dễ nảy sinh tiêu cực, tham gia các tệ nạn xã hội: các kỳ chung kết bóng đá thế giới, châu lục, khu vực, trong nước; các ngày lễ, hội, ngày Tết; các ngày nghỉ, kỳ nghỉ dài ngày. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên theo “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với từng chức trách, nhiệm vụ được giao ở mọi điều kiện hoàn cảnh không gian, thời gian trong quá trình học tập, công tác, nhất là trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ thiếu sự quản lý trực tiếp của tổ chức và gia đình để luôn làm chủ được bản thân không bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội.

Bốn là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn đơn vị đóng quân và gia đình cán bộ, đảng viên. Các tệ nạn xã hội nảy sinh ở các tổ chức đảng trong quân đội phần lớn được móc nối với các lực lượng bên ngoài xã hội mà trực tiếp nhất là các lực lượng, tụ điểm tệ nạn xã hội xung quanh địa bàn cơ quan, đơn vị đóng quân. Vì vậy, các cấp ủy đảng, tổ chức chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp cần phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cơ quan, đơn vị đóng quân trong việc quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ và hoạt động của bộ đội ngoài doanh trại. Kết hợp với chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt thông tin về các tụ điểm tệ nạn xã hội xung quanh cơ quan, đơn vị để tiến hành đấu tranh xóa bỏ. Thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên cá biệt, cán bộ, đảng viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để chủ động nắm bắt tư tưởng và phối hợp với gia đình giải quyết kịp thời, triệt để khi có biểu hiện vi phạm các tệ nạn xã hội.

Năm là, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. Đây là biện pháp có ý nghĩa răn đe, giáo dục chung cho mọi cán bộ, đảng viên trong toàn quân đối với những vi phạm khi tham gia các tệ nạn xã hội. Theo đó, mọi vi phạm của cán bộ, đảng viên về các tệ nạn xã hội phải được điều tra, xác minh, kết luận, xử lý nghiêm minh, công khai, kịp thời, chính xác, đúng tính chất, mức độ vi phạm theo kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước và kỷ luật của quân đội. Kết quả xử lý các vi phạm tệ nạn xã hội của cán bộ, đảng viên phải được thông báo công khai, rộng rãi trong cơ quan, đơn vị và toàn quân để nêu gương răn đe đối với những cán bộ, đảng viên khác. Cần chống bệnh thành tích, xử lý nội bộ, bao che, giấu giếm khuyết điểm trong xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội.

Phòng chống, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong quân đội là vấn đề cấp bách, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, sức chiến đấu của quân đội. Khắc phục sự suy thoái sẽ đạt kết quả cao khi thực hiện đồng thời các giải pháp nêu trên. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất