Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (tháng 6-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương “có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị”. Đây là một nhiệm vụ mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời là vấn đề chưa có tiền lệ trong công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cấp ủy đảng cũng như cán bộ, đảng viên của Đảng ta. Gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giải thích nhiệm vụ người đứng đầu Đảng giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương là “kiểm tra cách cấp”, đồng thời đưa ra ví dụ về vụ việc sai phạm cụ thể của cấp ủy đảng mà tới đây buộc phải áp dụng phương pháp kiểm tra này. Nguyên nhân nào dẫn tới việc kiểm tra cách cấp và đây có phải là chức năng, việc làm thường xuyên, lâu dài của Ủy ban kiểm tra Trung ương hay không?
Trước hết, nguyên do cơ bản, cốt lõi nhất mà người đứng đầu Đảng ta đưa ra công tác kiểm tra cách cấp là nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng. Theo quy định của Điều 30 Điều lệ Đảng thì “kiểm tra giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng”; “các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”. Đây là nhiệm vụ chính, thường xuyên của các cấp ủy đảng nhằm ngăn ngừa những sai phạm của tổ chức, cấp ủy đảng và đảng viên. Đồng thời, Điều 32 của Điều lệ Đảng cũng quy định: Ủy ban Kiểm tra các cấp có nhiệm vụ: 1). Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, cấp ủy viên; 2). Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng...; 3). Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của BCH Trung ương...Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức, cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, việc kiểm tra theo Điều 30 (kiểm tra để phòng ngừa) bị buông lỏng mà nặng về kiểm tra giải quyết vụ việc (kiểm tra để “chữa bệnh”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều khi phải “chạy theo” những vụ vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cách đây hơn 50 năm:“Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về việc giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản và lâu dài” (Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29-7-1964).
Thứ hai, do bệnh “thành tích”, thói quen “tốt khoe ra, xấu xa đậy lại” nên những yếu kém, khuyết điểm không được xử lý nghiêm minh, dứt điểm, để tồn đọng lâu dài. Có thể nói căn bệnh này vẫn còn nặng nề trong cách ứng xử, trong nếp sống và trong suy nghĩ của không ít tổ chức, cấp ủy đảng cũng như trong người đứng đầu và cán bộ, đảng viên. Tình trạng “Con gà tức nhau tiếng gáy”, tâm lý “nặng về tình cảm” sợ tổ chức mình, cấp ủy mình thua kém tổ chức đảng khác, cấp ủy khác đã góp phần làm cho việc kiểm tra, xử lý kỷ luật không nghiêm, không công khai, minh bạch. Công tác tự phê bình và phê bình hạn chế, yếu kém, khi có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước lại thường bưng bít, xử lý nội bộ, xử lý hành chính...dẫn đến tình trạng không muốn “vạch áo cho người xem lưng” thấy “mặt” của đồng chí mình “nhọ, bẩn” mà không mách bảo. Điều này trái ngược với mong muốn, lời căn dặn rất đỗi quen thuộc của Bác Hồ: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Thứ ba, tư tưởng cục bộ địa phương, mối quan hệ họ hàng, dòng tộc, hiện tượng “cả họ làm quan” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở không ít nơi đã dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí bao che, dung túng của tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo cấp trên đối với tổ chức, cán bộ cấp dưới. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo là người địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là người trong cùng dòng họ nội, ngoại, vợ, chồng, con, anh chị em, người thân thích là một nguyên nhân dẫn tới công tác tự kiểm tra, tự giám sát bị buông lỏng, kỷ luật xuê xoa, không nghiêm. Cùng với các nguyên nhân khác, nhiều sai phạm tích tiểu thành đại, khi bị phát hiện thì sự việc đã nghiêm trọng, không thể cứu vãn.
Thứ tư, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý bị đồng tiền, của cải, tư tưởng làm giàu bằng địa vị quyền lực làm cho “lóa mắt”, công tác kiểm tra, giám sát đối với họ chỉ là khẩu hiệu để che mắt thiên hạ, không thực chất. Đảng ta đã đúc kết: lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Rõ ràng, ở nhiều tổ chức đảng địa phương, cơ sở, cán bộ vì không kiểm tra, giám sát nên coi như họ không lãnh đạo. Chính vì thế, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, vì lợi ích, lẽ ra phải trực tiếp kiểm tra, giám sát thì lại khoán trắng cho ủy ban kiểm tra cùng cấp còn bản thân trở thành ô dù, bao che cho những hành động phạm pháp. Nếu chỉ dựa vào bản thân tổ chức, cấp ủy đảng và chính người đứng đầu đó thì không thể làm rõ, xử lý được vụ việc. Trong thời gian tới, nhiều vụ việc, đối tượng không thuộc diện kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhưng buộc Ủy ban kiểm tra Trung ương phải phải vào cuộc.
Thứ năm, do cơ chế, quy định quản lý cán bộ thời gian quan còn có những “lỗ hổng” nên nhiều trường hợp, ủy ban kiểm tra cấp trên biết tổ chức, cán bộ cấp dưới vi phạm kỷ luật nhưng không trực tiến hành xử lý được mà chỉ có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Việc cấp trên tưởng cấp dưới, cấp dưới ngỡ cấp trên, hơn nữa cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp trên quản lý lại không tự phê bình và phê bình trước chi bộ cơ sở đã tạo ra tình trạng “đười ươi giữ ống” trong công tác quản lý, giám sát cán bộ. Điều đặc biệt là chúng ta chưa có cơ chế, quy định cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức phải tự phê bình, chịu sự giám sát của người dân nơi cư trú cũng là một lỗ hổng lớn trong công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên đương chức.
Chính vì một số nguyên do chính, nổi cộm trên đây mà tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay là phổ biến, chưa có giải pháp cải thiện. Rất nhiều vụ việc bức xúc ở địa phương, cơ sở do không được xử lý, giải quyết một cách công khai, nghiêm minh, dứt điểm đã là nguyên nhân dẫn đến nhiều người dân ở địa phương, cơ sở khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài lên các cơ quan Trung ương trong những năm qua. Việc triển khai thực hiện quyết định kiểm tra cách cấp sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý, giải quyết những hạn chế, tiêu cực trong các tổ chức, cấp ủy cấp huyện và cơ sở. Nhân dân sẽ hướng tới yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý, giải quyết những vẫn đề nổi cộm ở địa phương, cơ sở. Trong thời gian tới, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kiểm tra cách cấp xử lý, công bố công khai, minh bạch kết quả xử lý sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện xu hướng dưới đây:
Tâm lý chung là không đảng bộ cấp huyện hay cấp cơ sở nào muốn đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kiểm tra cách cấp để rồi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và cơ sở, trong khi đại hội nhiệm kỳ mới đang đến. Do vậy, cấp ủy đảng, những người có trách nhiệm lãnh đạo, liên đới xảy ra sai phạm sẽ tìm mọi cách để không có đoàn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến kiểm tra cách cấp là tốt nhất.
Từ tâm trạng nói trên, các tổ chức, cấp ủy đảng từ tỉnh, thành phố đến quận, huyện, cơ sở, cán bộ lãnh đạo, quản lý không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý, nhất là cấp ở các quận, huyện, cơ sở dứt khoát không thể “ngồi yên”, phải vận động, phải vào cuộc tự rà soát, tự kiểm tra, xử lý những vụ việc tiêu cực, yếu kém, vi phạm trên địa bàn, nơi có cán bộ lãnh đạo thuộc diện quản lý. Trong quá trình này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không loại trừ những phần tử xấu lợi dụng để gây rối tình hình ở cơ sở.
Đối với nhân dân, đây là điều kiện để họ thể hiện tinh thần làm chủ, phát hiện, tố giác những sai phạm của tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở quận, huyện, cơ sở. Người dân rất mong đợi và gửi gắm niềm tin của mình vào đoàn cán bộ kiểm tra cách cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, coi đó như là nhân vật Bao Công thời hiện đại để làm rõ đúng sai, sự thật, giải tỏa oan ức, đem lại công lý cho dân thường. Nhiều người dân sẽ tìm đến địa chỉ Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đoàn kiểm tra cách cấp về địa phương họ và gửi gắm niềm tin.
Trong quá trình tự kiểm tra, rà soát, nơi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra cách cấp và cả quá trình tự phê bình và phê bình nội bộ sẽ góp phần làm rõ đúng sai, phân loại rõ ràng, không để “vàng thau” lẫn lộn. Trong quá trình này sẽ nổi lên những cán bộ, đảng viên có tinh thần đấu tranh, biết giữ gìn phầm chất đạo đức, được người dân tín nhiệm cao, từ đó sẽ chọn ra được những cán bộ, đảng viên xứng đáng, đủ tiêu chuẩn vào vị trí lãnh đạo thời gian tới, đồng thời loại bỏ những cán bộ, đảng viên yếu kém, vi phạm ra khỏi đội ngũ của Đảng.
Quá trình tiến hành rà soát chỉ ra những địa chỉ cần áp dụng biện pháp kiểm tra cách cấp sẽ xuất hiện tình trạng chạy chọt, nhờ cậy, ô dù để không trong diện kiểm tra này. Đồng thời cũng cảnh báo hiện tượng “giơ cao đánh khẽ” trong quá trình xử lý, kiểm tra. Do vậy, những người được giao trọng trách làm nhiệm vụ kiểm tra cách cấp cần thật sự xứng đáng là những “bao công” xử án. Không bị lay chuyển bởi bất kỳ thế lực nào và phải dựa vào nhân dân. Cũng không loại trừ, từ việc kiểm tra cách cấp mà phát hiện ra những sai phạm ở cấp cao hơn, những cán bộ lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Kiểm tra cách cấp là công việc xử lý tình huống nhằm cảnh tỉnh, nhắc nhở các tổ chức, cấp ủy đảng cấp dưới và cán bộ lãnh đạo quản lý không thuộc diện kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần phải kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương không có đủ cán bộ, thời gian, công sức có thể thực hiện một cách thường xuyên nhiệm vụ này. Điều cốt yếu nhất trong công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng là cần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí của mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công” (Sửa đổi lối làm việc).
Vũ Lân