Dẫu biết rằng mảnh đất và con người vùng cao Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc đầy vất vả, khó khăn nhưng cũng đầy thơ mộng qua lời ca: “Bản em lưng chừng núi, lưng chừng đèo/Từng bậc thang lên xuống như cung đàn, ngân dài” của nhạc sỹ An Thuyên… Có ngược Đông Bắc, chúng ta mới thấy, càng gian khó, mảnh đất này càng xuất hiện nhiều tấm gương luôn nỗ lực vươn lên, làm giàu từ hai bàn tay trắng, góp phần điểm tô cho mảnh đất nghèo thêm hương sắc. Một trong những tấm gương đó là chàng trai Vàng Thìn Nghì, người dân tộc Bố Y, với mô hình trồng cây đương quy cho thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Dám nghĩ, dám làm
Một ngày hè tháng sáu, nắng vàng rực trải dài trên khắp những luống đương quy xanh tốt sắp đến ngày thu hoạch, đoàn chúng tôi đến thăm ruộng đương quy của anh Vàng Thìn Nghì. Niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt khi anh chia sẻ với chúng tôi về thành quả anh cùng gia đình gây dựng nhiều năm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Năm 2000, anh Nghì làm việc tại Trung tâm Giống cây trồng Phố Bảng, huyện Đồng Văn. Gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ nên anh Nghì hiểu được lợi thế của địa phương mình là nơi có khí hậu, đất đai phù hợp với việc trồng một số loại cây dược liệu. Vì thế, năm 2006 anh chuyển công tác về làm cán bộ khuyến nông xã Thái An, huyện Quản Bạ. Thời điểm ấy, Viện Dược liệu đưa một số giống cây lên Phố Bảng trồng và anh biết đến một loại cây với tên gọi đương quy. Cây có mùi thơm dịu, khi ăn thì ngọt mát, có thể chế biến làm các món ăn hằng ngày, quan trọng là có tác dụng chữa các bệnh về thiếu máu, đem lại giá trị dinh dưỡng cao trong chăm sóc sức khỏe.
Càng gắn bó với vùng quê nghèo, chàng trai người dân tộc Bố Y càng thấu hiểu sự quan trọng của những cây dược liệu trong đời sống. Trước kia, giao thông đi lại khó khăn nên mỗi khi có người thân đau ốm, ông bà, cha mẹ anh Nghì đều dựa vào các bài thuốc, cây thuốc dân gian có sẵn để chữa bệnh. Nhưng cây thuốc thì ngày càng cạn kiệt mà nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng lớn. Chính vì thế, làm việc tại Trung tâm, có thời gian anh đều tranh thủ đến từng luống cây dược liệu để xem, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, ghi chép lại những điều học được làm kinh nghiệm. Những cây giống Trung tâm loại ra, anh xin về trồng thử trên luống đất nhỏ của gia đình.
Thấy bà con bao năm vẫn cứ loay hoay với những loại rau màu như su hào, bắp cải, cà chua… để cung cấp ra thị trường, giá cả không ổn định, quanh năm vẫn lo chuyện cái đói, cái nghèo. Anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm một hướng đi mới để có thể thay đổi đời sống cho gia đình mình cũng như các hộ dân nơi đây. Nghĩ là làm, năm 2009 anh quyết định xin nghỉ việc ở xã để tập trung vào con đường đã chọn. “Lúc bỏ việc, ai cũng bảo tôi “có vấn đề”, đang có công việc ổn định lại bỏ làm, về trồng cây lạ, không ăn được mà cũng không biết bán cho ai” - Anh Nghì nhớ lại. Lời dạy của Bác Hồ khi lên thăm Hà Giang năm xưa: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no. Phải chú ý trồng cây ăn quả và cây làm thuốc…” luôn nhắc nhở anh cố gắng, nỗ lực vươn lên, thôi thúc anh kiên trì tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm việc nhân giống và trồng đại trà cây đương quy.
Và rồi, những luống đương quy gãy ngọn, “không đẹp mắt” ngày nào anh xin về trồng thử sau 16 tháng chăm sóc đã hợp khí hậu, thổ nhưỡng, vươn lên xanh tốt như khát khao làm giàu của chàng thanh niên giàu nghị lực. Khi thu hoạch, anh mang củ đương quy ra chợ bán, rất ít người mua vì chưa rõ công dụng, cách dùng. May mắn, anh gặp một khách hàng miền xuôi, chuyên thu gom dược liệu mua hết. Vị khách này còn dặn khi nào thu hoạch, sẽ lên tận nơi thu mua. Số tiền bán đương quy đợt đầu anh thu được đã nhiều hơn so với những vụ trồng ngô, trồng lúa. Điều đó khiến anh Vàng Thìn Nghì tự tin hơn với lựa chọn của mình.
Trồng cây đến ngày hái quả
Chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng, chẳng có thành công nào không trải qua nhiều thất bại. Quá trình tự nhân giống, phát triển cây dược liệu của Vàng Thìn Nghì cũng đầy gian nan. Khi bắt tay vào trồng thử, anh đã gặp khó khăn về kỹ thuật và thiếu vốn. Thời tiết khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, tuyết rơi, giao mùa xuân - hè có mưa đá, có khi xuất hiện cả băng. Đặc biệt, sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm từ 10 đến 18oC khiến bao lần anh đau xót nhìn ruộng đương quy chết vì mưa đá, ngập úng. Thế nhưng, anh không hề có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc.
Năm 2011, trong lần tham quan khi đi nhận Giải thưởng Lương Định Của ở Thái Bình, thấy nhiều mô hình trồng dược liệu ở đây có hiệu quả, anh trăn trở: Bạn làm được, sao mình không? Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Không ngại thất bại, thấy triển vọng của việc trồng cây dược liệu, ý tưởng mở rộng diện tích trồng, phát triển vùng dược liệu mà anh ấp ủ càng được củng cố. Ham học hỏi, anh tìm tòi, tự học từ các phương tiện truyền thông, bạn bè, rồi tham gia nhiều hội thảo do tỉnh, huyện tổ chức và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều công ty sản xuất dược phẩm trong nước. Anh tiếp tục đầu tư vốn, thuê thêm đất của bà con trong thôn để mở rộng diện tích trồng. Năm 2015, anh xác định lấy đương quy làm cây chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình. Anh chia sẻ: Những ngày đầu khi đi thuê đất, anh kiên trì cùng Trưởng bản đến từng hộ gia đình thuyết phục. Có cuộc họp bản, cán bộ huyện, xã thuyết phục người dân đến gần nửa đêm họ vẫn chưa đồng ý. Người dân nghèo, sợ cho anh thuê đất trồng dược liệu mà thất bại, đến lúc đó ngô, lúa không có để ăn. Kiên trì thuyết phục cộng với nhìn thấy gia đình anh trồng dược liệu bán được tiền, dần dần người dân hiểu ra, tin tưởng và đồng ý cho anh thuê.
Anh đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp sang trồng cây dược liệu, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 10 lao động thời vụ, chi trả lương cho lao động thường xuyên từ 3 triệu đồng/tháng trở lên, thu nhập năm 2015 sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về 200 triệu đồng. Thành công bước đầu đã tạo động lực để anh và gia đình cố gắng. Để quảng bá sản phẩm của mình, giúp nhiều người có cơ hội được sử dụng đương quy, anh lặn lội đến những điểm khách du lịch dừng chân ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái giới thiệu sản phẩm. Sau mỗi chuyến đi, khách đặt hàng đương quy ngày một nhiều, anh càng quyết tâm mở rộng diện tích. Năm 2016, gia đình anh mạnh dạn vay 500 triệu đồng để mở rộng sản xuất, đầu tư trồng 10ha cây dược liệu. Chưa dừng ở đó, anh tiếp tục thuê đất, liên kết mở rộng sản xuất với tổng diện tích tăng lên 15ha. Thu nhập bình quân của gia đình anh năm 2017 đã đạt 700 triệu đồng, năm 2018 dự kiến 900 triệu đồng, tạo việc làm cho 35 lao động thường xuyên với mức lương hơn 4,2 triệu đồng/tháng và 150 lao động thời vụ.
Mô hình trồng đương quy của gia đình anh cho thấy trồng loại dược liệu này đem lại hiệu quả kinh tế gấp 7-8 lần trồng lúa, ngô, điều đó đã khiến nhiều người dân trong thôn, xã phấn khởi, muốn học hỏi kinh nghiệm để làm theo. Sau thành công của bản thân, anh đã vận động nhiều hộ dân trong thôn cùng chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sang trồng dược liệu. Gia đình nào muốn tìm hiểu về giống, kỹ thuật, anh đều tận tình hướng dẫn. Anh cũng tuyên truyền cho bà con dân bản biết và thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết trồng cây dược liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm bà con trồng được. Những việc làm của anh đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong thôn nói riêng và toàn xã nói chung. Tin tưởng và làm theo anh, đã có 5 gia đình cùng đầu tư trồng đương quy. Năm 2018, anh thành lập Hợp tác xã Y học bản địa Quyết Tiến gồm 8 thành viên do anh làm Phó Giám đốc. Anh chia sẻ: Trồng dược liệu cho thu nhập tốt hơn trồng các cây hoa màu, lương thực khác. Nhưng đương quy được thu mua chủ yếu là đương quy tươi với giá bán 30-50 nghìn/kg. Nếu sấy khô thì giá bán dao động 150-200 nghìn/kg. Người dân mình làm ra sản phẩm nhưng lại phải bán với giá rất rẻ, người mua thì vẫn phải mua với giá cao do chi phí sơ chế, chế biến khá lớn. Tôi mong muốn có nhà máy sơ chế, chế biến ngay tại xã để ai ai cũng được mua dược liệu chất lượng tốt, giá phù hợp. Với suy nghĩ này, anh đã trực tiếp đi tham khảo nhiều nơi, nghiên cứu với quyết tâm xây dựng nhà máy sơ chế, chế
biến đương quy trong một tương lai không xa.Sau hơn 10 năm trồng cây dược liệu, chàng trai giàu nghị lực này luôn có suy nghĩ: Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà phải có trách nhiệm với cộng đồng, vận động, thuyết phục mọi người cùng làm theo. Nhờ chịu khó học hỏi, nghiên cứu, anh Nghì đã tự tạo ra được nguồn giống tại chỗ, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài. Hiện nay, các sản phẩm dược liệu do Hợp tác xã Y học bản địa Quyết Tiến sản xuất ra được người dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến. Khi được hỏi, với tư cách là một đảng viên làm kinh tế, anh suy nghĩ gì? Anh cười hiền hậu: Tôi chỉ nghĩ đơn giản, là đảng viên, trước hết phải thực hiện tốt nhiệm vụ của người công dân, luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu làm giàu cho gia đình và quê hương. Kinh tế khá giả, cái đói được đẩy lùi, bà con nơi đây sẽ có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là điều có ý nghĩa nhất, cũng là việc học và làm theo Bác Hồ hiệu quả nhất.
Với những gì đã làm được cho bà con, vùng đất quê hương, anh Vàng Thìn Nghì nhận được nhiều bằng khen của các cấp, các ngành: Giải thưởng Lương Định Của, Cúp Nhà nông trẻ của Trung ương Đoàn, Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hà Giang, danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương… Tin rằng, cùng với những chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân sẽ chắp cánh để những ước mơ của anh sớm thành hiện thực.
Phạm Giang