Thực thi dân chủ bảo đảm bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân (bài 2)

Bài 2: QUỐC HỘI KIẾN TẠO THỰC THI DÂN CHỦ HIỆU QUẢ

Cùng với thực hiện ngày càng tốt hơn dân chủ nghị trường, Quốc hội đã xây dựng, ban hành các loại luật bảo đảm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân trong xã hội, như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn… Trong đó đặc biệt là ban hành Luật Thực hiện Dân chủ tại cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Đây có thể xem là bước tiến quan trọng của Quốc hội trong cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lãnh đạo dân chủ, hướng đến quyết tâm đạt được mục tiêu: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân” và hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường. 

Ngày 10-11-2022, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán hành (443/455/498 đại biểu, chiếm 97,36% số đại biểu có mặt và 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.

Ở Việt Nam, các thiết chế dân chủ ở cơ sở được biểu hiện trước hết ở các thiết chế đại diện của nhân dân do Hiến pháp và các đạo luật quy định (Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn…). Đây là các thiết chế do nhân dân lập ra và thay mặt nhân dân để thực hiện quyền lực của nhân dân. Thông qua hoạt động của các thiết chế này, người dân tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội và kiểm soát hoạt động của Nhà nước.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài đem lại lợi ích cho nhân dân. Dân chủ là động lực và mục tiêu phấn đấu của Đảng”. Vì vậy, trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Cụ thể hóa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Điều thứ nhất trong Hiến pháp năm 1946 đã ghi rõ: “Nhà nước Việt Nam là một nhà nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam…”. Quan điểm nhất quán này tiếp tục được nêu ra trong Hiến pháp 1959, Hiến pháp năm 1980 và năm 2013 khẳng định thông qua nhiều điều khoản, quy định phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước; quyền khiếu nại, tố cáo…

Để xác lập cơ sở pháp luật về dân chủ ở cơ sở, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị số 30/CT-TW được ban hành trong bối cảnh “quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều ngành; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân mang tính phổ biến. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được cụ thể hóa và việc thể chế hóa thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống”.

Thể chế hóa nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Nghị quyết số 45/1998/ NQ-UBTVQH10 ngày 26-2-1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10 đã khẳng định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và lấy đó làm cơ sở để “giao Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”.

Theo Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10, Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn phải đảm bảo tăng cường sự tham gia của nhân dân (lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, những vấn đề được đưa ra để nhân dân thảo luận và quyết định, nhân dân giám sát và kiểm tra); quyền tiếp cận thông tin của nhân dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan chính quyền địa phương (báo cáo các quyết định để nhân dân biết và thực hiện, báo cáo thu chi ngân sách và quyết toán, tiếp dân và báo cáo kết quả giải quyết…).

Trên cơ sở này, ngày 11-5-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã. Từ đây đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trao cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở những quyền dân chủ thực sự, bao gồm: Quyền được biết các nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở cơ sở; quyền được bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề quan trọng của địa phương; quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; quyền giám sát đối với tất cả các nội dung mà nhân dân được công khai để biết, được tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp. Đến năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003, thay thế Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã để điều chỉnh thực dân chủ cơ sở được đầy đủ và phù hợp hơn với thực tiễn, bắt nhịp kịp thời sự phát triển của xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế. 

Tiếp đó, thực hiện chủ trương Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, vào năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11) thay thế Nghị định số 79/2007/ NĐ-CP.

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 gồm 6 chương, 28 điều, là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất từ trước đến nay và có phạm vi điều chỉnh toàn diện hơn về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cấp xã; trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm; những nội dung công khai để nhân dân biết và hình thức công khai; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và những nội dung nhân dân tham gia giám sát.

Năm 2021, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ra đời đã xác định rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân"; "Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội"; đồng thời khẳng định và yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Lúc này, sau hơn 10 năm thực hiện, các quy định trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã bộc lộ những hạn chế mới. Nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hình thức. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa đồng bộ, toàn diện. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa cụ thể, thiếu chế tài xử lý. Vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân chưa được quy định rõ. Sáng kiến của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được đề cao. Đặc biệt, chất lượng giám sát và phản biện xã hội còn rất thấp, hiệu quả chưa cao, ít có tiếng nói phản biện hữu hiệu đối với các chính sách của Nhà nước đối với nhân dân.

Bên cạnh đó, ở các địa phương lại có xu hướng biến thiết chế thôn/tổ dân phố thành một cấp chính quyền tại cơ sở mà chưa có sự xây dựng mang tính khoa học trong mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của các vùng, miền, đặc điểm dân cư. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao, phụ thuộc vào chính quyền cơ sở trong vấn đề ngân sách, kinh phí; về thẩm quyền vẫn thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện. Ngoài ra, người dân chưa nhận thức rõ vị trí, tính chất hoạt động của thiết chế nêu trên mặc dù trên phương diện thực tế, người bị giám sát lại là người có quyền quyết định những điều kiện làm việc cho người có quyền giám sát…

Trên cơ sở này, năm 2022, Luật số 10/2022/QH15 Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Quá trình họp, thảo luận xây dựng Luật này, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tranh luận quyết liệt để làm rõ các vấn đề. Ví dụ, trong phiên họp ngày 14-6-2022 của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở rất sôi nổi, các đại biểu đã làm rõ còn chưa sáng tỏ đề cập trong dự án luật. Trước đó, trong phiên họp cho ý kiến vào dự luât ngày 22-3-2022, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những thảo luận, đánh giá sâu sắc, đặc biệt là cho ý kiến về sự chồng lấn của dự án Luật Dân chủ cơ sở với các luật khác đang được thực thi. Trong buổi họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Dự án Luật Dân chủ cơ sở cần được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;” đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương.

Hiện nay, sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành, nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước đã tổ chức cho các đối tượng học tập, quán triệt và tích cực triển khai thi hành trong thực tiễn, thu được những kết quả bước đầu đáng mừng. Ví dụ, tại các doanh nghiệp nhà nước, việc tiến hành tổ chức hội nghị người lao động đã được thực hiện nền nếp và đảm bảo đúng quy trình, nội dung theo quy định, đặc biệt trên 90% doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, công ty TNHH một thành viên tổ chức hội nghị người lao động. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển biến trong nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện quy chế dân chủ, trong đó có tổ chức hội nghị người lao động. Nhiều người sử dụng lao động và người lao động thấy rằng, thông qua hội nghị người lao động giúp cho người lao động biết và hiểu được tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó cùng chia sẻ những khó khăn, cũng như thảo luận, thống nhất các giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động (*).

Nước ta đang trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Với việc thực hiện Luật Dân chủ cơ sở ngày càng rõ nét thì cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới. Bởi hiện một số thành tố tạo nên dân chủ cơ sở còn thiếu hoặc chỉ mới hình thành mà Luật này chưa phủ hết. Điều này đòi hỏi Quốc hội và các cơ quan Quốc hội cần nỗ lực nghiên cứu, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tổ chức trong xã hội được thực thi. Đây chính là điều kiện tiên quyết để quan điểm, tư tưởng về dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”… được thực thi ngày càng tốt hơn, để thúc đẩy đất nước phát triển.
----------------------------------------
(*) Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. 
https://tcnn.vn/news/detail/55699/Ket-qua%C2%A0thuc-hien-dan-chu-o-co-so-tai-doanh-nghiep-va-mot-so-de-xuat-kien-nghi-hoan-thien-the-che-ve-thuc-hien-dan-chu-tai%C2%A0doanh-nghiep.html

(Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất