Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc


Đại hội đại biểu Hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 (tháng 11-2017).

Đồng hành cùng dân tộc đã được Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) khẳng định và là kim chỉ nam của GHPGVN. Giáo hội chỉ rõ hướng trọng tâm các hoạt động phật sự chính là đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp chung, đặc biệt là sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. GHPGVN đã kế thừa truyền thống hơn hai nghìn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam hộ quốc an dân đồng hành cùng dân tộc và đã có những đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội.


Thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”, Tăng, ni và phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Đóng góp của GHPGVN về văn hóa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc nghệ thuật chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị tư tưởng, triết lý nhân văn sâu sắc về cuộc sống, đạo đức, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng bộ phận kiến trúc, pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Đóng góp của GHPGVN về giáo dục. Không đứng ngoài những vấn nạn hiện nay, GHPGVN nhiều năm qua đã có những hoạt động thiết thực để góp phần giáo dục thanh, thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, các trại hè dành cho thanh thiếu niên, các hoạt động Phật pháp. Thông qua đó giáo dục các em hiểu được lễ nghi, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, phải trái, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thầy cô và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Nền giáo dục của Phật giáo mang đậm tính nhân văn, triết lý nhân quả, giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chính pháp để trở thành những người có đạo đức với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ. Giáo dục Phật giáo luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, đem đến lợi lạc cho tha nhân, cùng cộng đồng xã hội chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng, xã hội ngày càng văn minh.

Đóng góp của GHPGVN về phát triển kinh tế. Tư tưởng nhập thế Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người, đưa con người đến cuộc sống “chân - thiện - mỹ”, từ đó làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày nay các điểm du lịch tâm linh thường gắn với đền, chùa, lăng tẩm và lễ hội. Cả nước có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Đây chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái, nghe pháp và trải nghiệm đời sống thiền tu. Như vậy, các điểm hành hương tâm linh còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội. Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc chung tay giúp đỡ những người gặp nhiều khó khăn sớm vượt qua để ổn định cuộc sống thông qua công tác xã hội như khám chữa bệnh miễn phí tại một số chùa, tự viện trên cả nước, đào tạo miễn phí dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên.

Đóng góp của GHPGVN về từ thiện xã hội. Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, công tác từ thiện xã hội được Giáo hội quan tâm sâu sắc. Tăng, ni, phật tử và các chùa, tự viện, các thành viên thực hiện công tác từ thiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Với hệ thống trên 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hơn 600 phòng chẩn trị Y học dân tộc, trên 10 phòng khám Tây y, Đông Tây y kết hợp đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực phong trào xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Trao quà từ thiện, xây cầu, làm đường, tặng xe lăn, hiến máu nhân đạo, ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ bám đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… Đặc biệt Giáo hội còn thực hiện công tác cứu trợ quốc tế như cứu trợ nhân dân các nước Đông Nam Á bị sóng thần, đồng bào vùng Đông Bắc Nhật Bản bị động đất và sóng thần, động đất tại Nepal.

Ngoài những công tác từ thiện, những công tác phúc lợi xã hội khác như xây dựng các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam cũng được nhân rộng và phát triển đúng hướng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội.

Đóng góp của GHPGVN về quan hệ quốc tế. Ngay từ khi mới thành lập, GHPGVN đã tích cực thể hiện tư cách là thành viên sáng lập và là thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa những người con Phật vì hòa bình, hợp tác và phát triển nhân loại, góp phần nâng cao vị thế của đất nước và Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

Đóng góp của GHPGVN đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết theo phương châm “phụng đạo, yêu nước”. Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân, làm cho tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc. Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN, tăng, ni, phật tử Việt Nam luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”. Các ban trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước thường xuyên động viên tăng, ni, phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn khu dân cư, tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Nhiều vị chức sắc tăng, ni được người dân tin tưởng bầu là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp để vận động nhân dân, phật tử xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội. Các vị tăng, ni còn tích cực tham gia truyền bá Phật pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, diễn ra từ ngày 19 đến 22-11-2017 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra 9 mục tiêu để phát triển và đồng hành cùng dân tộc. Để thực hiện những mục tiêu này, GHPGVN thực hiện đúng theo tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp” và “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật” mà Đức Phật đã dạy. Một trong những định hướng thực hiện là: Hoạt động từ thiện phải dựa trên tinh thần tứ vô lượng tâm “từ bi, hỷ xả”. Chấn hưng Phật giáo trên nền tảng văn hoá dân tộc. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, chùa chiền, tịnh xá, cơ sở thờ tự đồng đều trên khắp mọi vùng, miền, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh Phật giáo. Chú trọng hơn về nội dung của tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, truyền thông để Phật giáo đi vào đời sống có chiều sâu hơn, vững bền hơn. Tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng ni và đồng bào phật tử ở trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thực hiện, gắn bó chặt chẽ giữa Đạo với Đời, giữa Giáo hội với Đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất