Xây dựng củng cố niềm tin xã hội để hướng đến đồng thuận cao trong quản lý phát triển xã hội
Cái đẹp, cái thiện vẫn âm thầm, lặng lẽ tồn tại xung quanh chúng ta. Ảnh minh họa: VGP.

Giới thiệu
Niềm tin xã hội là một giá trị cơ bản và cốt lõi trong đời sống xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, từ thời cổ đại cho đến ngày nay, niềm tin xã hội luôn là vấn đề gắn liền với đời sống của mọi tầng lớp xã hội của các mối quan hệ xã hội, từ quan hệ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, nhóm với cộng đồng, quốc gia này với quốc gia khác. Niềm tin xã hội bao trùm mọi lĩnh vực đời sống xã hội, có mối quan hệ khăng khít với ý chí, khát vọng và sự thành đạt của một con người, sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Niềm tin xã hội có tính đạo đức, tính nhân văn và tính xã hội trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo… Dân gian ta cũng đã tổng kết và đúc rút ra các câu thành ngữ nhằm nhấn mạnh đến giá trị và ý nghĩa cũng như vai trò của niềm tin trong đời sống xã hội như: “Một sự bất tín vạn sự không tin”; “mất của cải là mất ít, mất niềm tin là mất nhiều”. Điều này cho thấy giá trị và tầm quan trọng của niềm tin xã hội đối với cuộc sống con người. 

Niềm tin xã hội không phải đơn thuần là trạng thái tâm lý, cảm xúc và ý thức của cá nhân, mà là sự tin tưởng của con người về các giá trị, chuẩn mực, thiết chế hiện hành trong đời sống xã hội. Niềm tin xã hội phản ánh các điều kiện và bối cảnh của một xã hội. Khi các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp hiện hữu trong đời sống xã hội bị sai lệch, tha hóa, biến tướng hay sự vận hành của các thiết chế xã hội bị lạm dụng, tạo ra sự khác biệt lợi ích và bất bình đẳng, vận hành thiết chế không đúng mong đợi và phục vụ lợi ích toàn xã hội thì tác động đến niềm tin, nếu không can thiệp kịp thời có thể tích tụ bất mãn và hệ quả là dẫn đến xung đột xã hội. Dưới góc nhìn khoa học xã hội, niềm tin xã hội không trừu tượng hóa mà có thể kiểm chứng đo lường theo các mức độ tin tưởng hoàn toàn; không tin tưởng hoàn toàn nhưng cũng không nghi ngờ hoàn toàn (bán tín, bán nghi); và hoàn toàn không tin tưởng về các hoạt động trong đời sống xã hội.

Niềm tin xã hội cao sẽ mang đến sự đồng lòng và đồng thuận cao trong xã hội. Ngược lại, niềm tin xã hội thấp sẽ nảy sinh mâu thuẫn, xung đột xã hội được xem là hệ quả tất yếu cuối cùng của sự bất tín, mất niềm tin của con người về xã hội, trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với nhóm và giữa các nhóm với nhau, giữa các quốc gia, dân tộc, v.v. Mâu thuẫn, xung đột luôn tiềm ẩn trong mọi quan hệ xã hội, khó tránh khỏi xung đột xã hội nếu các giá trị, chuẩn mực và sự vận hành của thiết chế không đúng mong đợi của các cá nhân, không tạo ra sự công bằng và bình đẳng cho mọi người trong xã hội. C.Mác từng khẳng định lịch sử phát triển xã hội loài người là sự đấu tranh giai cấp, một xã hội phi giai cấp, xung đột xã hội là không tránh khỏi, từ thời kỳ tiền sử nguyên thủy cho đến xã hội tư bản chủ nghĩa và chỉ khi loài người tiến đến xã hội cộng sản chủ nghĩa mới chấm dứt đấu tranh giai cấp. 

Bản chất của xung đột xã hội phản ánh sự bất đồng về các lợi ích, không đồng thuận về các giá trị, chuẩn mực dẫn đến mất niềm tin, không hợp tác và phản kháng bằng các hành động cụ thể của cá nhân, nhóm xã hội và hệ quả dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội. Có thể nói, mâu thuẫn, xung đột xã hội là hiện tượng khó tránh khỏi trong đời sống xã hội đương đại. Một xã hội phát triển ổn định, bền vững cần chú ý tạo dựng niềm tin xã hội vững chắc trong mỗi người dân, từ đó tạo đồng thuận và sức mạnh, động lực chung của toàn xã hội, giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột xã hội; nếu để xã hội rơi vào trạng thái người dân mất niềm tin thì bất mãn xung đột xã hội xảy ra là tất yếu sẽ tác động xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Rõ ràng là niềm tin xã hội và xung đột xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau trong mọi mặt của đời sống xã hội. Ở đâu có niềm tin xã hội cao thì ở đó sự đồng thuận xã hội, giảm thiểu nguy cơ xung đột xã hội. Nơi nào có niềm tin xã hội thấp, con người bất tín đối với xã hội thì ở đó các giá trị ảo, phi chuẩn mực, khủng hoảng, xung đột và trật tự xã hội rối loạn. Niềm tin xã hội là điều kiện cần thiết cho sự đồng thuận xã hội và giảm thiểu nguy cơ xung đột xã hội, bất ổn xã hội. Chưa bao giờ cụm từ niềm tin xã hội được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, sự khủng hoảng niềm tin được giải thích theo nhiều cách khác nhau, có ý kiến cho rằng sự khủng hoảng đó có nguyên nhân từ sự thiếu gương mẫu của những người lãnh đạo; do sự tham nhũng, lãng phí trong xã hội ngày càng gia tăng, sự không trung thực, minh bạch trong các giao dịch kinh tế, thương mại, trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội,văn hóa, tín ngưỡng…Đấy chính là vấn nạn của những sai lệch giá trị, chuẩn mực trong đời sống xã hội. Tác giả (Đặng Nguyên Anh, 2015) khi đề cập đến vấn đề này đã nêu “Có nhiều ý kiến cho rằng niềm tin của người dân đang bị sụt giảm, thậm chí khủng hoảng trước những biến đổi nhanh của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa. Nhận thức được sự vận hành và củng cố niềm tin là yêu cầu cấp thiết đối với sự ổn định và phát triển đất nước”. 

Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa sau gần 40 năm đổi mới. Từ một đất nước nghèo nàn vì hậu quả các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (2010). Một xã hội với xuất phát điểm mặt bằng dân trí thấp, các quyền cơ bản của con người chưa được đảm bảo trong đời sống xã hội, đến nay Việt Nam được Tổ chức Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá là quốc gia đang có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, chỉ số HDI tăng liên tục trong 27 năm qua. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước được đánh giá về chỉ số HDI, thuộc nhóm trung bình cao và Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức phát triển con người cao (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018). Trong quá trình phát triển, Việt Nam cũng không ngừng nâng cao dân trí, mở rộng các cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân, Việt Nam cũng thực hiện tốt các lĩnh vực y tế và giáo dục. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018). Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cũng cho thấy, Việt Nam có những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo (1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030) với chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197 và đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm tham gia thực hiện các công ước quốc tế như công ước CEDAW về Bình đẳng giới, Công ước UNCRC về quyền trẻ em, Công ước CRPD về người khuyết tật. Song hành với việc thực hiện các công ước quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con người, nhất là đối với nhóm yếu thế trong xã hội, như Luật Bình đẳng giới (2007), Luật Người Khuyết tật (2010), Luật Người cao tuổi (2009), Luật Trẻ em (2016), v.v. Các hoạt động liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. 

Tuy nhiên, thực tế phản ánh hệ giá trị, chuẩn mực mang tính tiêu cực, kiểm soát xã hội thiếu lành mạnh vẫn còn đang hiện hữu ở mọi mặt của đời sống xã hội. Biểu hiện cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường với hàng loạt vụ tham nhũng, lãng phí tài sản, tài nguyên, môi trường đất nước, những sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp diễn ra triền miên ở các địa phương gần đây. Trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa, v.v. vẫn còn tồn tại nhiều sai lệch về giá trị, chuẩn mực xã hội, sự vận hành chưa hiệu quả của các thiết chế xã hội. Thực tế này không chỉ gây tâm lý hoài nghi trong dư luận nhân dân mà còn tác động làm suy giảm niền tin xã hội, đồng thuận xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xung đột xã hội, đe dọa sự ổn định trong quản lý phát triển xã hội bền vững và bao trùm. 

Với phương pháp tổng hợp và khái quát hóa các nguồn tài liệu hiện có, bài viết này tập trung minh họa thực trạng niềm tin xã hội, phân tích nguyên nhân ảnh hưởng suy giảm niềm tin xã hội và các hệ lụy xã hội; đưa ra các thông điệp liên quan đến giải pháp xây dựng, củng cố niềm tin xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội cao, giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột, hướng đến mục tiêu quản lý phát triển xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam.

Vài nét về thực trạng niềm tin xã hội trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

Như đã nêu ở trên, niềm tin xã hội phản ánh sự tin tưởng của con người về các giá trị, chuẩn mực, thiết chế hiện hành trong đời sống xã hội. Niềm tin xã hội có tính hai mặt, nếu các cá nhân có niềm tin xã hội cao không chỉ tạo động lực trong cuộc sống cá nhân mà còn tạo sức mạnh đoàn kết và thống nhất trong mỗi nhóm và xã hội; nếu con người có niềm tin xã hội thấp thì dễ rơi vào trạng thái đơn lẻ, thiếu khát vọng, động lực hợp tác nhóm thấp và gia tăng xích mích. Những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học và kỹ thuật... ở nước ta trong gần 40 năm đổi mới đã góp phần tạo niềm tin đến mọi người dân về cuộc sống, đặc biệt tạo nhiều cơ hội hơn cho mỗi người dân được thể hiện năng lực, đóng góp trí lực cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi gia đình, cộng đồng, dân tộc, đất nước. Ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, hình ảnh các em học sinh, sinh viên chăm chỉ học tập, rèn luyện với niềm tin đạt thành tích cao trong học tập, có đạo đức, tri thức, việc làm và cuộc sống tốt đẹp mai sau; những người nông dân, ngư dân hàng ngày lăn lộn với ruộng đồng biển trời với mong muốn cuộc sống mưu sinh gia đình ngày càng ấm no hạnh phúc; các anh chị công nhân hăng say làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài nước, các thầy cô giáo, bác sĩ, nhà khoa học,… hăng hái tham gia sản xuất, giảng dạy và nghiên cứu với niềm tin tạo cuộc sống ngày càng khá giả và thịnh vượng; những chiến sĩ công an, bộ đội vẫn ngày đêm bảo đảm an ninh, canh giữ vùng biên cương an bình cho đất nước… Tuy nhiên, những hiện tượng sai lệch giá trị, chuẩn mực, kiểm soát, quản lý xã hội thiếu lành mạnh diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội (kinh tế, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…) thời gian gần đây đã và đang tác động đến tư tưởng, tâm lý hoài nghi và làm phương hại đến niềm tin tưởng của con người, để lại nhiều hệ lụy xã hội trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Sau đây minh họa một số hiện tượng có liên quan đến niềm tin xã hội và vấn đề đặt ra đối với quản lý phát triển xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên và môi trường
Niềm tin xã hội về lĩnh vực kinh tế, tài nguyên và môi trường thể hiện sự kỳ vọng của người dân, các nhóm xã hội về các giá trị liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Các chủ thể kinh tế không chỉ tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mang đến việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn phải đảm bảo không làm phương hại đến tài nguyên và môi trường sống của thế hệ hiện tại và mai sau. Thực tế cho thấy có không ít hiện tượng liên quan đến sai lệch giá trị và chuẩn mực trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng thời gian qua được xem là nguyên nhân ảnh hưởng làm suy giảm niềm tin xã hội của người dân. Chẳng hạn, các vụ đại án liên quan đến tham nhũng, lãng phí ở các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin, Vinalines, Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, các vụ án liên quan đến Ngân hàng Sacombank, Agribanh, BIDV, các sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường v.v. Những sai lệch trong sản xuất, kinh doanh và làm ăn kiểu chộp giật của người dân, doanh nghiệp như vụ cà phê trộn pin; bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào con vật trước khi giết mổ, nhập lậu thực phẩm kém chất lượng hay pha chế nhiều phụ phẩm độc hại vào thực phẩm bán ra thị trường. 

Có thể nói, những sai lệch trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài nguyên và môi trường thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước mà còn làm phương hại đến niềm tin của người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Điều quan trọng hơn là những hiện tượng sai lệch xã hội này đang gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, hình thành tâm lý bán tín bán nghi về các giá trị, chuẩn mực trong kinh tế, cũng như sự vận hành của thiết chế kinh tế hiện nay. Thực tế, niềm tin bán tín bán nghi hay vừa tin tưởng, vừa không tin tưởng về chất lượng sản phẩm, về các giao dịch trong quan hệ kinh tế, quản lý tài nguyên và môi trường thời gian qua cho thấy dấu hiệu hoài nghi của người dân về lĩnh vực kinh tế, tài nguyên và môi trường. Tình trạng này gây bức xúc trong dư luận và nảy sinh nhiều vụ biểu tình, phản kháng của người dân đối với doanh nghiệp và chính quyền địa phương.  

Kết quả nghiên cứu do Viện Xã hội học thực hiện 2015-2016 về liên kết trong phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn đã chỉ ra rằng, những người dân trong mẫu khảo sát ít tin tưởng (bán tín bán nghi) vào các liên kết hợp tác sản xuất với những người bên ngoài gia đình, cộng đồng. Theo đó, người dân có sự tin tưởng cao hơn ở những người thân ruột thịt trong gia đình, trong khi ít tin tưởng (bán tín bán nghi) vào các mối quan hệ làm ăn với người ngoài địa phương, đặc biệt là người nước ngoài. Điều này phần nào cho thấy sắc thái niềm tin trong quan hệ kinh tế của người dân hiện nay, những thách thức trong liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cũng theo một kết quả nghiên cứu khác do Viện Xã hội học thực hiện 2017-2018 về vai trò của vốn xã hội trong giảm thiểu xung đột cộng đồng cho thấy một tỷ lệ khá cao người dân trong mẫu khảo sát suy giảm niềm tin, mất niềm tin dẫn đến xung đột với doanh nghiệp, chính quyền địa phương liên quan đến trách nhiệm trong quản lý đất đai, môi trường. Qua các dẫn chứng này đã phần nào phác họa thêm nguyên nhân suy giảm niềm tin của người dân trong lĩnh vực kinh tế, trong các mối quan hệ sản xuất, kinh doanh, trong việc quản lý đất đai, tài nguyên ở các địa phương hiện nay. Những sai lệch xã hội này cũng đặt ra câu hỏi lớn đối vai trò của các thiết chế xã hội trong việc điều tiết và kiểm soát hành vi xã hội của con người trong bối cảnh hiện nay. Hệ lụy của tình trạng hoài nghi và niềm tin xã hội thấp (bán tín bán nghi) trong mối quan hệ trong sản xuất, kinh doanh, trong quản lý tài nguyên, môi trường không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững mà còn dẫn đến gia tăng bức xúc, bất đồng, xung đột, đe dọa an ninh, trật tự xã hội và đặc biệt là quản lý phát triển xã hội ở các địa phương.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mỗi người dân đều luôn có niềm tin và kỳ vọng lớn về hoạt động giáo dục của nhà trường sẽ trang bị đạo đức, thể chất, kỹ năng sống, kiến thức cho người học để có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Tuy nhiên, không ít sai lệch xã hội xảy ra trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua, chẳng hạn như nhiều vụ học sinh ngộ độc thực phẩm, tình trạng bạo lực học đường giữa trò với trò, tình trạng chạy điểm, chạy trường lớp, thu học phí sai quy định, chương trình, chất lượng giảng dạy kém ở mọi loại hình đào tạo không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đầu ra của nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nguy hại hơn làm phương hại đến niềm tin của con người về tính công bằng và hữu ích của hệ thống giáo dục nước nhà. Hiện tượng học sinh không nỗ lực học tập chờ đợi sự trợ giúp của cha mẹ, người thân để giành lấy thành tích học tập, tình trạng cha mẹ đánh đổi mọi thứ, bằng mọi cách cho con cái đi du học nước ngoài, hay tình trạng sinh viên nỗ lực học tập nhưng ra trường không xin được việc làm phù hợp, v.v. Hệ quả của những vấn đề này dẫn đến tâm lý, niềm tin bán tín, bán nghi vào giá trị, chuẩn mực và sự vận hành của thiết chế giáo dục và tìm đến các mô thức hành xử khác nhau nhằm đạt được mưu lợi của bản thân và gia đình. Quan trọng hơn là thực tế này sẽ để lại những hệ lụy xã hội lâu dài liên quan đến đạo đức và trí lực con người, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện  đại hóa đất nước.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe và y tế là dịch vụ xã hội cơ bản của đời sống xã hội. Mỗi người dân dù giàu hay nghèo khi đến bệnh viện luôn mong muốn kỳ vọng có hệ thống trang thiết bị đảm bảo, bác sĩ và nhân viên y tế làm tốt vai trò, trách nhiệm, thái độ phục vụ niềm nở, khám và điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng sai lệch, tiêu cực trong ngành Y tế diễn ra thời gian qua như vụ cán bộ lãnh đạo và nhân viên Công ty Cổ phần VN Pharma về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, vụ phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong ở Cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường, vụ 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, và nhiều vụ việc khác liên quan đến người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ và nhân viên tại các cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian qua, đã cho thấy hiện trạng sai lệch xã hội đang diễn ra trong ngành Y và làm phương hại đến niềm tin của người bệnh và người dân về vai trò của cán bộ, bác sĩ và nhân viên trong ngành Y tế. 

Trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng cũng đang diễn biến phức tạp ở mọi môi trường và ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của con người. Bất cứ quốc gia nào cũng luôn mong muốn con người có những hành xử đúng giá trị, chuẩn mực ở các môi trường từ gia đình, đến nhà trường và xã hội xung quanh. Song những sai lệch xã hội diễn ra nhiểu ở trong gia đình, nhà trường, và ngoài xã hội thời gian qua như hiện tượng con cháu hư hỏng không lễ phép với ông bà, cha mẹ, con cái ngược đãi cha mẹ, thậm chí giết cha mẹ; những ứng xử phi đạo đức học đường của trò và thầy trong nhà trường; vô số những hành xử thiếu văn hóa của con người ở môi trường công cộng như người dân thiếu tuân thủ luật lệ giao thông, xả rác bừa bãi nơi công cộng, tranh cướp, ẩu đả trong lễ hội, những hành vi kiểu sống thực dụng, lối sống ảo, sống vị kỷ cá nhân chủ nghĩa… những giá trị, chuẩn mực truyền thống đang mai một trong khi những giá trị, chuẩn mực xấu đang du nhập ồ ạt và thiếu kiểm soát đang thẩm thấu vào mọi người dân, nhất là giới trẻ… không chỉ làm xấu đi hình ảnh của đất nước mấy ngàn năm văn hiến mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về các giá trị, chuẩn mực và sự vận hành xã hội. Hoạt động nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng cũng có biểu hiện sai lệch trong thời gian gần đây, chẳng hạn như thắp hương, đốt quá nhiều vàng mã, và điển hình nhất là nghi lễ “Truyền vong báo oán” “Dâng sao giải hạn” ở Chùa Ba Vàng mới xảy ra thời gian qua phản ánh hiện tượng phát triển lệch lạc trong tôn giáo, tín ngưỡng. Tôn giáo có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, không chỉ an ủi, chia sẻ mà còn mang đến sự đoàn kết và động lực cho sự phát triển xã hội. Có thể nói, những sai lệch tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, tôn giáo hiện nay cũng đặt ra câu hỏi lớn liên quan đến vai trò và sự vận hành của các thiết chế giáo dục, y tế, văn hóa. Cách thức quản lý, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội chưa được triệt để. Vì vậy, những sai lệch trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng vẫn tiếp diễn và làm suy giảm niềm tin xã hội, đồng thuận xã hội, gia tăng mâu thuẫn xã hội, và đặc biệt là để lại hệ lụy liên quan đến phát triển thể chất và tinh thần của con người Việt Nam hiện đại.

Còn thiếu những bằng chứng thuyết phục để khẳng định về vấn đề niềm tin xã hội ở nước ta hiện nay, nhưng qua một số dẫn chứng và phân tích có thể tạm thời đưa ra một số nhận định về thực trạng niềm tin xã hội trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng...) như sau:

Những sai lệch giá trị, chuẩn mực vẫn tiếp diễn trong xã hội, sự vận hành các thiết chế xã hội chưa đúng chức năng, chưa đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của người dân. Đây là một trong số các nguyên nhân dẫn đến suy giảm và dấu hiệu khủng hoảng niềm tin con người trong đời sống xã hội.

Có tình trạng phân hóa niềm tin xã hội, không đạt được niềm tin xã hội tuyệt đối, bán tín bán nghi là một dạng thức khá phổ biến trong niềm tin xã hội của người dân. 

Con người đang không định vị cố định một niềm tin xã hội nào mà dung hòa nhiều niềm tin. Nói cách khác, họ không định hướng được hoặc mất phương hướng và thiếu động lực trong cuộc sống, nhất là trong bối cảnh các giá trị và chuẩn mực niềm tin đang dần bị thay đổi bởi tác động bên ngoài. 

Hệ lụy xã hội của bán tín bán nghi hay mất niềm tin xã hội, khủng hoảng niềm tin xã hội, về giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của xã hội đã hình thành nên những mô thức ứng xử khác nhau của các nhóm xã hội trong cuộc sống: những nỗ lực bản thân, thái độ trông trờ ỷ lại, cầu may sự phù hộ của thần thánh, thậm chí tìm đến con đường tự sát v.v. 

Tóm lại, thiếu niềm tin xã hội không chỉ chi phối cuộc sống mỗi cá nhân mà còn phương hại đến sự đồng thuận, hợp tác, đoàn kết và động lực của sự phát triển và thịnh vượng của mỗi cộng đồng, quốc gia và dân tộc.

Nghiên cứu này cho thấy tính chất bất định, sự thiếu ổn định của niềm tin xã hội của con người về các lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thực trạng niềm tin xã hội yêu cầu chúng ta phải nhìn lại mô hình quản lý và phát triển xã hội hiện nay. Việc củng cố, nâng cao chất lượng niềm tin xã hội, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp tổng thể với những thông điệp sau đây:

Các thông điệp để nâng cao chất lượng niềm tin và tạo đồng thuận xã hội 

 Tuyên truyền, giáo dục và thiết lập chặt chẽ hệ giá trị, chuẩn mực xã hội
Cốt lõi động cơ và hành động xã hội con người hướng đến là các giá trị, chuẩn mực xã hội trong đời sống xã hội. Giá trị, chuẩn mực tốt đẹp là cái mà mỗi con người, nhóm xã hội luôn mong đợi hướng đến trong cuộc sống. Lối sống tiêu cực, lệch chuẩn và thiếu lành mạnh nảy sinh gia tăng trong mọi mặt của đời sống xã hội thời gian qua là do sự im lặng của giá trị, chuẩn mực tốt đẹp, thực tế này đã tạo cơ hội cho các giá trị, chuẩn mực tiêu cực, giả dối tồn tại. Vì vậy, cần sớm thiết lập vai trò hiện hữu của hệ các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp trong đời sống xã hội, phát huy vai trò của dư luận xã hội về tôn vinh những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp; đồng thời tẩy chay và loại bỏ những giá trị, chuẩn mực tiêu cực, thiếu lành mạnh ra khỏi đời sống xã hội. Tuyên truyền giáo dục để con người hướng đến lối sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật, vị tha bao dung và có trách nhiệm cao trong cuộc sống.

Tạo cơ hội tham gia và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội
Niềm tin xã hội dựa trên những mong đợi, định hướng của con người về các giá trị, chuẩn mực trong cuộc sống. Cơ hội tham gia của mỗi người dân, thể hiện chính kiến đối với giá trị, chuẩn mực xã hội đang hiện hành cũng sẽ giúp tạo dựng niềm tin xã hội, đồng thuận cao trong xã hội; điều này cũng đảm bảo lợi ích giữa các nhóm xã hội trong quá trình phát triển. Sự phản kháng và xung đột xã hội nảy sinh thời gian qua, một phần do người dân thiếu cơ hội tham gia, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích các nhóm xã hội trong phát triển. Vì vậy, để củng cố niềm tin xã hội, nâng cao đồng thuận xã hội cần phải tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân vào mọi mặt của đời sống xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhóm trong phát triển, đặc biệt là quan tâm nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.

 Phát huy vai trò điều hòa và kiểm soát của các thiết chế xã hội
Thiết chế xã hội có chức năng điều hòa và kiểm soát các mối quan hệ xã hội. Thiết chế xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng mang đến niềm tin xã hội. Khi các thiết chế không thực hiện tốt vai trò theo mong đợi xã hội, con người sẽ mất niềm tin và tìm đến những hệ thống quyền lực khác. Niềm tin xã hội trong mỗi cá nhân về mọi mặt của đời sống xã hội giảm sút, gia tăng những động cơ và hành vi lối sống tiêu cực, thiếu lành mạnh hiện nay đều liên quan đến vai trò các thiết chế xã hội như: chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, gia đình… Vì vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của các thiết chế xã hội này trong việc điều hòa và kiểm soát các quan hệ đang hiện hữu trong đời sống xã hội. Có cơ chế, hình thức khen và xử phạt thích đáng với những hành vi lệch chuẩn, tiêu cực đang diễn ra trong đời sống xã hội.

 Hướng đến xã hội minh bạch và công minh
Xã hội minh bạch và công minh sẽ tạo cơ hội cho hệ các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của xã hội tồn tại, con người sẽ tin tưởng và hướng cuộc sống của bản thân đến những giá trị, chuẩn mực tích cực. Trong thời gian qua người dân suy giảm niềm tin, thậm chí có biểu hiện mất niềm tin xã hội, tìm đến lối sống thiếu lành mạnh và phản kháng đối với hệ thống xã hội là do thiếu minh bạch, chưa công minh trong các hoạt động của đời sống xã hội. Vì vậy, sự công minh và minh bạch mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay sẽ góp phần vào củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất