Xuân Mậu Tuất - 2018 đã đến trên dải đất hình chữ S, cây cối đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, mọi người, mọi nhà rộn rã với ngày Tết cổ truyền. Nhưng ở Lữ đoàn Tàu ngầm 189, cán bộ, chiến sĩ thuộc các kíp tàu vẫn ngày đêm miệt mài trong các chương trình huấn luyện, làm chủ con tàu với các vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại và sẵn sàng ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Những người lính đặc biệt
Tàu ngầm là lực lượng đặc biệt của Hải quân, vì vậy những người lính trên tàu ngầm là những người lính đặc biệt. Với cách nói mộc mạc của người lính biển, thượng tá Nguyễn Văn Bách, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 189, từng là thuyền trưởng Tàu ngầm 183 - mang tên TP. Hồ Chí Minh, khuôn mặt sạm đen, săn chắc vì nắng và gió biển, cho biết: Tàu ngầm là phương tiện chiến đấu đặc biệt, cho nên phải có con người đặc biệt, tinh thần đoàn kết đặc biệt và tính kỷ luật đặc biệt thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Do tính chất đặc thù của tàu ngầm, công tác huấn luyện kíp tàu luôn là nhiệm vụ nặng nề, thậm chí là vô cùng hà khắc, bởi khi làm nhiệm vụ, tàu thường xuyên hoạt động ở trạng thái lặn trong lòng biển, ẩn mình giữa đại dương, cán bộ, chiến sỹ trên các kíp tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày với cường độ cao, không gian tàu chật hẹp, môi trường áp suất thay đổi... Nếu huấn luyện không tốt, tàu không thể ra khơi trực chiến được.
Khi được hỏi về kết quả công tác huấn luyện các kíp tàu, thượng tá Nguyễn Văn Bách nói ngắn gọn: Huấn luyện kíp tàu ngầm là công việc tỉ mỉ, có kỷ luật, đòi hỏi mỗi thành viên phải quyết tâm cao, nỗ lực rèn luyện để vượt qua thử thách về tâm lý và thể lực, nắm bắt kỹ thuật và thao tác thành thục các trang bị được phân công. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó, tất cả cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đều phấn đấu ở mức cao nhất. Đảng viên luôn là tấm gương mẫu mực trong công tác, trong rèn luyện kỷ luật. Các kíp tàu giờ đây luôn tự tin, sẵn sàng ra khơi làm nhiệm vụ.
Câu chuyện 10 năm trước
Cách đây 10 năm, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong công tác chuẩn bị thành lập Lữ đoàn 189 là tuyển chọn các kíp tàu để huấn luyện, đào tạo, tiếp nhận tàu ngay sau khi được bàn giao. Việc lựa chọn kíp tàu được tiến hành ngay trong biên chế của Hải quân, nhưng vấn đề là chỉ những người lính có tố chất đặc biệt về thể lực và trí lực mới có thể trở thành thành viên của kíp tàu ngầm. Việc khám tuyển các kíp tàu ngầm được coi là cuộc “sát hạch” vô cùng nghiêm ngặt. Người khám tuyển ngoài việc phải tiến hành khám sức khỏe qua bốn vòng theo quy định, còn phải qua hai vòng bắt buộc: ngồi ghế đặc chủng quay 30 vòng; đưa vào buồng nén áp lực (buồng tăng áp) để thử sức chịu đựng, sau đó được đưa ra khám lại và chỉ những người vượt qua được toàn bộ chu trình mới được tiếp nhận. Trong số hàng trăm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, chiến sĩ tham gia khám tuyển vào các kíp tàu ngầm, việc tìm đủ số người đạt tiêu chuẩn khi đó là rất khó khăn. Trong một cuộc hội đàm về việc chuẩn bị đưa cán bộ, chiến sĩ sang huấn luyện và tiếp nhận tàu ngầm, đại diện Hải quân Liên bang Nga khi đó đã không ngần ngại nói với đồng chí Tư lệnh Hải quân Việt Nam rằng: “Tôi đố ngài trong thời gian hai năm tìm đủ sáu kíp tàu ngầm để đưa sang Nga đào tạo, huấn luyện tiếp nhận tàu ngầm...!”. Họ đã nhầm, dù khó khăn là thế, nhưng công tác tuyển chọn lực lượng đã thành công. Chỉ trong thời gian ngắn, Quân chủng Hải quân đã tuyển chọn đủ biên chế với chất lượng tốt và kịp thời đưa sang nước bạn huấn luyện, đào tạo tiếp nhận tàu và vũ khí, trang bị kỹ thuật theo đúng kế hoạch.
Là một trong những sĩ quan đầu tiên được Quân chủng Hải quân cử sang Liên bang Nga huấn luyện, đào tạo tiếp nhận tàu ngầm Kilo 636 (khi thượng cờ mang số hiệu 182 - mang tên Thủ đô Hà Nội), thượng tá Nguyễn Văn Quán, Chính ủy Lữ đoàn khi đó là Thuyền trưởng, nhớ lại: Những ngày đầu sang nước Nga học tập, công tác phải xa gia đình, xa Tổ quốc, thời tiết khí hậu khắc nghiệt và gặp khó khăn về ngôn ngữ... nhưng tất cả chúng tôi đều xác định quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ, phải xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân. Những ngày đầu nghiên cứu tài liệu, học tập, làm quen với trang bị, khí tài trên tàu gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. Chúng tôi phải tranh thủ cả giờ nghỉ, ngày nghỉ cuối tuần để học tập, đặc biệt là học và nâng cao vốn ngoại ngữ để tiếp thu được hết kiến thức chuyên ngành tàu ngầm, chỉ huy và quản lý tàu, sử dụng các trang bị vũ khí trên tàu. Ngoài ra, còn phải tích cực rèn luyện thể lực, bảo đảm đủ điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, vượt qua được các kỳ thi, kiểm tra sát hạch đối với thủy thủ tàu ngầm theo yêu cầu và tiêu chuẩn của Hải quân Nga. Mùa đông nước Nga rất khắc nghiệt, có những ngày nhiệt độ xuống -100C, nhưng ngày nào cũng vậy, đúng 5 giờ sáng, từ Lữ đoàn trưởng đến cán bộ khung thường trực và các học viên kíp tàu đều tham gia chạy bộ 10km để rèn luyện sức khỏe. Chứng kiến tinh thần rèn luyện thể lực của bộ đội Việt Nam, sĩ quan và chiến sĩ của bạn đã không ít lần bày tỏ sự cảm phục. Trong suốt thời gian học tập bên nước bạn, cho đến khi nhận bàn giao tàu về nước, 100% cán bộ, chiến sĩ các kíp tàu không ai vi phạm kỷ luật, được phía bạn đánh giá cao về trình độ và năng lực thực hành.
Giữ vững niềm tin yêu của Tổ quốc và nhân dân
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 189 đều nhớ về khoảnh khắc thiêng liêng khi thượng cờ tàu ngầm đầu tiên mang tên Thủ đô Hà Nội. Vào giờ phút ấy, tất cả những người lính tàu ngầm đều hiểu rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt trọng trách, lòng tin và cả niềm tự hào đối với họ. Nói về cảm xúc ngày đầu tiếp nhận tàu, đại úy Phạm Văn Thuận, Phó Thuyền trưởng Tàu ngầm 182 - Hà Nội bày tỏ: Kíp tàu chúng tôi rất vinh dự và tự hào được tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên về nước. Ngay từ những ngày đầu bên đất nước của bạn, tất cả cán bộ, thủy thủ trong kíp tàu đều đã như anh em trong một nhà. Ai nấy đều nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn trong huấn luyện, nhanh chóng thuần thục quy trình vận hành, thao tác sử dụng máy móc, thiết bị theo chức trách, nhiệm vụ được phân công. Và cho đến bây giờ, sau những chuỗi ngày khổ luyện, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được tàu, sử dụng thành thạo các trang bị, vũ khí hiện đại. Mới đây, khi sang giúp huấn luyện, bồi dưỡng chuyên ngành cho các kíp tàu, được tận mắt chứng kiến khả năng chỉ huy, điều hành, tổ chức huấn luyện các kíp tàu ngầm của Lữ đoàn 189, các chuyên gia Nga đã bày tỏ sự khâm phục đối với cán bộ, thủy thủ tàu ngầm Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn, thử thách và khổ luyện, các kíp thủy thủ giờ đây đã là chủ nhân thực sự của 6 chiếc tàu ngầm hiện đại. Họ là những người lính đặc biệt trong một đơn vị đặc biệt, mang trọng trách đặc biệt trong sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, vùng thềm lục địa của Tổ quốc. Xuân đã tràn ngập khắp phố phường, làng quê. Trong khuôn viên của Lữ đoàn 189, những cành hoa mai đã nở, khoe sắc vàng lung linh trong nắng và gió biển. Dù ở bên bờ quân cảng hay khi trực chiến ở giữa lòng đại dương, những cán bộ, thủy thủ các kíp tàu ngầm của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn không ngừng rèn dũa kỹ năng và bản lĩnh, sẵn sàng chiến đấu cao.
Những con tàu không chỉ mang theo số hiệu, mà trên tháp chỉ huy của mỗi con tàu là những cái tên gắn với lịch sử hào hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển. Những người lính tàu ngầm sẽ luôn tự hào và giữ vững niềm tin yêu của Tổ quốc, của nhân dân đối với họ.
Trần Quyết