Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trong đó có những đột phá, chẳng hạn bí thư cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bí thư cấp huyện không phải là người địa phương. Vấn đề sử dụng, cất nhắc quan lại không phải người địa phương đã được ông cha ta xây dựng và thực hiện cả hàng trăm năm nay. Đó là Luật Hồi tỵ (gọi nôm na là lánh đi). Vừa qua, báo chí cũng nhắc nhiều về việc vận dụng Luật này trong công tác cán bộ hiện nay và chắc chắn làm được sẽ đem lại hiệu quả tích cực.
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại nhớ đến việc Bác Hồ thường hay “lánh đi” trong ngày sinh của mình. Có lẽ Bác Hồ đã vận dụng những kinh nghiệm của cha ông chúng ta trong cuộc sống hằng ngày? Tuy Bác Hồ là người khởi xướng, sáng lập và lãnh đạo Đảng ta từ những năm cuối của thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ XX và chính Người cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thế nhưng, mãi đến ngày 19 tháng 5 năm 1946, năm đó Bác Hồ 56 tuổi, lần đầu tiên người dân Việt Nam mới chính thức biết ngày sinh và có dịp kỷ niệm sinh nhật của Người. Năm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác tổ chức tiếp đại biểu các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ tự vệ, các hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ, đại biểu nhân dân Hà Nội... đến chúc thọ Bác. Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với đồng bào. Tại buổi gặp mặt này, Bác thổ lộ: Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ.Trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình.
Từ đó, ngày 19 tháng 5 hằng năm kỷ niệm ngày sinh của một lãnh tụ, ai ai cũng hướng tới. Tuy nhiên, Người không tỏ ra quan tâm tới sinh nhật của mình, không muốn có sự khác biệt giữa Người với nhân dân. Vì vậy, cứ vào dịp đó, Bác thường căn dặn các địa phương, các cơ quan, đoàn thể là không nên tổ chức chúc thọ linh đình làm tốn thời giờ, tiền của của nhân dân, trong khi cuộc kháng chiến còn kéo dài, đời sống người dân còn nhiều gian khó. Chẳng hạn năm 1965, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, đồng chí Trường Chinh thay mặt Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến chúc mừng, Hồ Chủ tịch đã thẳng thắn trả lời: “Bác cám ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên”.
Nói vậy, nhưng để cho chắc chắn, cứ đến ngày ấy, Bác Hồ của chúng ta lại thường “lánh đi” nơi khác, cứ đến gần ngày 19-5, Người thường tìm cách vắng mặt. Chẳng hạn, ngày 19-5-1958, Bác đi thăm chùa Hương; 17-5-1960, Bác đi thăm không chính thức Nam Ninh (Trung Quốc). Năm 1968, Hồ Chí Minh “trốn” lên Hồ Tây, việc “bị lộ”, Bộ Chính Trị, Trung ương Đảng lên mừng Bác. Bác buộc lòng phải trở về nhà sàn. Để đơn giản việc chúc mừng, Bác đề nghị chỉ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở lại dùng cơm chiều với Bác. Năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều, dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi “công tác xa” như những năm trước đó. Bác yêu cầu mang “tài liệu bí mật” ra sửa. Bác viết: "Năm nay tôi vừa 79 tuổi đã là hạng người “Xưa nay hiếm”. Nhưng tinh thần và đầu óc vẫn sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 tuổi, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ… Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi phải đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi thấy đột ngột“
Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại rằng, mấy tuần lễ trước lúc Bác mất, một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị vào thăm Bác và báo cáo cho Bác biết quyết định tổ chức bốn ngày lễ lớn năm 1970. Đó là: 40 năm thành lập Đảng; 90 năm ngày sinh của V.I.Lênin; 25 năm thành lập nước và 80 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Nằm trên giường bệnh, Bác bảo: “Các chú nên bàn lại cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác chỉ đồng ý ba phần tư nghị quyết, Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Hiện nay các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới… Với nữa tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh nhật của Bác, thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”.
Từ sau lần chúc mừng sinh nhật Bác năm 1946, đến lúc qua đời, Bác không bao giờ cho phép làm sinh nhật rầm rộ như thế nữa. Ngay cả việc đồng bào Hà Nội tổ chức sinh nhật Bác năm 1946 cũng là lý do “bất khả kháng”. Đồng chí Vũ Kỳ, trong một bức thư đề ngày 10-5-1970 gửi cho một đồng chí ở Miền Nam, nói về bối cảnh lúc đó như sau: “Đồng chí Nam, đồng chí còn nhớ bối cảnh ngày 19-5 đầu tiên không nhỉ? Ngày 19-5-1946. Hồi ấy vừa giành được quyền độc lập, nhưng khó khăn còn rất nhiều. Nạn lụt, nạn đói, nạn ngoại xâm…, quan quân của Tưởng và bọn tay sai của Việt Nam Quốc dân Đảng quấy rồi ở miền bắc. Bọn thực dân núp sau quân Anh, Ấn gây hấn ở Miền Nam, rồi khiêu khích ở miên Bắc. Hồi đó cùng Trung ương Đảng, Bác lo lắng công việc suốt ngày đêm, người gầy đi. Bác Hồ của chúng ta dồn hết tâm sức vào việc chèo chống con thuyền Việt Nam qua thác ghềnh, sóng gió. Đúng vào lúc bề bồn công việc ấy, bỗng có tin nhân dân Thủ đô tuần hành biểu dương lực lượng để chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh 56 tuổi vào ngày 19-5-1946. Ngày 19-5 từ đó bắt đầu đi vào lịch sử”
Hiện nay không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn muốn phô trương thanh thế và như vậy, vẫn có nhiều “đàn em” “sân sau” sẵn sàng “hầu hạ” phục vụ “sếp” vô điều kiện để “trả nợ” và nhắm vào mối lợi bất chính mà “sếp” tạo điều kiện, ban phát sau này. Những hiện tượng như thế quần chúng, nhân dân là những người cảm nhận và biết hết. Do vậy, có cán bộ lãnh đạo nào đó “tay đã nhúng chàm” nếu không “lánh đi” theo Luật Hồi tỵ thì cũng nên “cắt đi” cái “lòng tham không đáy. Đó cũng là một chi tiết thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Vũ Lân