Ysĩ Phan Thị Thanh Cần, Trưởng trạm Y tế xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là người hết lòng vì người bệnh. Bà lớn lên tại vùng quê nghèo ven biển Khánh Hòa, nơi mà mọi người gọi là “Đồng khô cỏ cháy”, người dân chủ yếu thuần nông và một số ít đi biển ven bờ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng bà vẫn cố gắng nuôi dưỡng ước mơ vào ngành Y để được phục vụ người dân nghèo quê bà.
Y sĩ Cần tâm sự, cuộc sống thời bao cấp ngày ấy vô cùng khó khăn, khi người dân ốm đau không có điều kiện chăm sóc về y tế. Nhân lực, trang thiết bị y tế đều thiếu, nhà trạm cũ kỹ dột nát, từ nhà đến bệnh viện hơn 10 km mà nếu đi thì chủ yếu chỉ có đi xe đạp hoặc đi bộ…Bà suy nghĩ rất nhiều và quyết định bỏ mơ ước làm nghề giáo viên để theo học trung cấp Y.
Là một y sĩ chuyên ngành sản nhi, đến nay Y sĩ Phan Thị Thanh Cần có thâm niêm 38 năm trong ngành. Niềm vui đối với bà là mỗi khi đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông” hoặc cấp cứu thành công cho bệnh nhân choáng do xuất huyết tiêu hóa, sốt cao co giật, chấn thương do tai nạn… Thế nhưng, bao nhiêu năm gắn bó với nghề, cũng đã không ít lần bà suy nghĩ, trăn trở khi phải chuyển tuyến những ca bệnh vượt quá khả năng tuyến trạm mà hoàn cảnh của bệnh nhân rất khó khăn.
Bản tính thân thiện, yêu đời, nhưng bà Cần từng có lúc muốn ngã quỵ vì tuyệt vọng. Năm 2008, con gái bà đang học lớp 12 thì phát hiện bị ung thư phổi. Con điều trị được 3 tháng thì chồng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Bà tưởng mình không vượt qua nổi. Tuy biết con cần mình, bệnh nhân cũng cần mình, nhưng mường tượng tương lai đơn độc lạnh lẽo là bà chỉ muốn đổ gục. Bà chia sẻ: Cũng may, đồng nghiệp, bạn bè, người thân luôn động viên, thậm chí có bệnh nhân đang đau sốt cũng cố gắng động viên tôi. Vì thế, tôi đã gắng gượng vượt qua tâm tư riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại địa phượng.
Bà vẫn nhớ như in khi kể lại câu chuyện đỡ đẻ, trong khoảng hơn 1.000 ca đẻ mà bà tham gia đỡ, bà khó có thể quên 9 ca đẻ ngược và một ca sinh đôi khiến bà... thót tim. Trong đó, đáng nhớ nhất là ca đẻ ngược là người thân của một người cùng làm trong trạm y tế. Khi bệnh nhân vào đẻ, đã chuyển dạ gần sinh, trong khi ấy bà lại đang bị tổn thương xương bánh chè sau tai nạn giao thông, không thể đứng nên bà chỉ có thể ngồi ngay bên bàn đẻ, hướng dẫn và nhìn chi tiết thao tác của nữ hộ sinh khi đỡ đẻ. Đến khi bé được sinh ra, mặt đã trắng bợt, không thấy nhịp thở. Lúc ấy bà nghĩ bé đã không may mắn qua đời, chỉ có cách phải làm sao để cứu mẹ. Thế nhưng khi nữ hộ sinh đặt em bé xuống bàn thấp hơn, ngay trước măt bà, bà thấy em bé chỉ như đang ngủ thôi, còn nước còn tát, bà đặt một cái gạc qua miệng bé để hô hấp, còn nữ hộ sinh phải lo cho mẹ của bé. Thời đó không có máy hút đờm dãi, không có bình oxy, cứ thể bà hà hơi, thổi ngạt, hô hấp khoảng 90 phút thì em bé từ trắng bệch đã dần tím, rồi hồng trở lại, rồi khóc. Bà vỡ òa sung sướng vì đã cứu được bé. Câu chuyện này đã xảy ra cách đây 17 năm nhưng bà vẫn nhớ như in bởi vẫn dõi theo bé hàng ngày, từ giây phút sống lại ấy đến khi biết đi, biết chạy và giờ đã là một cô học trò lớp 11 của trường làng. Đặc biệt, có những ca đẻ ngược, sản phụ cũng chẳng chịu tới viện, khi bà con trong xóm báo bà tới thì chân em bé đã thò ra ngoài. Lúc ấy bà nghĩ làm sao cho em bé ra nhanh nhất để cứu bé mà không nghĩ gì đến rủi ro, tai biến vì có chuyển đi cũng không kịp. Nghĩ cũng may mắn, tất cả 9 ca đẻ ngược đều an toàn, không xảy ra tai biến.
Điều bà tâm đắc nhất đấy chính là bà đã cùng nhân viên Trạm Y tế cải thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Trạm Y tế xã Ninh Thọ giờ cũng khác xưa nhiều. Qua 2 lần chuyển trụ sở rồi xây mới, trạm hiện có 14 phòng chức năng với trang thiết bị y tế hiện đại, cho phép xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, đo điện tim… Đội ngũ nhân lực vững tay nghề với 8 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng. Trạm thu hút 70 - 80 lượt người khám/ngày và khoảng 100 - 110 ca sinh/năm. Đặc biệt, trạm luôn thực hiện phương châm “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, không để xảy ra sai sót chuyên môn.
Sức khỏe là vốn quí nhất của con người, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, vì thế, bà luôn xác định cho nhân viên Trạm y tế xã: Là cán bộ y tế cơ sở phải luôn gần dân để trực tiếp thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và điều trị một số bệnh thông thường; cố gắng thực hiện tốt các tiêu chuẩn về y đức, quy chế giao tiếp người bệnh. Đồng thời tham mưu cho Trung tâm y tế thị xã, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã. Ngoài ra, bà cũng duy trì được hoạt động y tế thôn, cộng tác viên các chương trình có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…
Với những thành tích trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, y sĩ Phạm Thị Thanh Cần đã được nhận 1 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, 7 Bằng khen của UBND tỉnh, 2 Bằng khen của Bộ Y tế, 1 Bằng khen Tỉnh ủy Khánh Hòa. Bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy Thuốc ưu tú” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
La Giang