Thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân tại Hải Phòng: Thành công từ chuẩn hóa quy trình

 

Các tác giả nhận Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ II - năm 2017.

Ngày 27-1-2015, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hànhQuyết định số 1738-QĐ/TU về Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Đây là cách làm sáng tạo của Thành ủy trong cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện quy chế này, nhiều cấp ủy Đảng trên địa bàn thành phố tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân để lắng nghe, kịp thời giải quyết các bức xúc của người dân.

 

Kỳ 1: Nghe dân nói, làm cho dân tin

 

Thực hiện Nghị quyết 1738 của Thành ủy, việc đối thoại với nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại cơ sở trong thời gian qua được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố triển khai bài bản, với tinh thần thực sự cầu thị, “nghe dân nói, làm cho dân tin”. Qua đó phát huy tốt hơn quy chế dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo đồng thuận xã hội, góp phần để thành phố đạt nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. 

 

Sự thuyết phục lớn từ cuộc đối thoại đặc biệt

 

Nhiều người dân thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải) tham dự cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo thành phố và nhân dân huyện Cát Hải về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn thị trấn vào đầu tháng 6- 2017 ấn tượng mãi về sự kiện đặc biệt chưa từng có tiền lệ này.

Bà Phạm Thị Huệ, người dân ở thị trấn Cát Hải chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ khi đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về tận địa phương đối thoại cùng nhân dân với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân tình. Trước khi cuộc gặp này diễn ra, người dân chúng tôi rất lo lắng, có nhiều băn khoăn vì việc giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, với hơn 10 nghìn nhân khẩu của 4 xã và một thị trấn. Qua phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy, chúng tôi hiểu các dự án thành phố đang triển khai tại quần đảo Cát Bà và thị trấn Cát Hải ngoài việc đầu tư phát triển du lịch phải đồng thời với việc bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan, môi trường sinh thái, phải bảo đảm cho nhân dân huyện đảo, trước mắt cũng như lâu dài, có cuộc sống ngày càng tốt hơn, công việc nhiều hơn, lao động bớt nặng nhọc hơn”.

 

Đồng chí Đỗ Văn Hải, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Cát Hải cho biết,  trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ, đối thoại này, có một số việc phát sinh gây bức xúc trong nhân dân trước hết là do công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa tới được người dân, nhân dân chưa nắm rõ các phương thức, cách làm của thành phố. Sự cởi mở, chân thành của các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, giúp người dân hiểu rõ chủ trương, cách làm của thành phố, mạnh dạn nêu ý kiến. Tại hội nghị đặc biệt này, gần 20 ý kiến đại diện cho các tầng lớp nhân dân huyện Cát Hải phát biểu thẳng thắn, bày tỏ những bức xúc, suy tư, lo lắng, băn khoăn trước những tác động của cuộc di dân lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn. Trong đó, điều người dân quan tâm nhất là những vấn đề liên quan tới quy hoạch, thẩm quyền thu hồi đất, phương án tái định cư, đặc biệt là việc làm, thu nhập, sinh hoạt, học hành, khám chữa bệnh của người dân khi tới nơi ở mới…Tất cả những điều người dân băn khoăn đã được đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp trả lời, tạo niềm tin trong nhân dân.

 

Sau hội nghị này, người dân thấy rõ lãnh đạo thành phố nghe ý kiến của mình không phải để đó, mà có các giải pháp phù hợp. Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục họp bàn, xem xét cân nhắc thật kỹ các vấn đề đặt ra từ thực tế và đưa ra quyết định đúng đắn nhất, bảo đảm sự hài hòa giữa yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố, huyện Cát Hải với việc nâng cao điều kiện sống, việc làm, thu nhập cho nhân dân và quyền lợi của các nhà đầu tư. Việc xây dựng hay thời điểm thu hồi đất ở từng dự án có những quy định cụ thể, thông báo công khai tạo sự chủ động cho nhân dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt. Ở từng dự án, các vấn đề liên quan tới người dân, cụ thể là xây dựng khu tái định cư, các công trình phúc lợi, văn hóa, giáo dục, y tế, tâm linh, xây dựng nghĩa trang nhân dân …đều có sự tham gia ý kiến của người dân.

 

Thông về tư tưởng, người dân đồng thuận với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Từ tháng 6 đến tháng 9-2017, huyện Cát Hải dồn sức cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là dự án Tổ hợp nhà máy ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup; dự án Khu công nghiệp (CN) Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng của Công ty CP Khu CN Đình Vũ; dự án Quần thể khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cát Bà của Tập đoàn Sun Group…Cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc để rốt ráo thực hiện yêu cầu của lãnh đạo thành phố, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Nhờ vậy, chưa đầy 1 tháng sau khi khởi công dự án Tổ hợp nhà máy ô tô Vinfast, huyện chi trả hơn 400 tỷ đồng tiền bồi thường GPMB cho các hộ dân, để có thể bàn giao 320 ha đất cho nhà đầu tư. Đây có thể coi là tốc độ GPMB kỷ lục của huyện cũng như của thành phố. Dự án Khu CN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cũng hoàn tất các điều kiện về mặt bằng để nhà đầu tư tiến hành khởi công dự án vào ngày 5-10-2017. Dự án của Tập đoàn Sun Group cơ bản bám sát kế hoạch tiến độ. 

 

Tác động lan tỏa đến cơ sở

 

Sự nêu gương của lãnh đạo Thành ủy trong thực hiện “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân” đã có sự lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp cơ sở.

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, người dân tại tổ dân phố số 10, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền phấn chấn cho biết: “1-9-2017, tại hội nghị đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, người dân nêu hai vấn đề đang khó khăn ở cơ sở, đó là thiếu nhà văn hóa để tổ chức các hoạt động chung của cộng đồng tại tổ dân phố số 10 và tình trạng ô nhiễm môi trường do người dân đổ rác lưu cữu nhiều năm tại khu đất trống thuộc khu thảm len cũ.

Đồng chí Chủ tịch UBND phường lắng nghe người dân hiến kế, chỉ đạo các công chức chuyên ngành tài chính, môi trường, xây dựng của phường nghiên cứu đề xuất phương án, giải pháp phù hợp. Chỉ 2 tuần sau, chúng tôi thấy phường họp với khu dân cư về xây dựng nhà văn hóa trên diện tích khu vệ sinh công cộng cũ, để không nhiều năm. Đến cuối  tháng 9, nhà văn hóa được khởi công, xây dựng. Ngày 10-10-2017, khu bãi rác lưu cữu tại khu đất trống của thảm len cũ đã được thu gom sạch sẽ, diện tích này dành để xây dựng khu ẩm thực bảo đảm an toàn thực phẩm của thành phố”. Cũng như ông Thịnh, nhiều người dân ở phường Lạc Viên rất vui vì thấy ý kiến của mình được người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe và có giải pháp xử lý ngay, hiệu quả rõ.

 

Đồng chí Trần Quang Tuấn, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng đánh giá, từ khi thực hiện quy chế đối thoại theo Quyết định 1738 của Thành ủy, công tác đối thoại của quận đi vào nền nếp. Thông qua đối thoại, nhiều kiến nghị của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền quận, phường tiếp thu và đề nghị các ngành chức năng của thành phố giải quyết như: kiến nghị của nhân dân về vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng thuộc phạm vi Dự án Vinhomes Imperia bị cày xới, mấp mô, nguy hiểm đối với người đi bộ; đề nghị xây dựng cầu bắc qua sông Tam Bạc nối liền Hạ Lý và đường Tam Bạc phục vụ việc đi lại của nhân dân …đã được giải quyết. Đến nay, toàn bộ vỉa hè đường Bạch Đằng khu vực Dự án Vinhomes Imperia được lát gạch phục vụ người đi bộ. Ngày 5-7-2017, cầu vượt sông Tam Bạc do Công ty TNHH Sơn Trường đầu tư xây dựng với tổng trị giá hơn 80 tỷ đồng được khánh thành, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân phường Hạ Lý….

 

Cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều địa phương khẳng định, với quy chế trong Quyết định 1738, bước đầu thành phố đã “chuẩn hóa” hoạt động đối thoại với dân. Đây cũng là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, phát huy tinh thần dân chủ, đồng thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đối thoại để kích động, nói xấu gây mất đoàn kết. Từ việc chuẩn hóa công tác đối thoại định kỳ của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, thành phố đa dạng hình thức đối thoại đạt hiệu quả cao. Điển hình như lãnh đạo UBND thành phố đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp vào ngày mồng 10 hằng tháng; đối thoại trực tuyến 6 tháng/lần với doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử thành phố; duy trì lịch tiếp công dân vào tuần thứ 3 hằng tháng; duy trì hoạt động của trang điện tử “Đối thoại công tư” để giải quyết các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; định kỳ 2 tháng tổ chức phiên đối thoại của lãnh đạo sở, ngành, UBND quận, huyện trên trang điện tử “ Đối thoại công tư”…

 

Kim Oanh- Minh Châm

 

Kỳ 2: Hiệu quả cao nhiều mặt

 

Thực hiện đối thoại với nhân dân theo quy chế chuẩn của Ban Thường vụ Thành ủy tại Quyết định 1738, nhiều địa phương đã giải quyết “tận gốc”, kịp thời những kiến nghị của nhân dân. Việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận cao. Đồng thời đây cũng là cơ hội để lãnh đạo chính quyền trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. 

 

Giải tỏa điểm nóng, bức xúc trong dân

 

Cuộc đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) với nhân dân sáng 16-9-2017 về việc di dời trạm điện cao thế sang khu vực mới, không ảnh hưởng đến nhà văn hóa thôn và nhà dân đã giải tỏa được sự căng thẳng, ngột ngạt, bức bối của người dân. Sau đối thoại, cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã lẫn người dân và cả những cán bộ Điện lực Kiến Thụy đều thấy nhẹ nhõm. Từ chỗ người dân kiên quyết không cho xây dựng trạm điện, ngăn cản đơn vị thi công, nay đồng ý cho xây dựng trạm điện tại khu vực cách chỗ cũ hơn 100 m. Chỉ qua mấy giờ sau khi người đứng đầu chính quyền địa phương đích thân xuống hiện trường và đối thoại với dân, mà như có “phép màu” giải tỏa sự căng thẳng, bức xúc diễn ra nhiều ngày trước đó. 

 

Tương tự như vậy, trong thời gian vừa qua, một số xã trên địa bàn huyện Thủy Nguyên khi xảy ra “điểm nóng”, bức xúc, nổi cộm trong các tầng lớp nhân dân, thế nhưng chỉ qua một vài lần đối thoại giữa những người lãnh đạo có thẩm quyền, trách nhiệm, hầu hết các “điểm nóng” đều được “giải nhiệt”, nhiều vấn đề nổi cộm của người dân được tháo gỡ, giải quyết. Chủ tịch UBND xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) Hoàng Minh Luân khẳng định, liên tục trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã tổ chức 3 hội nghị đối thoại với nhân dân toàn xã. Ngoài ra, ở từng thôn, khu dân cư có vấn đề bức xúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã trực tiếp gặp gỡ đối thoại với người dân, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, không chờ hội nghị đối thoại định kỳ. Đối thoại trực tiếp với người dân chẳng những làm cho cán bộ lãnh đạo hiểu được tâm tư, nguyện vọng, vận động, thuyết phục người dân, còn giúp nhân dân trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” cán bộ lãnh đạo trả lời, xử lý những vấn đề họ nêu ra.

 

Bà Phạm Thị Đót, Trưởng thôn 7, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) cho biết: “Qua đối thoại, từng người dân được phản ánh trực tiếp ý kiến của mình với người có thẩm quyền cao nhất ở địa phương mà không phải qua cấp trung gian nào như trước; đồng thời được nghe lãnh đạo trả lời, giải thích ngay một số vấn đề. “Thời gian đầu, khi xã triển khai đối thoại, người dân chúng tôi tỏ ra chưa tin tưởng nhiều băn khoăn tái diễn tình trạng “hứa nhiều mà giải quyết chẳng bao nhiêu” nên bà con còn phát biểu chung chung. Dần dà, thấy các ý kiến phản ánh, kiến nghị của bà con đều được xem xét giải quyết ngay theo thẩm quyền, người dân tin tưởng, thẳng thắn góp ý nhiều vấn đề hạn chế của địa phương; góp ý về năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức để chính quyền có chấn chỉnh kịp thời”.

 

Theo Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Hồng Bàng Nguyễn Văn Ngũ, trong 2 năm thực hiện tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân theo Quyết định 1738 của Thành ủy, cấp quận tổ chức 4 hội nghị đối thoại, trong đó 2 hội nghị đối thoại của Bí thư Quận ủy, 2 hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND quận với nhân dân. Cấp phường tổ chức 44 hội nghị, trong đó 22 hội nghị của Bí thư Đảng ủy, 22 hội nghị của Chủ tịch UBND phường với nhân dân. Bên cạnh hoạt động đối thoại trực tiếp theo định kỳ, 2 năm qua, quận tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại trực tiếp, đột xuất của Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận để giải quyết các vấn đề nóng tại cơ sở. Ban đầu, khi thực hiện việc người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhiều đồng chí e ngại, băn khoăn diễn biến trước các buổi đối thoại. Nhưng qua thực tế tổ chức đối thoại, kết quả đem lại với nhiều thành công. Các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đều trên tinh thần xây dựng, mong muốn các cấp, ngành, cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương. Từ đó, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương không còn tâm lý e ngại khi tiếp xúc với dân, tăng cường gặp gỡ dân. 

 

Sàng lọc, đánh giá năng lực và phẩm chất cán bộ

 

Bà Đặng Thị Xuyên, người dân thôn Lão Phong 2, xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy) nhớ lại, năm 2013, tại hội nghị đối thoại “Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy lắng nghe ý kiến nhân dân” (thực hiện theo đề án người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân của Huyện ủy), chúng tôi có phản ánh việc Trưởng Công an xã có những biểu hiện tiêu cực, “hành” dân. Sau hội nghị đối thoại, chúng tôi thấy chính quyền địa phương có đoàn kiểm tra làm việc với Công an xã, phát hiện cán bộ này có sai phạm. Công an huyện vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Từ sự việc đó, người dân Tân Phong thêm tin tưởng vào chính quyền địa phương, mạnh dạn phát biểu ý kiến góp ý về công tác cán bộ của địa phương. 

 

Từ thực tế địa phương, đồng chí Hoàng Thúy Hà, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong khẳng định, đối thoại chính là dịp để nhân dân đề xuất, bày tỏ mong muốn, hiến kế và đây còn là kênh giám sát quan trọng. Không ít trường hợp, ý kiến của người dân có giá trị phục vụ công tác cán bộ hơn cả những kênh khác. Mặt khác, qua những câu hỏi, chất vấn, kiến nghị người dân nêu, các cán bộ, công chức chuyên môn thấy rõ trách nhiệm của mình để tập trung giải quyết những vấn đề được giao một cách khẩn trương, không thể làm qua loa, lấy lệ. Mỗi lần đối thoại với dân là một lần để người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng bộ, chính quyền; phát hiện, tố giác những cán bộ, đảng viên, công chức có những hành vi tiêu cực; đồng thời là một lần “sát hạch”, “chấm điểm” công khai, minh bạch năng lực, trách nhiệm, uy tín, bản lĩnh chính trị và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức ở cơ sở. Đặc biệt, qua đối thoại, cán bộ cấp trên trực tiếp kiểm nghiệm được uy tín, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp dưới, những người đứng đầu tổ chức, địa phương, đơn vị. Đồng thời đây cũng là cơ hội để lãnh đạo chính quyền trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân.

 

Đồng chí Đào Văn Tài, cán bộ địa chính xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) khẳng định, thành công trong việc đối thoại với dân chính là động lực thúc đẩy người cán bộ, đảng viên, công chức không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức, trách nhiệm, thái độ, phong cách làm việc của mình để đủ tầm đối thoại với dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong muốn của người dân. 

 

Kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn

 

“Qua các cuộc đối thoại, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá được chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để có thể phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời” - đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiên Lãng khẳng định. Trong 2 năm qua, Huyện ủy Tiên Lãng thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại người đứng đầu cấp ủy Đảng với người dân từ huyện đến các xã, thị trấn định kỳ 1 tháng/lần. Từ các hội nghị đối thoại này, huyện xây dựng các nghị quyết chuyên đề về việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa; nghị quyết vận động nhân dân góp đất, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn…được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

 

Theo Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng Trần Quang Tuấn, qua đối thoại với nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn quận, lãnh đạo quận Hồng Bàng nhận thấy có nhiều vấn đề trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư của nhà nước cần điều chỉnh hoặc có sự áp dụng linh động hơn. Từ thực tế này, quận đề xuất thành phố và nhà đầu tư áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân trong dự án Khu đô thị Vinhomes Imperia, dự án Công viên cây xanh Tam Bạc…Cũng từ ý kiến của người dân, từ tháng 7-2016, Ban Thường vụ Quận ủy chọn phương châm dân vận ở Dự án Vinhomes Imperia là: Trực tiếp “một cửa, một điểm”. Trong đó, “một cửa” là việc lãnh đạo quận đến từng hộ dân trong khu vực được phân công để tuyên truyền, vận động; được giao thẩm quyền nhất định để trực tiếp giải quyết ngay và tại chỗ những nội dung gia đình có kiến nghị về chính sách bồi thường, về tái định cư theo quy định của pháp luật…“một điểm”là việc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện tại các hộ dân. Nhờ sự sáng tạo này, việc giải phóng mặt bằng cho dự án thành công ngoài dự kiến.

 

Kim Oanh- Minh Châm

 

Kỳ 3: Khắc phục tính hình thức, giải quyết kiến nghị thấu đáo

 

Bên cạnh những kết quả nổi bật, qua kiểm tra việc thực hiện Quyết định 1738 của Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy đánh giá vẫn có một số cấp ủy Đảng triển khai chưa tốt, chưa thực hiện một cách rộng khắp; các hoạt động tiếp xúc đối thoại có nơi còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ nội dung trong quy chế…

 

Làm hình thức, tính thuyết phục không cao

 

Phó bí thư Thường trực phụ trách Đảng bộ huyện Kiến Thụy Đỗ Xuân Trịnh cho biết: “Từ năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy xây dựng và thực hiện đề án “Cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân” trước thời điểm có Quyết định 218 của Bộ Chính trị, đây cũng là một trong những cơ sở thực tiễn để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định 1738 về quy chế đối thoại sau này. Mặc dù địa phương có kinh nghiệm từ thực hiện đề án “Cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân”, nhưng khá nhiều xã trên địa bàn huyện vẫn e ngại việc tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ với nhân dân theo Quyết định 1738. Từ đầu năm 2017 đến nay, mới có 2/17 xã triển khai hội nghị đối thoại nhân dân theo chuyên đề, vấn đề nóng. Một số xã ngại tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ, lấy lý do là nhân dân không có kiến nghị gì, các ý kiến đều đã nêu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Thực tế này cho thấy, một số đồng chí đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền hiểu chưa đúng về tầm quan trọng của công tác đối thoại định kỳ, đối thoại chủ động”.  

 

Đồng chí Phạm Văn Hùng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thủy Nguyên thông tin: qua kiểm tra việc thực hiện quy chế người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đối thoại với nhân dân, Ban Dân vận Huyện ủy thấy công tác chuẩn bị, quy trình, cách thức tổ chức đối thoại trực tiếp ở mỗi địa phương, cơ sở còn khác nhau; nhiều nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận, gây khó khăn trong việc nắm bắt tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, báo cáo kết quả đối thoại. Công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc đối thoại chưa được sâu rộng; hội nghị đối thoại tổ chức trong 1/2 ngày với nhiều nội dung, mất nhiều thời gian cho báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội; báo cáo tổng hợp ý kiến và kết quả trả lời ý kiến đề nghị, kiến nghị của nhân dân, dẫn đến nhiều ý kiến của nhân dân lại tiếp thu giao cho bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết và trả lời bằng văn bản cho người dân; có nơi còn nhầm lẫn hội nghị đối thoại với cuộc tiếp xúc cử tri. Phần lớn hội nghị đối thoại chưa trưng cầu ý kiến, kinh nghiệm, tham vấn các biện pháp, giải pháp giúp cấp ủy Đảng, chính quyền tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở. Đến tháng 10-2017, toàn huyện mới có 15/ 37 xã tổ chức đối thoại định kỳ năm 2017. 

 

Theo Ban Dân vận Thành ủy, hiện mỗi địa phương lại quy định thời gian tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ khác nhau. Quận ủy Hồng Bàng quy định, Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND các phường tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân 1 lần vào tháng 6; Bí thư Đảng ủy các phường, Bí thư Quận ủy đối thoại trực tiếp với nhân dân 1 lần vào tháng 12 hằng năm. Quận ủy Kiến An, Lê Chân quy định người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đối thoại với dân định kỳ 6 tháng/lần. Huyện ủy Kiến Thụy, Huyện ủy Thủy Nguyên, quy định người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đối thoại với nhân dân ít nhất 1 lần/năm, cùng với đó có thể tổ chức đối thoại trực tiếp, chuyên đề theo yêu cầu. 

 

Trong Quyết định 1738, Ban Thường vụ Thành ủy quy định rất cụ thể về các bước tổ chức đối thoại, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp người đứng đầu cấp ủy Đảng cũng như người đứng đầu chính quyền các cấp tổ chức hoạt động đối thoại với nhân dân một cách hiệu quả, khoa học; quy định trách nhiệm của các cơ quan đảng cũng như các cơ quan chính quyền khi nhận được yêu cầu giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân thông qua hoạt động đối thoại. Nhưng trên thực tế, khá nhiều địa phương có sự chồng chéo trong tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và hoạt động đối thoại theo định kỳ dẫn đến hiệu quả công tác đối thoại và giải quyết một số vấn đề sau đối thoại chưa cao. 

 

Cùng với đó, một số địa phương chưa chú ý việc tuyên truyền, công khai nội dung, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ rộng rãi đến người dân, có tư tưởng ngại nghe ý kiến trái chiều nên chỉ ưu tiên lựa chọn hội viên các hội đoàn thể, trưởng, phó thôn dự hội nghị đối thoại. Do đó, khi tham gia ý kiến, đại biểu còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm, hỏi chung chung. Ngược lại, có địa phương chưa quan tâm khâu chuẩn bị, việc lấy phiếu xin ý kiến của người dân, dự báo, nắm rõ tình hình tư tưởng nhân dân, nhất là những người sẽ tham gia hội nghị đối thoại, xảy ra hiện tượng để các thành phần không có tính xây dựng phát biểu, lôi kéo số đông người dân theo ý không tốt, phá hỏng mục đích ban đầu của hội nghị đối thoại. 

 

Lúng túng trong điều hành và xử lý kiến nghị   

 

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thủy Nguyên Phạm Văn Hùng nhận xét, trên thực tế, có không ít người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền cấp cơ sở chưa đủ năng lực để điều hành hội nghị đối thoại với dân. Một số cán bộ chủ chốt các địa phương chưa nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu tình hình cơ sở chưa đầy đủ, cho nên khi đối thoại với dân còn lúng túng, bị động, không đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, có cán bộ xử lý tình huống không kịp thời trong quá trình điều hành, để xảy ra tình trạng có người lợi dụng đối thoại để xuyên tạc, phát ngôn không đúng về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước 

 

“Điều người dân quan tâm nhất trong đối thoại là những kiến nghị của họ có được chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết hay không và giải quyết đến đâu? Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giải quyết triệt để các kiến nghị của người dân”- ông Nguyễn Mạnh Cường, người dân thôn Phương Chử, xã Trường Thành, huyện An Lão băn khoăn. “Tôi thấy, có các vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương, thường giải quyết kéo dài và không triệt để. Từ đó, dẫn đến các kỳ đối thoại sau còn nhiều việc người dân kiến nghị chưa được giải quyết thấu đáo, người dân tiếp tục kiến nghị đi, kiến nghị lại. Bên cạnh đó, người dân vẫn thấy cán bộ, công chức chuyên môn chưa thực tâm lắng nghe dân, trả lời kiến nghị của dân chung chung, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Sau nhiều lần thấy chính quyền chỉ hứa suông, nói không đi đôi với làm, người dân giảm lòng tin, không nêu kiến nghị hoặc được mời đến hội nghị đối thoại nhưng không đến”

Kim Oanh- Minh Châm

 

Kỳ cuối: Để đối thoại trở thành nền nếp, hiệu quả thiết thực hơn

 

Từ thực tế tổ chức đối thoại theo Quyết định 1738 của Ban Thường vụ Thành ủy, nhiều địa phương đưa ra một số giải pháp khắc phục hạn chế, để công tác đối thoại đi vào nền nếp, trở thành nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính, phục vụ, tránh thực hiện mang tính hình thức.

 

Thực hiện nghiêm túc quy trình, chủ động đối thoại

 

Đồng chí Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, cho biết: “Khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy chế về đối thoại trực tiếp người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân” (tại Quyết định 1738), có yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc tổ chức đối thoại định kỳ với quy trình đã được chuẩn hóa, hướng dẫn kỹ lưỡng, chú ý chủ động đối thoại định kỳ. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc đối thoại định kỳ, chủ động, để phát huy vai trò quan trọng của đối thoại là đánh giá được chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để có thể phát huy hoặc điều chỉnh. Tôi tin chắc rằng, nếu tổ chức tốt việc đối thoại chủ động sẽ không còn phải đối thoại thụ động để giải quyết tình huống phức tạp nữa”.

 

Từ thực tế tổ chức thành công đối thoại theo Quyết định 1738 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Trần Quang Tuấn, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng đánh giá: “Thành công lớn nhất là Quận ủy nỗ lực từng bước đưa hoạt động đối thoại với dân trở thành nền nếp của cấp ủy Đảng, chính quyền, ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu. Từ quy chế của Thành ủy, chúng tôi nghiên cứu và ban hành kế hoạch triển khai từ quận đến các phường bảo đảm phân công rõ người, rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với từng phần việc cụ thể, cũng như cách thức tổ chức  hội nghị đối thoại. Từ kế hoạch này, quận lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân một cách tập trung, quyết liệt. Huy động tốt sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc phối hợp nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu, đề xuất phương án, biện pháp, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt tình hình, chủ động trong quá trình tổ chức hội nghị. Chủ động khơi gợi vấn đề thảo luận, tạo môi trường tâm lý thuận lợi cho các đại biểu dự hội nghị đối thoại...Đặc biệt, để việc đối thoại định kỳ không mang tính hình thức, quận Hồng Bàng yêu cầu các phường không chọn đại biểu nhân dân để được nghe khen, nói tốt. Thay vào đó, luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều có tính phản biện cao”.

 

Theo đồng chí Bùi Đức Quang, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Ban chủ động rà soát việc triển khai Quyết định 1738, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy điều chỉnh, bổ sung Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với người dân cho phù hợp với yêu cầu mới; ban hành, tổ chức thực hiện quy định người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp; thủ trưởng các sở, ngành lắng nghe, trả lời, giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

 

Tạo niềm tin của nhân dân sau đối thoại

 

Chủ tịch UBND phường Gia Viên (quận Ngô Quyền) Nguyễn Quốc Thái nhận xét, điều ngươì dân quan tâm hơn cả là sau đối thoại, vấn đề của họ kiến nghị có được giải quyết hay không? “Do vậy, ngay trong hội nghị đối thoại phải thể hiện rõ sự trân trọng ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân, cụ thể là thông qua việc giải quyết các kiến nghị chính đáng. Sau mỗi cuộc đối thoại, ngoài những kiến nghị có thể trả lời trực tiếp, chúng tôi tổng hợp tất cả các ý kiến của người dân, phân loại rồi giao các công chức chuyên môn giải quyết. Việc giải quyết các kiến nghị của người dân phải rõ ràng, công khai, minh bạch; nói rõ cách giải quyết, viện dẫn cụ thể; vấn đề kiến nghị nào chưa giải quyết được, vượt quá thẩm quyền cũng phải nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan…Người chủ trì hội nghị đối thoại phải dẫn dắt, gợi mở các vấn đề mà thành phố, quận, phường đang tập trung chỉ đạo, những vấn đề nhân dân quan tâm, đặc biệt là giải quyết ngay tại hội nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở, công khai tiến độ, thời gian giải quyết, cơ quan giải quyết và người chịu trách nhiệm để nhân dân giám sát, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào cấp ủy Đảng, chính quyền”. Cùng với đó, phường Gia Viên phát huy được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cơ quan, đơn vị liên quan như điện, nước, nhà ở, quản lý đô thị, các đơn vị chủ đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn giúp phường giải quyết kịp thời, hiệu quả cao những kiến nghị của nhân dân, tạo niềm tin và phấn khởi trong nhân dân. Phường không chỉ đối thoại thường kỳ, mà còn tổ chức đối thoại đột xuất với dân để giải quyết những vấn đề phát sinh. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn chủ động xuống dân, công khai số điện thoại để xin ý kiến nhân dân.

 

Ông Phạm Hồng Thưởng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) thời kỳ đi đầu làm “khoán sản phẩm” trong cả nước nêu ý kiến, người dân rất quan tâm việc sau đối thoại, chính quyền địa phương, các ngành chức năng có giám sát được cán bộ, công chức, cấp cơ sở giải quyết và công khai kết quả giải quyết kiến nghị của người dân như thế nào. “Qua theo dõi thực tế, tôi biết một số địa phương đã có cơ chế làm rõ trách nhiệm và việc thực hiện trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận sau tiếp xúc đối thoại; yêu cầu báo cáo định kỳ, công khai kết quả giải quyết sau đối thoại đến người dân. Tuy nhiên, để sự giám sát này thực sự hiệu quả cao, thiết thực, phải có sự phối hợp với tổ chức đoàn thể, có cơ chế để người dân được tham gia giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên để người dân được biết việc chính quyền xử lý những cán bộ yếu chuyên môn, có sai phạm sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân”, ông Thưởng đề nghị.

 

Phát biểu tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp” do Quận ủy Kiến An tổ chức, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng thẳng thắn đánh giá, đối thoại là giải pháp trước tiên để giải tỏa căng thẳng, bức xúc của người dân. Cái được lớn nhất là đối thoại giúp cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng bền chặt, gần gũi thân thiết, củng cố niềm tin, tạo nên đồng thuận xã hội. Qua đối thoại của những người lãnh đạo các cấp với dân, người dân được góp ý xây dựng chính quyền, bớt e dè khi tiếp xúc với cán bộ, chính quyền. Việc giải quyết kiến nghị của người dân sau đối thoại chính là thước đo năng lực, trình độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức… Để công tác đối thoại thực sự đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực hơn, đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và của các cơ quan liên quan trong tham mưu, giải quyết kiến nghị của người dân, tránh tình trạng nể nang, né tránh. MTTQ thành phố, Ban Dân vận Thành ủy và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ, nắm bắt những bức xúc trong nhân dân và tăng cường giám sát thực hiện đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Các địa phương tiếp tục trao đổi thông tin, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tổ chức hoạt động đối thoại hiệu quả hơn. Căn cứ quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy, cấp uỷ Đảng các cấp cần xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế đối thoại trực tiếp, có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Kim Oanh- Minh Châm 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất