Vai trò doanh nghiệp nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030

Tác động tích cực của phát triển nhà ở xã hội đối với ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội

Nhà ở là một hàng hóa đặc biệt, đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu, quan trọng nhất của con người, là tài sản có giá trị lớn của mỗi hộ gia đình, cá nhân. Phát triển nhà với chất lượng tốt, nâng cao điều kiện sống cho người dân luôn được các quốc gia quan tâm.

Thực tiễn tại nhiều quốc gia cho thấy việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội bảo đảm quyền sở hữu nhà ở cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, ít năng lực cạnh tranh, cần được chăm sóc về nhà ở là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự ổn định chính trị và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Hiệu quả kinh tế - xã hội của việc phát triển nhà ở xã hội tại mỗi quốc gia được thể hiện ở những khía cạnh, lĩnh vực khác nhau tùy theo mỗi nước. Phát triển nhà ở xã hội góp phần kích thích nền kinh tế quốc gia qua nâng cao lĩnh vực xây dựng, tạo thêm việc làm. Nhà ở xã hội giúp lực lượng lao động có cơ hội nâng cao các điều kiện về sức khỏe, giáo dục, giải trí,… tạo điều kiện tốt hơn để tái sản xuất sức lao động, gián tiếp nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, sự an tâm về nơi ở không chỉ giúp tăng chi tiêu, kích thích thị trường mà còn tăng cường sự hòa nhập xã hội, giảm sự mâu thuẫn giữa các nhóm người hoặc giữa các nhóm người với chính quyền.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam thời gian qua

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có các chính sách phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng với hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Với các chính sách của Nhà nước, gần 10 năm qua, bằng nhiều nguồn lực lớn được huy động, chương trình phát triển nhà ở xã hội được triển khai đã mang lại những kết quả tích cực, những hiệu quả quan trọng không chỉ về ý nghĩa xã hội mà còn là lời khẳng định cho một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội và khảo sát tại nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội tại Việt Nam rất lớn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 3 triệu người.

Trong khi đó, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, song đến hết năm 2018, so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành mới đạt khoảng 33% với 198 dự án, quy mô xây dựng hơn 81.700 căn hộ, tương đương 4.085.000 m2 nhà.

Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội

Ngoài những nguyên nhân về nguồn vốn cho vay/vay mua phát triển nhà ở xã hội, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở, tập quán của người dân muốn sở hữu nhà ở,.. thì một nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chưa đạt kỳ vọng là do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chưa thực sự quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, các chính sách ưu đãi còn chưa nhiều và quan trọng là mức lợi nhuận thấp, không hấp dẫn các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp có nguồn vốn tư nhân. Thực tế phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy một khối lượng lớn nhà ở xã hội là do các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước triển khai trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức hiệu quả chấp nhận được kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới

Kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội thành công tại một số nước cho thấy, vai trò của nhà nước đặc biệt quan trọng. Bên cạnh xây dựng các chính sách ưu đãi, thu hút các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội, thì các doanh nghiệp do nhà nước đầu tư vốn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nhà ở xã hội.

Tại Hàn Quốc, một quốc gia được đánh giá thành công về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, ngay những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống nhà ở xã hội bằng cách đầu tư vốn vào Tổng công ty Phát triển Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc.

Theo Dr. Kim, NamJung (LHI) tại Hội thảo đầu kỳ Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể Nhà ở xã hội Việt Nam, giai đoạn 2020-2030” tổ chức tại Hà Nội tháng 2-2019: mặc dù các dự án nhà ở xã hội tại Hàn Quốc đang chuyển dần từ quy mô lớn do trung ương lãnh đạo sang quy mô nhỏ phù hợp với chính quyền địa phương, thì trong giai đoạn đầu phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc, các dự án do Tổng công ty Phát triển Đất đai và Nhà ở đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nhà ở xã hội cho người dân Hàn Quốc. Cũng tại hội thảo này, Dr. Moon Hyogon (PM), đề xuất mô hình cung cấp nhà ở trong nội dung tư vấn và nghiên cứu chính sách cũng đề cập đến vai trò của Tổng công ty đầu tư công trong việc đa dạng nguồn cung nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Một mô hình phát triển xã hội rất thành công thường được nhắc đến tại châu Á là Xin-ga-po. Tại quốc gia có quỹ đất hiếm hoi với chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ này, người dân không phải đối mặt với những khó khăn về nhà ở. Có đến 80% người dân Xin-ga-po hiện đang sinh sống trong quỹ nhà ở xã hội do Cơ quan Phát triển nhà ở Xin-ga-po (HDB) kiến tạo nên. Với vai trò một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở xã hội của Xin-ga-po, HDB đã phân bổ và quy hoạch nguồn lực của quốc gia này một cách hết sức hiệu quả cho phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tại một số quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, vai trò của các doanh nghiệp hoặc tổ chức do Nhà nước đầu tư vốn cũng rất quan trọng, được Nhà nước sử dụng như một công cụ kinh tế để tham gia đầu tư, phát triển nhà xã hội cũng mang lại thành công trong lĩnh vực này.

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam

Từ tầm quan trọng và thực trạng phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam trong thời gian qua và nhu cầu nhà ở xã hội trong thời gian tới, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong lĩnh vực nhà ở xã hội, trong định hướng chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030 cần nghiêm túc xem xét, phát huy vai trò của một số doanh nghiệp, tổ chức do Nhà nước đầu tư vốn để tham gia phát triển nhà ở xã hội, thông qua việc duy trì một số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, phát triển nhà ở hoặc hình thành các tổ chức do Nhà nước đầu tư vốn để phát triển nhà ở xã hội.

Đây sẽ là công cụ kinh tế quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo lập quỹ nhà ở xã hội phục vụ nhân dân đồng thời góp phần duy trì được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về cả về chuyên môn và lý luận, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Đây là một nguồn lực quan trọng của kinh tế nhà nước cần phải có các chính sách để gìn giữ và phát huy.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất