Trở lại chuyện nghị quyết và cuộc sống

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp.

Dưới nhiều hình thức khác nhau, đợt sinh hoạt chính trị "Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội" đang được tiến hành sâu rộng, trong Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 19 và 20-4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Văn kiện Đại hội XII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta… Nội dung Văn kiện Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, có kế thừa, bổ sung, phát triển nội dung Văn kiện Đại hội XI, của các Hội nghị Trung ương trong các nhiệm kỳ trước đây. Các văn kiện tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta. Văn kiện Đại hội có nhiều đổi mới, thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Điểm nổi bật trong nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng là thể hiện được những quan điểm xuyên suốt, những vấn đề cơ bản, căn cốt nhất của cách mạng Việt Nam, những nguyên tắc trong hoạt động của Đảng, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, những vấn đề mới, cấp bách nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống".

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít".

Tổng Bí thư còn nêu lên yêu cầu bức thiết việc học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  "Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành", phải góp phần tăng cường xây dựng Đảng và chính trị, tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch…

Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư đã được minh chứng và làm rõ thêm bằng ba báo cáo chuyên đề: Báo cáo "Những nội dung cơ bản của Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng". Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Tất cả cho thấy, thông qua đợt sinh hoạt chính trị lần này, một lần nữa, Đảng đưa ra trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bước khẳng định hết sức rõ ràng: Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất !

Có cơ sở để tin rằng, đáp ứng thông điệp ấy, sẽ là một phong trào hành động rộng khắp vì sự nghiệp đổi mới.

Chuyện cũ hay chuyện mới

Dẫu sao vẫn còn có điều cần bàn, nói đúng hơn là làm rõ thêm. Có ý kiến cho rằng, sau mỗi kỳ đại hội, phấn đấu đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là việc từng làm từ lâu, đâu phải chuyện gì mới. Cũng có câu hỏi đặt ra, sao trong đợt sinh hoạt chính trị lần này, chỉ thấy nói đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống mà không thấy nói đưa cuộc sống vào Nghị quyết?

Tôi nhớ lại những cuộc thảo luận mấy chục năm qua, kể từ ngày đất nước đổi mới. Mười tám năm trước, năm 1988 trên tạp chí Cộng sản, tôi có viết hai bài đăng ở mục Sinh hoạt tư tưởng nhan đề là: "Đưa cuộc sống vào Nghị quyết""Lại chuyện cuộc sống và Nghị quyết". Đại ý hai bài báo đó như sau:

Chung quanh mối quan hệ giữa cuộc sống và nghị quyết, quả thật có nhiều cách đề cập, nhiều cách nghĩ và cách làm.

Cách đề cập phổ biến, thường dùng nhất hiện nay là: Đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đó là cách nói khác so với cách nói trước đây: Tổ chức thực hiện Nghị quyết, hoặc biến Nghị quyết thành hiện thực. Nói đưa Nghị quyết vào cuộc sống có nghĩa là không để nghị quyết chỉ tồn tại trên giấy, chỉ được lưu vào hồ sơ hay chỉ dừng lại ở sự truyền đạt trên bục giảng. Cũng có nghĩa là Nghị quyết được thi hành, phải biến thành phong trào hành động của quần chúng, phải tạo thành những sản phẩm vật chất hay tinh thần có giá trị.

Lại có một cách đề cập khác: Đưa cuộc sống vào Nghị quyết. Có nghĩa không để cho Nghị quyết chỉ là những câu chữ trống rỗng, viết rất kêu và rất hay nhưng không dính dáng gì đến cuộc sống, không do cuộc sống đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết. Những Nghị quyết như vậy thường chỉ là sản phẩm chủ quan của cấp lãnh đạo, ít có khả năng thực thi.

"Đưa cuộc sống vào Nghị quyết" và "Đưa Nghị quyết vào cuộc sống" là hai quá trình khác nhau của lãnh đạo, hay nói đúng hơn là hai giai đoạn của cùng một quá trình lãnh đạo. "Đưa cuộc sống vào Nghị quyết" là giai đoạn 1, giai đoạn xây dựng nghị quyết. Ở giai đoạn này, chủ thể là cuộc sống còn nghị quyết là khách thể. "Đưa nghị quyết vào cuộc sống" là giai đoạn 2, giai đoạn tổ chức thực hiện nghị quyết. Ở đây, nghị quyết là chủ thể còn cuộc sống là khách thể. Dù thế nào đi nữa, ở cả hai giai đoạn, cuộc sống vẫn là cái quyết định nhất. Từ cuộc sống mà ra nghị quyết và nghị quyết phải trở về với cuộc sống.

Có một thực tế là bấy lâu nay, bên cạnh nhiều nghị quyết đi vào cuộc sống rất nhanh, lại có những nghị quyết, dù tuyên truyền, vận động mấy, cũng không thể đưa được vào cuộc sống. Vì sao? Có nhiều cách lý giải. Cách lý giải phổ biến nhất là những yếu kém và bất cập trong tổ chức thực hiện. Nhưng cách lý giải đáng được suy nghĩ hơn là: Sở dĩ nghị quyết không được vào cuộc sống là vì cuộc sống đã không được vào nghị quyết.

Liên hệ với tư tưởng chỉ đạo "Đưa nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống" như nêu ở phần trên, ta sẽ thấy ý kiến cho rằng cách làm này đã có từ lâu không gì mới. Cái mới đương nhiên là cái lần đầu tiên được nêu lên nhưng không phải cái lần đầu tiên nào được nêu lên cũng đều là mới. Cái mới có thể là cái đã được nói nhiều lần, nhưng nay đề cập trong tình hình mới với tư tưởng mới, nội hàm mới và cách làm mới mà thành ra mới.

Nội dung các văn kiện Đại hội XII hàm chứa nhiều cái mới về lý luận và thực tiễn. Mới trong cách đề cập chủ đề của Đại hội, trong đề ra mục tiêu tổng quát, 12 nhiệm vụ tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đất nước 5 năm tới (2016 - 2020).

Đáng chú ý hơn nữa là sự cân nhắc và sử dụng thận trọng các thuật ngữ, từ ngữ quen dùng cho việc xác định thích hợp các chủ trương, chính sách mới. Chữ đi kèm với nghĩa mà nghĩa là quan trọng nhất.

Tại sao mục tiêu xây dựng đất nước trong 5 năm tới lại là "phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ở đây, được hiểu là sớm nhất sau năm 2020 (bởi mục tiêu tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Đại hội XI đề ra không đạt được).

Tại sao trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, lại dùng cụm từ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc? Bởi hai từ kiên quyết và kiên trì xếp thành một cụm vừa thể hiện quyết tâm chiến lược, trước sau như một của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cả trong những năm qua và trong giai đoạn tới, vừa xác định rõ tính chất lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh này.

Phải chăng cùng với ý nghĩa ấy mà trong nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, lại đặt trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Trên đây chỉ là vài thí dụ:

Về câu hỏi có đưa cuộc sống vào nghị quyết không? Tại sao trong đợt sinh hoạt chính trị lần này, chỉ thấy nói đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống mà không thấy nói đưa cuộc sống vào nghị quyết? Câu trả lời đơn giản có thể là: Vì chúng ta đang ở giai đoạn đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống làm những việc gì ? Như một cách khái quát.

Một là, nghiên cứu và quán triệt nghị quyết (để hiểu đúng và hiểu sâu nghị quyết, ít ra không để nghị quyết nói một đàng hiểu ra một nẻo).

Hai là, tổ chức hành động và thực hiện những điều do nghị quyết đề ra

Ba là, tổng kết thực tiễn thi hành nghị quyết, qua đó mà kiểm nghiệm giá trị (đúng hay sai) và hiệu quả của nghị quyết.

Chỉ thị 01 của Bộ chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị cán bộ toàn quốc đã nêu rất rõ những việc phải làm, gắn kết chặt chẽ học tập, quán triệt nghị quyết với xây dựng và thực hiện chương trình hành động đẩy các phong trào đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Vậy, cuộc sống có được đưa vào nghị quyết không? Câu trả lời là có, chẳng những có mà còn có một cách khá đậm nét. Tổng Bí thư khẳng định nội dung văn kiện Đại hội XII lần này và có nhiều điểm mới? Chắc chắn là từ tổng kết lý luận và thực tiễn, thực tiễn của 30 năm đổi mới, thực tiễn cuộc sống và thực tiễn thi hành các nghị quyết của Đảng. Chính tiếng nói của cuộc sống đã mách bảo Đảng kịp thời sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết điều chỉnh, bổ sung và phát triển các nghị quyết, chủ trương và chính sách của mình, đưa cuộc sống vào nghị quyết là câu chuyện dài. Hẳn còn nhiều dịp trở lại./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất