Loạt bài 3 kỳ "Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cần quyết tâm và biện pháp đồng bộ" của tác giả Kiên Định Báo Long An đoạt giải Khuyến khích - Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019.
Bài 1: Tham nhũng, “tham nhũng vặt” xảy ra trên nhiều lĩnh vực
Hàng loạt các vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được các cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý kịp thời, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra và thậm chí diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Cải cách thủ tục hành chính - một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng
“Tham nhũng vặt” (TNV) có giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xảy ra phổ biến trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội. Đôi khi, “TNV” xảy ra có sự thỏa hiệp giữa cán bộ, người dân, doanh nghiệp nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Muôn kiểu tham nhũng, “tham nhũng vặt”
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Long An, mặc dù công tác phòng, chống tham những (PCTN) thời gian qua tại Long An được thực hiện quyết liệt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đề ra.
Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho rằng, hiện nay, tình trạng tham nhũng, lãng phí còn xảy ra. Đó phải kể đến như việc lợi dụng thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ án, vụ việc để vòi vĩnh, gây bức xúc trong nhân dân. Trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải “bôi trơn”, “lót tay”, “đi cửa sau” để được thuận lợi trong công việc. Lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, xây dựng vẫn còn hiện tượng không minh bạch, phải lo lót, chung chi phần trăm để được trúng thầu; việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải “bồi dưỡng” nếu không muốn hồ sơ bị trả nhiều lần hoặc kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ. Lĩnh vực y tế, muốn khám bệnh, điều trị nhanh, chất lượng phục vụ tốt, phải có “phong bì” cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ.
Đặc biệt trong tham nhũng, nổi lên là tình trạng “TNV” diễn ra khá phổ biến, trên nhiều lĩnh vực, biểu hiện qua nạn hối lộ trong dịch vụ hành chính, dịch vụ công, “lót tay” khi giao dịch với các cơ quan công quyền; cán bộ, công chức, viên chức còn có tình trạng nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ. Ngoài ra, tồn tại “TNV”, nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác như giáo dục, giao thông đường bộ, hải quan, thuế, tư pháp,... tạo dư luận bức xúc trong nhân dân.
“Tham nhũng vặt” có sự thỏa hiệp giữa cán bộ, doanh nghiệp và người dân
Mặc dù “TNV” có giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xảy ra phổ biến trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội. Đôi khi, “TNV” xảy ra có sự thỏa hiệp giữa cán bộ, người dân, doanh nghiệp nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Từ đó, tạo điều kiện để cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cao hơn.
Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy, sở dĩ tình trạng tham nhũng, đặc biệt là “TNV” xảy ra trong thời gian qua một phần do công tác cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế xin - cho trong hoạt động công vụ còn phổ biến, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, bất hợp lý. Nhiều thủ tục, quy định của Nhà nước chưa được công khai, minh bạch,... qua đó, tạo kẽ hở cho cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, nhũng nhiễu và có điều kiện để “TNV”. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN và xử lý nghiêm cán bộ có hành vi “TNV”. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị PCTN và trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu, trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có lúc còn chưa thường xuyên nên chậm trong phát hiện, xử lý cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “TNV” đối với công dân, doanh nghiệp. Mặt khác, nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa mạnh dạn đấu tranh, phê phán biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, “TNV” và cơ chế tiếp nhận thông tin, phản ánh về tham nhũng, “TNV” chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời.
Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng tham nhũng hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, công tác PCTN, lãng phí rất khó khăn, phức tạp nên dù có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện, song công tác này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. “Điều đáng quan tâm là giữa quyết tâm chính trị và hành động còn khoảng cách đáng kể, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ và đang trong quá trình bổ sung, điều chỉnh, từ đó chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản; công tác PCTN, lãng phí chưa đi vào chiều sâu và trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặt khác, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí ở nhiều nơi chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu tập trung; sự phối hợp trong đấu tranh, PCTN, lãng phí có lúc thiếu chặt chẽ. Do đó, tham nhũng, lãng phí, “TNV” còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực, gây dư luận không tốt và làm giảm uy tín, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết.
PCTN, lãng phí vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Bài 2: Nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng
Hàng loạt các vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được các cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý kịp thời, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra và thậm chí diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng (TN) được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra các vụ án liên quan đến TN.
3 năm, phát hiện 34 vụ việc liên quan đến tham nhũng
Theo Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh, 3 năm qua, lực lượng công an trong tỉnh tiến hành điều tra, truy tố 34 vụ việc/43 bị can phạm tội về TN, thu hồi số tiền trên 6,3 tỉ đồng.
Điển hình như năm 2016, phát hiện kế toán Huỳnh Duy Thanh, Công an huyện Bến Lức, tham ô tài sản với giá trị hơn 2,3 tỉ đồng của đơn vị; Nguyễn Văn Luông - cán bộ UBND xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; Triệu Thị Hồng Ngọc - công chức Tài chính - Kế hoạch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, nhận hối lộ; Trần Thị Ngọc Cúc và Lê Minh Phi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhận hối lộ; Nguyễn Trọng Tính - cán bộ Chi cục Thuế huyện Bến Lức, nhận hối lộ; Nguyễn Đình Vương - công chức Chi cục Thuế huyện Đức Huệ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Huỳnh Văn Hữu - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, lợi dụng quyền hạn, chức vụ trong thi hành công vụ. Năm 2017, phát hiện Nguyễn Quốc Lộc, Bảo hiểm Xã hội huyện Mộc Hóa, tham ô tài sản; Trần Tử Vân, Chi cục Thuế thị xã Kiến Tường, tham ô tài sản; Trương Thị Kim Vân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tham ô tài sản;...
Ngoài ra, còn có các vụ việc liên quan đến TN khác được dư luận quan tâm như vụ vi phạm trong gói thầu cung cấp, lắp đặt camera quan sát do Sở Y tế làm chủ đầu tư tại Khối nhà 4 cơ quan; vụ sai phạm tại Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải; vụ sai phạm của Trịnh Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu; vụ sai phạm tại UBND xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành; vụ việc chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủ Thừa - Lê Minh Trung tham ô tài sản;...
Qua các vụ việc TN được phát hiện, điều tra, truy tố, đến nay, các cơ quan tố tụng trong tỉnh đã đưa 9 vụ/9 bị cáo ra xét xử trước pháp luật, trong đó, mức án cao nhất 18 năm tù. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng các đơn vị cũng tiến hành xử lý trách nhiệm đối với 14 trường hợp là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu liên quan đến án TN.
Từ việc phát hiện, điều tra, truy tố các vụ việc liên quan đến TN đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân vào hệ thống chính trị và các cơ quan bảo vệ pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh kết quả đã đạt, theo Công an tỉnh, hiện nay, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm TN còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với tình hình phức tạp hiện nay. Tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án liên quan đến TN còn chậm, kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản TN chưa cao,... Sở dĩ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) gặp nhiều khó khăn, theo Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh, có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, hành vi TN của các đối tượng thường rất tinh vi, phức tạp, có tính liên kết “lợi ích nhóm”, đan xen giữa khu vực công và khu vực tư, xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập nhất định, tạo kẽ hở để các đối tượng có điều kiện lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
“Đối tượng phạm tội liên quan đến TN thường là chủ thể đặc biệt, có chức vụ, có ảnh hưởng và quan hệ xã hội rộng. Quá trình phạm tội thường các đối tượng đã chuẩn bị trước những lý do, tình huống và hợp thức hóa chứng từ, sổ sách, tài liệu hoặc cản trở, gây khó khăn cho quá trình phát hiện, thu thập tài liệu. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với đối tượng được mời làm việc nhiều lần nhưng không đến hoặc viện lý do để không hợp tác với cơ quan công an dẫn đến cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn trong việc củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội” - Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết.
Mặt khác, theo Công an tỉnh, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ điều tra các vụ việc liên quan đến TN là từ công tác giám định tư pháp hiện nay còn nhiều bất cập, kéo dài, nhất là đối với các vụ việc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính, kế toán; kinh phí lớn như các vụ việc liên quan đến giám định chất lượng công trình giao thông, xây dựng; một số trường hợp phải trưng cầu giám định ở nhiều nội dung, nhiều ngành, thậm chí có trường hợp chưa xác định được cơ quan trưng cầu giám định như vụ đấu thầu thuốc tại Sở Y tế,... Những nguyên nhân này phần nào dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ án kéo dài, quá hạn điều tra.
Theo Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, hiện nay, tình hình TN, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tình trạng “TN vặt” gây bức xúc trong dư luận nhân dân. PCTN, “TN vặt” rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân./.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Cao Văn Tạo: Thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “TN vặt” trên địa bàn tỉnh, Đảng ủy Cục Thuế ban hành Kế hoạch số 267-KH/ĐU, ngày 28/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN (“TN vặt”) và Công văn số 28/CT-KTNB, ngày 03/01/2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN. Trong đó, tập trung làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục, quản lý đảng viên, công chức thuế chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, công chức thuế ở các bộ phận nhạy cảm như thanh tra, kiểm tra, kê khai và kế toán, bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế. Bên cạnh đó, Cục Thuế công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, giám sát qua hệ thống camera công vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý công chức có hành vi vi phạm. Nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra TN. Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng: Nhằm đưa công tác PCTN trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, hàng năm, Sở Xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể và triển khai trong toàn đơn vị. Theo đó, năm 2019, sở tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác PCTN, kết hợp triển khai vào ngày tuyên truyền pháp luật định kỳ, chào cờ hàng tuần và các buổi sinh hoạt của từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa TN như công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; kê khai tài sản, thu nhập các đối tượng phải kê khai và công khai theo quy định. Phát động cá nhân cán bộ, công chức, viên chức nội bộ cơ quan tích cực phát hiện, tố cáo hành vi TN, lãng phí và tự giác thực hành tiết kiệm. Ngoài ra, sở phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, cấp ủy các chi bộ với Thanh tra sở, Ủy ban kiểm tra Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân trong giám sát, kiểm tra, thanh tra việc PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên tự kiểm tra trách nhiệm của công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi TN, lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình./. Kỳ Nam(ghi) |
Bài 3: Kiên quyết đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “tham nhũng vặt”
Hàng loạt các vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được các cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý kịp thời, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra và thậm chí diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, “tham nhũng vặt” (TNV) đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong các tổ chức cơ sở Đảng từ tỉnh đến cơ sở phải thực sự gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia vào công tác này.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần:
PCTN, lãng phí là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp; đấu tranh PCTN là trọng trách của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với tương lai của đất nước và dân tộc. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên trong tất cả tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở phải thực sự gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia vào công tác này, kiên quyết phấn đấu để đạt mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi TN, loại bỏ các cơ hội và điều kiện phát sinh TN; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thúc đẩy KT-XH phát triển”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải tự đánh giá đúng thực trạng tình hình TN, lãng phí trong từng cơ quan, đơn vị để có kế hoạch thực hiện sát thực tế, xem công tác PCTN, lãng phí là một trong các trọng tâm công tác lớn, có tính chất thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, đối với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác PCTN như kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án, cần tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi TN, lãng phí.
Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung Ương - Phan Bá:
Long An là một trong những địa phương thực hiện khá quyết liệt công tác PCTN. Điều đó được thể hiện qua việc phát hiện, điều tra, truy tố nhiều vụ việc liên quan đến TN, được nhân dân đồng thuận. Qua các vụ việc liên quan đến TN có thể thấy, các lĩnh vực nhạy cảm thường dễ phát sinh TN. Tuy nhiên, Long An cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa, không để những người có địa vị, lợi dụng chức, quyền thực hiện các hành vi TN, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Long An là một trong những tỉnh đầu tiên tại phía Nam sớm có kế hoạch về phòng, chống “TNV”, trong đó, đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Tuy nhiên, để kế hoạch, các giải pháp thực hiện đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thì phải được thể hiện bằng hành động, quyết tâm chính trị, không có sự nể nang hay vùng cấm trong công tác PCTN; cán bộ, đảng viên phải là người trực tiếp đi đầu, nhân dân giám sát.
Quyền chánh Thanh tra tỉnh - Phạm Văn Đô:
Thực hiện công tác PCTN, trao đổi, cung cấp thông tin và xử lý các vụ việc có dấu hiệu TN, thời gian qua, Thanh tra tỉnh luôn duy trì tốt quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với Ban Nội chính Tỉnh ủy và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Hoạt động phối hợp trong công tác giữa các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và xử lý các vụ việc có dấu hiệu TN có những chuyển biến tích cực, các ngành trao đổi thông tin kịp thời, phối hợp tốt để có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhiều vụ việc có dấu hiệu phạm tội liên quan đến TN được kịp thời chuyển sang cơ quan điều tra xử lý, góp phần ngăn chặn, răn đe và từng bước đẩy lùi TN.
để tăng cường hiệu quả công tác PCTN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác PCTN, gắn công tác này với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra TN. Từng đơn vị phải tự rà soát, chỉ ra những hành vi TN, “TNV” có thể xảy ra tại đơn vị mình để có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu ngay từ ban đầu.
Mặt khác, các cơ quan dân cử như Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An, HĐND các cấp cần tăng cường hoạt động giám sát, phản ánh ý kiến cử tri đối với hoạt động PCTN.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức:
Một trong những giải pháp trọng tâm, quan trọng trong công tác PCTN là thực hiện cải cách hành chính. Trong đó, việc đổi mới công nghệ quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng chất lượng phục vụ người dân, hiệu quả công tác cải cách hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 15/15 Trung tâm Hành chính công cấp huyện, 192 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đã tạo bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp cũng biết được tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC của các cơ quan nhà nước thông qua tin nhắn SMS, từ đó, chính người dân, doanh nghiệp có thể giám sát được quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước. Hiện, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp được chọn lựa hình thức thanh toán phí, lệ phí khi làm các TTHC dưới nhiều hình thức như thanh toán tiền mặt, chuyển khoản, thẻ ATM hoặc Internet Banking, từng bước tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định xin lỗi người dân khi giải quyết TTHC trễ hẹn, sẵn sàng tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC trên địa bàn tỉnh. Với những giải pháp trong công tác cải cách hành chính, tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, hiệu quả, góp phần đẩy lùi TN, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, kinh doanh để phát triển nhanh, bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh:
TN, “TNV” khi trở thành cách ứng xử với nhân dân của những người đảm nhận cương vị trong bộ máy chính quyền các cấp là vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vi phạm đạo đức của cán bộ, đảng viên, làm giảm sút uy tín của Đảng, mất lòng tin của nhân dân. Nhận thức được điều đó, đối với các lĩnh vực nhạy cảm, những khu vực dễ xảy ra TN, nhũng nhiễu, đặc biệt là các lĩnh vực như đất đai, đấu thầu, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép, thanh tra, thu thuế, trong mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp..., huyện thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tuyên truyền pháp luật về PCTN, quan tâm đến vai trò giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể và của nhân dân. Khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tiêu cực, coi trọng việc tổ chức đối thoại với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp. 3 năm qua, huyện tiến hành thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Long Thượng, buộc thôi việc 3 công thức chuyên môn cấp xã liên quan đến phản ánh về TN, đồng thời, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 30 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa TN theo quy định. Bên cạnh đó, huyện chú trọng triển khai và ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền, niêm yết công khai những việc cán bộ được làm và không được làm tại nơi công sở, cơ quan, đơn vị để thấy đó mà thực hiện nghiêm túc./.
Kiên Định
Báo Long An