“Kịch bản” thương vụ Mobifone mua AVG
Các tác giả đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III- năm 2018.

Bài 1: Ai chịu trách nhiệm trong thương vụ MobiFone mua AVG?

Dù chưa đi đến hồi kết nhưng kết luận thanh tra là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại hiệu lực hiệu quả của bộ máy cũng như việc bố trí sử dụng cán bộ. 

“Vụ MobiFone mua AVG cho thấy quy định pháp luật đã có rồi nhưng một số bộ ngành liên quan vẫn vi phạm khiến nhà nước có nguy cơ thua lỗ hơn 7.000 tỉ đồng. Điều này thể hiện một là anh quá yếu kém về trình độ năng lực, không có tâm với đồng thuế của dân. Hai là anh có năng lực nhưng bẻ cong pháp luật, dùng quyền lực để bóp méo sự thật. Những người như vậy không xứng đáng ngồi ở ghế lãnh đạo”, ông Lê Thanh Vân nói.

Là người từng đưa vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG ra chất vấn trước Quốc hội nhưng chưa từng được trả lời thỏa đáng nên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đặc biệt quan tâm đến bản kết luận Thanh tra Chính phủ vừa công bố. “Kết luận này đã cơ bản đáp ứng được 2 câu hỏi của tôi là giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Từ ngày được MobiFone mua về đến nay, AVG hoạt động có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không? Còn một câu hỏi rất quan trọng là từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà MobiFone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG thì tôi rất mong chờ được Cơ quan điều tra Bộ Công an sớm làm rõ”, ông Vân nói.

Người đứng đầu không thể vô can


Theo ông Lê Thanh Vân, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu nhiều vấn đề bất thường trong việc mua bán cổ phần AVG, trong đó có việc “thổi giá” không đúng thực tế, thực hiện sai hàng loạt quy định về đầu tư, đấu thầu, thẩm định. “Cơ quan thanh tra đã so sánh các quy định pháp luật và nêu rõ hành vi sai phạm của các cơ quan chức năng có liên quan. Tuy nhiên, chứng minh các cơ quan đó có sai phạm với mục đích, động cơ như thế nào, lỗi khách quan chủ quan ra sao thì phải là Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới làm rõ được”, ông Lê Thanh Vân nói và bày tỏ, giá như kết luận thanh tra chỉ rõ được trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành để xảy ra vi phạm thì sẽ “hoàn hảo hơn”: “Bởi vì các cơ quan bộ, ngành hành chính nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng, người chịu trách nhiệm phải là người đứng đầu”.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dù chưa đi đến hồi kết nhưng kết luận thanh tra là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại hiệu lực hiệu quả của bộ máy cũng như việc bố trí sử dụng cán bộ. Trong đó kết luận này đã đề cập đến việc chuyển hồ sơ đến Ban Bí thư để làm rõ, xử lý nghiêm minh những người có liên quan. “Nhà nước bỏ ra một khối tài sản lớn như thế nhưng gây ra nguy cơ thua lỗ, ảnh hưởng kỷ cương pháp luật, gây mất lòng tin trong nhân dân thì rõ ràng phải tính. Quy định pháp luật đã có rồi nhưng vẫn vi phạm tức là thể hiện một là anh quá yếu kém về trình độ năng lực, không có tâm với đồng thuế của dân. Hai là anh có năng lực nhưng bẻ cong pháp luật, dùng quyền lực để bóp méo sự thật. Những người như vậy không xứng đáng ngồi ở ghế lãnh đạo”, ông Lê Thanh Vân nói.

Phải xử lý nghiêm minh

Ở một góc nhìn khác, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, nhận định: “Vụ việc này đã thanh tra kéo dài trong nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận. Nhớ lại, vụ này có tính chất thổi giá tương tự như vụ án Dương Chí Dũng thổi giá ụ nổi sắt trước đây, chính là những hành vi liên quan đến tội phạm kinh tế nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh”, và ông đặt vấn đề: “Điều này đặt ra câu hỏi rất lớn về hiệu lực, hiệu quả của một số cơ quan nhà nước trong các thời điểm cụ thể. Có vấn đề gì phức tạp bên trong hay còn do nguyên nhân nào khác?”.

Đề cập đến việc AVG đã chủ động hủy bỏ hợp đồng trước khi Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, nguyên Phó chánh án TAND tối cao cho rằng đây chỉ là biện pháp nhằm khắc phục hậu quả và có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Ông Độ nhấn mạnh, việc khắc phục này chỉ diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra và Ban Bí thư có thông báo chỉ đạo phải làm rõ. Trong khi các hành vi sai phạm đã hoàn thành từ rất lâu.

Cùng bày tỏ quan điểm đồng tình với kết luận thanh tra và việc chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng vụ việc có nhiều dấu hiệu sai phạm với tính chất tăng nặng, cố ý vi phạm đến cùng khi không thực hiện đúng quy định nhà nước, hợp thức hóa cho sai phạm và các hành vi này diễn ra trong một thời gian dài. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới tìm cách để khắc phục.

Còn luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC, nhìn nhận từ góc độ dân sự đây là hoạt động kinh tế, mua bán bình thường. Bản chất không phải mua Công ty AVG, mà MobiFone mua cổ phần của nhóm cổ đông AVG. Nếu 1 trong 2 bên vi phạm hợp đồng, phía còn lại có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra còn có thể phạt và bồi thường thiệt hại. “Trong vụ việc này, tôi thấy AVG khá thiện chí khi không phạt hợp đồng, không khiếu kiện và sẵn sàng trả phí tư vấn, lãi ngân hàng cho MobiFone. Đó là tình tiết đáng chú ý”, ông Sơn nói và cho rằng việc AVG được trao lại cho nhóm cổ đông không biết còn nguyên vẹn không, nhân sự như thế nào, phương án kinh doanh ra sao vô cùng phức tạp. Các cổ đông AVG sẽ phải xây dựng lại bộ máy, phương án kinh doanh. Đây là một rủi ro. Theo ông Sơn, cũng sẽ còn nhiều vấn đề phải xem xét khi hai bên có động thái khắc phục hậu quả trước khi có kết luận thanh tra.

Cần tiếp tục làm rõ các báo cáo của MobiFone

Theo nguồn tin của Thanh Niên, có những thời điểm MobiFone đã báo cáo, đưa ra quan điểm về toàn bộ thực trạng của AVG với Bộ Thông tin - Truyền thông trong 4 công văn gồm số 4255 (12.8.2015), số 58, 63 và Công văn số 66. Đồng thời, cũng gửi toàn bộ hồ sơ cùng Quyển đầu tư dự án đánh giá toàn diện AVG cho Bộ Thông tin - Truyền thông. Tại Công văn số 4255 cho thấy việc báo cáo AVG vẫn đang lỗ kế hoạch trên 300 tỉ đồng. Tại Công văn số 58, nhà mạng này báo cáo: “Kết quả định giá có sự khác biệt lớn so với giá trị tài sản của AVG ghi trên sổ sách kế toán. Theo sổ sách AVG có giá trị 3.102 tỉ đồng...”. Tại Công văn số 63 ngày 29.9.2015, MobiFone báo cáo: Theo kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG, đến hết năm 2014 AVG lỗ trên 331,4 tỉ đồng, lỗ lũy kế 1.563 tỉ đồng. Đánh giá của VCBS cũng xác định giá trị tài sản của AVG là 3.103 tỉ đồng, nợ phải trả 1.133 tỉ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỉ đồng.

Làm tới cùng xem có tham nhũng hay không

Kết luận thanh tra chỉ là bước đầu, tôi nhấn mạnh là bước đầu vì sau đó còn rất nhiều việc phải làm. Sau kết luận thanh tra, sẽ phải vào cuộc quyết liệt hơn. Đầu tiên là Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề xuất các hình thức, mức độ xử lý cán bộ thuộc diện mình quản lý. Các bộ, ngành phải nghiêm túc kiểm điểm xử lý cán bộ, lãnh đạo thuộc đơn vị của mình. Đặc biệt, cơ quan điều tra nghiêm túc vào cuộc vì đây là vụ việc dư luận đặc biệt quan tâm.

Chúng ta có cả một bộ máy kiểm soát quyền lực, không ít công cụ, trên lại có pháp luật nhưng vi phạm vẫn diễn ra. Sai phạm sẽ phải làm rõ vì yếu kém hay vì động cơ cá nhân vụ lợi; có tham nhũng hay không. Không phải chụp mũ nhưng cần làm cho ra tận cùng vụ việc.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng

Bài 2: Kịch bản” thương vụ MobiFone mua AVG

Với những diễn biến từ kết luận của Thanh tra Chính phủ có thể thấy, thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thực chất là một màn kịch thổi vống giá trị thực của doanh nghiệp nhằm lấy tiền nhà nước. Và đạo diễn chính trong thương vụ này có phải là những người có chức quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông?

Những khoản triệu USD không có thật

Ngày 25.12.2015, MobiFone ký hợp đồng với các cổ đông Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Trong vòng 22 ngày sau đó, MobiFone đã thanh toán khoản tiền gần 8.445 tỉ đồng cho AVG.

Thương vụ mua bán cổ phần nêu trên được cho là xuất phát từ tháng 10.2014, khi AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), mà thời điểm đó là ông Nguyễn Bắc Son, về việc doanh nghiệp (DN) này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài. Trong đó có nội dung đi tới thống nhất đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua bằng 7 lần giá vốn, tức vào khoảng 525 triệu USD, tương đương 75% cổ phần. AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD.

Theo yêu cầu của đoàn thanh tra, cả AVG và Bộ TT-TT đã không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng từ nào về việc AVG đàm phán với đối tác nước ngoài, cũng như nhận khoản đặt cọc 10 triệu USD. Như vậy để thấy các thông tin về việc chào bán cổ phần, giá trị DN của AVG từ thời điểm này đã không có thật.

Trở lại vụ việc trên, sau khi nhận công văn của AVG, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi Bộ Công an trao đổi để có căn cứ xem xét hướng dẫn AVG chuyển nhượng cổ phần. Ngày 8.12.2014, Bộ Công an có văn bản gửi Bộ TT-TT hướng dẫn AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước.

Ngày 1.12.2014, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định 1798 thành lập Tổng công ty viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh phát thanh truyền hình.

Chưa đầy 2 tháng sau đó, ngày 27.1.2015, ông Lê Nam Trà, quyền Chủ tịch HĐQT MobiFone đã có văn bản trình Bộ TT-TT xin phê duyệt đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Khoảng 1 tuần lễ sau đó, ngày 6.2.2015, Bộ TT-TT có Công văn số 408/BTTTT-QLDN thống nhất chủ trương theo đề xuất của MobiFone. Đến ngày 20.3, MobiFone và AVG bắt tay nhau ghi nhớ việc mua bán cổ phần.

Từ các mốc thời gian nêu trên dễ dàng nhận thấy ông Nguyễn Bắc Son đã ký quyết định bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh cho MobiFone sau khi xảy ra việc AVG chào bán cổ phần.

Sau đó, việc mua bán chuyển nhượng cổ phần có giá trị lên tới hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước bị phủ một tấm màn đen, theo kiểu danh mục tài liệu “mật”, đã chi phối toàn bộ quá trình đàm phán, đấu thầu, kể cả thẩm định giá, lẽ ra phải được thực hiện một cách công khai minh bạch. Phải chăng đây là một chiêu thức nhằm tạo điều kiện không ai biết, can thiệp vào việc MobiFone mua AVG với giá cao hơn giá trị thực cả hàng ngàn tỉ đồng?

Báo cáo gian dối, lạm quyền Thủ tướng

Những kịch bản trên đã được đạo diễn ngay từ đầu, do đó việc lạm quyền, phê duyệt sai chủ trương đầu tư của dự án cũng không có gì lạ. Và việc MobiFone dù biết tình hình kinh doanh của AVG rất xấu, rất yếu kém được báo cáo cho Bộ TT-TT, nhưng cũng không thoát được thương vụ “xương” này.

Diễn biến sau đó cho thấy, khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT-TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG. Thậm chí, ông Nguyễn Bắc Son còn “bút phê” cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (nay là bộ trưởng), lạm quyền ký luôn quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm đề xuất đầu tư thì AVG đang thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ, các số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế, không thể đạt được trong môi trường cạnh tranh gay gắt về thị phần. Các số liệu về dự án này thiếu cơ sở, kết quả thẩm định giá của các đơn vị thẩm định thiếu căn cứ.

Tất cả thực trạng trên đã được MobiFone báo cáo Bộ TT-TT tại các văn bản số 5054/MOBIFONE ngày 14.9.2015, số 5441/MOBIFONE ngày 28.9.2015 và số 58/MOBIFONE ngày 25.9.2015 nhưng khi lập tổ thẩm định dự án đã không tôn trọng ý kiến của các thành viên trong tổ, thậm chí gạt bỏ ý kiến phản biện.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Bắc Son ký quyết định thành lập tổ thẩm định gồm 6 người. Tổ này họp vào ngày 8.10.2015, nhưng khi thanh tra cho thấy cuộc họp không ghi biên bản. Đáng lưu ý, 5 thành viên của tổ có báo cáo gửi tổ trưởng là ông Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN. Trong đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có bản nhận xét nêu 2 ý kiến, trong đó nổi bật là nội dung phân tích để lựa chọn phương án mua cổ phần AVG thay vì đầu tư mới còn sơ sài, chưa đầy đủ thông tin cụ thể, cũng như chưa phân tích, so sánh ưu nhược điểm từng phương án. Thứ hai, Phó cục trưởng Cục Báo chí ngày 15.10.2015 cũng có báo cáo nêu, dự án chưa có điều kiện đi sâu phân tích những lợi thế của AVG so với các DN nhà nước khác kinh doanh truyền hình. Đồng thời cảnh báo hiện có nhiều DN kinh doanh truyền hình đang thua lỗ và bị sụt giảm thị phần nghiêm trọng, dù tồn tại trên thị trường đã nhiều năm.

Tuy nhiên, tất cả ý kiến phản biện trên đã bị bỏ qua. Ngoài ra, Bộ TT-TT báo cáo nhiều nội dung của dự án không đúng, không đầy đủ, không khách quan với Chính phủ như: Việc đối tác nước ngoài mua AVG giá 700 triệu USD, đã đặt cọc 10 triệu USD; việc AVG sử dụng 4 băng tần có giá trị lớn và tạo ra lợi thế nhưng không được loại trừ ra khi định giá AVG...

Ngày 28.10.2015, ông Phạm Đình Trọng là tổ trưởng tổ thẩm định đã tham mưu để Bộ TT-TT ra Văn bản số 209/BTTTT-QLDN trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Trong đó ghi rõ: “Dự án đầu tư ra ngoài DN của MobiFone có mức đầu tư 8.900 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ” và kiến nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Bài 3: Vụ MobiFone mua AVG: “Làm xiếc” bằng tiền nhà nước

Trong thương vụ MobiFone, mua AVG dù AVG thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu, nhưng MobiFone vẫn thổi giá công ty này lên gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.

Sau khi về sở hữu nhà nước, AVG tiếp tục được phù phép biến lỗ thành lãi để che mắt cơ quan thanh, kiểm tra.

AVG sau khi về MobiFone tiếp tục thua lỗ, gặp khó khăn tứ bề, kéo cả MobiFone xuống dốc. Để che giấu các khoản thua lỗ, sự yếu kém này MobiFone lại tìm mọi cách nhào nặn số liệu, phù phép báo cáo tài chính để biến AVG trở nên hồng hào. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), các khoản lỗ của AVG như sau: Năm 2010 lỗ 81,05 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 196,127 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 471,648 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 473,270 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 323,129 tỉ đồng và quý 1/2015 lỗ 87,6 tỉ đồng.

Rất bất ngờ, chỉ 1 năm sau MobiFone hồ hởi báo tin AVG do mình quản lý đã lãi 54 tỉ đồng. Về con số này kết luận của TTCP chỉ rõ, lợi nhuận không phải từ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình mà chủ yếu do AVG được hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Cụ thể, Công ty CP An Viên B.P cho miễn lãi suất gần 50 tỉ đồng các khoản vay với tổng số nợ 950 tỉ đồng (gồm nợ năm trước chuyển sang 600 tỉ đồng, được miễn lãi suất từ 10,5% về 0%; cho vay thêm 350 tỉ đồng với lãi suất 0%). Nguyên Chủ tịch HĐTV của AVG là ông Phạm Nhật Vũ thực hiện cam kết đưa về cho AVG một hợp đồng quảng cáo ký với Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Vinhomes 1 với doanh thu 25 tỉ đồng; MobiFone ký với AVG hợp đồng quảng cáo có doanh thu 21,6 tỉ đồng và phân chia cho AVG doanh thu dịch vụ 62,7 tỉ đồng…

Do không thể dùng tiền bù lỗ mãi, và hết cách “phù phép”, AVG của MobiFone lỗ lại hoàn lỗ. Năm 2017, theo báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) AVG lỗ 73,6 tỉ đồng (kế hoạch do MobiFone lập, năm 2017 AVG lãi 156 tỉ đồng). Tổng lỗ lũy kế AVG đến 31.12.2017 là 1.982,7 tỉ đồng.

Nghiêm trọng hơn, các khoản lỗ của AVG khiến MobiFone bị ảnh hưởng tiêu cực. Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty mẹ MobiFone cho thấy, thương vụ mua AVG không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm lợi nhuận hoạt động tài chính của MobiFone so với năm 2015 là 321,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, việc MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889,8 tỉ đồng không những làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone mà còn làm giảm lợi nhuận hợp nhất của MobiFone, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính trong giai đoạn đang tiến hành thực hiện cổ phần hóa; dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.

Như vậy có thể thấy, bản chất “lãi” của AVG sau khi về MobiFone thực ra chỉ là lãi giả. Thực tế các thuê bao truyền hình AVG, sau đổi tên sang MobiTV còn liên tiếp được MobiFone đẩy ra theo hình thức biếu, tặng để nhằm tăng con số thuê bao ảo. Theo nguồn tin của Thanh Niên, việc phù phép AVG từ lỗ thành lãi không chỉ xuất phát từ phía MobiFone. Hành vi này hiện đang được các cơ quan thanh, kiểm tra tiếp tục làm rõ xem có sự chỉ đạo từ phía những cán bộ có quyền lực hay không nhằm che giấu vi phạm.

Trong nhiều hồ sơ tài liệu Thanh Niên thu thập được còn thể hiện: cuối năm 2017, sau khi Ban Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo TTCP vào cuộc, ông Trương Minh Tuấn có dấu hiệu chỉ đạo MobiFone phải tìm mọi cách để thoát lỗ, kể cả ngoài các phương án đã thống nhất giữa Bộ TT-TT và MobiFone sau khi mua AVG về. Có lúc, lãnh đạo MobiFone phải chịu áp lực “nếu không làm được thì nghỉ”.

Theo TTCP, khoản tiền đầu tư mua cổ phần AVG về bản chất là tiền nhà nước đã được Bộ TT-TT và MobiFone “nhập nhèm” tại nhiều khâu, đoạn. Cụ thể, khi báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ TT-TT đều nêu việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vay vốn tín dụng 70% còn lại. Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án do ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT ký đã không xác định cụ thể nguồn vốn để đầu tư. Trên thực tế, MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu để thanh toán. Trong số này có một khoản vay thể hiện từ ngân hàng nhưng TTCP chỉ rõ MobiFone đã đi “vay nóng” một ngân hàng khoản tiền 3.428 tỉ đồng, đến cuối tháng 3.2016 đã trả hết khoản nợ này. Mặt khác, trong thỏa thuận hai bên thể hiện MobiFone cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả nợ khoản vay hơn 1.000 tỉ đồng đối với một số ngân hàng và pháp nhân. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này không được thể hiện trong nội dung dự án đã được Bộ TT-TT phê duyệt.

Chưa hết, trong các chi phí liên quan đến dự án mua AVG, MobiFone đã thanh toán và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp với tổng số tiền 6,5 tỉ đồng, gồm cả việc thuê tư vấn thẩm định giá, kiểm toán AVG mà không tính vào chi phí của dự án là sai quy định, đồng thời né được khoản thuế thu nhập phải nộp là hơn 1,3 tỉ đồng trong thanh toán.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất