Bài 1: Âm mưu, thủ đoạn cũ, dã tâm không thay đổi
Kể từ khi có mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng sự tiện ích của hình thức truyền thông mới này nhằm rắp tâm thực hiện những âm mưu thâm độc chống phá cách mạng nước ta. Trước mỗi sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, chúng dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò cũ rích xuyên tạc, vu khống, chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bất chấp những thành tựu to lớn mà đất nước đã giành được trong suốt thời gian qua. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng đã, đang và chắc chắn sẽ lại gồng mình nhai lại những luận điệu giả dối, bịa tạc, chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một trong số đó là tiếp tục phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam…
Những thành tựu của Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận. Ảnh: Hải Nguyễn
Bịa tạc, lạc lõng, lố bịch…
Đảng Cộng sản Việt Nam hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước; Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, Quốc hội không có vai trò, thực quyền, bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ”; Đảng lãnh đạo Quốc hội là không hợp pháp, không dân chủ, Quốc hội chỉ là cơ quan “bù nhìn”; Đảng không nên, không được phép lãnh đạo tuyệt đối… Những thông tin như vậy lại được ra rả phát tán rầm rộ, cuồng nộ trên không gian mạng, khi mà kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra vào chủ nhật, ngày 23.5.2021; trong bầu không khí tấp nập, háo hức đón chờ ngày hội của toàn dân của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Những luận điệu xuyên tạc, lạc lõng, lố bịch ấy, bao giờ cũng vậy, được chuẩn bị từ lâu, với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, để rồi chờ dịp là kích hoạt, phát tán ồ ạt, vô lối, dày đặc trên không gian mạng. Tất cả, dù có sử dụng chiêu bài, mưu mẹo, thủ đoạn, phương thức nào thì xuyên suốt chúng cũng chỉ nhắm đến mục tiêu hàng đầu, cuối cùng là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hòng dễ bề tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.
Có thể dễ dàng “điểm mặt, chỉ tên” một số luận điệu chống phá đó là: Xuyên tạc vai trò của Đảng trong cuộc bầu cử, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tạo dựng, tung hàng loạt thông tin giả, sai lệch, xấu, độc nhằm gây nhiễu loạn thông tin, kích động dư luận, khiến nhân dân nghi hoặc; ra sức bôi xấu chế độ đất nước ta, xóa bỏ những thành quả mà cách mạng Việt Nam đạt được; bịa tạc, phóng tác những luận điệu chụp mũ, xuyên tạc, sai trái về người tự ứng cử, về người ngoài Đảng ra ứng cử…
Đáng buồn thay là chúng luôn dùng những lời lẽ, ngôn từ hết sức chợ búa, đầy sự cay nghiệt, đố kỵ, dù là nói hay viết. Càng đáng thương hại hơn khi chúng ấu trĩ mượn một phần sự thật của sự kiện, con người, vấn đề… có thật nào đó để lắp ghép, phóng tác, bôi vẽ, thêu dệt thành những câu chuyện giả tưởng thiếu sở cứ, lộ rõ bản chất thâm độc, dã tâm điên cuồng chống phá. Chúng cố tình quên một điều hiển nhiên rằng, nếu góp ý mang tinh thần xây dựng, thì phải là những góp ý có cơ sở khoa học, thực tiễn, với những lý lẽ, sở cứ thuyết phục, ngôn từ chuẩn mực, khách quan chứ không thể vô lối suy diễn, chụp mũ, bịa tạc một cách trắng trợn, nói hoặc viết lấy được, không chút mảy may ngượng ngùng, xấu hổ.
Chúng mượn cớ phương Tây dân chủ, văn minh để rồi khua môi múa mép, viết lách đủ thứ đẩu đâu mà quên mất rằng, chính phương Tây tôn thờ sự thật với câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Vậy nên, chúng luôn lấy một phần rất nhỏ sự thật nào đó để rồi giả dối đưa ra những thông tin không đầy đủ, hư cấu, thêm thắt, hòng “mưa dầm thấm lâu”, khiến người nghe sẽ tin theo, để rồi hành động theo mưu đồ xấu xa, thâm độc của chúng. Nhưng chúng mù quáng quên mất rằng, khi lặp đi lặp lại những chiêu trò, luận điệu cũ mèm quen thuộc, người đọc, người nghe sẽ rất dễ nhận diện và tránh xa, đặc biệt khi việc kiểm chứng thông tin không có gì quá khó khăn, nhất là trong thế giới phẳng việc kiếm tìm sự thật là khá dễ dàng đối với những người có học vấn, bản lĩnh, chính kiến, sự tỉnh táo.
Dẫu luôn lạc lõng, vô lối, thất bại thảm hại trong suốt những năm qua, nhưng chúng chưa bao giờ có ý định dừng lại, thậm chí ngày càng điên cuồng, tinh vi, xảo quyệt, trơ tráo, táo tợn hơn. Chúng đâu có chịu nhìn nhận về những thành tựu mà đất nước ta đạt được trên mọi lĩnh vực, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Chúng giả như mù, như điếc để vờ như không thấy, không nghe lòng dân tin yêu Đảng, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, mà vượt qua mọi trở ngại, thác ghềnh, làm lên những chiến thắng vang dội, lẫy lừng trên tất cả mặt trận.
Sự lãnh đạo tất yếu, khách quan
Phải khẳng định ngay rằng, vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền là một trong những nội dung hết sức quan trọng được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập rõ ràng, sâu sắc. V. Lênin khẳng định: “Về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa… Đảng Cộng sản… cầm quyền tức là Đảng không chỉ lãnh đạo Nhà nước mà là lãnh đạo cả xã hội”. Ấy là trên thế giới, tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự kế thừa, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người khẳng định rằng, “việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
Kế thừa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta ngày một khắc phục hạn chế để hoàn thiện, trưởng thành về mọi mặt, lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Điều này không có gì phải bàn cãi, được bạn bè quốc tế thừa nhận, vị nể; đồng thời rất dễ dàng kiểm chứng bằng những kết quả, con số, sự tăng trưởng, phát triển cụ thể trên mọi lĩnh vực. Ấy là những mốc son chói lọi, ghi đậm dấu ấn, bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, mới nhất và hiện tại là việc phòng chống đại dịch COVID-19 rất hiệu quả mà vẫn bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh rằng, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”. Sự khẳng định này chính thức được đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó cũng chính là cơ sở, nền tảng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định mục tiêu rõ ràng rằng: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Điều đáng chú ý khác, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội được được quy định rõ trong Hiến pháp. Cụ thể, các bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các năm 1980, 1992 và 2013 đều có một điều quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Gần nhất, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 chế định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Không chỉ vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”, trong khi Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”.
Rõ ràng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan, có cơ sở pháp lý đồng bộ, không thể phủ nhận. Thế nên, rất dễ dàng để lật tẩy âm mưu chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, phản động về việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử Quốc hội và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Và thực tế cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo toàn diện, tài tình, sáng suốt của Đảng ta chứng minh rõ ràng chân lý ấy, như một cách phản bác thuyết phục, xác đáng những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.
Bài 2: Đảng lãnh đạo, nhưng không đứng trên, làm thay Quốc hội
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được hiến định, nên vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là không có gì phải luận bàn. Và thực tế không riêng gì nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò lãnh đạo kịp thời, đúng đắn, sáng suốt về chủ trương, đường lối, chứ không đứng trên, làm thay Quốc hội…
Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Ảnh: Hải Nguyễn
Luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử
Xin được khẳng định lại rằng, qua hơn 91 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, với những mốc son chói lọi mà tiếng vang, âm hưởng, sự lan tỏa của từng sự kiện, thành tựu không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước. Có thể dễ dàng kể đến là Đảng đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính thức chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại phát triển rực rỡ của đất nước về sau.
Đó là Đảng lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là Đảng khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước, khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI năm 1986…
Đặc biệt, nhìn lại 35 năm đổi mới, những thành tựu kỳ vĩ mà Đảng lãnh đạo đất nước đạt được trên các lĩnh vực không chỉ giúp nước ta có những bước tăng trưởng ngoạn mục, thần kỳ; đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, an toàn; mà bạn bè quốc tế còn vị nể khi chúng ta thể hiện rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình ở nhiều cương vị, trọng trách khác nhau, từ khu vực đến toàn cầu. Đây là điều rất dễ kiểm chứng bởi bất kỳ khi nào, ở đâu cũng đều có thể tìm trên mạng thông tin toàn cầu Google để xác tín những thông tin hiển nhiên, chính xác như vậy.
Xin được nhắc lại rằng, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn, được nhân dân nhất mực ủng hộ, tin yêu. Suốt hơn 91 năm từ khi ra đời, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện toàn diện, trên mọi lĩnh vực, không riêng gì trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Điều ấy cũng đúng như bao lĩnh vực khác suốt dặm dài lịch sử từ khi có Đảng.
Xin được nhắc lại rằng, sau Hiến pháp các thời kỳ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) cũng đã chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Rõ ràng, Cương lĩnh đã chỉ rõ vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cụ thể, bằng chủ trương, đường lối và khẳng định rằng, “Đảng không làm thay”, không đứng trên mà là một bộ phận của hệ thống chính trị. Trong phạm vi bài viết này, xin được nêu ra vài ví dụ điển hình để thấy rõ điều này.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Thứ nhất, Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa VIII (tháng 6.1988), lần đầu tiên có 2 ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) được giới thiệu để Quốc hội bầu, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột qua đời vào ngày 10.3.1988. Sở dĩ có “mốc son trong lịch sử Quốc hội” này là do đồng chí Đỗ Mười được Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng ra Quốc hội, có nhiều đoàn đại biểu quốc hội đề nghị giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. Sau khi được báo cáo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn bạc về vấn đề này.
Kết quả, Bộ Chính trị nhất trí đề nghị của Hội đồng Nhà nước giới thiệu 2 ứng viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Và rồi, đồng chí Đỗ Mười trúng cử với tỉ lệ 63% số phiếu ủng hộ. Cuộc tranh cử đầu tiên và duy nhất cho tới nay trong lịch sử Quốc hội vào ngày 22.6.1988 ấy đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong cả nước, được quốc tế rất ca ngợi.
Ấy là ví dụ điển hình, là sự kiện chưa từng có trong sinh hoạt nghị trường, hết sức dân chủ, đổi mới. Nhưng, những ví dụ về việc Quốc hội bày tỏ rõ lập trường, quan điểm, chính kiến của mình trước những chủ trương, đường lối của Đảng diễn ra không phải là hiếm, nhất là trong quá trình thông qua các văn bản pháp luật.
Tại nhiều kỳ họp quốc hội, không ít chủ trương, dự án, dự án luật… đã không được qua. Ví dụ, sau những phiên thảo luận căng thẳng, chiều 19.6.2010, Quốc hội đã bác dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam khi chỉ có 37% số đại biểu tán thành, so với 41% số đại biểu không tán thành. Có thể khẳng định rằng, việc bác một dự án do Chính phủ trình hiếm khi xảy ra trong lịch sử Quốc hội. Nhưng khi còn những băn khoăn, âu lo trước những vấn đề hệ trọng, mang tính lịch sử của đất nước, trong bối cảnh cụ thể ở thời điểm nào đó, việc Quốc hội thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền lực của mình là hợp lý. Đó không hề là sự làm trái sự lãnh đạo của Đảng.
Thêm một ví dụ khác, ngày 17.11.2020, đa số đại biểu quốc đã thể hiện chính kiến không tán thành việc “tách” dự án luật Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ. Cụ thể, có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội…
Những ví dụ kể trên chỉ là số ít, có thể không thật sự tiêu biểu, nhưng điều đó càng khẳng định vững chắc thêm rằng, Đảng lãnh đạo về chủ trương, đường lối, Quốc hội ban hành văn bản pháp luật đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, thể hiện rõ sự độc lập của mình, qua đó thêm sự khẳng định rõ ràng rằng, Đảng lãnh đạo toàn diện, chứ không đứng trên, làm thay Quốc hội. Thế nên, những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động luôn nhai đi, nhai lại rằng Đảng thao túng Quốc hội, đứng trên, làm thay, vô hiệu hóa Quốc hội chỉ là những sự hận thù, chống phá điên cuồng, vô lối, không sát đúng với tình hình chính trị, đất nước Việt Nam.
Qua đó, lại thêm một lần hiểu rõ dã tâm thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động từ bao năm nay luôn điên cuồng tìm mọi thủ đoạn, âm mưu để xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Dĩ nhiên, Đảng phải luôn đổi mới phương thức lãnh đạo để phù hợp với tình hình, bối cảnh mới, để tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trên mọi mặt trận, đưa nước ta vững bước trên con đường đã chọn, với những mục tiêu đã đặt ra cùng sự kỳ vọng, tin yêu của nhân dân.
Và như một quy luật tất yếu, Quốc hội cũng thường xuyên phải đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài cuối: Luôn đổi mới để phù hợp với thực tiễn
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986), Đảng ta luôn tiến hành đổi mới, ngày càng hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền để phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và trên thế giới, đạt được nhiều thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực, mặt trận khác nhau. Trong khi đó, Quốc hội cũng chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, để thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” cuối tháng 3-2021. Ảnh: Hải Nguyễn
Đổi mới, nhu cầu tất yếu
Phải khẳng định ngay rằng, việc đổi mới luôn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong tiến trình phát triển của lịch sử, để phù hợp với tình hình thực tiễn, bối cảnh mới, với sự tăng trưởng, phát triển nhanh chóng, vững bền của quốc gia, dân tộc.
Việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng bằng đường lối, chủ trương chính sách (nghị quyết) thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị cũng không có gì là ngoại lệ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) ghi rõ rằng: “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”.
Việc ghi rõ trong văn kiện nội dung như vậy có nghĩa rằng, trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là đòi hỏi cấp thiết.
Xin được nhắc lại rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là đổi mới tổng thể các phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng sử dụng để triển khai thực hiện cương lĩnh chính trị đối với Nhà nước và xã hội. Phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.
Nhà nước chính là công cụ để hiện thực hóa cương lĩnh, nghị quyết, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Như vậy, có thể hiểu rằng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước chính là biểu hiện sinh động, là thước đo năng lực cầm quyền, lãnh đạo của Đảng.
Mới đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi rõ: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”… Ngay sau Đại hội XIII, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều công việc quan trọng, nhằm sớm đưa những quyết sách của Đại hội được quán triệt, lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân.
Một trong những công việc quan trọng là Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” trong 2 ngày, 27 và 28-3 vừa qua.
Với 67 điểm cầu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.300 điểm cầu cơ sở trên cả nước, lần đầu tiên trong lịch sử có một hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng được tổ chức sớm, sâu rộng đến vậy.
Lần đầu tiên, những đảng viên ở cơ sở được trực tiếp nghe các báo cáo viên là những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng truyền đạt những nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Sự đổi mới trong phương thức học tập, quán triệt Nghị quyết ấy không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp mỗi cán bộ, đảng viên có cơ hội nắm vững để thực hiện đúng đắn, cụ thể, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết trong quá trình công tác sau này, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao đời sống nhân dân, sự tăng trưởng, phát triển của mỗi đơn vị, địa phương, cũng như cả nước.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng, mặc dù nghị quyết của Đảng lần nào cũng rất hay, rất sát hợp, rất đúng thế nhưng việc tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống luôn là khâu yếu nhất. Vì vậy, rất cần thiết phải tổ chức thực hiện nghị quyết một cách thực chất, tránh hình thức, với những nội dung cụ thể, mới, cô đọng, phù hợp với tình hình cụ thể của đơn vị, địa phương, bộ ngành chứ không thể chung chung, dàn trải, toàn bộ mà không hiệu quả.
Có đổi mới trong việc tổ chức thực hiện, chỉ đạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống như vậy mới có thể biến những chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn của Đảng thành hiện thực, mới góp phần giúp đất nước phát triển nhanh, vững bền. Có như thế, vai trò lãnh đạo của Đảng mới được khẳng định, nâng tầm, chứ không chỉ là những điều hay thể hiện trên văn bản, trong nghị quyết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khắc phục những khuyết tật, hạn chế trong quá trình triển khai hiện thực hóa nghị quyết, tránh làm sai lệch chủ trương của Đảng vì động cơ kinh tế, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đồng thời, quá trình giám sát, phát hiện, xử lý sai phạm cần được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, với sự nêu gương đầy trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhiều thành tựu và điểm nhấn chất vấn
Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), điều dễ nhận thấy, được thừa nhận rộng rãi đó là có nhiều sự đổi mới với những dấu ấn đậm nét, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Các đại biểu, cử tri cho rằng, trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là: Nhiều đạo luật quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua; tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát; triển khai và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động Quốc hội…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XIV đã kế thừa, phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, đã luôn đoàn kết, sáng tạo, có những đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Đặc biệt, tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, sôi nổi trong các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội được cử tri quan tâm đều được cất tiếng nói trên nghị trường một cách đầy đủ, sâu sắc, hợp lý. Thậm chí, những phiên thảo luận tại tổ cũng như ở hội trường cũng hết sức trách nhiệm, xác đáng và đầy tính cảnh báo.
Ví như tại phiên thảo luận về công tác tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng vào sáng 7.11.2017, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) đề cập khá thẳng thắn, quyết liệt về vấn đề chống tham nhũng. Rồi ông kết luận rằng: “Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được nội xâm tham nhũng thì sụp đổ chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu khách quan mà không trách ai được, chỉ có thể trách chính chúng ta”.
Có thể khẳng định rằng, Quốc hội khóa XIV đã cải tiến, đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước. Sự đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được cử tri dõi theo và ghi nhận.
Đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, dân tộc. Điều này càng có cơ sở, khi theo dõi Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương vào chiều 15.4 vừa qua.
Chủ trị Hội nghị nhằm đề xuất, kiến nghị giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ 8 nhóm vấn đề đặt ra để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng, Nghị quyết Đại hội XIII trong văn kiện có nêu nhiều nội dung liên quan đến Quốc hội. Trong đó, có việc tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
***
Để khép lại loạt bài này, xin một lần nữa được nhấn mạnh rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, đối với Quốc hội nói riêng đã được Hiến định, được nhân dân đồng tình ủng hộ, giúp đất nước ta có những bước phát triển thần kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực suốt hơn 91 năm kể từ khi Đảng ra đời.
Không dừng lại ở đó, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, với Quốc hội nói riêng vẫn liên tục được nghiên cứu, đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đó chính là sự phản bác một cách hiệu quả các luận điệu, dã tâm, âm mưu thâm độc đòi phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đòi đặt hoạt động của Quốc hội ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
Từ cơ sở lý luận, thực tiễn lãnh đạo suốt hơn 91 năm qua, có thể khẳng định rằng chỉ có giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, Quốc hội nói riêng; mới có thể thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.
TS. Nguyễn Tri Thức (Báo Lao động)