Bài 1: Khi đảng viên đi trước
Sinh thời Bác Hồ thường nhắc: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Và thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên (CBĐV) xã Hòa Hưng (Giồng Riềng) đã nỗ lực nêu gương để xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Từ chuyện nêu gương
Mấy năm trước, nói đến khó khăn về đi lại sẽ có ý kiến nhắc đến tình trạng của nhiều hộ dân sống hai bên tuyến kênh 14, xã Hòa Hưng. Ông Nguyễn Văn Giáng (sinh 1965), ở kênh 14, nói: “Đường sá khó khăn thì mọi thứ gần như không phát triển. Vì vậy, nghe chủ trương làm đường mà CBĐV xung phong đóng góp tiền làm trước nên dân đóng góp”.
Trong 2 con đường cặp kênh 14, ngân sách chỉ đủ bố trí xây dựng 1, còn lại CBĐV, người dân góp tiền xây dựng. Không lâu sau, hai con đường dài gần 4km hình thành, tổng kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Giáng cho biết: “Nếu CBĐV không nêu gương thì dễ gì…”. Hỏi chuyện này, đồng chí Nguyễn Việt Năng - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hưng, cho biết: “Khó nhất là kết cấu hạ tầng ở xã còn yếu, nhưng do CBĐV luôn nêu gương, làm trước nên hiệu quả mang lại khá cao, người dân đồng tình, ủng hộ”.
Ở một đảng bộ mà lâu lâu có người bị kiểm điểm, phê bình, kỷ luật thì việc Ban Thường vụ Đảng ủy đề ra mục tiêu xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh trong nhiệm kỳ 2010-2015 ít ai tin sẽ thực hiện được. Vậy mà xã Hòa Hưng làm được. Đồng chí Nguyễn Việt Năng nói: “Mọi việc bắt đầu từ chuyện nêu gương của CBĐV”. Đảng ủy xã xác định nêu gương là việc làm hàng ngày nên mọi chuyện cũng quy vào đó mà xem xét, mổ xẻ, góp ý, tự phê bình và phê bình, nhất là đạo đức, lối sống, phong cách, lề lối làm việc, trách nhiệm với công việc… “Bắt buộc CBĐV phải nêu gương ban đầu cũng có người giận, người hờn nhưng cuối cùng ai cũng hiểu và chuyên tâm vào công việc chung. Sau những lần kiểm điểm tới lui, làm rõ trách nhiệm thì chẳng còn ai dám lơ là công việc hay buông lơi trách nhiệm…”, đồng chí Nguyễn Việt Năng cho biết thêm.
Gần dân, sát dân
CBĐV gương mẫu, trách nhiệm không chỉ góp phần xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh mà còn là tiền đề thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khác, trong đó có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng chí Trần Trung Lập - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hưng, cho biết: “Chuyển biến được nhận thức thì hành động của CBĐV cũng thay đổi tích cực. Anh em ai cũng chuyên tâm làm việc, luôn nêu gương và nhờ đó mà mọi chủ trương, phong trào thi đua của xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM đều được nhân dân ủng hộ cao”. Từ năm 2010 đến nay, người dân trong xã đóng góp cùng Nhà nước khoảng 7,6 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, góp phần đưa Hòa Hưng đạt chuẩn NTM.
Ở ấp Hòa Tân, xã Hòa Hưng trước đây, cuộc sống người dân trồng lúa rất bấp bênh, nay họ đã yên tâm hơn khi canh tác thêm cây tiêu. Theo ông Nguyễn Văn Can (sinh 1963), ngụ ấp Hòa Tân, nhờ xã kịp thời nắm bắt tình hình, tích cực hỗ trợ người dân trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nên người dân rất phấn khởi. Vụ tiêu này gia đình ông Can trúng mùa, trừ hết chi phí, 4 công tiêu ông bỏ túi hàng chục triệu đồng, lợi nhuận gấp 2 lần trồng lúa. Theo đồng chí Trần Trung Lập, hiện ấp Hòa Tân có 25 hộ trồng 7,6ha tiêu hiệu quả nên thời gian tới xã dự kiến thành lập câu lạc bộ trồng tiêu để bà con dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ sản xuất.
Những ngày cuối tháng 4, tiết trời oi bức, nhưng nhiều CBĐV xã Hòa Hưng thường xuyên xuống dân để nắm bắt tình hình hay triển khai công việc. Đến xã Hòa Hưng hiện nay ít còn thấy chuyện cán bộ nhậu nhẹt, đảng viên bỏ bê công việc, lơ là trách nhiệm, thiếu gương mẫu mà thay vào đó, CBĐV ở đây giờ chuyện gì cũng làm trước, đi trước. Nhờ vậy, 5 năm qua, Đảng bộ xã Hòa Hưng xây dựng, giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liên tiếp.
TÂY HỒ
Bài 2: Từ chối hối lộ
Trong phòng lấy lời khai, người phụ nữ trạc 30 tuổi được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tiếp. Chị xưng là vợ một bị can ở xã Tây Yên (An Biên) đang bị tạm giam về hành vi đánh bạc. Gia đình khó khăn nên chị xin được bảo lãnh cho chồng tại ngoại và sẽ bồi dưỡng cho người giúp mình. “Mong anh nhận cho…”, chị nói xong, để lại một chiếc phong bì trên bàn rồi rời đi. Trong chiếc phong bì có 10 triệu đồng…
|
Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích trong phòng, chống tham nhũng
|
Sau khi người phụ nữ ra về, người Viện trưởng ấy chính là đồng chí Kiều Công Đô - Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện KSND huyện An Biên báo cáo ngay cho lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc huyện An Biên đến lập biên bản xử lý vụ việc. Câu chuyện xảy ra tháng 4-2015 và đây không phải là lần đầu…
Rèn thói quen từ chối
“Từ chối hối lộ không hề dễ nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện trong nhiều năm qua, xây dựng thành truyền thống của chi bộ”, đồng chí Kiều Công Đô kể. Đồng chí Nguyễn Thành Tây, đảng viên Chi bộ Viện KSND huyện An Biên, nói: “Nếu đồng chí Viện trưởng bỏ túi phong bì ấy và ém nhẹm luôn thì chẳng ai biết cả. Nhưng để giữ trong sạch trong Chi bộ, ngành và bản thân, đồng chí quyết tâm nói không với hối lộ. Chính vì vậy mà việc này trở thành cái nếp ở Viện KSND huyện An Biên”. Và chuyện từ chối hối lộ, nhờ vả mà Viện KSND huyện An Biên thực hiện từ nhiều năm nay trở nên “có tiếng” nên cũng không ai đến hối lộ, xin xỏ gì nữa…
“Số tiền 10 triệu đồng ai chẳng muốn nhưng đồng tiền ấy phải do chính mình làm ra chứ nhận hối lộ thì không được. Một lần nhận thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần khác. Có làm ắt sẽ có người biết. Lãnh đạo không nêu gương thì chi bộ sẽ chẳng bao giờ trong sạch được”, đồng chí Kiều Công Đô nói. Để làm tốt việc này, trong từng cuộc họp chi bộ, cơ quan hay trong công việc hàng ngày, hễ có dư luận đồng chí này, đồng chí kia không tốt là chi bộ họp để chấn chỉnh. Nhiều năm qua, việc tạo nên thói quen từ chối nhận hối lộ đã thành nếp sống, sinh hoạt tập thể của Viện KSND huyện An Biên và được người dân đánh giá cao. Như chị V.T.B.V, người đưa hối lộ trong câu chuyện trên, chia sẻ: “Tôi tin hơn vào Đảng, Nhà nước và pháp luật…”.
Hoàn thiện bản thân
Để từng đảng viên, kiểm sát viên nói không với hối lộ và trưởng thành hơn, chuyện tưởng chừng như ngày một ngày hai này lại là cả một quá trình mà Chi bộ Viện KSND huyện An Biên phải phấn đấu nhiều năm trời. Tháng 5-2013, đồng chí Trần Như Ý xin vào làm việc ở Viện KSND huyện An Biên. Chi bộ Viện KSND huyện An Biên phân công một đảng viên là kiểm sát viên giúp đỡ đồng chí Ý. “Sự giúp đỡ từ những vấn đề cần chú ý trong đảm bảo giờ giấc làm việc, đến chế độ thông tin, báo cáo, cách tiếp cận hồ sơ, trình bày quan điểm về hồ sơ vụ án, đánh giá chứng cứ trong việc bắt tạm giam…”, đồng chí Trần Như Ý kể.
Chi bộ Viện KSND huyện An Biên có 11 đảng viên và phân công nhau người cũ hướng dẫn người mới, đảng viên giúp đỡ quần chúng. Tất cả đều phải hỗ trợ, giúp nhau cùng tiến bộ. Trong từng công việc, từng vụ án cụ thể, mọi người trong đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để cùng sửa sai, chấn chỉnh những yếu kém, khuyết điểm. Bên cạnh đó, những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém của từng đảng viên đều được kiểm điểm trước chi bộ để mổ xẻ nguyên nhân, góp ý khắc phục. Đồng chí Trần Như Ý cho biết: “Nhờ vậy mà bản thân tôi đã trưởng thành lên rất nhiều và tình cảm cán bộ, đảng viên trong đơn vị ngày càng gắn bó, như người một nhà”.
“Trước đây, tính tôi hay nóng nảy, chấp hành giờ giấc chưa nghiêm cùng nhiều mặt hạn chế khác, được chi bộ gợi ý phải kiểm điểm 2 lần. Ngay cả lãnh đạo chi bộ còn được anh em góp ý, sửa chữa, huống chi mình…”, đồng chí Trần Minh Hải Đăng, kiểm sát viên, đảng viên Chi bộ Viện KSND huyện An Biên tâm sự. Tưởng chừng như buông xuôi, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, là người đi kiểm sát người khác mà bản thân không ra gì cũng khó, vậy là đồng chí Trần Minh Hải Đăng sửa chữa, hoàn thiện mình hơn.
“Có anh em tính tình bảo thủ, lập trường không ổn định, tổ chức kỷ luật không nghiêm, ỷ lại này nọ, không theo được phải chuyển công tác. Lúc ấy cũng bấm bụng lắm vì thương anh em nhưng vì nhiệm vụ nên thôi”, đồng chí Kiều Công Đô tâm sự. Trước năm 2010, ở Chi bộ Viện KSND huyện An Biên từng có trường hợp cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Nhưng những năm gần đây, với quyết tâm và gương mẫu của tập thể cán bộ, đảng viên, Chi bộ Viện KSND huyện An Biên vươn lên, giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh…
Bài 3: Ấm áp tình đồng chí
Ít ai nghĩ từ khó khăn đời sống mà vợ chồng đảng viên trẻ Phạm Văn Sắc, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Thắng (Gò Quao) lại có thể vươn lên thoát nghèo, khấm khá. Vốn “mồi” cho sự vươn lên ấy là từ sự chung tay góp sức của những đồng chí…
Góp tiền làm giàu
Cạnh căn nhà mới cất, vợ chồng anh Phạm Văn Sắc đang cho gà, vịt ăn. Vài tháng nữa, 500 con gia cầm này sẽ mang về cho họ hàng chục triệu đồng. Cưới nhau xong, vợ chồng anh Sắc phải ở tạm nhà cha mẹ và tự lo sinh kế. Tháng 4-2013, anh được Đảng ủy xã xét cho vay không tính lãi 3 triệu đồng. Vợ chồng anh chăn nuôi heo, nay lại được xét cho vay 5 triệu đồng nuôi gà, vịt. Và từ một hộ có kinh tế khó khăn, giờ vợ chồng anh đã vươn lên khấm khá hơn. Anh Sắc nói: “Tất cả là nhờ có nguồn vốn của xã…”. Và ở xã Vĩnh Thắng, nguồn vốn ấy đã giúp không ít đảng viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Đồng chí Huỳnh Hữu Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Thắng, cho biết: “Đảng viên mà nghèo thì vận động người dân làm kinh tế sao được. Vì vậy, Đảng ủy xã vận động cán bộ, đảng viên góp tiền giúp đảng viên nghèo làm kinh tế”. Khoảng 100 đảng viên trong toàn Đảng bộ ủng hộ góp tiền cho các đảng viên có hoàn cảnh khó khăn vay đầu tư sản xuất không tính lãi, mỗi người góp từ 5.000 đến 30.000 đồng. Đến nay đã có 13 lượt đảng viên ở xã Vĩnh Thắng được vay 3 đến 6 triệu đồng/người với tổng tiền gần 80 triệu đồng. Đồng chí Bùi Văn Kết - Chủ tịch Hội Nông dân xã, đảng viên Chi bộ ấp Vĩnh Tân, nói: “Tôi cũng được vay 5 triệu đồng để nuôi cá điêu hồng, rô phi, cá tra… Ban đầu tôi cũng nghĩ chuyện vay vốn này chẳng thể giúp đảng viên thoát nghèo nhưng kết quả lại khác”. Từ cách làm này từ đầu năm 2012 đến nay, hầu hết đảng viên ở Đảng bộ xã Vĩnh Thắng đều có kinh tế từ trung bình trở lên, không còn hoàn cảnh khó khăn hay thiếu thốn.
Kèm để sửa
Không chỉ góp tiền giúp nhau phát triển kinh tế, cán bộ, đảng viên Đảng bộ xã Vĩnh Thắng còn giúp đồng chí sửa sai, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Ở xã, mỗi năm lại có một vài người bị kỷ luật liên quan đến đạo đức, lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mỗi lần như thế, chúng tôi phải phân công cấp ủy trực tiếp và một số đảng viên kèm cặp để họ sửa sai, chấn chỉnh. Mình mà bỏ bê họ thì không được”, đồng chí Huỳnh Hữu Hùng nói.
Tháng 11-2013, cô H - hiệu trưởng một trường trong xã bị xử lý khiển trách do vi phạm quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến uy tín tập thể nhà trường và cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của chi bộ và Đảng bộ xã, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Nhiều người nghĩ cô sẽ buông xuôi, phó mặc chuyện “ai làm gì thì làm” nhưng sau 2 năm lại khác.
Cô H kể: “Tôi được đồng chí, đồng nghiệp trong chi bộ tận tình giúp đỡ để sửa sai, khắc phục. Có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc…”. Ngay năm sau, cô được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Năm sau nữa, cô được Đảng ủy xã đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ chuyện được cho cơ hội khắc phục, sửa chữa mà cô H không bất mãn, ngại khó, làm tốt hơn công việc. Dễ thấy nhất là sau 2 năm từ khi cô H bị kỷ luật, trường đạt chuẩn quốc gia. Trước đây đảng viên của trường sinh hoạt chung chi bộ với cơ quan xã nên đến tháng 3-2016, chi bộ nhà trường đủ điều kiện để thành lập. Cô H tiếp tục được Đảng ủy xã tin tưởng chỉ định giữ chức bí thư chi bộ. Không riêng gì cô H mà hầu hết đảng viên ở chi bộ đều có cơ hội khắc phục như nhau. Và chuyện sửa sai ấy được đảng viên trong chi bộ, đảng bộ theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, không để xảy ra chuyện buông xuôi. Có lẽ chính từ đó, nhiều năm nay, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ xã Vĩnh Thắng đều đạt và vượt, đảng viên thì không còn cảnh khó khăn mà hễ nói gì, làm gì, dân đều tin và làm theo…
Bài 4: Nói thẳng và nghe thật
7 giờ 30 phút, cuộc họp bắt đầu, ý kiến thẳng thắn, sát sườn, không ngại né tránh…
Phát huy dân chủ
Những năm trước đây, ít ai nghĩ ở Đảng bộ Quân sự huyện Kiên Hải lại có thể thường xuyên diễn ra những cuộc họp như thế này nhưng nay thì đã thành thông lệ. Hàng tháng, hàng quý, từ Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) huyện đến các đơn vị trực thuộc đều phải tổ chức họp ngày sinh hoạt chính trị, văn hóa, tinh thần ở cơ sở. Binh nhất Lê Tài Nguyên, chiến sĩ Đại đội Bộ binh, BCHQS huyện Kiên Hải, tâm sự: “Trước đây tôi cứ nghĩ trong quân đội thường chỉ huy theo kiểu mệnh lệnh, chẳng cần quan tâm đảng viên hay cấp dưới nghĩ gì. Nhưng thực tế ở Kiên Hải không như vậy”.
Trung tá Lý Quốc Trung - Phó Chỉ huy trưởng BCHQS huyện Kiên Hải cho biết, việc họp như thế không chỉ riêng ở Đảng bộ Quân sự huyện Kiên Hải mới có. Tuy nhiên, các cuộc họp ở đây rất chú trọng đến chất lượng nội dung. Đồng chí, đồng đội góp ý nhau thẳng thắn để mổ xẻ những chuyện tốt, chưa tốt để từ đó cùng rèn luyện, phấn đấu trưởng thành hơn. Và đương nhiên chẳng cả nể hay né tránh ai cả, từ lãnh đạo cao nhất đến từng đảng viên, chiến sĩ đều được tôn trọng ý kiến và cầu thị trong tiếp thu. Mấy năm trước, Trung tá Lý Quốc Trung nghiện thuốc lá nặng nhưng nay đã hạn chế hút rất nhiều vì được anh em trong chi bộ, đảng bộ góp ý. “Là lãnh đạo phải gương mẫu nên khi mọi người góp ý chuyện hút thuốc, tôi dần hạn chế. Không thay đổi thì anh em sẽ không góp ý cho mình nữa. Phải sửa, sửa và sửa thôi”, Trung tá Lý Quốc Trung thuật lại.
Ban đầu khi thực hiện, không nhiều người đánh giá cao những cuộc họp như thế. Nhưng sau nhiều buổi họp có nhiều ý kiến thẳng thắn, giờ các cán bộ, chiến sĩ ở BCHQS huyện Kiên Hải đã tin là làm thật, tiếp thu cũng thật. Trung úy Mai Văn Hoàn - Chính trị viên Đại đội Bộ binh, tâm sự: “Ban đầu, nhiều chiến sĩ không dám có ý kiến, nhưng được lãnh đạo đơn vị gợi mở, khuyến khích nên dần anh em đã nói thẳng, nói thật”. Từ những cuộc họp thế này, việc đồng chí này có tính tình nóng nảy, chỉ huy kiểu mệnh lệnh, đồng chí kia tác phong chưa chuẩn, ăn mặc không chỉnh tề… đều phải thay đổi. Đặc biệt, hàng năm, hầu hết đảng viên toàn Đảng bộ Quân sự huyện Kiên Hải hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó hơn 19% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Việc nước trước việc nhà
Ở Đảng bộ Quân sự huyện Kiên Hải hầu hết là nam, chuyện gì đảng viên, chiến sĩ cũng biết làm và làm tốt. Trên 85% cán bộ, chiến sĩ, đảng viên ở Đảng bộ từ đất liền, hoặc là được điều động, nhập ngũ ra đây. Cuộc sống xa gia đình, người thân nên các đồng chí phải tập nấu ăn và làm mọi thứ. Đại úy Danh Học - Trung đội trưởng Trung đội Hỏa lực công tác ở đơn vị hơn 14 năm nay. Khi chưa cưới vợ, ở đơn vị làm việc 2 - 3 tháng, có khi hơn nửa năm đồng chí Học mới về nhà. “Đã chấp nhận là bộ đội Cụ Hồ thì chuyện gì cũng phải vượt qua. Nhưng đổi lại anh em ở đây đều xem nhau như người nhà, cùng chia sẻ những buồn vui, gian khó”, đại úy Danh Học nói. Cũng từ yêu cầu nhiệm vụ mà nhiều năm nay, đồng chí Học xa nhà trong những ngày tết nhưng chẳng bao giờ suy nghĩ thiệt hơn trong công việc. “Việc nước trước việc nhà mà…”, đại úy Danh Học nói.
Mặt khác, lãnh đạo Đảng bộ Quân sự huyện Kiên Hải còn chia sẻ với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bằng cách tăng gia sản xuất như nuôi heo, trồng rau… Mỗi năm hàng chục triệu đồng được tích lũy. “Những ngày lễ, tết hay người thân chiến sĩ bệnh hoạn, đau ốm, mình tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà từ nguồn tiền tăng gia sản xuất này. Anh em vừa an tâm công tác, tình đồng chí, đồng đội càng thêm khăng khít. Họ yên tâm chuyện gia đình thì việc gì cũng có thể hoàn thành”, Trung tá Lý Quốc Trung thông tin. Thời gian rảnh, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với các chi đoàn ở địa phương để vơi bớt nỗi nhớ nhà, xa gia đình nhưng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thì ai cũng hiểu đó là trên hết. Có lẽ nhờ đó mà hàng năm, công tác huấn luyện ở Đảng bộ Quân sự huyện Kiên Hải đều đạt kế hoạch, lực lượng thường trực quân số tham gia đạt gần 99%; nhiều cuộc diễn tập, luyện tập đều được thực hiện tốt...
Bài cuối: Chấn chỉnh chính mình
Hơn 10 năm nay chưa có cán bộ, đảng viên nào bị kỷ luật, đây là thành tích đáng nể của Chi bộ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Rạch Giá, chi bộ mới đây được Tỉnh ủy tặng cờ thi đua cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2011-2015)
Giảm nhũng nhiễu
Đến nay, đồng chí Ngô Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá) vẫn còn chưa quên chuyện Đảng ủy phường trong nhiệm kỳ 2010-2015 được UBKT Thành ủy Rạch Giá kiểm tra chấp hành 3 cuộc. Sau khi kiểm tra, UBKT Thành ủy Rạch Giá chỉ rõ một số thiếu sót, hạn chế. Sau đó, đoàn kiểm tra ra về, không đòi hỏi “khoản này khoản kia”, thậm chí từ chối cả chuyện mời cơm…
Đồng chí Tô Việt Huỳnh - Bí thư Chi bộ, Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Rạch Giá, nói: “Chúng tôi quán triệt rõ phải giữ được hình ảnh đẹp của người làm công tác kiểm tra. Mình đi kiểm tra người khác mà lại nhũng nhiễu, hách dịch, quan liêu… thì không thể chấp nhận được”. Vì thế, kết luận kiểm tra nêu rõ tất cả những mặt được, chưa được và những điều cần khắc phục. “Dựa trên cơ sở ấy, Đảng ủy phường Rạch Sỏi đã chấn chỉnh, khắc phục”, đồng chí Ngô Văn Dũng cho biết.
Để có được những “thói quen biết từ chối bổng lộc không minh bạch” không phải dễ. Ở UBKT Thành ủy Rạch Giá, hễ người nào trước khi ra khỏi phòng đều phải tắt hết đèn, quạt, máy lạnh. Giấy in nháp thì dùng lại để in 2 mặt. “Những chuyện nhỏ nhặt như thế nhưng nếu không ý thức được dần dần sẽ gây lãng phí lớn, rồi tiêu cực này nọ, dễ dẫn đến thói quen lơ là nhiệm vụ. Bất cứ chuyện gì, đảng viên đều phải chuẩn mực, làm gương, sau đó mới nói tới chuyện kiểm tra người khác”, đồng chí Tô Việt Huỳnh phân tích. Và nghiễm nhiên, khi chính đơn vị mình trong sạch thì khi kiểm tra các đơn vị khác theo thẩm quyền, thành viên UBKT Thành ủy Rạch Giá không ngần ngại bất cứ chuyện gì, tránh chuyện làm cho có lệ. Tất cả phải thực hiện đúng luật, quy định. Chính nhờ vậy, 5 năm qua, đơn vị đã phát hiện kịp thời, xử lý kỷ luật 16 đảng viên vi phạm thuộc thẩm quyền, góp phần làm trong sạch Đảng bộ TP. Rạch Giá và ngay cả trong sạch chính chi bộ mình.
Muốn chuẩn phải sửa
Hơn 10 năm nay chưa có cán bộ, đảng viên nào ở Chi bộ UBKT Thành ủy Rạch Giá bị kỷ luật. Để làm được việc này, có lẽ không thể không kể đến việc giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, cũng như việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên trong chi bộ, nhất là làm tốt công tác tự phê bình và phê bình. Đồng chí Đinh Thu Xương, đảng viên, Ủy viên UBKT Thành ủy Rạch Giá, tâm sự: “Anh em luôn đóng góp nhau thẳng thắn, từ đạo đức, lối sống cho đến tác phong, lề lối làm việc. Góp thì phải sửa. Một vài đồng chí còn những khuyết điểm như ít tham gia phát biểu ý kiến trong các cuộc họp, theo dõi cơ sở chưa sâu sát… Từ người đứng đầu đến từng đảng viên đều phải tự sửa chữa những hạn chế, yếu kém để dần tiến bộ”.
Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo UBKT Thành ủy Rạch Giá luôn đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đồng chí, đồng thời thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Trong vài cuộc kiểm tra, giám sát, có những đảng viên làm việc còn chậm, chất lượng công việc chưa sâu cũng được đưa ra chi bộ mổ xẻ, góp ý thẳng thắn. “Khi anh em góp ý, tôi phải sửa những hạn chế bản thân. Là lãnh đạo mà không nghe anh em góp ý, không sửa thì rất dễ dẫn đến sai phạm, bản thân cũng không trưởng thành được”, đồng chí Tô Việt Huỳnh nói. Chính cách làm này mà nhiều năm nay, Chi bộ UBKT Thành ủy Rạch Giá đã không để xảy ra cán bộ, đảng viên sai phạm, bị kỷ luật, nhất là khi đây lại là cơ quan đi kiểm tra, giám sát các cơ quan khác và tham mưu cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát.
TÂY HỒ