Cốt sao cho được lòng dân
Vừa qua, Bộ Nội vụ ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ” nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác phòng, chống tham nhũng; là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động v.v. Trước đó, một số bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình. Chẳng hạn, đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; UBND TP. Hà Nội; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế v.v.

Nói chung, dư luận cơ bản đồng tình, ủng hộ việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các bộ, ngành, địa phương. Nhiều quy tắc ứng xử không đi vào những chi tiết quá cụ thể, luôn có xu hướng thay đổi như trang phục, ăn mặc, đầu tóc, giày dép... Tuy nhiên, sau khi Quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ được ban hành đã có nhiều ý kiến, phản ứng khác nhau, nhất là khi trong Quy tắc này có quy định “không được mặc quần bò” “khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ”. Có ý kiến cho rằng, đây là bản Quy tắc ứng xử, vậy mà “trang phục, tác phong, lề lối nơi làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động” lại được đưa lên điều đầu tiên trong Quy tắc này. Chắc những người biên soạn cho rằng, trang phục là cái đầu tiên “đập vào mắt” người tiếp xúc, giao tiếp?

Việc ban hành Quy tắc ứng xử trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, nơi công cộng, trên địa bàn dân cư, nơi cư trú là rất quan trọng và rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có nhiều văn bản mang tính pháp quy, nhiều luật, quy chế, quy định của Đảng, Chính phủ, Quốc hội quy định chi phối hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Đó là chưa kể những văn bản, điều lệ, quy tắc, quy định của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp... chi phối các hội viên, đoàn viên, thành viên, chưa kể mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị lại có quy chế, quy định riêng nữa. Mỗi khi tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các ứng viên đều được quán triệt, học tập, thực hiện các thể lệ, quy định những gì họ phải tuân thủ khi được tuyển dụng. Hiện nay, ở khu dân cư, trong mỗi gia đình lại có những quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quy định về việc cưới, việc tang, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa v.v. Như vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân theo rất nhiều loại quy chế, quy định mà trong đó có nhiều nội dung, khó có thể thuộc lòng, nhớ hết được. Nhiều nội dung trong quy tắc ứng xử, quy chế, quy định có trùng lặp đáng kể với các văn bản pháp luật, điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, quần chúng. Thực chất, khó có thể nhớ hết, biết hết, hiểu một cách rõ ràng, cặn kẽ các nội dung văn bản có tính pháp quy cũng như quy chế, quy tắc, quy định và việc thực hiện, xử lý những người không thực hiện vẫn đang là vấn đề bất cập. Trong thực tế nhiều năm qua, một số bộ, ngành, địa phương đề ra không ít những quy định, trong đó có các điều “cấm”, nhưng xem chừng không thực hiện được, thậm chí có những điều “cấm” nhưng càng cấm lại càng bị vi phạm mà ít phạt được ai. Chẳng hạn, cấm phóng uế bừa bãi; cấm xả rác nơi công cộng; cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh; cấm hút thuốc lá trong bệnh viện, nơi công cộng... Nhiều quy tắc, quy chế được ban hành theo kiểu “để cho có” và nhiều khi “bất đắc dĩ” khi có người vi phạm thì mới mang ra đối chiếu, xem xét mức độ sai phạm, còn bình thường, ít thấy kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý.
           
Nhiều quy tắc ứng xử được ban hành thường quá dài và muốn cho kín kẽ, chặt chẽ lại ôm đồm nhiều nội dung, xảy ra tình trạng không có thì thiếu, có thì thừa. Do đó yêu cầu đặt ra là phải làm sao quy tắc, quy định cần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, tồn tại lâu dài, ít phải điều chỉnh, thay đổi. Quy chế không đi vào những chi tiết quá cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến thời trang, đầu tóc, giày dép... Bởi vì, cuộc sống luôn luôn phát triển và thay đổi. Chẳng hạn, bây giờ người ta cấm mặc quần bò nơi công sở thì bản thân khái niệm “quần bò” cũng được hiểu nhiều cách khác nhau. Tới đây, có những loại vải với chất liệu gần như vải bò, nhưng lại được may theo kiểu cách khác quần bò hiện nay thì có cấm không? Hay là, hiện nay, có “mốt” không phải để tóc dài như những năm 70 của thế kỷ XX mà là để đầu trọc. Đã có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong một số cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội để đầu cạo trọc. Và cũng có ý kiến rằng, nếu xu hướng này xuất hiện ngày càng nhiều trong cán bộ, công chức, viên chức người lao động thì có cấm không? v.v.
         
Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, công sở nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... đều được tuyển chọn khá kỹ trước khi vào làm việc theo những tiêu chuẩn, quy định cụ thể. Ngoài năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi người còn được đặc biệt chú ý đến phẩm chất đạo đức, tác phong khi ứng xử, giao tiếp. Thường thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong môi trường công tác đó đều có một cái “phông” văn hóa nhất định và có trình độ thẩm mỹ theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Họ tự biết mình cần ăn mặc, giày dép, đầu tóc, tác phong giao tiếp thế nào cho phù hợp với môi trường công tác. Và những người ăn mặc thiếu văn minh, lịch sự, không phù hợp... chỉ là con số rất ít và sẽ tự mình cảm thấy lạc lõng, phản cảm trong môi trường công tác và mối tương quan với đồng chí, đồng nghiệp, nhất là được góp ý, xây dựng. Điều quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ nhân dân, lòng say nghề nghiệp, cống hiến cho công việc, vì lợi ích của tập thể, cộng đồng, nhân dân, đất nước.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang trong quá trình đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, đều có ý thức, học tập, làm theo Bác. Do đó cũng cần học tập Bác trong việc xây dựng, ban hành các quy tắc ứng xử, những quy định sao cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, bền lâu, phản ánh thực chất phẩm chất cách mạng của mỗi đối tượng mà quy tắc, quy chế chi phối. Các điều Bác Hồ dạy Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cũng như với nhiều đối tượng, giai cấp, tầng lớp trong xã hội là những câu nói mẫu mực, phản ánh đúng đắn, đầy đủ phẩm chất, rất phù hợp của mỗi đối tượng trong xã hội, mấy chục năm qua vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, đối với Quân đội nhân dân là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đối với lực lượng Công an nhân dân là 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân Việt Nam: “Đối với tự mình phải: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Đối với đồng sự phải: Thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ phải: Tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân phải: Kính trọng lễ phép/ Đối với công việc phải: Tận tụy. Đối với địch phải: Cương quyết, khôn khéo”. Chắc chắn, trong chúng ta, dù có người đã là “lớp người xưa nay hiếm”, nhưng vẫn thuộc lòng, nhớ như in 5 điều Bác Hồ dạy  khi chúng ta còn ở tuổi thiếu niên, nhi đồng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”; v.v.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, nhất là những người đứng đầu, ngoài vai trò lãnh đạo còn có trách nhiệm làm tròn bổn phận “người đầy tớ thật trung thành”, là “công bộc” của người dân. Do đó, điều người dân quan tâm nhất là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ người dân như thế nào. Có độc giả phát biểu trên báo điện tử VietNamNet rằng: “Chúng tôi mong thủ tục không bị "rùa bò" hơn là công chức không mặc quần bò”(1). Từ câu nói này, nhớ lại cách đây 76 năm, vào ngày 12-10-1945, chỉ hơn một tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, trên Báo Cứu quốc số 65, với bút danh Chiến Thắng, Bác Hồ đã viết bài “Sao cho được lòng dân?”. Từ hồi đó, Bác Hồ đã chỉ ra hiện tượng người dân quan tâm, để ý, giám sát cán bộ, công bộc của mình hành xử như thế nào. Bác viết: “Xung quanh các Ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn, oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa”(2). Bác Hồ đã chỉ ra một số những biểu hiện “cái tật ngông nghênh cậy thế, cậy quyền”. Các ông chủ tịch, các ông ủy viên “khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta”. Từ thời đó, Bác Hồ đã lường trước và chỉ ra một số cán bộ lạm dụng quyền lực, lợi dụng ô tô công, “làm nhiều điều quá tệ”. Chẳng hạn, “người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều”. “Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những “ông quan”, “ông thanh tra” dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!”. Bác Hồ chỉ ra cho cán bộ, đảng viên, công chức rằng “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới” (...) “Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
         
Trong thực tế ở nhiều nơi trên đất nước ta trong những năm qua, hiện tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả nhiều cán bộ cấp cao, lợi dụng, lạm dụng quyền lực để “vinh thân phì gia” chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cho vợ, chồng, con, gia đình, họ hàng, thân hữu trong cán bộ, đảng viên, công chức là nghiêm trọng đến thế nào. Qua bài báo nói trên của Bác Hồ thì quy tắc, quy chế ứng xử, tác phong, lối sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không chỉ ở trong cơ quan, công sở mà phải ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ngoài giờ làm việc hành chính, ở khu dân, trong quan hệ với quần chúng, nhân dân. Do vậy, cốt “sao cho được lòng dân?” chắc chắn phải là tiêu chí, động cơ phấn đấu, học tập, rèn luyện, phương châm hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, chính quyền nhà nước và trong các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay và trong mọi lúc, mọi nơi. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(3).      
-----------------------
(1). Báo VietNamNet ngày 26-6-2021.
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.47-48.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H 2021, t.1, tr.27-28.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất