Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Nguyên nhân nào dẫn đến nạn tham nhũng? Trong một bài viết của tác giả Vũ Xuân Kiều đăng trên Tạp chí Cộng sản, số ra ngày 12-6-1996, tác giả đã đưa ra 3 nguyên nhân: chủ nghĩa cá nhân, sự thoái hoá biến chất của một số cán bộ, đảng viên; kỷ cương, pháp nước chưa nghiêm; công tác tổ chức cán bộ tách rời giáo dục chính trị tư tưởng.
Đến nay, cần làm rõ thêm một số nguyên nhân mang tính đặc thù nữa để có giải pháp phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, là một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất đã cấu kết với nhau, tạo thành “nhóm lợi ích”, dùng mọi thủ đoạn để “đục khoét” tài sản nhà nước. Trong một số vụ việc tham nhũng ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cho thấy, trong “nhóm lợi ích” này thường là những cán bộ giữ vai trò chủ chốt như cấp trưởng, cấp phó, hay những vị trí có liên quan đến tài chính như kế toán, thủ quỹ… Họ cấu kết với nhau làm giả chứng từ, dùng nhiều thủ đoạn “qua mắt” các cơ quan thanh tra, kiểm tra để trục lợi cá nhân. Nếu sự việc không bị phanh phui, những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất này vẫn sẽ giữ những vị trí chủ chốt trong cơ quan, đơn vị, thậm chí còn được đề bạt, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Ở vị trí đó, họ lại tiếp tục lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhiều người là “cánh hẩu” vào đội ngũ cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, họ mua chuộc, hối lộ các cấp trên; trù úm, khống chế những cán bộ, đảng viên khác không cùng “nhóm lợi ích”.
Từ những nguyên nhân đặc thù này, các tổ chức đảng, cơ quan chính quyền cần có những biện pháp “mạnh tay” hơn để loại bỏ bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất này khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, không cho họ có điều kiện, môi trường để tham nhũng.
Giải pháp đầu tiên là yêu cầu cán bộ, đảng viên kê khai tài sản, thu nhập một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp với sự phát hiện, tố cáo của nhân dân để “đưa ra ánh sáng” những tài sản bất hợp pháp của cán bộ, đảng viên. Điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng cần chặt chẽ, nghiêm minh hơn để đủ sức răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng tham nhũng.
Với những cán bộ có tài sản, thu nhập “chưa minh bạch”, giải trình không thoả đáng, có nghi vấn tham nhũng nhưng chưa đủ chứng cứ khởi tố thì cần xem xét rõ hơn về cán bộ này, không đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt, nhất là ở các đơn vị kinh tế nhà nước. Nếu họ đang nắm giữ chức vụ này thì điều động, luân chuyển sang cơ quan, đơn vị khác để họ không điều kiện tham nhũng, tiêu cực.
Để thực hiện những biện pháp trên đây ắt sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là từ phản ứng của những cán bộ, đảng viên đang trong “nhóm lợi ích”. Nhưng khó mấy cũng phải làm, bởi nếu càng né tránh sẽ càng gây ra những hậu quả khôn lường, thất thoát tài sản Nhà nước, làm mất uy tín của Đảng với Nhân dân.
Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí như: Quyết định số 162-QĐ/TW, ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về, phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Đây là cơ sở, vũ khí sắc bén để Đảng và Nhà nước ta từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.