Nói đến Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải, nguyên Trưởng đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, đại biểu Quốc hội khóa IX (ảnh bên), trước hết phải nói đến cái duyên quan họ. Mảnh đất Kinh Bắc đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ quan họ nhưng để khán giả yêu, khán giả nhớ về một người “có cái duyên quan họ” thì không phải ai cũng may mắn như bà
66 tuổi, bà đã có 50 năm hát dân ca và cống hiến cho sân khấu quan họ chuyên nghiệp. Có thể nói bà là kết tinh của nhiều vẻ đẹp, chỉ cần khoác trên mình bộ trang phục liền chị, chít chiếc khăn mỏ quạ, khán giả đã thấy ở bà toát ra những nét duyên quan họ đằm thắm, duyên từ giọng nói, miệng cười, duyên từ ánh mắt, dáng đi và hơn hết bà có cái duyên ngay ở chính giọng hát của mình.
Những năm tháng không thể nào quên
Sinh ra ở xã Phật Tích (nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), ngay từ những năm lên 6, Thúy Cải đã được người mẹ, vốn là người làng Ném Đoài, một trong những làng quan họ cổ, dạy hát những bài quan họ giọng vặt như: “Khách đến chơi nhà”, “Cây trúc xinh”, “Người ở đừng về”, “Ba sáu thứ chim”, “Lý Thiên Thai”... Hơn nữa, lại được sống trong một không gian làng quê đậm đà bản sắc với những câu hát quan họ khiến cô bé Cải ngày càng yêu thích và mong muốn được gắn cuộc đời mình với quan họ.
Tháng 5-1969, nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu, sau là Trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc có ý định chọn cô Canh, là chị gái của cô Cải vào Đội ca hát quan họ (lúc này chưa thành lập đoàn) vì nhan sắc có phần trội hơn. Thế nhưng, bà cụ thân sinh với kinh nghiệm của mình đã từ chối và kiên quyết cho cô em đi, vì theo bà “nhất thanh, nhì sắc”. Hơn nữa, bà thấy cô Cải có tố chất quan trọng của người hát, đó là “trường cổ đại thanh”. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời của cô bé 16 tuổi.
Thúy Cải là người thứ 9 được tuyển vào Đội ca hát quan họ. Nói là ca hát quan họ nhưng nhiệm vụ chính là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu dân ca quan họ. Thúy Cải và các học viên nhập cuộc với bài hát “La rằng” (bài lề lối): “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà/ Hôm nay họp mặt giao hòa/ Nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên”. Lời có vậy mà cứ i a ư hự, học gần một tháng mà bẻ câu chưa thành.
Cuối năm 1969, cán bộ, diễn viên, nhạc công đã lên đến con số 30 người. Nơi tạm trú của Đội quan họ tại thôn Tĩnh Lộc, sau chuyển sang làng Lai (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngoài học hát những bài quan họ cổ do nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi truyền dạy, diễn viên và nhạc công được học các môn lý luận cơ bản tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Ban đầu biết bao khó khăn, thiếu thốn như cơm phải đựng vào chậu đóng bằng gỗ, ăn tập trên sân kho đầm vôi cát, mỗi khi có cơn gió đi qua thì bụi bay mù mịt. Nhưng rồi khó khăn cũng qua, với một năm vừa học tập, vừa xây dựng tổ chức đơn vị, Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc chính thức hình thành.
Kịch mục đầu tiên là ca cảnh “Cây sáo trúc” của tác giả Đào Thiệm cơ bản đã dựng xong. Tuy nhiên, dân ca quan họ là một thể loại ca hát trữ tình, với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn lúc bấy giờ xem chừng chưa phù hợp. Vậy là Đoàn chuyển sang dựng các ca cảnh “Ngày hội năm xưa”, “Vào chùa”, “ Ông cháu”, “Giã bạn”… Đó là các ca cảnh quan họ được gom lại từ những nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của quan họ rồi đưa lên sân khấu, sau gộp cả lại mang tựa đề “Quan họ ngày hội”.
Tháng 10-1970, Đoàn chuyển về xóm Chinh, làng Lũng Giang, xã Vân Tương, huyện Tiên Sơn (nay là huyện Tiên Du). Với phương châm bám vùng quan họ gốc để thực hiện nhiệm vụ sưu tầm các làn điệu, văn bản lời ca và lề lối sinh hoạt văn hóa quan họ… Còn về học hát quan họ cổ, hằng ngày diễn viên và nhạc công theo các nghệ nhân làm lụng ngoài đồng hay dọn dẹp ở nhà, tối đến mới có cơi trầu đến kính các bậc nghệ nhân xin được truyền lại cho những làn điệu, lời ca hay đôi ba câu đối đáp trước canh hát. Chuyện học hát những câu quan họ cổ dần dần đã có phần quen, nhưng lúc bấy giờ ở vùng quan họ mấy ai hát quan họ cổ (!), chỉ có đôi ba làn điệu được đặt lời mới phục vụ chính trị nên thường gọi là “Quan họ đài”, còn quan họ truyền thống gần như bị lãng quên. Hơn nữa, tại thời điểm đó nước nhà chưa thống nhất, kinh tế còn rất khó khăn, ai cũng lo làm lo ăn có nghĩ đâu đến việc ca hát.
“Mấy anh trai làng nghe chúng tôi học hát, cứ bảo chúng tôi học khấn tiên sư… Cũng buồn. Nhưng với nhiệt tình của tuổi trẻ nên việc học, việc sưu tầm và xây dựng chương trình biểu diễn vẫn cứ tiếp diễn trong nhiều tháng” - Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải bồi hồi nhớ lại. Guồng máy đang có đà thì trận lụt lớn năm 1971 ập tới, cả vùng quan họ chìm trong biển nước, công tác phục vụ bão lụt lại đặt lên hàng đầu, lại chia năm xẻ bẩy về từng xóm, thôn cùng bà con khắc phục hậu quả bão lụt. Cũng từ đây hai ca cảnh “Khóm trúc bên sông” và “Đống rạ ải” đã ra đời. Sau trận lụt, khó khăn vẫn chưa hết, Nhà nước phát động cán bộ, viên chức tự túc một phần lương thực. Chúng tôi về núi Hiểu, xã Quang Châu (nay thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xin ruộng cày cấy. Ruộng chiêm trũng cấy gặt nước đều ngập tới thắt lưng, vị nào sợ đỉa thì khổ biết chừng nào. Yên ổn với những nhiệm vụ bất thường, công việc sưu tầm, xây dựng chương trình biểu diễn lại chóng mặt. “Đón bạn ngày xuân” là chương trình quan họ truyền thống thứ hai, mô phỏng cảnh liền anh, liền chị các làng quan họ luyện hát, sắm sửa chuẩn bị cho việc đón bạn kết nghĩa của mình khi mùa xuân tới”.
“Có công mài sắt có ngày nên kim”, sau khi kết thúc khóa học, Thúy Cải và các học viên đã sưu tầm và hát được hơn 200 làn điệu quan họ với hơn 500 bài ca quan họ. Trong đó có hàng trăm bài quan họ gốc thể hiện rõ những giá trị đặc trưng của loại hình dân ca đặc sắc phổ biến ở vùng quê Kinh Bắc cùng những lề lối sinh hoạt truyền thống. Các chương trình biểu diễn của Đoàn được các diễn viên, nhạc công thể hiện khá thuần thục. Sau đó, Đoàn có hai đợt biểu diễn báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu cùng cán bộ, nhân dân Thủ đô một cách thành công, khẳng định và gợi ra một tầm nhìn đúng đắn về dân ca quan họ nói riêng, nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung. Đó là năm 1974. Cũng từ đấy biết bao đoàn khách trong và ngoài nước đã về Bắc Ninh nghe hát dân ca quan họ và đặc biệt là tìm hiểu về hát canh trong quan họ. Cũng năm ấy là cái mốc đánh dấu sự hồi sinh của dân ca quan họ, bởi đó là năm người dân miền Bắc xem bộ phim “Đến hẹn lại lên” mà trong đó Thúy Cải đã có một vai diễn để đời. Cùng với việc đưa Đoàn đi biểu diễn phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế xem, quan họ Bắc Ninh đã thực sự “sống lại” như lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám lúc bấy giờ.
Đã khẳng định mình thì phải gánh vác nhiệm vụ mới, năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, Đoàn chính thức nhận kế hoạch biểu diễn phục vụ nhân dân hằng năm. Những buổi biểu diễn phục vụ quân và dân, máy phát điện được cải tiến từ máy bơm nước Ba Lan, phương tiện vận chuyển thì bằng xe cải tiến, xe bò, người kéo, xe đạp cá nhân… Buổi đầu tiên tại bãi chiếu bóng đồi Lim, đúng là trời vui, đất vui, nhân dân vui - một môn nghệ thuật được đưa lên sân khấu hoàn toàn mới mẻ. Anh chị em trong Đoàn ai nấy đều phấp phỏng lo âu về cái “vạn sự khởi đầu nan” này. Trong tâm trạng đan xen vui mừng, lo âu khó ai đo đếm, các đồng chí lãnh đạo còn lo gấp bội. Nhưng rồi phấn khởi bất ngờ. Mới chập tối điểm bán vé vừa lên đèn mà khán giả đã từ các ngả đường ùn ùn kéo đến. Vé bán không kịp, người dồn vào bãi mỗi lúc một đông, cửa xé vé ùn tắc, xé vé không kịp, chen chúc, cản không xong, rồi vỡ òa tháo khoán... Với Thúy Cải, việc khán giả ủng hộ cho đêm diễn thành công là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi.
Chuỗi ngày tươi sáng đang bừng chiếu thì đột nhiên xuất hiện nhiệm vụ mới. Thúy Cải và các nghệ sĩ lại hành quân lên biên giới phía bắc phục vụ các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Từng tốp, từng tốp hát “chay”, không có thiết bị, mưa rét vẫn hát. Mặc bom rơi, đạn nổ, tiếng hát, tiếng đàn của các nghệ sĩ vẫn nồng cháy, vút bay làm ấm lòng bao chiến sĩ. Những năm đầu của thập niên 80, nhiều chương trình thể nghiệm được dàn dựng như “Sự tích trầu cau”, “Đôi ngọc lưu ly”, “Chuyện tình Tiên Du”; các ca cảnh như “Khúc hát đảo xa”, “Khúc hát làng sông”. Các chương trình ca múa nhạc cùng với các chương trình quan họ truyền thống đã giới thiệu tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và lan tỏa di sản quan họ trong đời sống đương đại.
Vẫn đắm say trên con đường đã chọn
Nhiều người yêu quan họ đều nhận xét rằng nghe Thúy Cải hát một lần sẽ nhớ, nhớ rồi sẽ thích, thích rồi sẽ mê. Với bà, dù biểu diễn trên sân khấu đơn sơ nơi vùng sâu, vùng xa hay sân khấu sang trọng ở nước ngoài, dù biểu diễn cho những người dân lao động chân lấm tay bùn hay những chính khách thì cứ được hát quan họ là hạnh phúc biết bao. 50 năm trong nghề, ngoài giọng hát quan họ say đắm lòng người thì bà còn là vị lãnh đạo hết lòng vì công việc. 12 năm trên cương vị Trưởng đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, Thúy Cải không chỉ nỗ lực để anh chị em trong Đoàn sống tốt bằng nghề mà còn cố gắng để quan họ đến được với nhiều vùng quê trong cả nước. Bà đã nhiều lần đi nói chuyện trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở các trường học để lớp trẻ hiểu và yêu quan họ cũng như văn hóa của người quan họ.
Có một công việc mà Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải cũng rất miệt mài, tâm huyết, đó là giảng dạy tại các cơ sở đào tạo quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Theo bà, một giọng hát quan họ hay thì phải vang, rền, nền, nảy, mà “nảy” trong quan họ rất quan trọng nhưng không phải ai cũng hát được. Muốn giọng hát “nảy” được thì thế hệ trẻ phải học hỏi rất nhiều, ngoài học trường lớp còn phải học các nghệ nhân ở các làng quan họ cổ cùng quá trình tập luyện kỳ công. Đặc biệt, bà rất quan tâm đến việc truyền tình yêu quan họ đến với các em nhỏ. Bởi theo bà, chính các em sẽ góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương. Được biết, khoảng 10 năm trở lại đây, khi đã trở về quê nhà dưới chân núi Bất Lự (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) sinh sống, cứ mỗi chủ nhật bà lại đứng lớp dạy các em nhỏ hát quan họ. Những giá trị của làn điệu dân ca truyền thống từ bao đời nay là không thể phủ nhận vì thế những lớp học truyền khẩu như vậy dường như là biện pháp tốt nhất để có thể truyền thụ một cách rõ ràng, hiệu quả nhất những tinh hoa truyền thống.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho dân ca quan họ nói riêng, cho âm nhạc truyền thống nói chung, bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2015. Thế nhưng, trò chuyện với tôi hôm nay, trong một buổi chiều đông 2019, bà lại bảo rằng: Danh hiệu ấy là rất quý nhưng quan trọng và hạnh phúc hơn là đi đến đâu người ta cũng biết đến bà và mong muốn được trực tiếp nghe bà hát.
Đạt được những thành công trong ngày hôm nay, bà vẫn luôn tâm niệm nếu không có chồng con thì mình không làm được gì hết. Học cùng nhau ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc rồi sau này công tác cùng Đoàn (chồng bà phụ trách âm thanh, ánh sáng), vợ chồng bà luôn kề vai sát cánh trong mọi hành trình. Ngoài làm việc ở Đoàn quan họ, bà còn tham gia HĐND tỉnh, là đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Như vậy có nghĩa là công việc rất bận rộn, chồng bà đã tự nguyện lùi về phía sau, lo lắng, chăm sóc con cái, nhà cửa cho bà yên tâm công tác. Có lẽ vì vậy bà luôn cảm thấy may mắn vì có hậu phương vững chắc là gia đình. Vì thế, dù cho có những lúc thăng hoa trên sân khấu nhưng không bao giờ bà quên phép tắc gia phong và giữ gìn chính mình trong lề lối nghiêm ngặt của người quan họ. Bởi vậy, bà có một cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm nhiều người mơ ước. Được biết, người con gái lớn của bà là chị Lê Ngọc Lương, hiện là Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, cũng đang tiếp nối người mẹ của mình để lan tỏa dân ca quan họ nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.
Đến bây giờ mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng trong lòng bà vẫn còn canh cánh với ước mơ quan họ ngày nào. “Cái phải ghi nhớ đó là ai đã tạo ra và để lại cho người dân Bắc Ninh hôm nay nền văn hiến Kinh Bắc, trong đó có quan họ. Nhân dân biết trân trọng nền văn hiến của địa phương mà giữ gìn đến ngày nay, để Thúy Cải cùng bao nghệ sĩ khác được thừa hưởng hương thơm ấy, để rồi được vinh danh. 50 năm - nửa thế kỷ, dài mà ngắn. Dài ngắn đâu kể, mà là kể cái ta được thừa hưởng hương thơm của dân ca quan họ; ngược lại chúng ta tri ân được bao nhiêu cho sự trường tồn của dân ca quan họ, ấy mới là điều cần gắng sức. Các bạn trẻ hãy vì nghệ thuật mà lao động, sáng tạo để xứng đáng với những giá trị văn hóa quan họ mà người xưa để lại, xứng với miền quê văn hiến mà mình đã sinh ra. Nay thế hệ đi trước đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” muốn vương vấn với quan họ mà lực bất tòng tâm. Tương lai trên con đường gìn giữ và phát triển dân ca quan họ nhờ cậy cả vào thế hệ hôm nay. Những mong các bạn hãy đem loại hình nghệ thuật hát dân ca quan họ Bắc Ninh hòa vào cuộc sống bằng tâm huyết thực sự và tài năng sáng tạo của thời đại mới. Như vậy dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa”, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải nghẹn ngào chia sẻ.
Kỳ lạ thay cuộc đời của một người nghệ sĩ với gần 70 năm tuổi đời, 35 tuổi đảng, 50 năm gắn bó, sắt son với quan họ nhưng nét duyên quan họ vẫn còn nguyên, cả thanh và sắc vẫn giữ được bền, chỉ chín chắn hơn, đằm thắm hơn và sâu nặng nghĩa tình hơn mà thôi. Có lẽ vì thế mà người bạn diễn suốt nửa thế kỷ của bà là Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng từng nhận xét rằng: “Quan họ sinh ra để dành cho Thúy Cải như một bông hoa nguyên chất không cần cấy ghép”.
Ngô Đăng Khoa