Vấn nạn tin giả, tin sai sự thật trên không chỉ có ở Việt Nam mà là vấn nạn mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Khi đất nước đối mặt với những khó khăn thì tin giả lại càng xuất hiện. Đặc biệt, những tin giả, tin thất thiệt lại được lượng người đọc, người "câu view" nhiều hơn cả tin báo, đài chính thống. Vấn đề đặt ra là tại sao và giải pháp nào để ngăn chặn những thông tin độc hại? Tạp chí Xây dựng Đảng xin giới thiệu bài viết "Tin giả tác hại thật!" của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc - Việt kiều tại Ca-na-đa.
Gần 2 năm qua Việt Nam chúng ta phải chịu rất nhiều áp lực về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nhà nước và Nhân dân đồng cam cộng khổ để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, chưa kể những việc đối nội, đối ngoại và an ninh - quốc phòng cũng không thể chủ quan, lơ là.
Đại đa số người dân có điều kiện, nằm ngoài "vùng đỏ", "vùng cam" thông cảm, hiểu biết và sẻ chia những khó khăn với hàng triệu người lao động, người yếu thế nằm trong vùng bị giãn cách, bị phong toả theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của chính quyền địa phương.
Những cố gắng của Nhân dân, của chính quyền đã và đang làm dịu đi những bức xúc, những thiếu thốn, kham khổ của người lao động, của người yếu thế trong xã hội. Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam có thể nói là một cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ bởi những dự báo, những phương án đặt ra ban đầu chưa thật sát với diễn biến của dịch bệnh, của biến thể mới ngày càng lây lan nhanh và mạnh hơn khi nó mới được phát hiện.
Từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng cho đến người lính binh nhì trong lực lượng Quân đội và Công an cũng lao vào tâm dịch, mọi cố gắng của họ tựu trung là để bảo vệ mạng sống của người dân, bảo vệ an toàn cho xã hội hôm nay và ngày mai.
Chúng ta phải công bằng và khách quan khi nhìn nhận và đánh giá vấn đề với tâm thế của người hoà mình vào dòng chảy của dân tộc, của Tổ quốc. Hãy nhìn các nước phát triển trên thế giới và các nước đang phát triển trong khu vực, họ cũng đang quay cuồng trong cơn bão của đại dịch, họ có điều kiện kinh tế và y tế cao hơn và tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Nhân dân của họ được tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 chiếm tỷ lệ rất cao, tưởng như đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, nhưng đến thời gian này số ca dương tính với Covid-19 tăng cao chóng mặt và người tử vong cũng tăng lên.
Khi biểu đồ F0 của TP. Hồ Chí Minh, của 4 tỉnh trọng điểm tăng cao với con số chạm ngưỡng 15 ngàn người và tỷ lệ tử vong cũng 300 - 400 người/ngày, bởi do nhiều nguyên nhân (khách quan và chủ quan). Chủ yếu là số người được xét nghiệm trên diện rộng, từ khu dân cư, khu "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng xanh" cũng đều được xét nghiệm. Tổng số xét nghiệm tăng gấp 3-4 lần những thời gian trước, biến thể mới Delta lây lan gấp 60 lần biến thể cũ… người chết vì Covid-19 tăng cao cũng bởi hệ thống y tế của ta chưa đáp ứng được yêu cầu, số người được tiêm vắc-xin Covid-19 còn rất ít so với dân số hơn 98 triệu người trong cả nước. Đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, nơi tập trung mật độ dân số cao nhất cả nước trên 12 triệu người, nơi có người lao động từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đổ về sinh sống, làm ăn không dưới 6 triệu người, điều kiện sống về nơi ăn, chỗ ở chưa được bảo đảm nên số người tử vong tăng cao là điều có thể hiểu được.
Một vấn đề vô cùng quan trọng đã và đang xảy ra nghiêm trọng không kém là thời gian này, các tin giả, tin bịa, tin thổi phồng ngày càng tràn lan trên mạng xã hội, trên Youtube, Instagram, Facebook của những người thiếu thiện chí trong xã hội không phải là ít. Trường hợp nổi cộm như cô Trác Thuý Miêu lên Facebook cá nhân của mình tỏ thái độ vô văn hoá, lời lẽ khiếm nhã, miệt thị đoàn y, bác sỹ, điều dưỡng viên của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đi chi viện cho TP. Hồ Chí Minh nên đã bị người hâm mộ (fans) phản ứng mãnh liệt, bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt. Mấy ngày nay trên mạng xã hội cũng loan tin người miền Bắc xúc phạm người dân TP. Hồ Chí Minh là “dân trí thấp” dẫn đến xáo động trong dư luận, gây mất đoàn kết, phân biệt vùng, miền. Tin giả và tin thất thiệt của người mang ý đồ xấu, đã có tác hại thật đến người dân và xã hội.
Đặc biệt những tin giả, tin thất thiệt lại được lượng người đọc, người "câu view" nhiều hơn cả tin báo, đài chính thống. Vấn đề đặt ra là tại sao? Giải pháp nào để ngăn chặn những thông tin độc hại?
Chúng ta cần hiểu rõ, không gian mạng là không gian khó kiểm soát nhất, nó có cả tính tiêu cực và tích cực trong cuộc sống, nó phản ánh đa chiều các thông tin trong xã hội, mọi lúc, mọi nơi, nó là quyền của người sử dụng.
Thực tế cho thấy, xử phạt hành chính chỉ là biện pháp bất đắc dĩ của cơ quan bảo vệ pháp luật, với số tiền xử phạt không lớn, không đủ mạnh để răn đe những người cố ý tung tin giả, tin thất thiệt. Nên cần phải mạnh tay hơn để cảnh báo những người ham vui thiếu ý thức.
Để giải quyết vấn đề này, biện pháp hữu hiệu nhất chính là các cơ quan báo, đài chính thống khi đăng tin cần độ chính xác cao, nhanh chóng và chuẩn mực. Không thể báo chí của Bộ này đưa tin khác báo chí của Bộ kia, nếu như Đài Truyền hình Trung ương và địa phương đăng tải hình ảnh cùng một sự việc nhưng thông số và nội dung khác biệt, dẫn đến người dân có quyền phân vân, nghi ngờ và các trang mạng xã hội sẵn sàng lao vào mổ xẻ theo chiều hướng tiêu cực.
Sự điều hành của các cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương cần phải xuyên suốt, tuyệt đối không thể "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đặc biệt là văn bản pháp quy ban hành không thể để xảy ra chồng chéo, tối nghĩa gây mâu thuẫn từ chính cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận rằng tin giả đang đe doạ lấn sân các tin chính thống, muốn hạn chế tác hại này chúng ta cần phải xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải minh bạch thông tin, không thể đưa tin nửa vời, úp úp, mở mở làm dư luận hoài nghi.
Nguyễn Hoài Bắc
Kiều bào Ca-na-đa