Một lĩnh vực mà gần một thế kỷ trôi qua Việt Nam luôn coi là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước là giáo dục và đào tạo. Nhưng nhìn lại 70 năm trôi qua, chúng ta thấy gì và nhận được gì từ quốc sách quan trọng nhất này.
Nhớ lại ngày đó Bác Hồ căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Câu nói này của Bác không chỉ đúng với Việt Nam mà còn với tất cả các nước trên thế giới muốn phát triển, muốn tiến về phía trước, tiến về hướng nắng mặt trời.
Những năm tháng còn sinh tiền, những lời Bác Hồ dạy đã giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm được rất nhiều việc, cũng ngày đó đất nước Việt Nam đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài trong mọi lĩnh vực, có tác động cực kỳ lớn đối với sự phát triển của đất nước. Nhưng từ sau năm 1975 đến nay những vấn nạn của giáo dục càng ngày càng nghiêm trọng bởi bệnh thành tích, bệnh háo danh, đủ thứ bệnh đã làm thui chột nhân tài của Việt Nam.
Truy cứu lại vấn đề này cũng không giải quyết được những tồn tại của ngày trước, có thể lại làm dày thêm nỗi đau của nền giáo dục và đào tạo hơn 40 năm qua. Tôi chỉ mong muốn một điều rằng, lúc này hơn lúc nào hết Việt Nam phải thay đổi, thay đổi triệt để về phương pháp giáo dục và cách chọn nhân tài phụng sự cho Tổ quốc.
Làm ngay và luôn hoặc không bao giờ. Đây có thể là mệnh lệnh từ trái tim của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Từ hai vị trí quan trọng nhất để thay đổi càn khôn, để làm lại từ đầu như bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi gặp và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo mấy tháng trước.
Yếu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hoà đã đến bởi hai năm qua cả nước ứng phó với đại dịch chưa từng có trong tiền lệ. Người dân và cộng đồng xã hội cũng như công chức trong bộ máy hành chính quốc gia buộc phải sống chậm để suy ngẫm và nhìn nhận mọi góc cạnh trong cuộc sống, về những chính sách, quyết sách đã ban hành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nhiều lĩnh vực khác. Riêng về giáo dục và đào tạo, sai lầm nối tiếp sai lầm khi các phát ngôn của người lãnh đạo không trúng, không chuẩn về việc sử dụng bằng cấp, học hàm, học vị làm căn cứ để quy hoạch cán bộ chủ chốt từ địa phương đến cấp Trung ương. Cả xã hội nháo nhào chạy theo bằng cấp để làm cứu cánh, để được trong diện quy hoạch, để làm bước đệm thăng quan tiến chức… cuối cùng bằng cấp không mang lại kiến thức, chỉ là mớ chứng chỉ vô nghĩa, vô bổ.
Thủ tướng đã nói “học thật, thi thật, nhân tài thật” là định hướng chiến lược và là kim chỉ nam cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đủ mạnh dạn để đưa ra các quyết sách quan trọng. Bất cứ ai thuộc quyền của Bộ trưởng muốn cản đường làm trong sạch nền giáo dục nước nhà cũng phải dẹp sang một bên, phải nhường chỗ ngay và luôn cho cán bộ có tư tưởng tiến bộ.
Nhiều loại giấy khen, bằng khen đã được huỷ bỏ từ khi Bộ trưởng lên nắm quyền, cũng là bước tiến tốt trong lúc này. Điều quan trọng hơn là đào tạo công nhân lành nghề, kỹ sư có đủ trình độ năng lực làm việc. Đào tạo tiến sỹ hay thạc sỹ cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc và chuẩn mực bởi không phải nhiều giáo sư, tiến sỹ là đất nước phát triển khi họ không có thực tài, thực học. Không quốc gia nào có đội ngũ học hàm, học vị nhiều như Việt Nam, nhưng khoa học - kỹ thuật, kinh tế, văn hoá… vẫn là quốc gia phía cuối bảng trong những quốc gia đang phát triển.
Có cần thiết không khi quy hoạch lãnh đạo cấp chiến lược phải có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư? Lãnh đạo cấp chiến lược từ Trung ương đến tỉnh, thành phố cần người hiểu biết về kinh bang tế thế để điều hành đất nước, về hành chính công, về phương hướng quy hoạch đầu tư, xây dựng, an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội…; cần người có tâm, có tài, có tầm, có sức khoẻ… chứ không cần những giáo sư, tiến sỹ chỉ có thành tích trên giấy, chỉ biết phán những lời lý thuyết rỗng tuếch, ra quyết định theo cách nghĩ duy ý chí của cá nhân. Hậu quả thì nhân dân gánh chịu, và trách nhiệm thì cả tập thể chia nhau khác nào đánh bùn sang ao, mọi việc vẫn thế.
Theo tôi nghĩ, lúc này cần làm ngay và luôn bởi đã là lúc chín muồi, cần và đủ để làm lại, làm mới trong công tác giáo dục và đào tạo của đất nước. Việc cả thế giới trong đó có Việt Nam đang thúc đẩy công nghệ 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo, cả thế giới tận hưởng một kho tàng dữ liệu khổng lồ Big Data thì Việt Nam tại sao không?
Những ngày qua, khi Việt Nam chúng ta khai giảng năm học mới, năm học chưa có bao giờ trên nền tảng số, trên lớp học ảo nhưng nó là kiến thức thật. Chúng ta nhận thấy khả năng của thầy cô chưa đáp ứng được, các học sinh chưa sẵn sàng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chuẩn bị xong, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan nắm giữ chìa khoá của việc học online trở thành lỗ hổng, càng phải xem lại về khả năng nói giỏi hơn khả năng làm của mình.
Việc tiên quyết của những năm khai quốc mà Bác Hồ kính yêu mong muốn, cả dân tộc Việt Nam mong muốn có thành sự thật hay không phụ thuộc vào những quyết sách mang tính đột phá của Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành có liên quan.
10-9-2021
Nguyễn Hoài Bắc
Doanh nhân Việt kiều Ca-na-đa