Công tác cán bộ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã thả nổi suốt nhiều năm qua. Lãnh đạo ngành mười mấy năm đã “quên” tái bổ nhiệm cho cán bộ của mình quản lý.
Kỳ 1: Bổ nhiệm vô thời hạn
Thời gian gần đây, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học trên địa bàn thị xã Ninh Hòa chưa được tái bổ nhiệm như ngồi trên đống lửa. Việc chậm trễ trong công tác cán bộ khiến cho thực quyền của lãnh đạo các trường bị vô hiệu hóa. Đi kèm là nguy cơ tài khoản bị “đóng băng” do chủ tài khoản chưa được chính danh.
67 cán bộ bị “bỏ quên”
Đến Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây để tìm hiểu về sự việc này, thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng nhà trường không khỏi cảm giác bất an. Trầm tư bên tách trà nóng, thầy tâm sự: “Tôi đã gắn bó cả đời mình với vùng đất giáp ranh Tây Nguyên này. Nhiều năm nay, mọi công việc do tổ chức phân công tôi đều làm tròn trách nhiệm. Trên giao việc gì cũng đều hoàn thành. Theo quy định, ngày 1-4-2018 là thời điểm bổ nhiệm lại cho tôi. Bản thân tôi đã làm đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định, nhưng không biết tại sao đợi mấy năm vẫn không thấy Phòng GD-ĐT ra quyết định tái bổ nhiệm?”.
Các học sinh Trường Tiểu học Ninh Diêm nô đùa trong sân trường.
Không chỉ riêng thầy Nghiệp, 2 phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây cũng chưa được bổ nhiệm lại. Thầy Ngô Đình Hoành (sinh năm 1962) được bổ nhiệm phó hiệu trưởng từ năm 2002, đến nay đã 18 năm nhưng chưa hề được tái bổ nhiệm một lần nào! Hiện nay, trong hồ sơ cán bộ của trường cũng không còn quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng của thầy Hoành. Văn bản để thầy giữ chức phó hiệu trưởng chỉ căn cứ vào quyết định luân chuyển công tác đến Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây vào năm 2013. Sau đó, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường này làm hồ sơ đề nghị tái bổ nhiệm nhưng không hiểu vì sao hồ sơ bị rơi vào quên lãng. Suốt nhiều năm liền, các thầy vẫn không nhận được quyết định về công tác cán bộ. Đến tháng 4-2020, một lần nữa ban giám hiệu nhà trường nhận được yêu cầu làm lại hồ sơ theo quy trình để bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo thông tin của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có đến 67 trường hợp bị quên tái bổ nhiệm. Trong đó, có 29 hiệu trưởng và 38 phó hiệu trưởng. Người bị quá thời hạn nhiều nhất lên đến 14 năm, người ít cũng gần 2 năm. Nhiều trường hợp chỉ còn vài năm nữa về hưu nhưng đến nay vẫn phải loay hoay lo thủ tục tái bổ nhiệm. Sự tắc trách này khiến không ít người bức xúc. Cô Dương Thị Thúy (sinh năm 1967) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Thân nói: “Tôi chuẩn bị về hưu rồi còn vướng vào chuyện tái bổ nhiệm quá mệt! Tôi được bổ nhiệm hiệu trưởng từ năm 2001 nhưng đến nay chưa được bổ nhiệm lại, tính ra đã chậm 14 năm. Bản thân đã nhiều lần làm hồ sơ, đề nghị phòng GD-ĐT thực hiện bổ nhiệm lại nhưng lần nào cũng được trả lời chưa có quyết định. Bây giờ xảy ra cơ sự này cũng không biết phải làm sao. Việc chậm tái bổ nhiệm này bắt nguồn từ nhiều đời cán bộ trước đây”.
Nhiều sai phạm
Theo quy định, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sau khi được bổ nhiệm 1 nhiệm kỳ (5 năm) phải tiến hành các thủ tục để cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Đây là quy định bắt buộc và là một quy trình quan trọng trong công tác cán bộ. Vì sau 1 nhiệm kỳ công tác, cán bộ quản lý đó phải được tổ chức đánh giá lại về năng lực, trình độ, sức khỏe và uy tín để xem xét có thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hay không. Vì vậy, việc để cho 67 cán bộ giữ nguyên chức vụ quá thời hạn tái bổ nhiệm đã vi phạm nghiêm trọng công tác cán bộ. Có những trường hợp gần 20 năm làm hiệu trưởng sau một lần bổ nhiệm mà không cần xem xét tái bổ nhiệm đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng lực lượng cán bộ kế cận, không tạo ra được nhân tố mới. Một giáo viên THCS bức xúc: “Trường nào cũng quên tái bổ nhiệm như vậy, có lẽ lớp cán bộ trẻ dù có được quy hoạch cả chục năm cũng chỉ trên giấy mà thôi. Không thực hiện quy trình tái bổ nhiệm thì có năng lực hay không có năng lực vẫn giữ nguyên chức vụ”.
Giờ ra chơi của các học sinh Trường Tiểu học số 2 Ninh Ích.
Qua điều tra, chúng tôi phát hiện, không chỉ “quên” tái bổ nhiệm, trong công tác cán bộ, Phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa còn vướng hàng loạt sai phạm khác. Nhiều năm qua, công tác luân chuyển cán bộ hầu như không thực hiện. Nhiều trường hợp giữ chức vụ và công tác tại một đơn vị 2 - 3 nhiệm kỳ, cá biệt có trường hợp lên tới 5 nhiệm kỳ nhưng vẫn không thực hiện việc luân chuyển. Bên cạnh đó, nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dù bị thiếu chuẩn vẫn được đề bạt. Người thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, người thiếu chứng chỉ tin học. Đáng ngại hơn, có không ít trường hợp chỉ có sơ cấp lý luận chính trị, thậm chí không có vẫn được đề nghị tái bổ nhiệm. Cá biệt, có trường hợp được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng thuộc diện “3 không”: Không trung cấp lý luận chính trị, không ngoại ngữ, không tin học. “Hiện nay, tôi đã bổ sung xong chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Riêng trung cấp lý luận chính trị vì vài năm nữa về hưu nên tôi xin được miễn”, một vị hiệu phó thừa nhận.
Hệ quả khó lường
Về nguyên tắc, sau khi hết nhiệm kỳ, nếu lãnh đạo không được bổ nhiệm lại thì coi như chức vụ đó không được công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc 67 hiệu trưởng và phó hiệu trưởng bị “quên” tái bổ nhiệm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã không còn thực quyền. Chức vụ chỉ còn trên danh nghĩa và chữ ký của các cán bộ, không còn hiệu lực đối với vị trí được bổ nhiệm trước đó. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lãnh đạo các trường vẫn thực hiện đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ cũng như hưởng các chế độ phụ cấp chức vụ như bình thường. Chính điều này đã kéo theo hàng loạt sai phạm trong nguyên tắc tài chính.
Có thể thấy, từ sự tắc trách trong công tác cán bộ đã kéo theo hàng loạt hệ lụy khó khắc phục. Nói như thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây: “Các trường hợp bị chậm tái bổ nhiệm bây giờ như chiếc xe không có giấy tờ. Trên danh nghĩa là xe của mình nhưng khi công an kiểm tra thì rõ ràng không có gì để chứng minh. Xét đến cùng, mọi chữ ký của những người chưa được bổ nhiệm lại là không có giá trị pháp lý”. |
Điều đáng nói, hầu hết các thầy cô mà chúng tôi tiếp xúc đều ý thức được việc sai nguyên tắc này, song ngoài việc đành làm ngơ thì các thầy cô cũng không biết giải quyết như thế nào? Thầy Nguyễn Kính - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Ninh Ích thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là khi chưa có quyết định bổ nhiệm lại thì chữ ký không có hiệu lực. Tuy thực tế lâu nay tôi vẫn là hiệu trưởng của trường nhưng xét đúng quy định thì khi chưa được bổ nhiệm lại coi như mình không phải là hiệu trưởng; kéo theo đó, các quyết định nâng lương, chi lương… cũng chưa đúng nguyên tắc. May mắn là trường đoàn kết, chứ nội bộ lục đục kiện cáo thì không biết phải ăn nói thế nào! Thực tế giờ này chưa có quyết định bổ nhiệm lại thì mình đâu có được công nhận là hiệu trưởng”.
Từ việc sai của các trường đã kéo theo sai trong nguyên tắc duyệt chi tài chính của Kho bạc Nhà nước thị xã Ninh Hòa. Tuy chưa có quyết định bổ nhiệm lại nhưng các hiệu trưởng vẫn ký chi. Với tư cách là chủ tài khoản nhà trường, mỗi hiệu trưởng phải ký chi khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm. Điều đó đồng nghĩa, mỗi năm, Kho bạc Nhà nước thị xã Ninh Hòa đã để ký chi sai nguyên tắc cả trăm tỷ đồng đối với 29 hiệu trưởng chưa tái bổ nhiệm và việc làm sai trái này đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Ý thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc, mới đây, Kho bạc Nhà nước thị xã Ninh Hòa đã yêu cầu hiệu trưởng các trường bổ sung quyết định tái bổ nhiệm. “Mới đây, Kho bạc Nhà nước thị xã đã thông báo nếu không có quyết định bổ nhiệm lại thì kho bạc không duyệt chi. Chúng tôi đã báo cáo việc này lên lãnh đạo phòng để tìm hướng giải quyết. Nếu sắp tới kho bạc ách lại, không duyệt chi thì lương của giáo viên không biết sẽ như thế nào?”, cô Dương Thị Thúy lo lắng.
Kỳ 2: Trách nhiệm thuộc về ai?
Chuyện “quên” tái bổ nhiệm cho 67 cán bộ quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là chưa từng có tiền lệ. Qua đó cho thấy, công tác cán bộ ở cơ sở lâu nay chưa được xem trọng.
Nguyên nhân của sự tắc trách
Để tìm câu trả lời cho sự việc “xưa nay hiếm” trong công tác cán bộ, chúng tôi làm việc với lãnh đạo Phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa. Trong phòng làm việc, ông Lê Quang Thạch - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa ngồi vò đầu, bứt tai rất lâu khi phóng viên đề cập đến sự tắc trách khi “quên” tái bổ nhiệm 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Sau nhiều lần thở dài, ông Thạch giãi bày: “Để xảy ra sự việc này là lỗi thuộc về Phòng GD-ĐT. Vấn đề này đã diễn ra từ nhiều thế hệ lãnh đạo trước, bản thân tôi khi đó đã thấy được mức độ nghiêm trọng, có góp ý với trưởng phòng nhưng sự việc không được giải quyết thấu đáo. Ngày đó, người phụ trách công tác tổ chức nói là thất lạc hồ sơ bổ nhiệm của các trường gửi lên, nhưng thực chất là mất hồ sơ. Nguyên nhân này khiến cho công tác tái bổ nhiệm bị chậm và quá thời gian quy định. Chính vì vậy, việc tái bổ nhiệm bị gác lại vô thời hạn. Cái sai sau chồng lên cái sai trước và hậu quả mới xảy ra sự việc 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được tái bổ nhiệm”. Ông Thạch cho biết, năm 2018, khi được bổ nhiệm làm trưởng phòng, nhận thấy việc chậm bổ nhiệm lại đối với nhiều cán bộ quản lý trường học là sai nguyên tắc cán bộ nên quyết định báo cáo và làm tờ trình xin chủ trương từ cấp trên.
Trường THCS Võ Thị Sáu (Ninh Ích) đang có hiệu trưởng bị chậm bổ nhiệm lại gần 8 năm.
Để xảy ra sự việc này, không chỉ lỗi riêng của Phòng GD-ĐT mà là lỗi cả hệ thống. Công tác cán bộ đã không được Phòng Nội vụ, cao hơn là UBND thị xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thực hiện không theo quy định. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa thừa nhận, tuy UBND thị xã đã ủy quyền cho Phòng GD-ĐT thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học nhưng lại không kịp thời kiểm tra, giám sát nên mới để xảy ra sự việc kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ. Bản thân một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi hết thời hạn bổ nhiệm cũng không làm hồ sơ trình Phòng GD-ĐT thị xã.
Vai trò tập thể không được phát huy
Trong quá trình đi tìm bản chất của sự việc, điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là câu hỏi tại sao công tác cán bộ rất quan trọng nhưng lại để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy? Bên cạnh giám sát của cấp trên còn có chi bộ, đảng bộ và tập thể giáo viên của các trường. Vậy nhưng, việc “quên” tái bổ nhiệm vẫn diễn ra kéo dài suốt nhiều năm. Phải chăng, công tác cán bộ trong lĩnh vực giáo dục tại thị xã Ninh Hòa đang bị xem nhẹ?
Qua làm việc với nhiều cá nhân bị chậm tái bổ nhiệm cho thấy, công tác cán bộ tại các trường lâu nay chưa thực sự được quan tâm. Nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thừa nhận chỉ quan tâm đến công tác chuyên môn, vấn đề công tác cán bộ đôi khi không sâu sát. Thậm chí, khi chúng tôi đặt vấn đề công tác cán bộ hàng năm của cấp ủy, thầy Nguyễn Ngọc Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Ninh Ích), người bị chậm tái bổ nhiệm gần 8 năm vô tư cho biết: “Hàng năm, trong báo cáo công tác cán bộ, trường không báo cáo Đảng ủy xã. Đảng ủy có hỏi đâu mà báo cáo, chỉ khi nào lấy ý kiến để bổ nhiệm, tái bổ nhiệm mới báo cáo xin ý kiến”.
Bản thân Đảng ủy xã, nơi có các trường hợp cán bộ bị chậm tái bổ nhiệm khi nhận được báo cáo về sự việc cũng không có động thái xử lý. Thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây cho biết: “Hàng năm, trong báo cáo của chi bộ về phần công tác cán bộ gửi Đảng ủy xã đều có báo cáo đầy đủ về việc bị chậm tái bổ nhiệm. Tuy nhiên, phía Đảng ủy cũng chỉ nhắc nhở sơ sơ”.
Theo nhiều hiệu trưởng, vấn đề mấu chốt đều nằm ở sự nể nang. Dù thấy sai nguyên tắc nhưng người này nể người kia, cấp dưới nể cấp trên nên vai trò tập thể không được phát huy, công tác giám sát cũng vì thế mà lu mờ. Điều đáng nói, có giai đoạn việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của Phòng GD-ĐT thị xã chưa làm tốt việc hiệp thương với Đảng ủy địa phương. “Chính vì nể nang, qua loa nên cái sai nhỏ thành cái sai lớn, cứ thế càng ngày sự việc càng nghiêm trọng hơn. Nếu chỉ cần một cơ quan làm nghiêm ngặt thì chắc chắn không bao giờ có chuyện để việc chậm tái bổ nhiệm diễn ra trong thời gian dài như vậy và sẽ không có những sai sót đáng tiếc xảy ra”, ông Thạch khẳng định.
Gian nan giải quyết
Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về ai cơ bản đã rõ. Song, để có thể giải quyết dứt điểm là điều không hề đơn giản. Với những người còn đủ tuổi bổ nhiệm hoặc thời gian chậm bổ nhiệm lại ít sẽ có hướng giải quyết, còn các trường hợp “quên” tái bổ nhiệm cách đây hơn cả nhiệm kỳ thì không hề dễ dàng. “Với trách nhiệm người đứng đầu, mặc dù cấp trên có xử lý trách nhiệm bản thân như thế nào, tôi cũng quyết định đưa sự việc ra làm lại cho đúng”, ông Thạch nói với chúng tôi về hướng khắc phục. Nhưng theo ông Thạch, cái khó bây giờ là không biết căn cứ vào đâu để bổ nhiệm lại. Bây giờ, các quyết định bổ nhiệm lần đầu đối với những thầy, cô này đã hết hạn nhiều năm nên không thể căn cứ vào quyết định bổ nhiệm đã hết hạn đó để tiến hành các thủ tục bổ nhiệm lại.
Hướng giải quyết ra sao đối với 67 trường hợp bị chậm bổ nhiệm kéo dài nhiều năm thực sự rất khó. Bản thân ông Nguyễn Vĩnh Thạnh cũng đang đau đầu không biết sẽ xử lý như thế nào để vừa đúng quy định của pháp luật, vừa hợp tình. UBND thị xã đã tham khảo ý kiến của các sở, ngành chuyên môn và đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thị ủy Ninh Hòa, đề xuất hướng giải quyết đối với những trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện bổ nhiệm (năng lực, độ tuổi, uy tín) theo hướng bổ nhiệm lại từ đầu. “Cái khó đang nằm ở các trường hợp không đủ điều kiện để bổ nhiệm, thường là các thầy, cô sắp nghỉ hưu, không còn đủ nhiệm kỳ 5 năm, UBND thị xã cũng không thể ban hành quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với các trường hợp này do trước đó chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại. Về vấn đề này, UBND thị xã đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tập trung tham mưu hướng giải quyết. Họ đã làm lãnh đạo nhiều năm nay, bây giờ không đủ điều kiện để bổ nhiệm thì sắp xếp thế nào cho hợp lý là điều không đơn giản”, ông Thạnh phân vân.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được UBND thị xã Ninh Hòa tập trung giải quyết trong quý I/2021. Đây thực sự là bài học trong công tác cán bộ và hệ quả của nó có thể khiến một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không thể tiếp tục giữ chức vụ.
Đình Lâm - Hồng Đăng/ Báo Khánh Hòa