“Tre già măng đã kịp mọc”, đảm bảo yếu tố “lượng” và “chất”, xóa xóm trắng chi bộ đảng vùng Công giáo toàn tòng, kết nạp chức sắc tôn giáo vào hàng ngũ của Đảng… là những việc nổi bật mà Ninh Bình đã làm được trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo trong nhiệm kỳ 2015-2020. Một bài toán khó đã từng bước gỡ được những “nút thắt”, dần có lời giải, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng được mối quan hệ quyện hòa giữa Đảng, “đạo” và “đời”. Đằng sau những trái ngọt ấy là cả một chặng đường chông gai; là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ khó, nhạy cảm; thắt chặt niềm tin của dân với Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Các đồng chí lãnh đạo mặt trận Tổ Quốc, Công an tỉnh, các vị chức sắc các tôn giáo trao quà cho thân nhân gia đình cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa trong buổi giao lưu mừng Xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Lê Chung.
Kỳ 1: Từ đức tin đến lý tưởng cách mạng
Đứng trong hàng ngũ của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người nhưng với những người có đạo, nó còn thiêng liêng hơn nhiều bởi giây phút đó, “đạo” và “đời” hòa quyện. Với chức sắc tôn giáo, bị ràng buộc bởi giáo hội và các giáo lý, giáo luật, việc đứng dưới cờ Đảng gần như là điều không tưởng. Vậy mà ở Ninh Bình, chúng tôi đã ghi trọn được khoảnh khắc thiêng liêng ấy của một người khi có thể gọi là người đặc biệt. Đặc biệt bởi tính đến thời điểm này, đó là vị chức sắc tôn giáo đầu tiên tại Ninh Bình khi đang “đương chức” đã đứng trong hàng ngũ của Đảng và số lượng đảng viên này trên toàn quốc không nhiều. Đặc biệt bởi từ đây gợi mở rất nhiều hướng đi cho Ninh Bình trong việc giải bài toán về công tác phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên là người có đạo.
Nguyện đứng dưới cờ Đảng
Đại đức Thích Thanh Sự, Phó Ban trị sự Phật giáo huyện Yên Mô, trụ trì 4 chùa lớn trên địa bàn huyện trong ngày lễ kết nạp đảng viên (ngày 16-7-2019) mà ông nói là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vẫn mặc áo tu hành bởi với ông “đạo” và “đời” là một, khi là chức sắc tôn giáo được kết nạp đảng thì trách nhiệm và sự nêu gương càng phải cao hơn để vừa xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là một người lãnh đạo trong giáo hội.
Câu chuyện giữa chúng tôi và Đại đức Thích Thanh Sự trong ngày lễ kết nạp đảng viên để tìm hiểu xem quá trình từ đức tin đến niềm tin vào Đảng của ông bị gián đoạn nhiều lần bởi những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, rồi cả những tăng ni phật tử tại các chùa ông trụ trì.
- Thưa Đại đức, cho con hỏi...
- Cô là đảng viên chưa? Nếu là đảng viên thì từ giờ chúng ta là đồng chí, tôi vừa trở thành đảng viên dự bị rồi đấy, không phải xưng hô như thế. Tôi cũng đọc nhiều thơ cách mạng lắm. Nhưng tôi nhớ có câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”. Nó gần giống với tâm trạng của tôi lúc này.
Rồi ông cười, nụ cười rạng rỡ, bắt đầu câu chuyện về sự giác ngộ và phấn đấu trở thành đảng viên của mình. Ông chia sẻ, ông nhen nhóm ý muốn vào Đảng từ những năm 97, 98 của thế kỷ trước, khi tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) nhưng vẫn loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu vì ông nghĩ phải tham gia chiến đấu và cống hiến nhiều như sư cụ của ông thì mới có được vinh dự ấy.
“Với tôi, thời điểm đó, Đảng là một cái gì đó rất cao xa mà tôi không với tới được vì tuổi mình còn trẻ, lại chưa có nhiều đóng góp, phụng sự cho Tổ quốc, cho dân tộc bởi như sư cụ tôi đã chiến đấu, hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc mới vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Và niềm ước mơ một ngày nào đó trở thành đảng viên như sư cụ của mình khiến ông luôn không ngừng trau dồi và có những việc làm thiết thực vì cuộc sống, vì cộng đồng bởi ông tâm niệm “Vào Đảng là phải làm nhiều việc tốt, làm nhiều việc thiện, ý nghĩa, giúp cho nhiều người...” chứ thực sự chưa hiểu rõ về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với những việc làm cụ thể, ông đã vinh dự là đại biểu Phật giáo duy nhất được vinh danh “Thanh niên sống đẹp, sống có ích” tỉnh Ninh Bình năm 2005, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội LHTN Việt Nam, Hội LHTN tỉnh, UBND huyện Yên Mô...
“Dần dần, tôi đã hiểu hơn về Đảng và những người đảng viên, nhất là khi là đại biểu HĐND huyện Yên Mô từ năm 2014 đến nay, rồi được học lớp bồi dưỡng kết nạp đảng, tôi đã tình nguyện viết đơn xin vào Đảng. Khi đặt bút viết lá đơn đó, tôi ý thức được niềm vinh dự nhưng đồng thời thấy được trách nhiệm của mình. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời tôi khi đức tin thành niềm tin, thành lý tưởng cách mạng. Tôi không băn khoăn vì mình là nhà tu hành mà tôi chỉ băn khoăn làm sao để tròn cả hai vai, nhất là với tư cách là đảng viên mới, để nhiều người được giác ngộ về Đảng như tôi.”
Xóa “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên xóm Công giáo toàn tòng
Xóm 6, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô và xóm 12, xã Định Hóa, huyện Kim Sơn là những xóm Công giáo toàn tòng, trước đây, do không đủ điều kiện thành lập chi bộ, đảng viên ở các xóm này phải sinh hoạt ở những chi bộ ghép, có thời điểm 3 xóm mới có 1 chi bộ nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc tham dự sinh hoạt Đảng của đảng viên cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy nơi có chi bộ ghép.
Từ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở các chi bộ ghép này cũng giảm đáng kể, công tác phát triển đảng viên nhiều năm “dậm chân tại chỗ”; ở những xóm không có đảng viên hoặc có ít đảng viên, chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ theo quy định thì bài toán làm sao để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống mà thiết thực nhất với người dân là những nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự thực sự có những lúc bế tắc vì số lượng đảng viên ít nên một đảng viên phải phụ trách nhiều hộ dân trên một địa bàn rộng, không thể sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...
Trước thực trạng đó, với quyết tâm xóa “trắng” chi bộ vùng Công giáo, xóa chi bộ ghép, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu triển khai thực hiện quyết liệt công tác này. Thực hiện Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 31-1-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, được sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô và Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn đã tích cực chỉ đạo đảng ủy các xã tiến hành xây dựng kế hoạch, thực hiện các bước về kết nạp đảng viên mới, chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên.
Cách làm của Ninh Bình là đưa những đảng viên đang công tác tại xã về sinh hoạt ở các chi bộ ghép, là “biên chế” của những chi bộ này để nắm bắt kịp thời những thuận lợi, khó khăn ở xóm Công giáo, để có những tham mưu kịp thời. Những người được chọn “luân chuyển đảng” phải là những người có kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng ở xã, nắm vững tình hình ở thôn và có uy tín trong cộng đồng người có đạo.
Đây là việc làm khó bởi vì phải có lộ trình, bước đi cụ thể, từ khâu tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới là quần chúng có đạo, đến việc vận động đảng viên đang công tác tại cơ quan xã chuyển sinh hoạt đảng về thôn, xóm để thành lập chi bộ mới.
Tôi có dịp gặp đồng chí Hoàng Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Định Hóa, Kim Sơn, một trong 2 cán bộ được xã “chọn mặt gửi vàng” luân chuyển về làm bí thư chi bộ xóm 12, xóm Công giáo toàn tòng nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên là người có đạo và là một trong những chi bộ ghép cần “xóa trắng”.
Đồng chí Tuấn đã có những chia sẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm: “Tôi nghĩ tôi được xã chọn là cán bộ xuống cơ sở bởi tôi đã có kinh nghiệm là Bí thư chi bộ xóm 6 xã Định Hóa khá nhiều năm, từ năm 2001 đến năm 2014. Khi xuống một xóm Công giáo toàn tòng như xóm 12, chỉ định là Bí thư chi bộ ghép này, lúc đầu tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ bởi ở đây 191 hộ với 557 nhân khẩu đều là người có đạo, công tác vận động, thuyết phục người dân tham gia các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đã khó chứ chưa nói đến việc tìm ra những nhân tố nổi trội để Đảng xem xét kết nạp.
Việc đầu tiên tôi làm là tạo mối quan hệ với các chức sắc, chức việc nơi đây; gây dựng niềm tin của dân với Đảng bằng những việc làm cụ thể với tinh thần “đảng viên đi trước”; cùng với đó phát hiện ra những người có đủ điều kiện, chín muồi để xóa trắng đảng viên, trắng chi bộ vùng Công giáo mà mình được giao.
Tôi thấy ông Lê Văn Thế, nguyên là Chánh trương xứ Hóa Lộc, Xóm trưởng xóm 12 là người hoàn toàn có đủ điều kiện để báo cáo Đảng ủy xã đưa vào nguồn kết nạp. Ông Thế vừa nhiệt tình trong các phong trào địa phương, lại vừa có tiếng nói đối với người có đạo nơi đây, nếu bồi dưỡng, kết nạp được sẽ mở ra nhiều hướng phát triển, hướng đi trong công tác phát triển đảng viên ở xóm Công giáo toàn tòng này”. Nhận định này của đồng chí Tuấn đã được Ban Thường vụ Đảng ủy xã nhất trí cao.
Đồng chí Hoàng Xuân Quý, Bí thư Đảng ủy xã Định Hóa bày tỏ: Với kinh nghiệm nhiều năm làm Bí thư chi bộ cùng sự nhiệt huyết, trách nhiệm, đồng chí Tuấn đã có những nhận định đúng đắn, tham mưu kịp thời cho Đảng ủy xã trong việc chọn đúng người, chọn đúng thời điểm để giải quyết “nút thắt” trong phát triển đảng và xóa trắng chi bộ ghép.
Từ khi đồng chí Lê Văn Thế được kết nạp vào Đảng, ông đã phát huy được vai trò của mình, đặc biệt với uy tín trong đồng bào có đạo, ông đã xóa được định kiến vào Đảng là “nhạt đạo, khô đạo” của thôn Công giáo toàn tòng này và làm tốt công tác phát triển đảng viên tại chi bộ. Đại hội cấp cơ sở tới đây, chúng tôi sẽ rút đồng chí Tuấn về bởi thời gian chuyển sinh hoạt đảng cũng đã lâu và đồng chí đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao.
Những “đảng viên luân chuyển” ở Kim Sơn và Yên Mô đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi trong năm 2018 đã hoàn thành việc xóa thôn, xóm chưa có chi bộ; đến nay 100% các thôn, xóm, bản, tổ dân phố trong Đảng bộ tỉnh đều có chi bộ. Những xóm Công giáo toàn tòng đều đã có tổ chức Đảng lãnh đạo.
Việc xóa trắng chi bộ, trắng đảng viên hay kết nạp chức sắc tôn giáo vào Đảng đã tạo điểm nhấn sinh động trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình thời gian qua bởi nó là những việc làm khó, nhạy cảm. Để có được kết quả như thế, để có được “hoa thơm trái ngọt”, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong toàn Đảng bộ đã phải trăn trở để tìm ra hướng đi đúng nhất. Bài toán phát triển đảng viên là người có đạo một thời gian dài đã gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những phương pháp, cách làm mới để giác ngộ những người có đạo đi từ đức tin đến niềm tin, nguyện đứng dưới cờ Đảng.
Kỳ 2: Đãi cát tìm vàng
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phát triển đảng viên là một bài toán khó. Với những người có đạo càng khó hơn. Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh về công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên là người có đạo nói riêng thì trên 90% những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đều có chung câu trả lời là rất khó và nan giải, nhất là vừa đảm bảo “chất” và “lượng” như yêu cầu. Cận cảnh những khó khăn tại cơ sở mới thấy không có con đường nào trải hoa hồng bởi ngoài những khó khăn khách quan còn rất nhiều rào cản đặc thù.
Thừa nhưng vẫn… thiếu
Khi chúng tôi tìm hiểu về thực trạng phát triển đảng viên là người có đạo tại Yên Mô, câu trả lời của đồng chí Vũ Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy khiến chúng tôi khá bất ngờ bởi tại địa phương này không thiếu nguồn, nhưng nguồn “ảo”, nghĩa là tồn tại thực trạng thanh niên có nhiều nhưng thiếu quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng; nguồn nhiều nhưng không có nguồn thực sự bởi số thanh niên tại nơi cư trú thì đi làm tại các khu, cụm công nghiệp, hầu như không tham gia các hoạt động tại địa phương, có tình trạng nhiều khu dân cư tuy có tổ chức đoàn nhưng lại “trắng” về sinh hoạt. Tôi đi vào kỹ hơn vấn đề.
- Hầu hết các địa phương đều thiếu nguồn do thanh niên đi làm ăn xa, ở Yên Mô lại thừa?
- Thừa mà lại thiếu, nghịch lý là ở chỗ đó, thừa thanh niên nhưng thiếu những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách. Số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn rất ít bởi ban ngày họ đi làm, tối mới về nhà nên “có cũng gần như bằng không”. Trong khi đó, chỉ tiêu kết nạp đảng vẫn phải thực hiện theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra nên có lúc khó quá có nơi, có thời điểm đã dùng đến “nguồn ép”, nghĩa là kết nạp những quần chúng chưa thực sự là tiêu biểu, ưu tú rồi bồi dưỡng, nâng cao dần.
- Vậy đảm bảo số lượng nhưng chất lượng thì sao, có tỷ lệ nghịch không?
- Chính vì để giải quyết bài toán cân bằng giữa “lượng” và “chất” trong phát triển đảng viên là người có đạo, chúng tôi đã mày mò, tìm nhiều hướng đi mới, trong đó tập trung vào đối tượng người có đạo là chức sắc tôn giáo.
- Vận động quần chúng là người có đạo đã khó, tại sao Yên Mô lại nghĩ tới đối tượng là các vị chức sắc, một việc như khó chồng thêm khó?
- Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã gợi mở cho Ban Tổ chức Huyện ủy mạnh dạn vận động chức sắc tôn giáo vào Đảng bởi đó là những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, khi họ đứng trong hàng ngũ của Đảng thì sẽ phát huy được vai trò trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng tới nhân dân.
Thế nhưng từ khi ý tưởng này manh nha đến khi được hiện thực hóa cũng mất một thời gian khá dài bởi nhiều năm qua trên địa bàn toàn tỉnh chưa kết nạp được chức sắc “đương chức” nào vào Đảng, làm thế nào, bắt đầu ra sao, liệu có khả quan... là một loạt câu hỏi luôn được đặt ra đòi hỏi cách làm thực sự khoa học, sáng tạo và linh hoạt.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Mô Đinh Văn Hậu, tác giả của sáng kiến mang tính đột phá là kết nạp chức sắc tôn giáo vào Đảng cho chúng tôi biết thêm: Một thực trạng đáng buồn khi một số thanh niên ra trường, nhất là người có đạo phấn đấu vào Đảng chỉ để thuận lợi trong xin việc làm tại địa phương với chính sách thu hút bằng giỏi và là đảng viên là được ưu tiên xét tuyển và càng ưu tiên hơn với những người có đạo.
“Tôi nghĩ các em cũng tốt cả thôi vì đã có nền học thức, nhất là những em tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi nhưng vào Đảng chỉ để mỗi thuận lợi trong việc dễ tuyển dụng thì nhận thức còn lệch lạc quá, chín ép quá. Tôi muốn những đảng viên mà các đảng bộ, chi bộ bồi dưỡng, rèn luyện để kết nạp phải là những đảng viên thực sự thiết tha với Đảng chứ không theo xu hướng “thực dụng” thì các em nói trong đồng bào có đạo người ta mới nghe”. Đó không phải chỉ là thực tế tại Yên Mô mà ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh.
Những rào cản đặc thù
Cùng quan điểm với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Mô, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn Hoàng Văn Thắng, địa phương được ví là “thủ đô Công giáo” của cả nước cho biết: Trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo, điều đáng quan tâm hiện nay là có một bộ phận thanh niên chưa tha thiết đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nhiều người có đạo, nhất là người trẻ luôn đặt ra những câu hỏi “Vào Đảng để làm gì, vào Đảng được gì” và “Vào Đảng có bị mất niềm tin với Chúa, có nhạt đạo, khô đạo”... Đồng chí Lê Văn Thế, Bí thư chi bộ xóm 12, xã Định Hóa, Kim Sơn kể lại cho chúng tôi về ngày “Mặt trời chân lý chói qua tim” của ông: “Với đồng bào Công giáo, thời điểm 5 năm trước đây khi tôi tự nguyện viết đơn xin vào Đảng, cũng có nhiều ý kiến khuyên can bởi tôi nguyên là Chánh trương xứ Hóa Lộc, làm Xóm trưởng xóm 12, xóm Công giáo toàn tòng gần 40 năm, bà con giáo dân rất tin tưởng. Họ sợ khi tôi vào Đảng sẽ xa đạo nhưng bằng những việc làm cụ thể, đến nay tôi đã chứng minh được vào Đảng là “tốt đời đẹp đạo”. Nhưng người Công giáo trong xóm tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng vẫn không nhiều, chỉ chủ yếu là người trẻ”.
Trong quá trình cùng với cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, đồng chí Thế nhận ra một thực trạng là xu hướng “thực dụng” trong việc phát triển đảng viên tại một bộ phận nhỏ của thanh niên có đạo. Nhiều thanh niên vào Đảng là để dễ vào biên chế, thuận lợi trong quá trình xin việc...
Tìm hiểu thêm ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Sơn, chúng tôi còn nhận thấy, ở thôn, xóm, một số chi bộ còn tư tưởng hẹp hòi khắt khe trong việc xem xét nguồn bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa tạo được động lực để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia trong các phong trào thi đua ở cơ sở.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên, hội viên chưa sâu rộng; trong nội bộ tổ chức cơ sở đảng, một số đảng viên tính tiền phong gương mẫu chưa cao; trong sinh hoạt chi bộ, nội dung nghèo nàn, khô khan, thiếu sức hấp dẫn, đấu tranh tự phê bình và phê bình chỉ lấy lệ, ngại đụng chạm đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phấn đấu của quần chúng ưu tú, nhất là người có đạo bởi với họ đức tin là quan trọng nhất; khi đức tin trở thành niềm tin thì “Đảng”, “đạo” và “đời” sẽ tự quyện hòa trong họ.
Một khó khăn mang tính đặc thù trong tạo nguồn phát triển đảng tại Kim Sơn nói riêng, tại tỉnh Ninh Bình nói chung là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào có đạo về chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.
Việc tuyên truyền vận động quần chúng có đạo ở một số cán bộ còn có tư tưởng chờ nguồn tự phát; thực hiện các quy định, thủ tục về điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp đảng viên còn có biểu hiện máy móc, cứng nhắc, một số cấp uỷ cơ sở chưa nắm vững nghiệp vụ về công tác đảng viên, còn lúng túng trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện. Số quần chúng ưu tú được bồi dưỡng qua lớp nhận thức về Đảng nhiều nhưng tỷ lệ được kết nạp chưa cao, nhất là đối với quần chúng ưu tú có đạo là nữ, có chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên.
Ở một số vùng mà tỷ lệ người dân theo đạo cao gần 100% thì nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo chưa tạo điều kiện cho giáo dân tham gia các hoạt động xã hội, phấn đấu vào Đảng, cá biệt có nơi còn gây khó khăn, cản trở. Tỷ lệ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp thôn, cấp xã là người có đạo còn ít, ảnh hưởng đến tâm lý, động lực phấn đấu của quần chúng.
Tại các huyện có đông đồng bào có đạo như Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan, việc kết nạp đảng viên là người có đạo cũng gặp những khó khăn đặc thù như: Có nhiều quần chúng có đạo hội tụ các điều kiện để có thể xem xét, bồi dưỡng cảm tình đảng và cũng có nguyện vọng tha thiết muốn vào Đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số hoặc quá tuổi quy định, phải xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, trình độ học vấn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến “chất” và “lượng” khi kết nạp đảng viên là người có đạo bởi ở một số thôn, xóm có tỷ lệ đồng bào có đạo cao hoặc các thôn Công giáo toàn tòng trình độ học vấn của một số quần chúng được đưa vào danh sách “đỏ” để xem xét kết nạp lại chưa đủ điều kiện...
Đồng chí Mai Văn Tuất, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Để có được những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo, trở thành điểm sáng của toàn quốc, Ninh Bình cũng đã mất nhiều thời gian để từng bước gỡ khó, giải những “nút thắt” cả khách quan, cả đặc thù; có những thời điểm khó khăn thì việc phát triển đảng viên trong đồng bào có đạo như “đãi cát tìm vàng”, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”. Vậy Ninh Bình đã làm gì và làm như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Kỳ 3: Đủ nắng hoa sẽ nở
Khó khăn chồng chất khó khăn, từ loay hoay tìm nguồn đến gỡ những rào cản đặc thù với mong muốn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đã đặt ra yêu cầu bức thiết với Đảng bộ tỉnh Ninh Bình trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo nhằm hướng đến mục tiêu chung: Xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, có tính kế thừa và phát triển. Cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã giúp chúng tôi có cái nhìn khái quát nhất về những cách làm của Đảng bộ để giải bài toán phát triển đảng viên là người có đạo.
Nhân những “hạt giống đỏ”
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, tại sao Ninh Bình lại chọn một việc rất khó - phát triển đảng viên là người có đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ này”?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Trước tiên phải khẳng định phát triển đảng viên hiện nay ở một số lĩnh vực như trong các doanh nghiệp, ở vùng đồng bào có đạo… là việc khó nhưng khó vẫn phải quyết tâm làm thì mới chống được xu hướng “già hóa” báo động ở các chi bộ thôn, xóm.
Từ đó, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo tính kế thừa và phát triển trong Đảng. Khó nên mới phải chọn ra những nơi, những việc có thể “giải khó”. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã họp bàn nhiều lần để đi đến thống nhất ban hành một số nghị quyết chuyên đề về kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp, công nhân và người có đạo; tuy nhiên xác định rất rõ: Trong công tác phát triển đảng viên, chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo, coi đây như việc nhân những “hạt giống đỏ” cho Đảng bởi đặc thù của Ninh Bình là tỉnh có 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo.
Những người có uy tín trong các tôn giáo này nếu đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ là những nhân tố rất tốt để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Đồng thời, những đảng viên là người có đạo, nhất là chức sắc, chức việc sẽ là “cánh tay nối dài” của những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng khi tiếp tục làm tốt việc phát triển đảng viên mới là các tín đồ trong tổ chức giáo hội của họ.
Thực tiễn đã cho thấy chủ trương này là đúng đắn bởi những đảng viên là người có đạo được đứng trong hàng ngũ của Đảng thời gian qua hầu hết là đảng viên trẻ có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì thế, tôi khẳng định, ở Ninh Bình, nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo đã nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước; góp phần kịp thời bổ sung được lớp kế cận cho Đảng, “tre già măng mọc” theo đúng quy luật.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo
P.V: Có nghĩa là Ninh Bình không nằm trong bối cảnh chung của cả nước về công tác phát triển đảng viên?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Về các yếu tố khách quan, Ninh Bình không nằm ngoài tình hình chung của cả nước bởi trong xu thế phát triển chung, không ít thanh niên sống thiếu lý tưởng, có tình trạng “nhạt Đoàn, phai Đảng”; số còn lại thì đi làm ăn xa, thiếu nguồn tại chỗ. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán về công tác phát triển đảng viên, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt.
Có những giải pháp chỉ triển khai trong một thời gian ngắn, mang tính thời điểm; có những giải pháp mang tầm vĩ mô, bền vững và tất cả đều đòi hỏi sự chung tay, nỗ lực của cả hệ thống chính trị để phát triển đảng viên là người có đạo đạt được cả “chất” và “lượng”, là “đòn bẩy” để làm tốt công tác phát triển đảng viên mới nói chung. Nếu nói ví von hình ảnh là “đủ nắng hoa sẽ nở”, khi các giải pháp được đồng bộ và phát huy tác dụng thì hiệu quả đạt được sẽ như mong muốn.
P.V: Đồng chí có thể chia sẻ một ví dụ về giải pháp mang tính thời điểm mà Ninh Bình đã triển khai?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện quyết liệt việc xóa xóm trắng chi bộ để khắc phục tình trạng chi bộ ghép ở Yên Mô và Kim Sơn. Những thôn, xóm này là các khu dân cư Công giáo toàn tòng nên người dân còn nhiều định kiến trong việc vào Đảng.
Các cấp ủy và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, sâu sát, quyết liệt với nhiều cách làm, nhiều giải pháp sáng tạo, sát với thực tiễn, nhiều khi cán bộ tổ chức “biên chế” tại chi bộ để có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào có đạo, kịp thời có những điều chỉnh cụ thể, linh hoạt. Đến nay, Ninh Bình đã về đích việc xóa xóm trắng chi bộ. Nói thì đơn giản nhưng là công sức của cả tập thể, cả một hệ thống thì “nút thắt” lâu ngày này mới được gỡ và chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo để không “tái trắng”.
P.V: Về vĩ mô, đâu là những chỉ đạo khác biệt để làm nên một bức tranh phát triển đảng ở Ninh Bình khác với các địa phương khác trong cả nước, trở thành điểm sáng trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Điểm khác biệt đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Ninh Bình đã gắn kết chặt chẽ công tác phát triển đảng với các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Ban tuyên giáo các cấp đã mở nhiều lớp để nâng cao nhận thức về Đảng cho đồng bào có đạo, nhất là các chức sắc, chức việc qua việc tổ chức học tập các chuyên đề theo Chỉ thị 05, từ đó bồi đắp tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đảng. Đó là cách làm “mưa dầm thấm lâu” để tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người có đạo để biến đức tin thành niềm tin.
Các địa phương cũng đã bám sát 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trên cơ sở đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, đó là cơ sở, là nền tảng vững chắc cho công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa: Để làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo, ngoài những cách làm sáng tạo rất cần những yếu tố điển hình, mang tính nêu gương - Đó là những con người cụ thể với phương châm hành động “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đó là mấu chốt của thành công.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Trên cơ sở chỉ tiêu Đại hội đề ra của cả nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm, trong đó chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo.
Đối với các vùng có đông đồng bào có đạo, cấp ủy cấp trên cơ sở ra nghị quyết chuyên đề về công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. Lễ kết nạp đảng viên là người có đạo được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định; tại buổi lễ kết nạp có thể mời gia đình của đảng viên, đại diện các tổ chức quần chúng và chức sắc, chức việc tôn giáo cùng dự để động viên, tăng sức mạnh tuyên truyền, vận động, giác ngộ đối với đồng bào có đạo.
Các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng là người có đạo, có thể gọi là tạo “cơ chế đặc thù” như: bố trí, sắp xếp thời gian phù hợp để mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại địa phương nơi có đông đồng bào theo đạo; hỗ trợ về kinh phí đáp ứng điều kiện để học viên yên tâm học tập.
Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tâm tư, nguyên vọng chính đáng của đồng bào có đạo để giải quyết kịp thời, đảm bảo theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững tình hình an ninh chính trị ở cơ sở, đồng bào có đạo được thực sự “sống tốt đời đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “kính Chúa yêu nước”.
Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên xây dựng tốt mối quan hệ với các chức sắc, chức việc tôn giáo, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa “đạo” và “đời” thông qua các hoạt động giao lưu, gặp mặt, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đây là nội dung cơ bản, thường xuyên, lâu dài, có ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và công tác phát triển đảng viên cũng như công tác dân vận đối với đồng bào có đạo.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khoa học, sáng tạo, Ninh Bình đã thành công bước đầu trong phát triển đảng viên là người có đạo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh kết nạp được 40 đảng viên là người có đạo, nâng tổng số đảng viên là người có đạo trên địa bàn lên 1.880/71.555 đảng viên. Những đảng viên này khi đứng trong hàng ngũ của Đảng có thực sự phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu? Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã bố trí, sử dụng đảng viên là người có đạo như thế nào để những “hạt giống đỏ” nảy mầm “xuân”.
Kỳ 4: Trái ngọt
Khi những giải pháp được triển khai đồng bộ, khoa học đã góp phần làm nên những “trái ngọt” trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo tại Ninh Bình. Nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo đã ủng hộ, thậm chí không tiếc công sức, thời gian vận động người dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước để có thể được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiều đảng viên là người có đạo đã được giao giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
"Tôi ủng hộ!”
Câu nói tưởng chừng đơn giản như thế nhưng để các chức sắc, chức việc tôn giáo nói ra với những con chiên, phật tử của mình không phải đơn giản. Và quả thật, như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận định, để thành công trong phát triển đảng viên là người có đạo, yếu tố con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định. Và có đi mới thấy hết được để có được sự hợp tác từ các chức sắc tôn giáo là một quá trình bền bỉ, kiên trì của cả hệ thống chính trị từ lúc đặt những viên gạch nền móng đầu tiên để xây dựng và duy trì mối quan hệ, để xây những nhịp “cầu” thắt chặt quan hệ giữa Đảng, chính quyền với các tôn giáo.
Đồng chí Phan Văn Nghiễm, Bí thư chi bộ thôn Lãng Nội, thôn Công giáo toàn tòng ở xã Gia Lập, huyện Gia Viễn tiếp chúng tôi khi đang bàn bạc với chi ủy về việc chuẩn bị kết nạp một quần chúng sinh năm 1994, là người có đạo vào Đảng. Cơ hội hiếm gặp, chúng tôi dồn dập đặt những câu hỏi cho người bí thư chi bộ lâu năm này về những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển đảng viên mới ở thôn Công giáo toàn tòng, ông chỉ cười: “Chẳng biết các nơi khác thế nào chứ ở đây chúng tôi thuận lợi lắm, nhất là cha xứ, tuyệt vời luôn!”. Và không để tôi kịp hỏi thêm, ông lấy điện thoại ra:
- Cha ơi, cha có ở nhà thờ không? Cha pha cà phê, 15 phút nữa con ra thưởng thức cà phê của cha, có chút việc nhỏ nữa...
Và thế là trên chiếc xe máy cũ kỹ nhưng còn khá tốt của ông, chúng tôi vào Nhà thờ Giáo xứ Lãng Nội và có cuộc tiếp xúc với linh mục Trần Công Hoan, người phụ trách giáo xứ này. Nhẹ nhàng, trầm ấm nhâm nhi ly cà phê đen, khi chúng tôi hỏi những vấn đề thời sự, về tình hình tôn giáo, về quan điểm của cá nhân khi những giáo dân của mình phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng, linh mục Trần Công Hoan chậm rãi nói: Làm gì, gia nhập tổ chức nào miễn là những con chiên của tôi sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước. Tôi ủng hộ việc phấn đấu vào Đảng nên chi bộ của ông Nghiễm mới có đảng viên chứ.
Quả thật, nhìn vào số lượng đảng viên của thôn Công giáo toàn tòng Lãng Nội tôi không khỏi ngạc nhiên bởi số lượng đảng viên lên đến 28 người và những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên mới được chi bộ duy trì rất tốt, năm nào cũng kết nạp được ít nhất 1 đảng viên với tuổi đời rất trẻ.
Và tôi cũng hiểu rằng làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của những đảng viên là người có đạo trong cấp ủy như ông Nghiễm phải có sự ủng hộ, đồng tình, tạo điều kiện của cha xứ nơi đây. Và sự ủng hộ ấy có được là bởi các cấp ủy đảng, chính quyền từ thôn đến xã, đến huyện và tỉnh đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với chức sắc, chức việc tôn giáo thông qua những việc rất lớn như xem xét giải quyết vấn đề đất đai tôn giáo hay xây sửa nhà thờ, xây dựng nông thôn mới, làm cho đời sống người dân Lãng Nội ngày càng khá giả, xóm làng ngày càng hiện đại, văn minh đến những việc rất nhỏ và thường xuyên như giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi chúc mừng những ngày lễ, Tết...
Nhìn ngọn tháp Nhà thờ Lãng Vân (Giáo xứ Lãng Nội) cao vút vươn lên giữa trời thu rực rỡ nắng vàng, giữa xóm làng trù phú, soi bóng bên đầm Vân Long - Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa được công nhận là khu Ramsar thế giới thứ 9 của Việt Nam mới thấy hết sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các chức sắc Công giáo và cộng đồng giáo dân nơi đây, mới thấy hết sức mạnh của sợi dây liên kết, sự hòa quyện giữa “đạo” và “đời”, mới hiểu hết ý nghĩa của những cụm từ “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước”.
Để có được những “trái ngọt” trong kết nạp đảng viên là người có đạo thì việc kết nối được với các chức sắc tôn giáo để họ đồng tình và ủng hộ là yếu tố rất quan trọng. Ninh Bình đã làm được điều ấy với cả 2 tôn giáo lớn đang song hành trên địa bàn là Công giáo và Phật giáo.
Trở lại câu chuyện kết nạp đảng viên của Đại đức Thích Thanh Sự, người luôn ủng hộ, đồng hành với ông trong quá trình giác ngộ để trở thành đảng viên là Đại đức Thích Thanh Mạnh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Yên Mô. Không chỉ nói “Tôi đồng ý” mà Đại đức Thích Thanh Mạnh còn là người trực tiếp viết nhận xét về cấp dưới của mình để lưu trong hồ sơ đảng viên của Đại đức Thích Thanh Sự (tên thật là Nguyễn Ngọc Sự).
Đồng hành trên con đường tu hành, ủng hộ những việc làm vì cuộc sống cộng đồng, động viên, khích lệ để cố gắng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, với một chức sắc tôn giáo phải chịu nhiều ràng buộc của giáo lý, giáo luật như Đại đức Thích Thanh Mạnh không phải ai cũng làm được điều đó. Và đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô cũng tiết lộ “bí mật” cho tôi rằng Đại đức Thích Thanh Mạnh là “hạt mầm đỏ” mà những người làm công tác tổ chức đang “nhắm” tới khi đề ra những giải pháp để tăng cường hơn nữa công tác phát triển đảng viên là người có đạo theo hướng bền vững, lâu dài.
Những đảng viên “3 trong 1”
Đó là những đảng viên là người có đạo khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng tiếp tục phát huy được năng lực, sở trường của mình; được bố trí, sử dụng trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục gánh tròn hai vai “đạo” và “đời”.
Con đường mà họ đã trải qua không ít khó khăn, lực cản nhưng những lãnh đạo đặc thù này luôn cảm thấy hạnh phúc vì vẫn trọn “đạo”, không “nhạt đạo, phai đạo”; vinh dự, tự hào vì được Đảng tin dùng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cũng là những tấm gương sống cho đồng bào có đạo phấn đấu theo, là động lực để những quần chúng có đạo thêm một niềm tin, một tình yêu thiết tha với Đảng.
Nhắc đến Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn (huyện Nho Quan) Nguyễn Anh Văn, người ta thường trìu mến gọi ông là ông “Văn lúa” bởi cho đến bây giờ, khi đã là một cán bộ đứng đầu một xã, ông vẫn xuống đồng cấy lúa và hướng dẫn cho bà con cách thức gieo cấy sao cho đạt hiệu quả cao với phương châm “Cầm tay chỉ việc” như vãi lúa thế nào, xử lý ra sao khi lúa bị sâu bệnh...
Người dân tin ông, yêu ông, mến ông bởi phong cách giản dị, gần gũi, không quan cách. Ông có thói quen ngày 2 lần tự đi một vòng quanh xã vào buổi sáng, trước khi đến cơ quan và buổi chiều khi đã kết thúc ngày làm việc. Việc đó duy trì đều đặn từ khi ông mới chỉ là chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đến khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã, từ vòng quay đều của bánh xe đạp và bây giờ là tiếng máy nổ đều đặn của chiếc xe máy đã cũ. Rất nhiều lần từ những chuyến “thị sát” thường xuyên như thế mà ông đã phát hiện ra những vấn đề bất cập, cấp thiết của xã để có những lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Người dân trong xã còn bảo “Tôi quý ông “Văn lúa” bởi lúc nào, đi đâu, gặp ở đâu ông ấy cũng chào chúng tôi trước, nhiều khi chào trước mà không kịp vì ông ấy nhanh như chớp, thấy mình được tôn trọng lắm. Có những khi có việc xảy ra trong xã, ông đi từng nhà, hỏi cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ để giải quyết hợp tình hợp lý, hợp lòng dân. Cán bộ là phải trọng dân như thế, đảng viên là phải đi đầu như thế mặc dù nhà ông ấy còn khó khăn, làm nhà 3 lần vắt qua 2 thế kỷ mới xong được cái nhà đang ở bây giờ với 4 thế hệ”.
Những điều được nghe, được thấy về ông “Văn lúa” khiến chúng tôi nể phục người đảng viên “3 trong 1” này bởi ông được biết đến là người có đạo có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đám cưới con ông có tới 6 linh mục tới dự, việc đạo việc đời ông vẫn thực hiện song hành với phương châm “Kính Chúa yêu nước”, “Tốt đời đẹp đạo” và dù là ai, dù theo tôn giáo nào thì vẫn luôn hướng tới sống đẹp, sống vì mọi người, sống để cống hiến cho sự phát triển chung.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phát Diệm là 1 trong 2 đồng chí huyện ủy viên là người có đạo trên địa bàn huyện Kim Sơn mà chúng tôi có nhiều thời gian để trò chuyện. Cái chất mộc mạc, giản dị, thật thà, đầy đức tin của một người Công giáo khiến tôi cảm thấy mát lòng trong một ngày nắng gắt.
Đồng chí cho biết được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ ngày 9-1-1997 và từ đó đánh dấu một bước chuyển trong cuộc đời của mình, mở ra những tháng ngày bền bỉ không ngừng học tập, nâng cao trình độ để xứng đáng là người đảng viên.
Đồng chí Phạm Văn Hùng tâm sự: Tôi thấy may mắn và vinh dự khi được tổ chức phân công giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy thị trấn Phát Diệm, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện Kim Sơn. Tôi luôn tâm niệm cống hiến hết sức, làm việc hết mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đưa Đảng bộ thị trấn ngày một phát triển, thắt chặt đoàn kết lương - giáo. Với vai trò là một huyện ủy viên, đồng chí Hùng luôn tích cực tham gia vào việc tạo nguồn, phát triển đảng viên là người có đạo, góp phần đưa Kim Sơn trở thành điểm sáng của cả tỉnh trong công tác này.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn, việc bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người có đạo được chú trọng; cấp huyện có 2 đồng chí huyện ủy viên là người có đạo, trong đó 1 đồng chí có trình độ chuyên môn thạc sỹ, trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Đối với cấp xã có 37 đồng chí tham gia Ban Chấp hành đảng bộ xã, thị trấn là người có đạo, trong đó có 16 đồng chí cán bộ chủ chốt. Trong số 16 đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã là người có đạo, 9 đồng chí có trình độ đại học, 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Kim Sơn cũng là địa phương thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, tăng cường cho các xã vùng có đông đồng bào có đạo, làm tốt công tác quản lý đảng viên là người có đạo sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của Đảng.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Mai Văn Tuất cho biết thêm: Việc bố trí, sử dụng đảng viên là người có đạo là vấn đề được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban tổ chức cấp ủy các cấp chú trọng để đảng viên là người có đạo tích cực trong rèn luyện thực tiễn, phát huy tính tiền phong gương mẫu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Đây cũng được coi là một giải pháp quan trọng để thực hiện công tác phát triển đảng viên là người có đạo.
Lực lượng cốt cán tôn giáo này đã tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức cho đồng bào có đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy ảng, chính quyền và quần chúng nhân dân với phương châm: Lấy tôn giáo giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo.
Từ những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo trong thời gian qua, Ninh Bình cần làm gì để phát huy những thành quả đạt được và khắc phục triệt để những khó khăn, hạn chế đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng, thích ứng với những biến đổi mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0?
Kỳ 5: Tìm lối mở trong kỷ nguyên 4.0
Khi xu thế đô thị hóa nông thôn đang phát triển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc ra như “nấm sau mưa” thì việc tìm nguồn phát triển đảng viên lại càng gặp nhiều khó khăn, nhất là với quần chúng là người có đạo. Vậy tại sao Ninh Bình vẫn đảm bảo yếu tố “lượng” và “chất” trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo, khiến “xương rồng nở hoa”. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn Ninh Bình là gì và đâu là những giải pháp có thể triển khai trong thời gian tới để giải bài toán khó này bên cạnh những giải pháp đã thực hiện để phù hợp với bối cảnh của kỷ nguyên 4.0?
Bài học từ thực tiễn Ninh Bình
Có thể khẳng định, từ những khó khăn, những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế thì thành công trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình xuất phát từ yếu tố con người. Đây chính là bài học quan trọng nhất mà Ninh Bình đã có được sau một thời gian loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán phát triển đảng viên là người có đạo. Trong cuộc trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh, đồng chí đã phân tích rất kỹ vấn đề này: Con người ở đây trước hết là những người lãnh đạo có “tâm” và có “tầm” trong cả hệ thống chính trị. Để có sự thành công nổi bật này, phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp mà cụ thể hóa bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tiễn từng địa phương về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Yếu tố con người ở đây còn là những đảng viên là người có đạo có tiếng nói, có sức ảnh hưởng lớn trong quần chúng nhân dân.
Nếu biết sử dụng những đồng chí này làm “cánh tay nối dài” thì việc tuyên truyền, thuyết phục người có đạo sẽ dễ dàng, thuận lợi. Con người ở đây còn là những chức sắc, chức việc tôn giáo; nếu duy trì, củng cố, nâng cao mối quan hệ với các chức sắc, chức việc các tôn giáo, công tác phát triển đảng viên là người có đạo sẽ có rất nhiều thuận lợi vì với người có đạo, đức tin, sự chân thành là quan trọng nhất. Con người ở đây còn là việc bố trí, sử dụng, đào tạo đảng viên là người có đạo để tạo động lực cho họ, để quần chúng có đạo nhìn vào mà noi theo, để người có đạo thấy được quyền và lợi ích khi đứng trong hàng ngũ của Đảng chứ không phải chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ, để không còn những câu hỏi “Vào Đảng để làm gì, vào Đảng để được gì”. Yếu tố con người nhìn ở tầm vĩ mô hơn là những nhà lãnh đạo trong hoạch định chính sách, trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, của cơ sở với quan điểm: Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng ngày được nâng cao.
Bài học thứ hai từ thực tiễn Ninh Bình chính là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên phải nắm vững chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tập trung hướng về cơ sở nhất là vùng đồng bào có đạo, qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo để tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người có đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó mới tạo ra được những “hạt giống đỏ” để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Bài học đoàn kết còn là sự chung tay của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu chung là để có nhiều hơn những quần chúng có đạo ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bài học về đổi mới tư duy, cách làm, nhất là với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng để có những tham mưu đúng, trúng, kịp thời, sát với thực tiễn cho cấp ủy các cấp. Phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nhất là những việc mới, việc khó, những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định. Đó là đòi hỏi cao đối với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, có sự hòa quyện với công tác tư tưởng, công tác dân vận để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Không ai trả công khi nói chuyện, vận động hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời để một người chức sắc tôn giáo có thể “mở lòng” giác ngộ vào Đảng. Rồi bắt kịp khi nào là thời điểm “chín muồi” để xóa xóm trắng đảng viên, trắng chi bộ, để những “mầm xanh” trở thành “hạt giống đỏ” trong Đảng... Câu trả lời duy nhất là chúng ta phải biết khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị mà trước hết là đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Bài học về sự nêu gương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác phát triển đảng viên là người có đạo cũng có thể nhìn thấy rõ từ thực tiễn triển khai tại Ninh Bình. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, lan tỏa những hành động đẹp trong người có đạo đã được triển khai và đi vào thực tiễn sinh động, như tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phong trào hiến giác mạc. Ninh Bình trở thành địa phương tiêu biểu trong cả nước trong phong trào hiến giác mạc. Sự nêu gương còn thể hiện ở những đảng viên là người có đạo khi giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đã tiếp tục sống trọn vẹn 2 vai “đạo” và “đời”.
Đề xuất giải pháp mở thời 4.0
Đến nay, tuy chưa kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020 nhưng số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đều đạt và vượt, trong đó tỷ lệ đảng viên là người có đạo cao; chất lượng đảng viên ngày càng được nâng lên. Nhưng cuộc cách mạng 4.0 có những yêu cầu phát triển riêng của nó. Khảo sát từ thực tiễn cơ sở, nhóm phóng viên chúng tôi thấy có một số giải pháp có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên là người có đạo trong thời gian tới.
Đồng chí Hà Thế Anh, Phó Bí thư Huyện đoàn Gia Viễn nêu quan điểm: Trong công tác phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên ưu tú để giới thiệu cho Đảng thì có 2 việc chính là: Giải quyết vấn đề thanh niên đi làm ăn xa và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là trong thời “lên ngôi” của các mạng xã hội như zalo, facebook… như hiện nay. Thế Anh nhấn mạnh với chúng tôi, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức bức thiết và thực hiện càng sớm càng tốt, ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đồng quan điểm này, nhiều người trực tiếp làm công tác tổ chức xây dựng Đảng cũng nêu ra những giải pháp mở, có tính đổi mới để làm tốt công tác này. Đồng chí Trần Việt Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nho Quan nhấn mạnh: Chúng ta cần đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cuốn hút, phù hợp với lứa tuổi, giáo dục từ khi còn trong các trường THCS, Trường THPT. Có thể mạnh dạn tạo các trang facebook, zalo chính thống để định hướng các em có những mục tiêu, lý tưởng đẹp, bồi đắp tình yêu với Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó có sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, phản động, bôi xấu Đảng và Nhà nước, tránh xu hướng đám đông, có bản lĩnh chính trị và nhận thức đúng đắn ngay còn trên ghế nhà trường. Ngoài các hoạt động giáo dục trực tiếp thông qua nói chuyện, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, có thể trực tuyến những cuộc nói chuyện truyền thống, các chuyến đi về nguồn, những thước phim tư liệu xúc động ... trên các mạng xã hội để nâng cao tính tương tác và nhiều em học sinh, sinh viên có thể tiếp cận được vì hiện tại các em đang sống trong không gian “ảo” nhiều. Theo cách làm bồi đắp dần, phù hợp với xu thế thời đại thì những “búp măng non” sẽ lớn lên dần trong “mùa cách mạng”, có những nhận thức ban đầu về Đảng và có động cơ phấn đấu đúng đắn.
Một vấn đề khá nan giải nữa là giải quyết thực trạng thanh niên đi làm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chỉ có mặt ở nơi cư trú vào buổi tối dẫn tới gặp khó khăn khi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Theo quan điểm của chúng tôi, trong kỷ nguyên 4.0 có thể áp dụng hình thức học trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, vừa linh hoạt về địa điểm học để nhiều người có thể tham gia khóa học, bồi đắp dần nhận thức về Đảng. Với hình thức này, mỗi người có thể tham gia nhiều khóa học, linh hoạt về thời gian, địa điểm tiếp nhận. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức làm bài viết thu hoạch sau khi kết thúc khóa học thành bài trắc nghiệm để tránh tình trạng hình thức, sao chép trên mạng, sao chép của nhau. Giải pháp dài hơi là nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà đối tượng quan trọng nhất là chủ doanh nghiệp.
Qua khảo sát thực tế, hiện nay, việc thực hiện các thủ tục, quy trình kết nạp đảng viên còn hành chính hóa và thủ công; nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp cần được nghiên cứu để khoa học, thuận tiện, nhưng chính xác hơn. Chẳng hạn như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chia sẻ dữ liệu phần mềm quản lý các hộ gia đình, đến từng công dân, trong đó có quần chúng là đối tượng kết nạp Đảng như vậy sẽ vừa bảo đảm khoa học, nắm đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về quần chúng, không phải thực hiện các thủ tục thẩm tra, xác minh bằng hình thức thủ công như hiện nay. Đưa công nghệ vào để quản lý quần chúng, quản lý đảng viên, chúng ta có quyền hy vọng về một “mô hình một cửa” trong quy trình kết nạp Đảng theo hướng văn minh, hiện đại mà vẫn đảm bảo những quy định của Điều lệ Đảng.
Cũng từ thực tiễn tại cơ sở, có thể thấy rằng quy định, hướng dẫn về kết nạp Đảng như hiện nay cần được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp. Theo quy định thì những nơi không có tổ chức Đoàn thanh niên thì do tổ chức Công đoàn và một đảng viên chính thức giới thiệu quần chúng ưu tú vào Đảng hoặc do 2 đảng viên chính thức giới thiệu. Tuy nhiên, thiết nghĩ cần nghiên cứu bổ sung để các đoàn thể chính trị - xã hội khác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, kể cả Hội Cựu Chiến binh cũng được giới thiệu những quần chúng ưu tú của mình với Đảng để xem xét, kết nạp, như vậy sẽ đảm bảo sự phong phú, khách quan, chính xác và chất lượng hơn trong giới thiệu nguồn kết nạp.
Thực tiễn triển khai công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên là người có đạo nói riêng ở Ninh Bình thời gian qua, đã cho thấy các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề này; quán triệt và kiên định mục tiêu cuối cùng phát triển đảng viên là người có đạo là góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, khắc phục những “khoảng trống” để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những kết quả đạt được cùng với những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn có ý nghĩa quan trọng để làm tốt công tác này trong thời gian tới. Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng Đảng bộ tỉnh Ninh Bình sẽ gặt hái được nhiều thành công mới trong những chặng đường tiếp theo.
Kim Toàn - Bùi Quang - Quỳnh Thu
Báo Ninh Bình