Những “toa thuốc đặc trị” (tiếp theo)

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”. Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” đã cụ thể hóa thêm một bước quan điểm của Đảng, như một thông điệp kêu gọi, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Cụ thể ở đây là quan điểm bảo vệ cán bộ “sáu dám”.

Quan điểm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần, đó là: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Kết luận số 14-KL/TW là một văn bản mang tầm chiến lược như “luồng ánh sáng”, tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu, vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết luận ra đời rất kịp thời khi tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, an phận thủ thường đang lây lan, phổ biến. Ai cũng có thể nhìn thấy rõ tình trạng công việc ở không ít nơi bị đình trệ mà không ai dám quyết đáp. Cấp xã đùn đẩy công việc cho cấp huyện, cấp huyện đùn cho cấp tỉnh, cấp tỉnh đẩy cho cấp Trung ương; cấp phòng đẩy lên cấp sở, cấp sở đẩy cho cấp bộ, cấp bộ đẩy cho Chính phủ. Kết luận số 14-KL/TW “mở đường” cho một định hướng tư duy mới nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm trong toàn bộ nền quản trị của đất nước.

Theo đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Trường hợp cán bộ thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đây thực sự là một “liều thuốc” tốt để điều trị vi-rút “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên; là “cú huých” đối với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo của đội ngũ công chức, viên chức.

Ngày 19-4-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg “Về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương”. Yêu cầu nêu rõ, phải kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, đồng thời tăng cường khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị.

Nhờ chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đến nay các tỉnh, thành phố, địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi giải quyết công việc, bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đã có những kết quả mới trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, trong đó có những lãnh đạo cấp cao đã xin từ chức và được Đảng, Nhà nước xem xét cho từ chức vì lý do trách nhiệm, nhiều cán bộ đã dần thoát khỏi tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm... khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) vừa qua: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp gây nhiều hệ lụy xấu”.

Do đó vẫn cần thiết phải tiếp tục tăng cường tập trung chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, cho dù để làm được điều đó không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi không chỉ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước mà cả sự đồng lòng, quyết tâm hợp sức của cả hệ thống chính trị, của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và nhân dân. Đã đến lúc phải thực hiện tinh thần như Tổng Bí thư từng khuyên nhủ: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Thực tiễn cho thấy, một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc, với tinh thần: “Việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, việc có hại cho dân thì ra sức tránh” như Bác Hồ đã căn dặn thì không gì phải sợ.

Tại Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ: “Về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, cơ quan, địa phương” đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực phải xử lý thật nghiêm minh.

Trao đổi về hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại trong thực hiện công vụ, đồng chí Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Không hành động trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Đồng chí cho biết, có ba trường hợp không hành động: thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động; thứ hai là do không có lợi nên không hành động và thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động. Theo đồng chí, cả ba trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Đồng chí Lê Thanh Vân cho rằng, nếu xử lý được những cán bộ chây ì, né tránh trách nhiệm, cầu an sẽ có nhiều tác dụng “xốc” lại đội hình cán bộ, thay thế những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng ngồi vào ghế lãnh đạo, điều hành, quản lý hệ thống, tạo ra cộng hưởng chung của cả một hệ thống vận hành thông suốt. Tức là dám bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng thay thế những người không đủ tiêu chuẩn vi phạm pháp luật, chây ì. “Đứng sang một bên cho người khác làm” theo cách nói của Tổng Bí thư ở đây có nghĩa là rời ghế, vị trí đang đảm nhiệm, chứ không phải là yên vị hưởng lợi nhẹ nhàng mà không phải làm gì vất vả. Vị trí đó sẽ do người khác thay thế đảm nhiệm để thực hiện “6 dám” nhằm tạo khí thế mới, thành tựu mới, kích hoạt niềm tin của nhân dân, hưởng ứng sôi nổi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đồng thuận sự điều hành của Chính phủ, trở thành một phong trào thi đua rộng khắp để vực dậy kinh tế - xã hội, từ đó sẽ làm diện mạo phát triển của đất nước bước sang một trang mới.

Để chữa trị tận gốc căn bệnh “sợ trách nhiệm” nhất thiết phải hướng vào căn nguyên, nguồn gốc của chính nó là chủ nghĩa cá nhân, tăng cường phê phán, đấu tranh, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, tiêu diệt triệt để tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều cám dỗ vật chất… Muốn làm được cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, nhân cách, đạo đức cách mạng liêm chính, chí công vô tư… của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây là cái gốc của người cán bộ, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện. Bởi theo Người: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”.

Bản lĩnh của người cán bộ được thể hiện ở ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường, dũng cảm, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Người cán bộ có bản lĩnh sẽ bình tĩnh, tự tin, sáng suốt giải quyết những vấn đề mới, khó đặt ra. Vì vậy, bản lĩnh là phẩm chất thiết yếu của mỗi cán bộ, trong đó bản lĩnh chính trị là lòng trung thành, tận tuỵ với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân được đặt lên hàng đầu, trước hết, trên hết.

Cùng với bản lĩnh, đạo đức cách mạng là nền móng, là “điều kiện cần” của người cán bộ. Người cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ luôn định hướng hành động vì lợi ích chung, không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc đặt ra, không tư lợi, hủ hóa. Người cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ luôn có liêm sỉ trong suy nghĩ và hành động; họ tự biết xấu hổ khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình chưa hoàn thành, công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình lại đem giao cho người khác, tổ chức khác thực hiện; họ biết hổ thẹn khi không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Do đó, người cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ đề cao trách nhiệm trước tổ chức, trước cấp trên, cấp dưới và nhân dân.

Rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng cho cán bộ là việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, trong đó phải lấy tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ làm cốt. Đảng ta đặt lên hàng đầu việc nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Cán bộ có chức vụ, quyền hạn càng cao càng phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng, phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, tự soi rọi với các chuẩn mực đạo đức cách mạng để gột rửa những sai lầm, khuyết điểm, giống như việc rửa mặt hằng ngày. Có như vậy, mỗi cán bộ mới có “sức đề kháng cao, tạo miễn dịch” để bệnh “sợ trách nhiệm” không có cơ hội phát sinh, lây nhiễm.

Thứ hai, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nêu gương, nhất là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân; tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn tại kéo dài; kiên quyết chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; chủ động gánh vác, chịu trách nhiệm, phát huy cao nhất năng lực, tính sáng tạo, nhiệt huyết vì lợi ích và mục tiêu chung của dân tộc.

Cán bộ khi được lãnh đạo khuyến khích, truyền lửa, bảo vệ, đứng ở đầu sóng, ngọn gió sẽ tạo cho họ sự yên tâm, tự tin hơn, nhiệt huyết, tự do sáng tạo, thoải mái suy nghĩ để có những đổi mới và đột phá trong thực thi nhiệm vụ. Bản thân chính người lãnh đạo gạt bỏ được sự bảo thủ, sợ trách nhiệm, dám đổi mới thì chắc chắn cán bộ, cấp dưới sẽ tự tin để đột phá, dám nghĩ, dám làm.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hệ thống thể chế, chính sách của chúng ta có những mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cho nên quá trình thực thi công vụ không tránh khỏi những khó khăn, rào cản, vướng mắc. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát bãi bỏ thói quen xin ý kiến, xin chủ trương, dù đã được cấp trên phân cấp, uỷ quyền.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý mạnh tay hơn, thậm chí cho thôi chức vụ, điều chuyển, thay thế đối với những trường hợp cán bộ cố tình né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn thành trách nhiệm được giao. Cùng với đó, cần tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật... để triển khai một cách hiệu quả chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, chủ động, tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... nhằm loại bỏ triệt để tâm lý e ngại, sợ sai, sợ vi phạm quy định, sợ bị kỷ luật mà không dám làm, không dám quyết.

Có như vậy mới góp phần tích cực khai thông được các điểm nghẽn, ách tắc, trì trệ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta, tăng cường niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp, tạo thêm nhiều điểm sáng mới trong tiến trình phát triển đất nước.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị, Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

2. Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10-5-2023.

3. Báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10-5-2023.

4. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB CTQGST, H.2023.

5. Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

6. Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chỉnh phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. 

7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NXB CTQG-ST, H.2016.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.2011.

9. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021.

(Còn tiếp...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất