Thực hiện tốt quy chế dân chủ để chăm lo lợi ích nhân dân Vinh Kim có 10 ấp, 5 nhà thờ, 13 linh mục, 19 tu sỹ, 5 ban quới chức gồm 120 thành viên và 6.689 tín đồ Công giáo chiếm 41% tổng số dân toàn xã. Nguồn sống chủ yếu của bà con là từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản; thu nhập bình quân khoảng 29 triệu đồng/người/ năm. Đầu năm, cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể ở đây luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội ở địa phương dựa trên thế mạnh của Vinh Kim là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền Vinh Kim tiếp tục chỉ đạo thực hiện học tập và làm theo Bác gắn với phương châm “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Theo đó, việc cải cách hành chính nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, giải quyết kịp thời những yêu cầu cụ thể của nhân dân, xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức xã trở thành công việc hằng ngày. Đảng ủy, chính quyền xã Vinh Kim yêu cầu từng cán bộ, đảng viên thực hiện giờ làm việc nghiêm túc, mỗi công việc đều phân công người chịu trách nhiệm, giữ uy tín với nhân dân, lấy đây là một tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức xã. Vinh Kim luôn chú trọng phát huy vai trò hoạt động của các ban điều hành giáo dân, tranh thủ sự đồng tình của các linh mục để cùng phối hợp chăm lo đời sống nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã luôn được gắn với nâng cao chất lượng ăn, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, học hành cho bà con. Mỗi việc chung đều được thảo luận dân chủ ở các tổ dân cư trước khi tiến hành. Cán bộ, đảng viên luôn đi đầu trong mọi phong trào nên được dân tin, làm theo. Những chủ trương, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới của xã đều được nhân dân đồng thuận và nhiệt tình thực hiện, đóng góp sức người, sức của. Nhờ vậy, kinh tế nông - thủy sản, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đều đạt kết quả tốt. 2 tuyến đường giao thông nông thôn từ ấp Mai Hương đến ấp Vinh Cửu dài 1.900m và từ chợ Mai Hương đến Cầu Bào Giá dài 1.000m đã được hoàn thành; trạm cung cấp nước sạch phục vụ người dân ở 2 ấp Cà Tum A và Cà Tum B đã được xây dựng; tuyến ống cung cấp nước cho bà con ở 2 ấp Rẩy và Rẩy A đã được kéo dài; việc chuyển đổi sản xuất ở tiểu vùng I (có diện tích khoảng 1.000ha ở 2 ấp Cà Tum A và Cà Tum B từ 1 vụ lúa, 1 vụ tôm sang chuyên nuôi trồng thuỷ sản) đã được thực hiện; khu vực chuyển đổi sản xuất chuyên màu ở 2 ấp Thôn Rôn và Giồng Lớn đã được nâng cấp… Chung tay nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Vinh Kim luôn xác định học và làm theo Bác từ những điều bình dị, cụ thể hằng ngày, giúp nhau cùng có cuộc sống no ấm, an lành. Nhiều mô hình học và làm theo gương Bác để phát triển kinh tế trong bà con giáo dân đã phát huy hiệu quả (mô hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; trồng màu, nuôi gà thả vườn, tiết kiệm tín dụng, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; giáo dục, cảm hóa đối tượng…). Từ thực hiện những mô hình trên, tỷ lệ hộ nghèo trong bà con giáo dân giảm từ 4,2% xuống còn dưới 1%, trong đó có 48 hộ thoát nghèo vươn lên khá, giàu. Các vị linh mục và bà con giáo dân đã tham gia xây dựng 8 cây cầu bê-tông, sửa chữa một cầu sắt, hiến 850m2 đất xây dựng chợ, hiến 4.000m2 đất và đổ 640m3 đá, làm mới và nâng cấp trên 6.000m đường đan, với tổng số tiền thực hiện trên 2,5 tỷ đồng. Tháng 6-2017, xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những năm trước đây, như nhiều địa phương khác của Trà Vinh, người dân Vinh Kim sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do mặt bằng dân trí không đồng đều nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi rất hạn chế. Ở Vinh Kim, cơ sở vật chất dành cho giáo dục thiếu đủ thứ, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt thấp, nhiều trường còn thiếu cả giáo viên, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khơ-me để theo gia đình đi làm ăn xa có lúc đến mức báo động. Các linh mục và bà con giáo dân tham gia đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục, động viên, khuyến khích con cháu đến trường, không bỏ học. Cuối năm 2002, Hội Khuyến học huyện Cầu Ngang ra đời đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao dân trí. Đến nay, 100% ấp, khóm của xã thành lập được chi hội khuyến học. Nhà thờ Vinh Kim nhận đỡ đầu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng việc cấp học bổng định kỳ và tặng quà bằng hiện vật khác. Ngoài việc vận động các tổ chức, các mạnh thường quân đóng góp xây dựng quỹ, Vinh Kim còn đẩy mạnh hoạt động văn nghệ gây quỹ khuyến học. Hoạt động này vừa khơi động phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, vừa tôn vinh các tập thể, cá nhân đóng góp vào quỹ. Trung bình mỗi đêm văn nghệ, các địa phương tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân khoảng 30 - 50 triệu đồng. Từ số tiền này mà hằng năm, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được đến trường… Ở Cầu Ngang, việc thành lập các trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần giúp người dân thông hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp thu các kiến thức về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trung tâm học tập cộng đồng đặt tại xã Vinh Kim với 9 điểm vệ tinh để đào tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế hộ. Để làm tốt công tác này, Đảng ủy xã Vinh Kim chỉ đạo các ban, ngành điều tra trình độ người dân ở độ tuổi từ 16 đến 60, sau đó phân loại theo nhóm ngành, nghề mà người dân có nhu cầu đào tạo để mở các lớp tập huấn. Các vị linh mục phối hợp với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã vận động giáo dân thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Nhà thờ Giồng Lớn giúp hằng trăm lượt người khám bệnh, mổ mắt miễn phí ở bệnh viện TP. Hồ Chí Minh và hỗ trợ thêm mỗi bệnh nhân một triệu đồng. Hằng năm, Đan viện Phước Vĩnh ấp Thôn Rôn góp vào nồi cháo tình thương của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang 15 triệu đồng. Các vị linh mục thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ người già neo đơn, những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, với tổng số tiền lên tới gần 500 triệu đồng. Nhiều tấm gương tiêu biểu về học và làm theo Bác, như linh mục Nguyễn Ngọc Thọ (Đan viện Phước Vĩnh, ấp Thôn Rôn), linh mục Trần Văn Kích (Nhà thờ Vinh Kim), linh mục Lương Phước Trung (Nhà thờ Giồng Lớn)… Về thăm Vinh Kim, gặp gỡ đồng bào giáo dân, điều mà chúng tôi ghi nhận được là chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước của đồng bào dân tộc Khơ-me, bà con giáo dân. Nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng phum, sóc, làng quê thêm giàu đẹp. Giờ đây, từ huyện về xã, từ xã tới ấp, đâu đâu cũng có những con đường khang trang, sạch đẹp. Với đức tin và ý thức “kính Chúa, yêu người như chính mình”, học và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên và đồng bào công giáo Vinh Kim đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Một mùa xuân nữa lại về với đất nước. Trong niềm tin mới và khát vọng lớn lao, nhìn lại những việc làm cụ thể, những đóng góp thiết thực của đồng bào Công giáo Vinh Kim cho thấy, khi đạo và đời cùng gắn bó dựng xây thì xóm làng no ấm, yên vui. |