Để đất nước hòa bình, độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và không ngừng phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng no ấm, giàu mạnh như ngày hôm nay, rất nhiều thế hệ cha anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chiến tranh đã qua đi, hàng nghìn chiến sỹ đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng có nhiều chiến sỹ may mắn trở về với cuộc sống đời thường, tuy cơ thể không còn lành lặn, sức khỏe suy giảm do vết thương của chiến tranh để lại. Nhưng phần lớn, họ vẫn phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, viết tiếp trang sử vẻ vang. Trước kia, họ là những anh hùng trong thời chiến, thì nay họ tiếp tục là anh hùng trong công cuộc đổi mới của đất nước. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là thương binh Mai Văn Cho, ở tổ 6 khu phố Tân Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Mưu sinh
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường K (Căm-pu-chia), năm 1982, với những thương tật trên người, ông Mai Văn Cho xuất ngũ với kết luận thương binh 4/4 và trở về địa phương tại ấp Hiếu Cảm, Chơn Thành. Năm đó, cựu quân nhân Cho rời thị trấn Chơn Thành, đến làm việc ở Xí nghiệp xưởng cưa 26/12 (làm kinh tế cho Huyện ủy Đồng Phú) và quyết định lập nghiệp, chọn Đồng Xoài là quê hương thứ hai. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn thì xí nghiệp giải thể, khiến cho cuộc sống của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn.
Để duy trì cuộc sống, do không có vốn nên cả vợ chồng ông đều lăn ra làm thuê cuốc mướn, ai kêu gì làm nấy mà không nề hà, lười nhác, miễn có tiền nuôi con. Nhờ siêng năng, chăm chỉ và làm có trách nhiệm, nên được nhiều người thuê mướn, quanh năm suốt tháng vợ chồng ông không ngơi việc. Ngày qua ngày tích cóp, một khoản tiền nho nhỏ được dôi ra, lúc bấy giờ giá đất rẻ, nên ông đã mua được một mảnh đất nhỏ để dựng căn nhà tạm.
Những khi trái nắng trở trời, sức khỏe suy yếu do bị vết thương hành hạ đã khiến ông càng trăn trở, suy nghĩ về con đường mưu sinh của gia đình mình, bởi nghề làm thuê đòi hỏi sức khỏe tốt và dẻo dai. Vốn là một người lính, không thể cam chịu, khuất phục trước khó khăn, nhớ lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” và với quyết tâm cao, ông đã trở thành tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Làm kinh tế giỏi và giúp đỡ mọi người
Sau khi có được mảnh đất nhỏ để cất căn nhà tạm, được sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, ông đã đầu tư xây chuồng nuôi heo. Chỉ từ 2 con heo con đầu tiên, với tính cần cù, chịu khó, gia đình ông đã phát triển được một đàn 16 con. Khi có vốn từ chăn nuôi heo, năm 1998, ông đầu tư thêm chăn nuôi bò. Từ năm 2005 đến nay, ông chuyển sang mô hình đầu tư nuôi nhím, đến nay có hơn 40 con nhím.
Từ nguồn vốn chăn nuôi tiết kiệm trong bao năm, ông đã mua được 3ha đất đầu tư trồng cây cao su. Tiếp tục phương châm lấy ngắn nuôi dài, bằng cách tiết kiệm từ lãi chăn nuôi để đầu tư chăm sóc cho cây cao su và đến nay cây cao su đã cho thu hoạch năm thứ 6.
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn quan tâm chia sẻ khó khăn với người khác, ông Cho quan niệm giúp người khác là bản chất của Bộ đội Cụ Hồ. Nên ngay từ 1998 ông đã giúp đỡ đồng đội mình và các gia đình đang gặp khó khăn bằng cách cho bà con chăn nuôi bò theo hình thức nuôi chia hai (ông bỏ giống, bà con bỏ công, khi bò sinh sản thì chia hai). Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, khá giả.
Tiếp tục mở rộng sản xuất, ông đã đầu tư xây dựng 1 xưởng chẻ điều với hơn 40 bàn chẻ, tạo công ăn việc làm cho trên 70 lao động trong và ngoài khu phố. Tiếp đến, ông đầu tư thêm 1 lò sấy hạt điều, giải quyết lao động nhàn rỗi cho thêm 50 lao động.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông còn đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liên tiếp. Ông có 3 người con thì người con đầu hiện là Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Tân Bình (TX Đồng Xoài), người con gái thứ hai đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định và cô con gái út đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Tài chính - Kế toán TP Hồ Chí Minh, cá nhân ông đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”. Gia đình ông tích cực tham gia các phong trào, riêng năm 2013 đã ủng hộ 20 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Cán bộ LĐTB&XH phường Tân Bình (TX Đồng Xoài) cho biết, toàn phường có 87 hộ gia đình thương binh, gia đình ông Cho luôn là hộ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền, mới đây nhất ông Cho được tỉnh đề nghị Bộ LĐTB&XH tặng bằng khen nhân kỷ niệm 67 năm ngày TBLS. Bà Hải cho biết thêm, ông Cho là một trong 2 thương binh được tỉnh cử tham dự Hội nghị biểu dương thương binh toàn quốc lần thứ II.
Xuân Hiệp
Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Bình Phước